CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 353/BC-CP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 9 năm 2022
|
BÁO CÁO
ĐÁNH
GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 2021
KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV VỀ CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
COVID-19
Kính gửi: Quốc hội
Thực hiện quy định tại điểm 3.8 của
Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội
khóa XV (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 30), Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc
hội việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống
dịch bệnh COVID-19 như sau:
PHẦN THỨ NHẤT
BỐI CẢNH XÂY DỰNG NGHỊ
QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 CỦA QUỐC HỘI
Dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm
2020, đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ
lây lan của đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước.
Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021,
với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất
hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường
học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ
dân cư cao làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Số ca mắc và tử vong
tăng cao, chiếm hơn 99% tổng số của 3 đợt dịch trước đó. Trong giai đoạn này, dịch
bệnh đã bùng phát mạnh, kéo dài trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh, thành phố
phía Nam, đặc biệt đã làm cho rất nhiều người tử vong, đã tác động nghiêm trọng
đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trên phạm vi toàn quốc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết
định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội trên
phạm vi rộng, trong thời gian dài, áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các
tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Thực tiễn dịch bệnh trong giai đoạn này là chưa có
tiền lệ, số ca mắc, ca nhập viện tăng cao ở rất nhiều địa phương. Các quy định
pháp luật, các cơ chế chính sách hiện hành trong thời kỳ này chưa bao phủ, chưa
lường hết các diễn biến của dịch bệnh... Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc,
sinh phẩm chẩn đoán (tét kít xét nghiệm), vắc xin... đều phải nhập khẩu do chưa
sản xuất được trong nước... Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở trong nhiều năm
chưa được đầu tư thoả đáng, năng lực ứng phó, xử lý dịch bệnh đặc biệt tại tuyến
cơ sở còn hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc, làm hạn chế
hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Triển khai chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, của Đồng chí Tổng Bí thư, Lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã triển
khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp
luật, trong đó đã lần đầu tiên áp dụng các biện pháp chưa từng có trong tiền lệ,
các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt
nhất cho tính mạng, sức khỏe Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, để ứng phó kịp thời, linh hoạt,
có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và
kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, triển
khai chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số
30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ tiếp tục chủ động linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch
COVID-19 đã thực hiện trong thời gian trước khi ban hành Nghị quyết, đồng thời
giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm việc thực hiện
một số giải pháp cấp bách, trong đó có nhiều biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc
thù nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các gói hỗ trợ
an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm nguồn
lực, tháo gỡ các khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc ban hành Nghị quyết số 30 thể hiện sự phối hợp
chặt chẽ, sự đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan Nhà nước và cả hệ thống
Chính trị, được Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ và thực hiện;
tạo cơ sở pháp lý kịp thời cho việc quyết định, áp dụng các biện pháp phù hợp,
hiệu quả phòng, chống dịch và tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về an
sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản
xuất, kinh doanh.
PHẦN THỨ HAI
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ
30
I. Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc
thù, đặc cách trong phòng, chống dịch theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30
1. Áp dụng các biện pháp hạn chế
1 trong phòng, chống dịch
- Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 về
các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết
số 30/2021/QH15 (viết tắt là Nghị quyết số 86/NQ-CP) đã được Chính phủ nhanh
chóng ban hành, tiếp đó là nhiều chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.
- Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly, giãn
cách xã hội:
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo áp dụng biện pháp giãn
cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại một số địa phương, tiếp tục tinh thần
“chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch;
bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Khi dịch
bùng phát mạnh trên diện rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, thực
hiện Nghị quyết số 30, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường giãn cách xã
hội với phương châm “xây dựng mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là
một chiến sĩ”, bảo đảm các yêu cầu về y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết
yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn; tập
trung huy động các nguồn lực của Trung ương, của các địa phương để hỗ trợ, chi
viện kịp thời cho các địa phương có dịch và có nguy cơ cao bùng phát mạnh. Đặc
biệt, tại các tỉnh giãn cách xã hội, lần đầu tiên Chính phủ chỉ đạo xây dựng
các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, đây là giải pháp đột phá, có hiệu
quả cao giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm thiểu các ca
tăng nặng và tử vong. Chính phủ đã chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn
kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị,
chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút
kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, kết hợp hài
hoà giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất với phân cấp, phân quyền trong
tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các biện pháp phòng, chống dịch
đã được áp dụng cơ bản đúng hướng, kịp thời và hiệu quả.
Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, các địa
phương đã: (1) ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các biện pháp kiểm soát, giải
quyết các vướng mắc phát sinh do ảnh hưởng của dịch trong các hoạt động đi lại,
làm việc, học tập, sản xuất, kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính, tư
pháp, dân sự... của người dân, doanh nghiệp; (2) chủ động, linh hoạt bám sát
tình hình và quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phòng, chống
dịch phù hợp.2 Các địa phương đã thực hiện các biện
pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng
Chính phủ, lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại một số địa
bàn với một số biện pháp tương tự như trong tình trạng khẩn cấp.
- Về tổ chức các lực lượng tuyến đầu: Các Bộ:
Quốc phòng, Công an, Y tế đã huy động lực lượng phối hợp chặt chẽ với chính quyền
địa phương quản lý, bảo đảm an sinh, an toàn trật tự xã hội và hỗ trợ triển
khai công tác y tế tới tận xã, phường, thị trấn; bảo đảm an sinh xã hội tại các
địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Lần đầu tiên trong
hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn quân
đội và công an tham gia phòng, chống dịch nhất là tại tuyến đầu.
Riêng trong đợt dịch thứ 4, đã huy động, điều động
gần 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội3,
công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí
Minh, Thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Trong đó, ngành y tế đã huy động gần 20.000 cán bộ, lực lượng quân đội
huy động hơn 133.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, trong đó có hơn 9.000
cán bộ nhân viên y tế, lực lượng công an huy động hơn 126.000 cán bộ,
chiến sỹ hỗ trợ, tham gia phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa
phương; huy động lực lượng y tế trung ương và 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ
công tác phòng chống dịch Thành phố Hà Nội... lực lượng quân y đã hỗ trợ và triển
khai 13 bệnh viện dã chiến và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 6.450
giường bệnh, 660 trạm y tế lưu động, 510 tổ tiêm vắc xin, 1.000
tổ lấy mẫu xét nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh... Các lực lượng hỗ trợ cùng với
lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống
dịch4.
Các biện pháp trên đã góp phần quan trọng trong việc
ngăn chặn tốc độ gia tăng của đợt dịch thứ 4, tiến tới kiểm soát dịch bệnh trên
toàn quốc, đưa xã hội về “tình trạng bình thường mới.”.
Riêng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử
dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng
trong tình trạng khẩn cấp5: Chính phủ chưa triển
khai do đánh giá tình hình thực tế chưa đến mức phải áp dụng các biện pháp này.
2. Quyết định và tổ chức thực
hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật,
pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch
COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký
lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết6, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị quyết và 02 Nghị định7, Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư8 để quy định các biện pháp và tổ chức triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 86/NQ-CP đã đề ra các giải pháp đặc
biệt, đặc thù, đặc cách: (1) Áp dụng một số biện pháp như trong tình trạng khẩn
cấp; (2) Việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng
COVID-19 giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm được thay thế bằng giấy tờ pháp lý
khác; (3) Thiết lập theo cơ chế đầu tư đặc biệt, rút gọn, miễn các thủ tục về cấp
giấy phép hoạt động để kịp thời thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm
COVID-19; (4) Thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc
thù, đặc cách đối với việc thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị
COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc
xin và trang thiết bị y tế; (5) Mua sắm được áp dụng các cơ chế đặc biệt so với
luật hiện hành.
- Về kết quả áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc
cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin nhập khẩu:
Bộ Y tế đã khẩn trương, rút ngắn các thủ tục hành
chính cấp phép nhập khẩu vắc xin, thuốc, nguyên liệu làm thuốc để bảo đảm cung ứng,
nhu cầu thuốc cho công tác phòng chống dịch bệnh, có ý nghĩa rất lớn trong bối
cảnh các nước trên thế giới đang khẩn trương chạy đua để tiếp cận vắc xin, thuốc,
nguyên liệu làm thuốc tại thời điểm này. Vắc xin, thuốc, nguyên liệu làm thuốc
được cấp trong trường hợp này đến nay bảo đảm an toàn và chất lượng.
+ Việc cấp phép nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19: Bộ
Y tế đã cấp phép nhập khẩu cho 09 loại vắc xin COVID-19 theo 108 đơn hàng nhập
khẩu với tổng số lượng cấp phép hơn 300 triệu liều.
+ Việc cấp phép nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19:
Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu cho: (1) các thuốc điều trị COVID-19; (2) thuốc
tác động lên hệ miễn dịch; (3) các nguyên liệu sản xuất thuốc.9
- Về kết quả áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc
cách trong đăng ký lưu hành đối với thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 sản
xuất tại Việt Nam:
+ Việc thẩm định các hồ sơ đăng ký thuốc điều trị
COVID-19: Bộ Y tế đã cấp 05 số đăng ký lưu hành đối với thuốc Molnupiravir10, đã góp phần bảo đảm nguồn cung ứng thuốc và tạo
tính chủ động trong công tác điều trị.
+ Việc thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin
phòng COVID-19: Bộ Y tế đã tiếp nhận 05 hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin phòng
COVID-1911. Tuy nhiên, đến nay các vắc xin này vẫn
chưa được cấp đăng ký lưu hành.
- Về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách
trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với mặt hàng test kít xét nghiệm COVID-19:
Bộ Y tế đã cấp 164 sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2
phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách gồm: 09 sản phẩm sản
xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu12. Giá
sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được kiểm soát theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ,
trong đó quy định các công ty thực hiện kê khai giá trang thiết bị y tế từ ngày
01 tháng 4 năm 2022, đồng thời đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để các
doanh nghiệp chủ động công bố khả năng cung ứng và giá test xét nghiệm
SARS-CoV-2.
- Về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách
trong mua sắm:
Chính phủ đã ban hành 07 Nghị quyết về mua vắc xin13 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa
chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều
26 Luật đấu thầu để mua vắc xin phòng COVID-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về mua sắm14;
Bộ Y tế hướng dẫn về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, xét nghiệm, thanh toán bảo hiểm
y tế... Qua đó, góp phần bảo đảm cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế
trong phòng, chống dịch.
- Về áp dụng cơ chế trong việc thanh toán chi
phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị
COVID-19; về tổ chức, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh
nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo
đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị
COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa
bệnh. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí
khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc
không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên
nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính
phủ tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP .
3. Mua sắm với số lượng cao hơn
nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát
sinh:
Chính phủ đã quy định các bộ, ngành, địa phương có
thể mua sắm tài sản (vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất phục vụ phòng, chống
dịch) với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương
án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu
cực.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động bảo đảm nguồn lực
phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng kịch bản ở mức cao
hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh ở xã, phường, thị trấn; xây dựng kế
hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo các kịch bản phòng,
chống dịch được quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06/8/2021; Nghị quyết số
78/NQ-CP ngày 20/7/2021; Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 của Chính phủ,
các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, yêu cầu các đơn vị bảo đảm minh
bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Yêu cầu rà soát, kích
hoạt và đưa vào hoạt động theo phương án, kịch bản phòng, chống dịch cao hơn.
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ
chức mua sắm kịp thời vật tư, thiết bị y tế để ứng phó với tình huống dịch bệnh
ở mức trung bình, cao và rất cao trên tinh thần hiệu quả tiết kiệm, phù hợp với
khả năng cân đối của ngân sách; sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.
Khẩn trương rà soát, chủ động triển khai công tác mua sắm bảo đảm nguồn lực tổ
chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm theo các tầng điều
trị tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối
với các bệnh nhân diễn biến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
II. Về điều hành, tiết kiệm ngân
sách chi cho phòng, chống dịch theo quy định tại mục
2; nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch
COVID-19 và thực hiện chuyển nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế theo quy định tại
mục 3.2 Nghị quyết số 30
1. Thực hiện chủ động điều
hành ngân sách nhà nước và giải pháp tiết kiệm chi để bổ sung nguồn phòng, chống
dịch theo quy định tại mục 2 Nghị quyết số 30
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết15, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết16 để chủ động điều hành ngân sách nhà nước
- Về chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm
2021: Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và
ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động
quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc
phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại
giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ
sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19.
- Về giải pháp tiết kiệm chi để bổ sung nguồn
phòng, chống dịch: Theo đề nghị của Chính phủ17,
ngày 30/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH
bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 số tiền 14.620 tỷ đồng từ nguồn
cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác
phòng, chống dịch COVID-1918.
Các khoản kinh phí trên đã được điều phối, sử dụng
hiệu quả cho phòng, chống dịch. Trong bối cảnh đại dịch gây khó khăn cho toàn bộ
nền kinh tế, ngân sách nhà nước bị thụt giảm, việc dành nguồn kinh phí quý báu
này cho công tác phòng, chống dịch khẳng định sự ưu tiên của Quốc hội đối với
công tác này trong mọi tình huống và chủ động điều hành ngân sách của Chính phủ.
2. Việc chuyển nguồn 1.237 tỷ
đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin
phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021
Trong năm 2021, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế sử dụng
15.514,63 tỷ đồng để mua vắc xin phòng COVID-19 (từ Quỹ vắc xin là 7.940,11 tỷ
đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 chuyển sang là 1.237 tỷ đồng, từ nguồn
ngân sách Nhà nước năm 2021 là 6.337,51 tỷ đồng)19.
Số kinh phí thực tế Bộ Y tế mua vắc xin là 15.071,719 tỷ đồng trong đó từ Quỹ vắc
xin là 7.667,58 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước là 7.404,14 tỷ đồng.
Việc quyết định chuyển nguồn kinh phí đã góp phần
giúp bảo đảm nguồn kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch, đặc
biệt là việc tập trung kinh phí cho việc mua vắc xin phòng COVID-19 đã giúp Việt
Nam đẩy nhanh tốc độ tiếp cận và mua vắc xin - mặt hàng vô cùng quan trọng
nhưng khan hiếm vào thời điểm đó.
3. Việc ưu tiên sử dụng ngân
sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống
dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán
đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn
kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi
cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách
trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch
COVID-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định
trước khi thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết
để thực hiện20. Trong năm 2021, 2022 ngân sách Trung
ương đã tập trung được nguồn lực lớn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ
thể:
a) Về nguồn lực Trung ương dành cho công tác
phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 và năm 2022:
- Năm 2021: Tổng nguồn lực bố trí khoảng
51,22 nghìn tỷ đồng. Tiếp nhận từ vận động viện trợ, tài trợ bằng vắc xin trong
năm 2021 là 95,08 triệu liều. Đến hết năm 2021, tổng số kinh phí đã quyết định
chi là 34,26 nghìn tỷ đồng. Sau khi trừ số đã sử dụng 34,26 nghìn tỷ đồng, tổng
nguồn lực của trung ương đến hết năm 2021 còn lại khoảng 16,96 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, 1.353 tỷ đồng được phép chuyển nguồn theo quy định gồm: 499 tỷ đồng
kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch được chuyển
nguồn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và 854 tỷ đồng Quỹ vắc xin
phòng COVID-19. Theo đề nghị của Chính phủ21, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm,
tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021 và chuyển
nguồn 15.602 tỷ đồng sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện mua vắc xin, chi
phòng, chống dịch COVID 19.
- Năm 2022: Nguồn dự phòng ngân sách Trung
ương năm 2022 (bao gồm cả số chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022) là 36.102 tỷ
đồng. Trong đó, toàn bộ số chuyển nguồn 15.602 tỷ đồng là dành riêng cho công
tác phòng chống dịch COVID-19 (gồm cả kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19).
(Chi tiết việc bố trí nguồn lực ngân sách Trung
ương năm 2021, 2022 - theo phụ lục đính kèm)
Việc bố trí nguồn lực ngân sách Trung ương năm 2021,
2022 đã đáp ứng cơ bản nhu cầu kinh phí cho công tác phòng chống dịch của Bộ Y
tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người
dân gặp khó khăn trong dịch bệnh. Tuy nhiên, do tình hình khan hiếm hàng cung cấp
vắc xin COVID-19, vật tư, sản phẩm trang thiết bị y tế trên thị trường trong nước
và quốc tế, nên việc mua vắc xin COVID-19, vật tư, sản phẩm trang thiết bị y tế,...
trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và thời gian, bên cạnh
đó còn có nguyên nhân chủ quan trong việc tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu trong
mua sắm,... nên việc giải ngân kinh phí năm 2021 còn chậm, chưa tương xứng với
nguồn kinh phí được giao.
b) Về việc ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân
sách địa phương (NSĐP):
Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện
Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ
trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch
COVID-19 căn cứ quy định hiện hành và diễn biến tình hình dịch COVID-19.
- Năm 2021, kinh phí ngân sách trung ương hỗ
trợ các địa phương thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ
người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch
COVID-19 năm 2021 là 7.141,576 tỷ đồng.
- Năm 2022, kinh phí ngân sách trung ương hỗ
trợ các địa phương thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ
người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch
COVID-19 khoảng 837 tỷ đồng.
c) Huy động nguồn lực khác cho phòng, chống dịch:
Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch
COVID-19.
- Đối với nguồn kinh phí ủng hộ, đóng góp tự nguyện
thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguồn nhắn tin ủng hộ: Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc phân phối, hỗ trợ theo
quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đối với nguồn lực Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp nhận,
quản lý (các khoản hỗ trợ về trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc... của các tổ
chức, đơn vị trong và ngoài nước): Căn cứ tình hình diễn biến dịch, nhu cầu,
nhiệm vụ và đề xuất của các đơn vị, địa phương có khó khăn do chưa mua sắm kịp
thời, Bộ Y tế đã phân bổ các trang thiết bị và vật tư được hỗ trợ cho các đơn vị.
22 Việc phân bổ theo nguyên tắc công khai; các
đơn vị, địa phương được tiếp nhận trang thiết bị để phục vụ công tác chống dịch
nhưng theo nguyên tắc phải thực hiện điều chuyển trang thiết bị cho các đơn vị,
địa phương khác theo yêu cầu và diễn biến công tác chống dịch khi Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch hoặc Bộ Y tế yêu cầu điều chuyển.
- Đối với huy động nguồn từ doanh nghiệp, cá nhân: Đã
huy động được nguồn lực rất lớn cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức cá nhân bằng
tiền và hiện vật (máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, cơ sở vật chất...)
cho công tác phòng, chống dịch. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
xây dựng bệnh viện dã chiến, ủng hộ trang thiết bị đắt tiền, mua vắc xin nhất
là trong thời điểm khan hiếm nguồn cung23. Đã có
rất nhiều mô hình các tổ, nhóm, tổ chức thiện nguyện, tổ chức, cá nhân tham gia
hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân tại các tỉnh thực hiện giãn cách và
tăng cường giãn cách xã hội; xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể
hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta.
Có thể nói, nguồn lực hỗ trợ đã góp phần đáp ứng cơ
bản đủ yêu cầu công tác chống dịch của đơn vị, địa phương trong thời gian qua.
Hiện nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Chính phủ
giao Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị, địa phương đã được hỗ trợ trang thiết bị
phục vụ công tác phòng chống dịch thực hiện các thủ tục quản lý sử dụng tài sản
theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Thuốc Remdersivir hiện
còn tồn trên 650.000 lọ (hạn sử dụng tháng 8/2023): Bộ Y tế vẫn tiếp tục xuất cấp
theo đề nghị của các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng nhu cầu không còn nhiều,
do vậy Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để thông tin tới một số nước về
nhu cầu viện trợ thuốc điều trị COVID-19 của Việt Nam để có viện trợ cho một số
nước nếu có nhu cầu, tránh để thuốc hết hạn.
III. Ban hành quy định về phòng,
chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30/2021/QH15
Thực hiện Nghị quyết số 30 Chính phủ trình Ủy ban
Thường vụ Quốc hội ban hành 03 Nghị quyết (Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày
06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị
quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng,
chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong
lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số
17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 01 tháng của người lao động
trong bối cảnh dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có quy định
khác với Bộ luật lao động), trong đó chỉ đạo áp dụng một nhiệm vụ, giải pháp đặc
biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật,
tập trung xử lý 04 nhóm vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc đó là (1) Khám bệnh,
chữa bệnh; (2) Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; (3) Dược; (4) Trang thiết
bị y tế.
Chấp hành chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chính phủ đã ban hành 05 văn bản24 có nội dung
khác với luật được quy định tại một số văn bản trên đã góp phần giải quyết được
nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể:
1. Về thành lập và hoạt động
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 và việc
tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19
Cho phép tất cả các loại hình cơ sở được thành lập
để thu dung, điều trị người nhiễm COVID-1925.
Thiết lập theo cơ chế đầu tư đặc biệt, rút gọn, miễn các thủ tục về cấp giấy
phép hoạt động để thành lập bệnh viện dã chiến kịp thời26. Đã thành lập nhiều Trung tâm hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ
Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để điều trị các ca bệnh nặng,
nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến27.
Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện công lập và tư
nhân phải bố trí 40% số giường bệnh để điều trị người bệnh khi có yêu cầu và đã
thực hiện tại 1.447 bệnh viện. Số lượng các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh
được thành lập 377 cơ sở (trong đó có 322 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và 55 cơ sở
thu dung đặt tại trường học hoặc các địa điểm công cộng khác). Tổ chức phân tầng
điều trị phù hợp, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đặc biệt là thành lập các trạm
y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn. Tổ chức thí điểm việc cấp phát thuốc
điều trị các F0 triệu chứng nhẹ tại nhà.
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho
người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trung tâm Hồi sức
tích cực người bệnh COVID-19 được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm
cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân
sách nhà nước bảo đảm và quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
Đối với các cơ sở y tế tư nhân được huy động tham
gia phòng, chống dịch COVID-19: Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh
cho người bệnh COVID-19 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo từng người bệnh
COVID-19 với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo nguyên tắc
không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất
của bệnh viện trung ương trên địa bàn.
Việc cho phép thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh
từ xa, bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Nghị quyết số
12/2021/UBTVQH đã góp phần duy trì ổn định, thường xuyên, đa dạng hóa hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người
dân vùng nông thôn; giảm chi phí khám, chữa bệnh, kịp thời cứu sống người bệnh,
giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm quá tải. Quy định này đã phát huy hiệu quả
trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội,
hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Điều động, huy động người
tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19
Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 đã cho phép cơ quan,
người có thẩm quyền điều động, huy động người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
(bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc
khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở
thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 (kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh
cho người bệnh COVID-19 khác với phạm vi hành nghề đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt) mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề; miễn cấp chứng chỉ hành nghề
đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan
có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh,
chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; sinh viên, học sinh, đối
tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe tham gia hoạt
động tiêm chủng phòng COVID-19 và thực hiện một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
cho người bệnh COVID-19.
Để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch tại một số địa
phương, trong khoảng thời gian từ 11/7/2021 đến tháng 10/2021, Bộ Y tế và các tỉnh,
thành phố đã huy động khoảng 25.000 cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế từ các địa
phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và học sinh, sinh viên của các trường
thuộc khối ngành sức khỏe tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại
Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
3. Chế độ chính sách đối với
người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc
phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ước chi phụ cấp phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021
là 12.835,11 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương có các chế độ, chính sách hỗ trợ
thêm cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
4. Kinh phí chi thường xuyên của
cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác
phòng, chống dịch COVID-19; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người
bệnh COVID-19;
Ước chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở cách
ly tế, cơ sở điều trị COVID-19 năm 2021 là 4.404,31 tỷ đồng.
5. Về bảo đảm thuốc cho phòng,
chống dịch
Thực hiện gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc,
nguyên liệu làm thuốc28: Cho phép giấy đăng ký
lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ
ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà không thể
thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch
COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo đảm
phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đã có 10.304 giấy đăng ký lưu hành thuốc
hết hiệu lực đã được gia hạn hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.
6. Một số quy định đã được Ủy
ban Thường vụ Quốc hội cho phép nhưng chưa cần thực hiện:
- Đối với việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng
dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục
đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử
dụng phòng, điều trị COVID-19: Đến nay, chưa tiến hành thực hiện việc chuyển đổi
mục đích sử dụng cho dược chất nào29 do số lượng
nguyên liệu để sản xuất thuốc có giấy đăng ký lưu hành đã đáp ứng được nhu cầu.
- Đối với việc cho phép Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định
việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục
vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19
trong trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị COVID-19: Đến nay, chưa đến mức phải
áp dụng do nguồn cung thuốc phòng, điều trị COVID-19 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu,
không có tình trạng thiếu thuốc.
- Về bình ổn giá trang thiết bị y tế: Đến nay, việc
bình ổn giá trang thiết bị y tế chưa phải tiến hành theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 12/2021/NQ-UBTVQH. Chính phủ cũng đã kịp
thời ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP làm cơ sở pháp lý thực hiện ổn định giá
trang thiết bị y tế.
IV. Thực hiện bảo đảm an sinh xã
hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân; nghiên cứu thực hiện miễn,
giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định tại
mục 3.4 Nghị quyết số 30/2021/QH15
1. Bảo đảm an sinh xã hội, việc
làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình
chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người
yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để bảo đảm an sinh xã hội, đời
sống nhân dân30.
- Hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp
khó khăn: cấp 141,97 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 33 tỉnh,
thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-1931. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động
và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho trên 24,2 triệu
đối tượng (trong đó gồm 380.705 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 23,88 triệu
người lao động và các đối tượng khác) với tổng kinh phí trên 21.890 tỷ đồng. Hỗ
trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp32 cho trên
428.894 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng
tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng; giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp
cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí khoảng 7.595 tỷ đồng.
- Về chăm lo cho người có công, gia đình chính
sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu
thế khác: đã chỉ đạo tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách
mạng và chính sách xã hội khác đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Bên cạnh
đó, thường xuyên rà soát, cập nhật, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp
tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn
và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.
Đến tháng 5/2022 đã có 51.668 người lao động mang
thai, 592.204 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động và 215.602 trẻ em là
người thuộc diện F0, F1 được hỗ trợ. Huy động nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp trẻ em
bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo
trợ trẻ em Việt Nam: trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức hỗ trợ 1
triệu đồng/em); trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ (mức hỗ trợ 5
triệu đồng/em); trẻ em mồ côi cả cha và mẹ chết do COVID-19 (hỗ trợ số tiết kiệm
với định mức từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng số trẻ em) và các hỗ trợ
khác bằng tiền và hiện vật. Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với
sự tỉnh, thành phố hỗ trợ cho 19.318 trẻ em với tổng kinh phí là 27.833 tỷ đồng
cho trẻ em33.
Đồng thời, các cấp công đoàn đã chỉ đạo, bảo đảm hỗ
trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công
đoàn và nguồn xã hội hóa với số kinh phí bảo đảm trên 5.200 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, một
số Ủy ban của Quốc hội, các đoàn thể, địa phương tổ chức vận động các tập thể,
cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do
đại dịch COVID-19. Riêng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động
được kinh phí, hiện vật tương đương 20.512 tỷ đồng; thực hiện phân bổ, hỗ trợ
các tỉnh, thành phố khoảng 17.204 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chú trọng phát huy sức mạnh khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia tích cực
và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng
doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng
góp lớn bằng tiền và hiện vật (máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, gói
an sinh xã hội...) với tổng giá trị ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng cho công
tác phòng, chống dịch34. Đã có rất nhiều mô hình
các tổ, nhóm, tổ chức thiện nguyện, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ lương thực,
thực phẩm cho người dân tại các tỉnh thực hiện giãn cách và tăng cường giãn
cách xã hội; xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể hiện truyền thống
nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta.
2. Tiếp tục có biện pháp thiết
thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động
Công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh
nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được thực hiện các Nghị
quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ35 trên cơ sở Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH1536.
Tính đến cuối tháng 8/2022, Trung ương và các địa
phương đã dành gần 87 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 857
nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 56 triệu lượt người lao động và các đối
tượng khác.37
Chính phủ đã điều chỉnh một số điều kiện đối với
chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất và chính sách cho vay để trả
lương ngừng việc cho người lao động. Thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người
dân chịu tác động của dịch COVID-19, gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm
2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn
thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp. Đồng thời,
giảm miễn thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch
COVID-1938; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất
thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt
động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Ước tính giá trị các giải pháp hỗ
trợ này trên 22 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH tăng số giờ
làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng,
chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp đã mang
lại hiệu quả hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là khắc phục thiếu hụt lao động
do biến động của dịch bệnh.39
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh,
thành phố hỗ trợ khoảng 7,83 tỷ đồng cho khoảng 1.500 trẻ em mồ côi do
COVID-19. Thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ,
không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng
hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối
đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này theo các Nghị quyết, Quyết
định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ40. Chỉ đạo xây dựng chính sách cho trẻ mồ côi do dịch
bệnh COVID-19. Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức tiếp nhận tài
trợ và chuyển đến Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để hỗ trợ 1.600 trẻ em mồ côi
cha, mẹ do COVID-19.
3. Nghiên cứu thực hiện miễn,
giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19
Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi, ban hành nhiều cơ
chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi
dịch bệnh COVID-19 như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thu một
số khoản phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong
năm 2021; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ
trợ khách hàng bị ảnh hưởng; giảm giá điện nước, cước dịch vụ viễn thông...;
(ii) cho phép coi khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các
hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là chi phí hợp lý.
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP
ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
trong bối cảnh COVID-19 với các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp
để tập trung khôi phục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh
nghiệp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; tháo gỡ khó khăn vướng mắc,
điểm nghẽn về thủ tục hành chính cản trở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối
đa số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, phá sản do tác động của đại dịch;
bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa hiệu quả, an toàn, khắc phục gián
đoạn chuỗi cung ứng. Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 thực hiện hỗ trợ bằng
tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bị đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm
thất nghiệp; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động
bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi
Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao
động gặp khó khăn do COVID-19.
Tổng kinh phí thực hiện chính sách là 38 nghìn tỷ đồng,
gồm: (i) Khoảng 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ một lần bằng tiền cho người lao động
từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp (hoàn thành trước 31 tháng 12 năm 2021).
(ii) Giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống
còn 0% (dự kiến số kinh phí giảm đóng là 8 nghìn tỷ đồng, thực hiện từ 01 tháng
10 năm 2021 đến hết 30 tháng 9 năm 2022).
Các chính sách, giải pháp nêu trên đã tạo cơ sở đầy
đủ, thống nhất để các địa phương đánh giá, phân loại cấp độ dịch, trên cơ sở đó
chủ động mở cửa kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục hoạt động
sản xuất kinh doanh.
- Về chính sách thuế, phí và lệ phí
+ Năm 2021, trước bối cảnh doanh nghiệp, người dân
gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo
Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải
pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, cụ thể: tiếp tục thực hiện gia hạn
thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu
nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp
khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 miễn, giảm các khoản thuế (như thuế thu
nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường,
thuế giá trị gia tăng, tiền chậm nộp tiền thuế), phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Trong đó, có các giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch
COVID-19 xảy ra như: Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và
các loại thuế khác) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Giảm mức thuế
giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng
nặng nề bởi dịch COVID-19; Miễn tiền chậm nộp thuế. Tổng giá trị hỗ trợ tiền
thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong
đó: số tiền được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng
25 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn,
thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi
và phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, cần thiết phải
có các chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế có
thể sớm phục hồi và tăng trưởng cũng như khắc phục những tác động đến ngân sách
nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội... Chính phủ
trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính
sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc
hội, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản
thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng.
(Các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản
thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng
của dịch COVID-19 - Chi tiết theo phụ lục đính kèm)
Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp
thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân đánh giá
cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy
trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong năm 2021.
4. Công tác thông tin, tuyên
truyền tạo sự đồng thuận của người dân:
Công tác truyền thông đã bảo đảm nguyên tắc công
khai, minh bạch, cung cấp đầy đủ, kịp thời, khách quan thông tin về dịch bệnh để
làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; giúp
người dân hiểu và chia sẻ những khó khăn của đất nước, tích cực ủng hộ và tự
giác tham gia phòng, chống dịch. Từ khi có dịch xảy ra đến nay, thông tin về dịch
bệnh luôn được các bộ, ngành, địa phương báo cáo và Bộ Y tế cập nhật vào 18 giờ
hằng ngày trên trang thông tin của Bộ.
Các cơ quan báo chí truyền thông đã tích cực, chủ động
vào cuộc thể hiện vai trò của lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, tuyên
truyền; đã dẫn dắt, định hướng thông tin đúng đắn, thực hiện hiệu quả việc cảnh
báo các thông tin sai lệch. Các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông
tin cơ sở, mạng xã hội, mạng viễn thông đã lan toả mạnh Lời kêu gọi của đồng
chí Tổng Bí thư về phòng, chống dịch; thông tin tương đối kịp thời, chính xác,
đầy đủ về công tác phòng chống dịch với mục tiêu để dân biết, dân hiểu, dân
tin, dân theo, dân làm; xây dựng các kịch bản truyền thông bám sát tình hình,
diễn biến; quyết liệt xử lý các thông tin xấu độc trên không gian mạng; tuyên
truyền kịp thời về chủ trương chính sách, quy định và hướng dẫn về phòng chống
dịch, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ổn định sản xuất; tuyên
truyền các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, mô hình hay gắn với đảm bảo an
toàn phòng chống dịch.
Xuyên suốt các giai đoạn chống dịch, công tác thông
tin truyền thông về vai trò quan trọng của tiêm vắc xin phòng COVID-19 được
quan tâm đặc biệt. Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách
và tăng cường giãn cách xã hội, nhiều tỉnh, thành phố tăng tần suất, thời lượng
tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Tần suất trung bình từ 3-4 lần/ngày (tăng so với trước từ 1-2 lần); thời lượng
trung bình từ 15-20 phút/bản tin (tăng 5-10 phút/bản tin so với trước). Nội
dung tuyên truyền sinh động với nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp về các vấn đề
người dân quan tâm, nhất là về phân bổ, chủng loại vắc xin, tiến độ tiêm chủng,
phản ứng phụ sau tiêm,... để nhân dân yên tâm, tiếp tục tiêm, không phân biệt
các loại vắc xin đã được cấp phép. Các nội dung truyền thông phòng, chống dịch,
tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã được xây dựng kỹ lưỡng, có sự đổi mới nội dung,
phương thức cung cấp thông tin sử dụng triệt để thế mạnh của mạng xã hội, truyền
thông số; truyền tải các sản phẩm truyền thông tính đến từng nhóm đối tượng theo
đặc điểm về độ tuổi, giới tính, vùng miền, văn hóa khác nhau để tạo nên nhiều
chiến dịch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội
phổ biến tại Việt Nam. Nhiều chiến dịch truyền thông được thực hiện mang lại hiệu
quả vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch41. Trong đó, việc tuyên truyền để tiêm chủng cho đối tượng trẻ em
trong độ tuổi đến trường được chú trọng trong thời gian qua, nổi bật là chiến dịch
truyền thông “Vui Trung thu và tựu trường an toàn” về tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, đã góp phần động viên, khuyến khích
các bậc phụ huynh cho trẻ em tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, việc xử lý thông tin sai, tin đồn, giả
mạo về vắc xin COVID-19 cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời như xử lý
thông tin trên mạng xã hội facebook (các fanpage, cá nhân giả mạo Bộ Y tế liên
quan đến đăng ký tiêm chủng vắc xin COVID-19; thông tin sai, tin đồn về phản ứng
nặng sau tiêm chủng, tăng hạn sử dụng vắc xin).
5. Triển khai quyết liệt các giải pháp về công nghệ thông tin
và chuyển đổi số tạo sự thay đổi lớn so với trước đây 42. Hệ thống khám chữa bệnh đã được kết
nối đến tất cả các quận, huyện; kết nối điều hành chỉ huy tới gần 100% các xã,
phường, thị trấn. Tích cực triển khai các ứng dụng tiêm chủng trực tuyến, truy
vết, khai báo y tế; từng bước liên thông dữ liệu và hợp nhất các ứng dụng thành
ứng dụng phòng, chống COVID-19 duy nhất (PC-COVID) để tạo điều kiện thuận lợi
cho người dân, doanh nghiệp 43.
6. Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông,
khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp tại các địa phương giãn cách xã hội,
tổ chức học tập trực tuyến; phát động và thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng
và máy tính cho em”44. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua
“Cả nước đoàn kết, đồng sức, đồng lòng và chiến thắng đại dịch COVID-19” đồng
thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng 45.
V. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm
chủng vắc xin phòng COVID-19, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa,
phát triển Quỹ vắc xin phòng COVID-19, truyền thông đầy đủ, liên tục, chính
xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng, chống dịch để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch
cộng đồng
Xác định vai trò quan trọng của Chiến lược vắc xin,
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, vận động để có
vắc xin tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân. Trong điều kiện khan hiếm vắc xin
trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình
thức để tiếp cận, mua vắc xin cho Nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã
tích cực, chủ động đàm phán việc mua vắc xin, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu,
sản xuất vắc xin trong nước. Chính phủ xác định chiến lược vắc xin tập trung
vào các giải pháp như khẩn trương nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,
sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc xin phòng
COVID-19 với sứ mệnh huy động tổng hợp các nguồn lực đóng góp của xã hội để
cùng với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin,
nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm phòng cho nhân dân, giúp đất nước
vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tính đến ngày
22/9/2022, có 682.362 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ, tổng số huy động của
Quỹ là 10.537,59 tỷ đồng; số chi từ Quỹ là 7.672,2 tỷ đồng; số dư Quỹ là
2.865,39 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2022, thông qua công tác ngoại giao, Việt
Nam đã vận động được viện trợ nước ngoài gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% trị
giá, khoảng 800 triệu USD (tương đương 20 nghìn tỷ đồng tiết kiệm cho ngân sách
nhà nước). Vận động được hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế
cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các trang thiết bị y tế với
tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng); kết nối các nhà
sản xuất nước ngoài với trong nước để hợp tác sản xuất vắc xin và thuốc điều trị,
thẩm tra, xác minh nhiều nguồn cung cấp vắc xin. Thông điệp về vận động vắc xin
được thể hiện trong mọi chương trình nghị sự, làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà
nước với Lãnh đạo, đại diện ngoại giao các nước bạn. Nhờ đó, Việt Nam nhận được
số lượng lớn vắc xin từ nguồn viện trợ của các nước.
Đồng thời, Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm và
trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19
khi tiến hành các thủ tục để đóng góp 1 triệu USD cho Chương trình Giải pháp tiếp
cận vắc xin phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Faclility).
Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phát động
triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc với quan
điểm “vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”, đây là chiến dịch tiêm chủng
có quy mô, phạm vi lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay; huy động tổng lực
các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực
lượng khác trong cả nước, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội,
công lập và khu vực tư nhân để thực hiện Chiến dịch, mọi người dân được tiếp cận
vắc xin công bằng, minh bạch. Chính phủ đã tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc
xin thần tốc mùa Xuân năm 2022 ngay trong kỳ nghỉ lễ Tất Nguyên đán với phương
châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”; việc phân bổ vắc xin được thực hiện công
khai, minh bạch và theo dõi, giám sát chặt chẽ, được các tổ chức quốc tế như
COVAX đánh giá cao, trong đó ưu tiên trước cho các địa phương có dịch bùng phát
mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch, ưu
tiên trước cho lực lượng tuyến đầu, cho các đối tượng nguy cơ cao, người cao tuổi,
người có bệnh nền.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều
văn bản chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 quốc gia; tổ
chức gần 30 cuộc họp, hội nghị với địa phương, đơn vị để đôn đốc, đẩy nhanh tiến
độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tính đến cuối tháng 9/2022, Việt Nam đã triển khai
tiêm được gần 260 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng khác
nhau và là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao
trên thế giới (Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ
100%); hiệu suất sử dụng vắc xin cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao
điểm - tháng 10 và 11/2021 tiêm được 39 - 40 triệu liều/tháng); tỷ lệ tiêm mũi
3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số là 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung
bình trên thế giới); Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi
cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Ý, Pháp ... Cả nước chỉ có khoảng
1,2 triệu liều vắc xin phải hủy ở các địa phương (tỷ lệ vắc xin phải hủy/số liều
vắc xin sử dụng là 0,005% nằm trong giới hạn hao hụt thường quy của công tác
tiêm chủng và do vắc xin cấp phép ngắn hạn khẩn cấp) trong khi đó lại tiết kiệm
được hàng triệu liều dư dôi do tổ chức buổi tiêm, kế hoạch tiêm hợp lý.
Việt Nam là nước triển khai tiêm vắc xin phòng
COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng
các loại vắc xin. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương
đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng
nhà, rà từng người” để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho các đối tượng được chỉ
định. Những kết quả này là hết sức quan trọng, nếu so với thời điểm ngày
01/7/2021, khi đó cả nước mới tiêm được trên 3,8 triệu liều vắc xin, mỗi ngày
tiêm trung bình khoảng 30.000 liều. Có thể nói, kết quả tiêm chủng đóng vai trò
quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an
toàn với dịch bệnh.
VI. Bảo đảm quốc phòng, an ninh,
ổn định chính trị - xã hội theo quy định tại mục 3.6
Nghị quyết số 30
An ninh trật tự, an toàn xã hội tiếp tục cơ bản được
giữ vững, ổn định; chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp,
khu kinh tế, khu chế xuất; đã xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm trong phòng,
chống dịch46. Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19
bùng phát tại các tỉnh phía Nam, Bộ Công an đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương
phòng, chống dịch đặt tại TP. Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo công tác công an
phục vụ phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam. Tập trung nắm tình hình, dư luận
nhân dân, nhất là những dấu hiệu bất ổn xã hội trước các diễn biến phức tạp của
dịch bệnh COVID-19 ở trong nước, khu vực và quốc tế. Tổ chức đấu tranh, vô hiệu
hóa các hội, nhóm chống đối trên không gian mạng; truy nguyên hàng nghìn đối tượng
trên không gian mạng phát tán tin/bài có nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống
dịch bệnh COVID-19. Đã chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các vụ án, vụ việc trọng
điểm xâm phạm an ninh quốc gia, liên quan đến nội bộ...
Chính phủ và các tỉnh đã huy động, điều động một lực
lượng lớn nhân lực của quân đội, công an, y tế (kể cả lực lượng y tế tư nhân)
và các địa phương, tổ chức đoàn thể, các tình nguyện viên tham gia phòng, chống
dịch nhằm kiểm soát giãn cách xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn trật tự xã hội; thực
hiện các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, nhất là chăm sóc điều trị,
cung cấp thực phẩm, thuốc và các hoạt động phòng, chống dịch khác đến tận xã,
phường, thị trấn. Các quận, huyện, thành phố, nhất là các phường, xã thị trấn
đã quán triệt tốt; chủ động xây dựng kế hoạch; rà soát, kiện toàn nhân sự; củng
cố các “pháo đài”; tăng cường bám sát địa bàn dân cư để triển khai các nhiệm vụ
công tác; tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp chuyển hóa địa bàn gắn
liền với việc phát triển phong trào tự quản “Bảo vệ vùng xanh”, đã thu hẹp
nhanh số địa bàn “vùng đỏ”, “vùng cam”, mở rộng “vùng xanh”, “vùng vàng”. Trong
thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội, người
dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư, lưu
lượng phương tiện giao thông giảm khoảng 90% so với trước khi thực hiện Chỉ thị
số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Quốc phòng thực hiện tốt các hoạt động tuần tra,
kiểm soát đường mòn lối mở, siết chặt cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động
xuất nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác, bảo đảm giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.47
Căn cứ vào tình hình xuất nhập cảnh trái phép và dịch
COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tháng 4/2022, Bộ Quốc phòng rút 812 tổ, chốt (cố
định: 550, lưu động: 262)/4.350 đồng chí; rút toàn bộ lực lượng, trang bị48 của các Quân khu 2, 4, 5, 7, 9, Quân chủng Hải
quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tăng cường cho các tỉnh trên các tuyến biên
giới, vùng biển Tây Nam thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 về đơn vị
cũ thực hiện nhiệm vụ.
- Toàn quân sử dụng 93.243 chuyến xe ca (13.510
quân sự, 79.733 dân sự) và 163 chuyến máy bay (Thuê 37 chuyến, 126 chuyến của
QCPLLQ), vận chuyển 1.309.257 lượt người (771.343 người vào cách ly, 500.733
người hết cách ly về địa phương), 371 người đi tiêm chủng, 36.810 cán bộ đi
phòng, chống dịch). Toàn quân sử dụng 4.144 chuyến xe ô tô, thuê 129 toa tàu hỏa,
vận chuyển 237.473.207 liều vắc xin, 459.173.500 bơm kim tiêm; 3.277.879 hộp an
toàn; 10.777.185 ống dung môi (5.08 tấn); 1.631 tủ âm sâu, hòm lạnh bảo quản vắc
xin (3.424. tấn); 4.416 tấn vật tư, trang thiết bị y tế khác.
- Vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng nông sản hỗ
trợ nhân dân phòng, chống dịch; vận chuyển hành lý công dân vào, ra các khu
cách ly y tế: Sử dụng 6.131 chuyến xe ô tô, 03 chuyến tàu thủy, 30 chuyến máy
bay quân sự, thuê 20 toa tàu hỏa, vận chuyển 25.480 tấn (trong đó: 21.371 tấn
hành lý, 4.109 tấn LTTP, nông sản, tấn lương khô...). Đồng thời, vận chuyển kịp
thời 16 lò hỏa táng bảo đảm cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bảo đảm an
toàn tuyệt đối.
- Lực lượng Công an các địa phương đã triển khai
hơn 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, phối hợp với các lực lượng chức
năng kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại 310.000 tổ, chốt, khu vực cách ly, bệnh
viện dã chiến; hơn 560.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia truy vết, khoanh vùng
phòng, chống dịch; tăng cường hàng nghìn trinh sát an ninh nắm tình hình tại địa
bàn cơ sở. Trực tiếp thực hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng nhắc nhở
hơn 1.300.000 trường hợp, lập biên bản hơn 300.000 trường hợp, xử phạt vi phạm
hành chính 258.000 trường hợp, số tiền xử phạt khoảng 650 tỷ đồng; khởi tố trên
250 vụ, 278 đối tượng vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
- Ngăn chặn, vô hiệu hóa 11 chiến dịch, kế hoạch lợi
dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động;
vô hiệu hóa hàng chục hội, nhóm chống đối và nhiều nhóm zalo, facebook núp bóng
danh nghĩa “hỗ trợ nhau mùa dịch” để tập hợp lực lượng, kêu gọi người dân tụ tập
đông người, gây rối an ninh, trật tự.
- Triển khai 09 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội
phạm trên toàn quốc; có sức lan tỏa lớn trong xã hội thời điểm bối cảnh dịch
COVID-19 diễn biến phức tạp. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành
chính về trật tự xã hội.49
- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng chức
năng kiểm soát phương tiện vận tải có mã nhận diện “luồng xanh”; xử lý linh hoạt,
tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng
chống dịch, đời sống nhân dân và nguyên, vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập
khẩu...; phát hiện, xử lý vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận
thương mại; chở người nhập cảnh trái phép; làm giả, sử dụng mã QR của xe khác,
tẩy xóa thời hạn giấy xét nghiệm.
- Đã tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm
kiểm soát chặt chẽ hạn chế dịch lây lan vào các cơ sở giam giữ; đồng thời đảm bảo
thực hiện chế độ, chính sách đối với CPN. Hoàn thiện các phương án, kịch bản
phòng, chống dịch và tình huống về an ninh trật tự liên quan COVID-19 tại các
cơ sở giam giữ; thành lập Khu cách ly y tế tạm thời, Khu cách ly y tế tập trung
và Khu điều trị dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 là can, phạm nhân.
- Lực lượng Công an các cấp đã chủ động tham mưu
chính quyền địa phương chỉ đạo thành lập các tổ tự quản phòng chống dịch tại
các tổ dân, thôn, khu phố để phối hợp cơ quan y tế, chính quyền cơ sở kịp thời
có biện pháp giám sát, quản lý công dân cư trú trên địa bàn, biến động về nhân
khẩu, theo dõi các dấu hiệu dịch tễ, kịp thời phát hiện những trường hợp nghi
nhiễm từ nước ngoài, từ vùng dịch trong nước về địa phương.
Bên cạnh đó, đã giữ vững môi trường hoà bình, ổn định,
triển khai linh hoạt các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, đặc biệt
là đối ngoại cấp cao, qua đó tiếp tục đưa quan hệ với các nước và tổ chức quốc
tế đi vào chiều sâu, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị -
xã hội. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc
biệt là các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tích cực thông
tin đối ngoại về tình hình và kết quả phòng, chống dịch bệnh trong nước, các nỗ
lực của Việt Nam trong đảm bảo đi lại và lưu thông quốc tế, bác bỏ các thông
tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống
dịch của Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong dư
luận quốc tế, giải tỏa dư luận trong nước và nâng cao nhận thức của người dân.
VII. Rà soát, tổng kết các quy định
liên quan để sửa đổi, bổ sung theo quy định tại mục
3.7 Nghị quyết số 30/2021/QH15
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiến hành rà
soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các
tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo,
bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch,
bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống
pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật.
Qua rà soát tổng số 402 văn bản thuộc phạm vi rà
soát (bao gồm: bộ luật, luật; nghị quyết của Quốc hội, nghị định; nghị quyết của
Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư; thông tư liên tịch) đã
nhận diện được 47 văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại, hạn chế trước tác động
mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19 (gồm: 03 bộ luật, 23 luật, 01 pháp lệnh,
01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 14 nghị định của Chính phủ, 02 quyết
định của Thủ tướng Chính phủ, 01 văn bản khác) theo 03 nhóm nội dung chính gồm:
Nhóm chính sách phòng, chống dịch bệnh; Nhóm chính sách bảo đảm an sinh xã hội;
và Nhóm chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp
tục rà soát các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch để xác định
các văn bản không còn phù hợp nhằm kịp thời xử lý. (Xin gửi kèm theo phụ lục)
VIII. Tăng cường phân cấp cho
các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời
các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19; trong quá trình thực hiện
được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình
thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện
pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại
mục 3.8 Nghị quyết số 30/2021/QH15
1. Về tăng cường phân cấp
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đẩy mạnh
phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức
thực hiện ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi
với hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức thực hiện; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa thực hiện
“4 tại chỗ” với kịp thời huy động, tập trung nguồn lực ở cả Trung ương và địa
phương, dồn lực hỗ trợ cho các địa phương đang có hoặc có nguy cơ bùng phát dịch
xử lý dứt điểm, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất.
Một số nội dung phân cấp quan trọng như: Phân cấp
cho Chính quyền địa phương căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh,
chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện,
yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại
một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt
khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang
các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự,
an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin
liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục,
huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác
có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây
lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.50 Giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về
đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, khi áp dụng.51 Trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc
biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu thì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt
phương án lựa chọn nhà thầu.52
2. Sử dụng các hình thức nghị
quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm
quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác
phòng, chống dịch COVID-19
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tất cả
các hình thức văn bản nêu tại mục 3.8 Nghị quyết 30 kịp thời
và đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch. Danh mục văn bản tại phụ lục
kèm theo.
IX. Công tác phòng chống tham
nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch
- Về lãnh đạo, chỉ đạo
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo nhất là tại các cuộc họp trực tuyến
toàn quốc về chống dịch, theo đó nghiêm cấm, chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng
để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, sinh
phẩm, kít xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin... và giao các cơ quan chức năng kịp
thời nắm bắt tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm
theo quy định pháp luật nếu có sai phạm.
- Công khai thông tin về giá, kết quả đấu thầu
mua sắm trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm
Thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 trang thiết
bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được đưa vào Danh mục
hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Chính phủ đã ban hành quy định cụ thể
để áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ
công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, phù hợp đối
với trang thiết bị và sinh phẩm y tế, Chính phủ ban hành Nghị định số
98/2021/NĐ-CP đưa trang thiết bị và sinh phẩm y tế là mặt hàng phải kê khai và
công khai giá. Bộ Y tế đã ban hành quy định một số nội dung trong đấu thầu
trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, trong đó yêu cầu các đơn vị
đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Bộ
Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các công văn hướng dẫn các địa phương
trong việc công khai giá, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm. Trên cơ
sở đó, Bộ Y tế đã ban hành 7 văn bản hướng dẫn việc công khai kết quả lựa chọn
nhà thầu theo quy định hiện hành.
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phòng,
chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19
Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang
thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính
phủ đã phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó Thanh tra
Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế,
sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND
thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa
phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh
phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch
bệnh COVID-19.
Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định của
pháp luật về đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quản lý giá thuốc,
trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa
bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm
trong phòng, chống dịch đã phát hiện, tập trung đấu tranh, khởi tố, điều tra
làm rõ các vụ án trọng điểm gây bức xúc dư luận như: (1) Nhận hối lộ để xét duyệt
cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước
ngoài về nước nhằm trục lợi; (2) Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả
nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ;
nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
PHẦN THỨ BA
ĐÁNH GIÁ CHUNG VIỆC THỰC
HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ
30
I. KẾT QUẢ, ƯU ĐIỂM
1. Quốc hội ban hành Nghị quyết
số 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều
kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều
hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể
hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch
Các chính sách, biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống
dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương
chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo,
lãnh đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch
ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân. Đặc biệt, việc Quốc hội cho
phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được
luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp
ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế
đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch
COVID-19, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin,
thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết
định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 gây ra góp phần
quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4. Bên cạnh đó, Nghị quyết số
30 cũng tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng,
chống dịch bệnh.
Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của
Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể
chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống
dịch theo phương châm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội cho phép áp dụng các biện pháp
đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch kể cả các biện pháp khác luật.
Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh
thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành
động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch,
chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của
sự tin tưởng, đồng hành, đoàn kết, thống nhất ý chí.
2. Nghị quyết số 30 đã được
triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung
ương đến địa phương
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo sát sao
công tác phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình. Ban Chấp hành Trung ương,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã thường xuyên chỉ đạo; Đồng
chí Tổng Bí thư đã 2 lần ra Lời kêu gọi; Lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận,
thống nhất lãnh đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối,
chiến lược về phòng, chống dịch53. Các văn bản
được thống nhất ban hành đã chỉ đạo các cơ quan trong cả hệ thống chính trị thực
hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế -
xã hội; huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm
của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các
Cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã chủ động đồng hành, giải quyết kịp
thời các đề xuất của Chính phủ và tổ chức giám sát, phát hiện, phản ánh kịp thời
nguyện vọng, kiến nghị của cử tri về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30, khi
phát sinh các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần xin ý kiến Ủy ban Thường
vụ Quốc hội trước khi ban hành, các đề xuất của Chính phủ đều được Hội đồng Dân
tộc và các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ, giúp Ủy ban Thường vụ
Quốc hội xem xét, nhanh nhạy ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết quan trọng.54
Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc
thực hiện Nghị quyết số 30 đã hoạt động liên tục, thường xuyên, có nhiều báo
cáo, kiến nghị và chỉ đạo đối với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện
Nghị quyết số 30.
Các đại biểu Quốc hội đã tích cực, chủ động giám
sát, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch
bệnh của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa
phương; kịp thời ghi nhận và phản ánh các vướng mắc, khó khăn bất cập qua phản
ánh, kiến nghị của cử tri và ghi nhận, biểu dương những kết quả, cách làm hay
trong phòng, chống dịch.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết
liệt trong chỉ đạo, điều hành, dám nghĩ, dám làm và áp dụng sáng tạo, linh hoạt,
hiệu quả các chính sách phòng, chống dịch bệnh quy định tại Nghị quyết số 30.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết,
Chỉ thị, Công điện... (Xem phụ lục 01) để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành,
các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp
phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân
dân cả nước; với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước
hết, để triển khai kịp thời Nghị quyết số 30 đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh
COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại các tỉnh phía Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối
năm 2021. Trong các quyết sách phòng, chống dịch, Chính phủ luôn thể hiện là một
tập thể đoàn kết, hành động, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung
tâm. Nhiều văn bản, quyết sách được các Thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc
gia chạy đua với thời gian không kể ngày đêm để thảo luận và thông qua kịp thời
để đáp ứng tình hình dịch bệnh cấp bách.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt, Thủ tướng
Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ
tướng làm Trưởng ban với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nâng lên, thành phần
được mở rộng (gồm đại diện các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc),
đã trực tiếp chỉ đạo đồng bộ, tổng thể công tác phòng, chống dịch và các công
tác quan trọng liên quan như bảo đảm an sinh, an ninh trật tự xã hội, dân vận,
huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực
và thông tin truyền thông; đã thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ
để trực tiếp chỉ đạo, xử lý một số lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ bám sát tình
hình diễn biến dịch bệnh để ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện cụ
thể.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia qua thực tiễn tình
hình và tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đã thống nhất có các chỉ
đạo quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tập hợp nhiều nguồn lực
phục vụ công tác phòng, chống dịch linh hoạt, tùy từng diễn biến với các phương
châm phù hợp, sát tình hình diễn biến dịch bệnh. Vào những thời điểm cấp thiết,
dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ họp giao ban trực tiếp đến cấp
cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch
như chống giặc” và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết,
trước hết; (i) chuyển từ phòng ngự sang tấn công55,
thực hiện 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm và điều trị; (ii) lấy xã, phường, thị
trấn là “pháo đài”, lấy người dân là “chiến sỹ”, người dân là trung tâm, là chủ
thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất,
sát dân nhất56; (iii) tập trung huy động các nguồn
lực hỗ trợ, chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch và có nguy cơ cao bùng
phát mạnh để nhanh chóng dập dịch57.
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động
tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ,
Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập
Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp. Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung
ương, các địa phương đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công
tác phòng, chống dịch trên địa bàn58; đã chủ động,
linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền.
Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động hệ thống chính
trị, các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch.
Hầu hết các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và có nhiều chuyển biến tích
cực, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội59.
Nhìn chung, công tác phòng chống dịch đã nhận được
sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả
hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là
tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến
đầu. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với bộ, ngành, địa phương
trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 bảo đảm kịp thời, thống nhất,
xuyên suốt và có sự điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, góp phần đưa Nghị
quyết số 30 thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 - một dịch
bệnh nguy hiểm chưa từng có trong tiền lệ.
3. Chính phủ đã chủ động,
sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc xin và
chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm
quyết định
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức
phức tạp, tạo ra những thách thức chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà cả trên
thế giới; không chỉ đối với ngành y tế mà ảnh hưởng đến toàn xã hội; với phương
châm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; không có sự
an toàn của cá nhân, địa phương nào nếu không có sự an toàn chung của cộng đồng;
dịch bệnh chưa được kiểm soát thì không thể có phục hồi và phát triển kinh tế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, trong áp dụng linh hoạt
biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định,
dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học.
- Thực hiện thành công chiến lược vắc xin:
Xác định vắc xin là vũ khí quan trọng, ngay cả trước
khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi
khả năng để tiếp cận được với vắc xin sớm nhất, nhanh nhất, phương châm “vắc
xin tốt nhất là vắc xin được tiếp cận sớm nhất”. Chiến lược vắc xin của Chính
phủ được triển khai đồng bộ trên các mặt: (i) Quỹ vắc xin (từ trung ương đến địa
phương); (ii) Ngoại giao vắc xin; (iii) Chiến dịch tiêm chủng mở rộng chưa từng
có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với
vắc xin, được thế giới ghi nhận là nước đi sau về trước nhờ chiến lược vắc xin.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan
tâm, coi đây là biện pháp chiến lược, quan trọng trong phòng, chống dịch
COVID-19. Mặc dù xuất phát điểm chậm do nhiều nguyên nhân khách quan tuy nhiên
tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước
trong khu vực, mức trung bình của thế giới; được WHO ghi nhận, đánh giá Việt
Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của
toàn hệ thống chính trị và người dân. Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận vắc
xin, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin đã được triển
khai đồng bộ, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc
triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm
chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, truyền thông đầy đủ,
liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng, chống dịch. Những kết quả
trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã thúc đẩy, bảo đảm quá trình
phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, được Nhân dân và cộng đồng
quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
- Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp
thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định:
Chính phủ đã có các quyết sách chuyển hướng chiến
lược phù hợp vời từng thời kỳ diễn biến dịch bệnh. Khi chưa có đủ vắc xin và
thuốc điều trị thì áp dụng các biện pháp hành chính (giãn cách xã hội, cách ly,
phong tỏa diện rộng) theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ khi đã
có vắc xin thì thực hiện chuyển dần sang phòng, chống dịch linh hoạt, chủ động,
thích ứng an toàn, hiệu quả, theo các biện pháp chuyên môn, khoa học; Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ đã bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, nắm bắt xu hướng và
quyết đoán kịp thời chuyển thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với các giải
pháp chuyển hướng mang tính chiến lược để cả nước bước sang trạng thái thích ứng
với điều kiện “bình thường mới”. Khi dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát và bước
vào giai đoạn bình thường mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP
ngày 17/3/2022 ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm kiểm
soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức
khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử
vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng nhất,
Chính phủ đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ nguyên tắc
"5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân" để phòng,
chống dịch COVID-19 giảm còn 2K + gồm: khẩu trang, khử khuẩn, cùng với đó, Bộ Y
tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp
"thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp
khác. Đây là các chuyển hướng đúng đắn, kịp thời góp phần quan trọng vào kết quả
kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
4. Việt Nam đã đạt mục tiêu
kiểm soát dịch được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường
mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội
Dịch bệnh COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, tác động
trên toàn thế giới và chưa có tiền lệ nhưng chúng ta đã kiểm soát được đại dịch
này với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và những
quyết sách đúng đắn
Sau gần 3 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch
COVID-19 đã lây lan đến 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng số
ca mắc trên thế giới hơn 594,4 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Diễn biến dịch
bệnh tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của các nước; dịch bệnh
không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt
kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần
của người dân. Thiệt hại của các nước do dịch bệnh gây ra tuy ở các mức độ khác
nhau nhưng đều rất lớn. Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch.
Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn60.
Tại Việt Nam, đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã
cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ
vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc giảm thấp, giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng
và tử vong. Hệ thống y tế đã được củng cố, các biện pháp bảo đảm thuốc, trang
thiết bị, nguồn lực cho y tế đang được triển khai quyết liệt. Tất cả các tỉnh,
thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm
soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với
các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch. Tỷ lệ
người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ
vào loại cao nhất thế giới 96%61. Việc phòng chống
dịch của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ dịch bệnh được kiểm
soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi; kinh tế vĩ mô ổn
định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn
hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động an
sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển
khai tích cực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn
xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý nhịp
nhàng, đúng hướng, kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh. Nhiều tổ chức,
chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế,
nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Trong điều kiện phòng, chống dịch còn nhiều khó
khăn, thiếu thốn, lại là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, việc kiểm soát được
dịch bệnh như nêu trên là rất quan trọng, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược
thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh
tế - xã hội.
II. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, TỒN TẠI,
HẠN CHẾ
1. Trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4 với biến
chủng Delta, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng,
chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng
vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ
nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp. Công tác dự báo
có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách
xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm62.
2. Việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng tại một số
nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban
chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, nhất là về tiêm cho trẻ từ
5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 4 đối với người trên 18 tuổi.
3. Tại một số thời điểm xảy ra tình trạng người dân
điều trị tại nhà khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 do chưa điều
chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động
thực hiện việc đấu thầu, mua sắm do tâm lý lo ngại dẫn đến thiếu thuốc tại một
số thời điểm, một số cơ sở y tế, địa phương. Bên cạnh đó, một số thuốc, vật tư,
hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục
vụ phòng chống dịch COVID-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại
nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị COVID-19, đặc biệt là sinh phẩm
xét nghiệm Realtime RT- PCR do chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch
đã được kiểm soát.
4. Một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực
tiễn, chậm được ban hành, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó
khăn cho người dân, doanh nghiệp. Khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn
đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác
truyền thông nên khó thực hiện; các địa phương có lúc, có nơi còn ban hành các
văn bản riêng không đúng theo quy định chung; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi
nhanh, gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng
hóa, hàng hóa thiết yếu...)63.
5. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số biện
pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết
nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi
chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên;
chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc trong
dư luận. Một số chính sách triển khai theo Nghị quyết 30 còn chậm được thực hiện.
6. Công tác truyền thông chưa được chuẩn bị kỹ,
chưa thông tin kịp thời, có thời điểm bị động, lúng túng, khả năng lan tỏa, tiếp
cận chưa cao, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch. Cơ chế cung cấp thông
tin, nội dung, phương thức, lực lượng thông tin có lúc chưa thật hợp lý, tạo dư
luận, kẽ hở cho các thế lực thù địch, bất mãn, chống phá Đảng, Nhà nước, thông
tin sai sự thật, mang tính kích động64 trên mạng
xã hội gây khó khăn trong quản lý thông tin phòng, chống dịch, gây nghi ngờ, ảnh
hưởng tới đồng thuận và tham gia chống dịch của người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng
còn bộc lộ hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất
trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại
còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân.
7. Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch
COVID-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật
chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với
người dân tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ.
8. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp
thời, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn
cách xã hội. Việc giải ngân các gói an sinh xã hội còn chậm, thủ tục hành chính
còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có nơi không đủ
lương thực, thực phẩm. Việc chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tuyến
đầu chống dịch, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện còn
chậm, thủ tục còn rườm rà. Việc người dân di chuyển về quê với số lượng lớn tạo
nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; làm ảnh hưởng an toàn phòng, chống dịch,
an ninh trật tự, giải quyết an sinh xã hội, việc làm, nhất là các địa phương miền
núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình không có máy tính, thiết bị,
kết nối internet để tham gia học trực tuyến; khả năng ứng dụng công nghệ thông
tin vào dạy học của nhiều giáo viên còn hạn chế, học sinh còn nhỏ tuổi chưa sử
dụng thành thạo các phần mềm gây khó khăn trong việc học trực tuyến.
III. NGUYÊN NHÂN CỦA TỒN TẠI,
HẠN CHẾ
1. Nguyên nhân khách quan
- Bệnh COVID-19 là bệnh lần đầu xuất hiện trên thế
giới cũng như tại Việt Nam nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch
đôi khi còn lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tình trạng ô
nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa và di dân là
điều kiện thuận lợi để dịch xuất hiện và lây lan; sự xuất hiện, tiến hóa của
các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự
báo;
- Hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch
chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ trên thế giới
và tại Việt Nam như COVID-19, do đó tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công
tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, công tác ban hành văn bản trong điều kiện dịch
bệnh phải thường xuyên phải đáp ứng yêu cầu cấp bách, rút gọn thủ tục nên đôi
khi chưa đủ thời gian tham vấn kỹ lưỡng, chưa kịp tiến hành tuyên truyền, tập
huấn nên việc triển khai thực hiện một số văn bản chưa thống nhất, đồng bộ giữa
các địa phương.
- Mặc dù đã được Quốc hội bố trí các nguồn kinh phí
cho phòng, chống dịch tại Nghị quyết số 30, nhưng nhiều nơi chưa đảm bảo đủ nguồn
lực cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các
địa phương khi thực hiện giãn cách kéo dài. Cơ chế, chính sách trong việc mua sắm
vật tư, trang thiết bị, đặc biệt là vắc xin có nhiều bất cập, nhất là trong
giai đoạn đầu làm việc tiếp cận mua vắc xin chậm hơn một số nước trong khu vực.
Chưa kịp thời xây dựng các kịch bản phù hợp về kinh tế, nguồn lực khi dịch bùng
phát và lan rộng cả về quy mô và tốc độ.
- Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu
sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua
sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và
khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn, đôi lúc còn có hiện tượng tranh mua,
găm hàng, đẩy giá.
- Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng
mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch; chưa có
chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở.
- Thu nhập, chế độ đãi ngộ, chính sách động viên khen
thưởng với các cán bộ y tế nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế
trong các cơ sở điều trị chưa kịp thời. Ngoài ra, tình trạng viên chức, nhân
viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do
gặp nhiều khó khăn, vất vả với cường độ và áp lực công việc cao, môi trường làm
việc căng thẳng, mệt mỏi, thu nhập thấp, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở,
vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
2. Nguyên nhân chủ quan
- Có nơi, có lúc sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo
giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán. Có địa
phương chấp hành chưa nghiêm các chỉ đạo của Trung ương. Sự phối hợp giữa các lực
lượng chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ.
- Công tác quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách và
việc quản lý giá, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị,
sinh phẩm xét nghiệm, vắc xin còn bất cập.65
Chưa kịp thời xây dựng các kịch bản bài bản, tổng thể phù hợp về kinh tế, nguồn
lực khi dịch bùng phát và lan rộng.
- Vẫn có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ
phận người dân do tâm lý e ngại, lo lắng về các tác dụng phụ của vắc xin, hạn sử
dụng vắc xin, nhất là đối với đối tượng trẻ em, người có bệnh nền. Công tác vận
động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt được như mong muốn.
- Có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực
phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang
thiết vị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công
tác phòng, chống dịch. Một số nơi để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong việc mua sắm,
đấu thầu phòng, chống dịch.
IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Thành công của công tác phòng, chống dịch
COVID-19 nói chung và thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 là minh chứng cho
tinh thần đoàn kết toàn đảng, toàn dân, toàn quân, sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng
quốc tế; sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng
đầu là Tổng Bí thư Tổng Bí thư (với nhiều văn bản chỉ đạo mà gần nhất là Kết luận
25 của Bộ Chính trị ngày 30/12/2021); sự đồng hành, hỗ trợ, tin tưởng của Quốc
hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh
hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương với sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng
doanh nghiệp và nhân dân cả nước; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân
dân.
2. Phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động,
linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành trong tổ chức thực hiện ở các cấp,
các ngành, địa phương. Thực tiễn đã chứng minh bài học về sự tin tưởng, mạnh dạn
trao quyền, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19; Quốc hội đã chủ động đưa ra
chính sách, dự liệu các giải pháp đặt ra để Chính phủ triển khai, thực hiện.
3. Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong
triển khai Nghị quyết số 30, áp dụng các biện pháp hành chính khi chưa có vắc
xin, khi đã có vắc xin, đủ sinh phẩm xét nghiệm thì thực hiện chuyển dần theo
các biện pháp chuyên môn, khoa học, chuyển hướng chiến lược công tác phòng, chống
dịch theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả” dịch
COVID-19; thành lập Quỹ vắc xin và tổ chức chiến dịch tiêm miễn phí cho người
dân, đúc rút kinh nghiệm qua chuyển đổi linh hoạt các công thức chống dịch “5K+
vắc xin”, “2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các
biện pháp khác”...
4. Vắc xin là biện pháp chiến lược, quan trọng
trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuyệt đối không được quên “bài học xương máu”
khi chúng ta chưa tiếp cận được vắc xin do khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều
kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, buộc phải dùng các biện
pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, mất mát, hy
sinh, vừa ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
5. Mặc dù việc chống dịch COVID-19 là chưa có tiền
lệ, nhưng Chính phủ đã mạnh dạn, kiên quyết, nhất là trong những thời điểm dịch
bùng phát mạnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nhưng không nóng vội,
phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn xã hội, thẳng thắn phân tích, nhận
định những điểm được và chưa được trong chỉ đạo, điều hành của cả trung ương và
địa phương.
6. Việc ban hành các cơ chế chính sách thực hiện
Nghị quyết phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào, dứt điểm việc đó, không
lan man, dàn trải dẫn đến lãng phí nguồn lực, nhất là các chính sách về an sinh
xã hội khi trong điều kiện cấp bách, dịch bệnh đang lây lan rộng và phục hồi,
tái thiết sau đại dịch. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế chính sách
cụ thể, rõ ràng, kịp thời đến tận cấp cơ sở tạo điều kiện cho cơ sở chủ động
trong quá trình thực hiện. Đồng thời, khi đã ban hành các cơ chế chính sách thì
phải đảm bảo cân đối được nguồn lực, thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát
việc thực hiện để kịp thời phát hiện, tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc,
khó khăn trong quá trình thực hiện; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn
phù hợp, xử lý triệt để.
PHẦN THỨ TƯ
GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ, ĐỀ
XUẤT
I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch bệnh
COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và
cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở
nên phức tạp và gia tăng trở lại; vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong
phòng, chống dịch COVID-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện
pháp chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Trên thế giới,
dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, khó lường, biến thể mới liên tục xuất hiện
làm gia tăng số mắc, tái nhiễm, nặng, nguy cơ tăng tử vong. Trong nước đã ghi
nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi
4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn chưa bảo đảm yêu cầu. Số ca mắc có dấu
hiệu gia tăng trở lại và có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế.
Đồng thời, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trên
thế giới còn diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm
phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ,
an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu.
Trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức
nhiều hơn. Nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi tích cực nhưng có khả năng khó
khăn hơn vào cuối năm 2022 và năm 2023; áp lực lạm phát còn cao.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm
pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch
COVID-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch gồm Luật Dược, Luật Đấu thầu,
Luật Đầu tư công, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế... Ban hành và
triển khai hiệu quả các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn
nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề
cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, y tế dự phòng; mở rộng loại hình
khám, chữa bệnh từ xa, tại nhà và tăng cường năng lực, khả năng tiếp cận dịch vụ
y tế, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế; tiếp tục
đổi mới công tác đào tạo nhân lực; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực
lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh; tạo cơ chế chính
sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch
COVID-19. Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống
y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở66. Bảo đảm
an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp
dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, sản phẩm thuốc y
học cổ truyền trong nước để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các
loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
2. Tiếp tục đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin
phòng COVID-19, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ tiêm vắc xin
cho trẻ em an toàn, khoa học.
3. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội
trong thời gian tới. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề
hậu COVID-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối
tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục các
bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Có giải pháp bảo đảm nguồn lực lao động
phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội;
tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.
4. Nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ
thể, rõ ràng hơn đối với triển khai, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch,
mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý,
nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực,... trong điều
kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo để bảo đảm triển
khai hoạt động thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và
có tính “miễn trừ trách nhiệm” để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần
phòng, chống dịch hiệu quả.
5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng,
chống tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với
các vụ án được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch
COVID-19 nhằm góp phần răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa chung.
III. KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực
hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 30 cho đến
hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng,
chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ trân trọng
đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31 tháng 12 năm 2023:
1. Cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc
gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục
3.1 Nghị quyết số 30.
Lý do: (1) tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường
dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu
hành thuốc theo quy định hiện hành; (2) số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất
lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm
trọng; (3) việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của
thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều
nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ). Trường hợp
không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các
doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở
mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.
Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với
thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong
thời gian tới.
2. Tiếp tục cho phép Chính phủ áp dụng một số chính
sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết
bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức
khỏe Nhân dân:
a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều
trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu
thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu
dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.67
Lý do: Đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biễn phức tạp,
khó lường, nhất là xuất hiện nhiều biến chủng mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát
trở lại là thường trực. Việc duy trì các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực ứng
phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Trong thời gian qua, các cơ sở này đã góp
phần quan trọng trong hoạt động điều trị COVID và khẳng định đây là một mô hình
phù hợp trong điều kiện chống dịch. Việc tiếp tục duy trì mô hình này không ảnh
hưởng đến chất lượng, an toàn công tác khám, chữa bệnh.
b) Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do
ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế68;
chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo
quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh69 được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh,
chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu
được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất
khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ70 như đã được cho phép tại Nghị quyết số
268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Lý do: Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh
truyền nhiễm thì chi phí điều trị bệnh nhóm A do Ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Trên thực tế nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh
COVID-19 và các bệnh khác trong quá trình điều trị.
c) Tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh
từ xa bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi Luật
khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.
Lý do: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về khám
bệnh, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây là biện
pháp nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đã được thực hiện
hiệu quả trong thời gian chống dịch vừa qua, cần tiếp tục thực hiện để có thêm
thực tiễn việc hoàn thiện chính sách mới trong dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh
(sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
3. Dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn còn có nguy
cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh
bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban
hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật theo quy
định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.
Trên đây là báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định
tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội
khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc hội./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thành viên BCĐQG PCD COVID-19;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
TUQ. THỦ TƯỚNG
Q. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Đào Hồng Lan
|
PHỤ LỤC I
DANH MỤC VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN NGHỊ QUYẾT SỐ
30/2021/QH15 VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ )
I. VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. LUẬT, PHÁP LỆNH
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm năm 2007
|
2.
|
Luật Khám bệnh, chữa bệnh
2009
|
3.
|
Luật Dự trữ quốc gia năm 2012
|
4.
|
Luật Giá 2012
|
5.
|
Luật Đấu thầu 2013
|
6.
|
Luật Dược 2016
|
7.
|
Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp
|
2. NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, ỦY
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Nghị quyết số 30/2021/QH15
ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
|
2.
|
Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15
ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao
động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
|
3.
|
Nghị quyết số
24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục chi
trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày
24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
|
4.
|
Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15
ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban
hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu
cầu phòng, chống dịch COVID-19
|
5.
|
Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15
ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiVề ban hành một số giải pháp nhằm
hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
|
6.
|
Nghị quyết số
12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho
phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công
tác phòng, chống dịch Covid-19
|
7.
|
Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày
11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
|
8.
|
Nghị quyết số
17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm
thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống
dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
|
3. NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ,
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Nghị định số 101/2010/NĐ-CP
ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế
cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch
|
2.
|
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP
ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Dược
|
3.
|
Nghị quyết số 44/2021/NĐ-CP
ngày 31/03/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác
định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài
trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
|
4.
|
Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày
19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế
TNCN và tiền thuê đất năm 2021
|
5.
|
Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày
27/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành nghị quyết số 406/
NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ
trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
|
6.
|
Nghị định số 29/2022/NĐ-CP
ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết
số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục
vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19
|
7.
|
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP
ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị
quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách
tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
|
8.
|
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số
chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại
dịch COVID-19.
|
9.
|
Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực
hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp
khó khăn do đại dịch COVID-19.
|
10.
|
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg
ngày 28/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách
hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
|
4. THÔNG TƯ CỦA BỘ Y TẾ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Thông tư số 43/2013/TT-BYT
ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn
kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và
|
2.
|
Thông tư số 21/2017/TT-BYT
ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong
khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11
tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên
môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
|
3.
|
Thông tư số 54/2015/TT-BYT
ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và
khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
|
4.
|
Thông tư số 56/2017/TT-BYT
ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm
xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
|
5.
|
Thông tư số 11/2018/TT-BYT
ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu
làm thuốc được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày
22/01/2020 và Thông tư số 23/2021/TT-BYT ngày 09/12/2021.
|
6.
|
Thông tư số 36/2018/TT-BYT
ngày 22/11/2018 quy định về Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
|
7.
|
Thông tư số 37/2018/TT-BYT
ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế
trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá,
thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
|
8.
|
Thông tư số 29/2020/TT-BYT
ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật
do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.
|
9.
|
Thông tư số 11/2021/TT-BYT
ngày 19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng
Covid - 19 trong trường hợp cấp bách.
|
10.
|
Thông tư số 02/2022/TT-BYT
ngày 18/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm
SARS-CoV-2.
|
11.
|
Thông tư số 06/2022/TT-BYT
ngày 01/8/2022 quy định danh mục và cấp số lưu hành trang thiết bị y tế phục
vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách
|
5. THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Thông tư số 14/2020/TT-BTC
ngày 18/03/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ
trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm
lưu ký chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh
hưởng do dịch Covid-19
|
2.
|
Thông tư số 47/2020/TT-BTC
ngày 27/05/2020 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận
xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu
áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona
(COVID-19)
|
3.
|
Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày
2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng
và kế toán, quyết toán, công khai tài chính quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt
Nam
|
4.
|
Thông tư số 47/2021/TT-BTC
ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm
hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
|
5.
|
Thông tư số 68/2021/TT-BTC
ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí
trong lĩnh vực thú y nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng
bởi dịch COVID-19
|
6.
|
Thông tư số 82/2021/TT-BTC
ngày 30/09/2021 của Bộ Tài chính quy định về giám sát hải quan đối với hàng
hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc
có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số
16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các
biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
|
7.
|
Thông tư số 121/2021/TT-BTC
ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa
nhập khẩu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nộp chứng từ thuộc hồ
sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối
cảnh dịch COVID-19
|
6. THÔNG TƯ CỦA NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN
ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,
phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch
Covid-19
|
2.
|
Thông tư số 05/2020/TT-NHNN
ngày 7/5/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020
của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người
dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
|
3.
|
Thông tư số 12/2020/TT-NHNN
ngày 11/11/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 quy định về tái cấp vốn đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020
của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người
dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
|
4.
|
Thông tư số 03/2021/TT-NHNN
ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ
cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ
khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
|
5.
|
Thông tư số 04/2021/TT-NHNN
ngày 5/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với
tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam
- CTCP vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập
dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP
do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
|
6.
|
Thông tư số 14/2021/TT-NHNN
ngày 7/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ
cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ
khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
|
7.
|
Thông tư số 10/2021/TT-NHNN
ngày 21/07/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7
năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19
|
II. VĂN BẢN HÀNH CHÍNH
1. NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày
08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù
trong phòng, chống dịch COVID-19.
|
2.
|
Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày
8/6/2021 của Chính phủ Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 năm 2021 về chế độ
đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19
|
3.
|
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày
01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử
dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
|
4.
|
Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày
20/7/2021 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch
COVID-19
|
5.
|
Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày
22/7/2021 của Chính phủ về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị,
phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19
|
6.
|
Nghị quyết 86/NQ-CP ngày
06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh
COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của
Quốc hội khóa XV.
|
7.
|
Nghị quyết 97/NQ-CP ngày
28/8/2021 của Chính phủ Về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt
5) cho các khách hàng sử dụng điện
|
8.
|
Nghị quyết 105/NQ-CP ngày
9/8/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
trong bối cảnh dịch COVID-19
|
9.
|
Nghị quyết 106/NQ-CP ngày
11/9/2021 của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài
trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
|
10.
|
Nghị quyết 116/NQ-CP ngày
24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng
lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
|
11.
|
Nghị quyết 126/NQ-CP ngày
08/10/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01
tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và
người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19
|
12.
|
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày
11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
|
13.
|
Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày
19/11/2021 của Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách
trong phòng chống dịch COVID-19
|
14.
|
Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày
31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch
COVID- 19.
|
15.
|
Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài
khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình
|
16.
|
Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày
17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
|
17.
|
Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày
29/3/2022 của Chính phủ về chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19
đã giao dự toán năm 2021 cho Bộ Y tế chưa sử dụng hết sang năm 2022 sử dụng
cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
|
18.
|
Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 12/7/2021
của Chính phủ về mua vắc xin của Spuntik: Mua 40 triệu liều vắc xin Spintik V
|
19.
|
Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày
14/8/2021 của Chính phủ về mua bổ sung vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của
Pfizer
|
20.
|
Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày
20/9/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm kỹ
thuật di truyền và công nghệ sinh học Cu Ba sản xuất
|
21.
|
Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày
21/9/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn
Sinopharm, Trung Quốc
|
22.
|
Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày
06/10/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất
của Chính phủ Hungary
|
23.
|
Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày
05/2/2022 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ
5 đến dưới 12 tuổi
|
24.
|
Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày
14/4/2022 của Chính phủ về vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12
tuổi
|
25.
|
Nghị quyết số 87/2022/NQ-CP
ngày 19/7/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến xếp loại đối
với các doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống
dịch COVID-19.
|
2. QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN CHỈ ĐẠO
CHỐNG DỊCH QUỐC GIA
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Quyết định số 42/QĐ-BCĐ ngày
18/02/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc ban hành
Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới
của vi rút Corona gây ra.
|
2.
|
Quyết định số 100/QĐ-BCĐ ngày
30/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc phê duyệt
Kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19.
|
3.
|
Quyết định số 2203/QĐ-BCĐQG
ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành
“Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại hộ
gia đình”.
|
4.
|
Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG
ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Hướng dẫn
phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và
ký túc xá cho người lao động.
|
5.
|
Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG
ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc
ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19
tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”.
|
6.
|
Quyết định số 2234/QĐ-BCĐQG ngày
29/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Ban hành “Hướng
dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại khu chung
cư”.
|
7.
|
Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG
ngày 29/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc
ban hành “Hướng dẫn hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường
hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 tại cộng đồng”.
|
8.
|
Quyết định số 2232/QĐ-BCĐQG
ngày 29/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc
ban hành “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại lễ tang”.
|
9.
|
Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG
ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Ban hành
“Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”.
|
10.
|
Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG
ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc
ban hành “quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng
trong phòng, chống dịch COVID-19”.
|
3. CHỈ THỊ, QUYẾT ĐỊNH CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày
4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch
Covid-19
|
2.
|
Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020
của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch
COVID-19.
|
3.
|
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày
31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng,
chống dịch COVID-19.
|
4.
|
Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày
01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19.
|
5.
|
Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày
24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng,
chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
|
6.
|
Quyết định số 437/QĐ-TTg ngày
30/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân
sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19
|
7.
|
Quyết định số 456/QĐ-TTg ngày
3/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp vật tư, trang thiết bị từ nguồn
dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện
nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19
|
8.
|
Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg
ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính
sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
|
9.
|
Quyết định số 1257/QĐ-TTg
ngày 17/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ
nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch
COVID-19
|
10.
|
Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg
ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định
số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực
hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
|
11.
|
Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày
29/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân
sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19
|
12.
|
Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày
29/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tạm cấp kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch
bệnh Covid-19 cho tỉnh Hải Dương
|
13.
|
Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày
31/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí mua và tiêm vắc xin
phòng bệnh COVID-19
|
14.
|
Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày
26/05/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19
|
15.
|
Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày
27/05/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn
dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Y tế để phòng, chống
dịch COVID-19
|
16.
|
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính
sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19
|
17.
|
Quyết định số 1164/QĐ-TTg ngày
13/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để
phòng, chống dịch bệnh COVID-19
|
18.
|
Quyết định số 1326/QĐ-TTg
ngày 23/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng
để phòng, chống dịch bệnh Covid-19
|
19.
|
Quyết định số 1376/QĐ-TTg
ngày 01/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung dự toán chi ngân sách nhà
nước năm 2021 của Bộ Y tế để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
|
20.
|
Quyết định số 1395/QĐ-TTg
ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng
để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (đợt 2)
|
21.
|
Quyết định số 1394/QĐ-TTg
ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ
quốc gia cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống dịch COVID-19
|
22.
|
Quyết định số 1409/QĐ-TTg
ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ
quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng để hỗ trợ cho người
dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19
|
23.
|
Quyết định số 1415/QĐ-TTg
ngày 18/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ
quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch
bệnh COVID-19
|
24.
|
Quyết định số 1414/QĐ-TTg
ngày 19/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để
phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (đợt 2)
|
25.
|
Quyết định số 1426/QĐ-TTg
ngày 24/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp vật tư, thiết bị từ nguồn
dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch
COVID-19
|
26.
|
Quyết định số 1552/QĐ-TTg
ngày 20/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà
thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật
đấu thầu đối với gói thầu mua vắc xin Abdala phòng COVID-19 do Trung tâm
Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học Cu Ba sản xuất
|
27.
|
Quyết định số 1601/QĐ-TTg
ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà
thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật
đấu thầu đối với gói thầu mua vắc xin phòng COVID-19 Vero Cell của Tập
đoàn Sinopharm, Trung Quốc
|
28.
|
Quyết định số 1679/QĐ-TTg
ngày 07/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn
nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26
Luật đấu thầu đối với gói thầu mua vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca
sản xuất của Chính phủ Hungary.
|
29.
|
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày
3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng
giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19
|
30.
|
Quyết định số 1497/QĐ-TTg
ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai
Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi
đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"
|
31.
|
Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày
10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc
gia cho các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng
bởi dịch bệnh COVID-19
|
32.
|
Quyết định số 1499/QĐ-TTg
ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ
quốc gia cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
COVID-19
|
33.
|
Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày
21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu
thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19
|
34.
|
Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày
25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối
với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
|
35.
|
Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg
ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch
COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
|
36.
|
Chỉ thị 27/CT-TTg ngày
3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản
xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID- 19
|
37.
|
Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg
ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết
định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc
thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp
khó khăn do đại dịch COVID-19
|
38.
|
Quyết định số 2044/QĐ-TTg
ngày 3/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ
quốc gia cho các tỉnh: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp
khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19
|
39.
|
Quyết định số 2257/QĐ-TTg
ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch
bệnh Covid- 19 cho tỉnh Hải Dương
|
40.
|
Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg
ngày 27/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm
non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
|
4. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày
20/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh
viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.
|
2.
|
Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày
29/01/2020 Về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút
Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định
tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007
|
3.
|
Quyết định số 870/QĐ-BYT ngày
12/3/2020 về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn,
kháng khuẩn.
|
4.
|
Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày
12/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách
ly tập trung phòng chống dịch COVID-19”.
|
5.
|
Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày
12/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi
lưu trú phòng chống dịch COVID-19”.
|
6.
|
Quyết định số 604/QĐ-BYT ngày
14/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với
người mắc COVID -19”.
|
7.
|
Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020
của Bộ Y tế Ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn
trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”.
|
8.
|
Quyết định số 1282/QĐ-BYT
ngày 21/03/2020 về việc Hướng dẫn tạm thời xét nghiệm Covid - 19.
|
9.
|
Quyết định số 1444/QĐ-BYT
ngày 29/3/2020 về việc hướng dẫn tạm thời về lựa chọn và sử dụng khẩu trang
trong phòng chống dịch COVID-19.
|
10.
|
Quyết định số 1462/QĐ-BYT
ngày 30/3/2020 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho
cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19”.
|
11.
|
Quyết định số 1551/QĐ-BYT
ngày 03/4/2020 của Bộ Y tế Ban hành “Hướng dẫn Tổ chức cách ly y tế tại cơ sở
khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19”.
|
12.
|
Quyết định số 1616/QĐ-BYT
ngày 08/4/2020 về việc hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật, phân loại và lựa chọn
bộ trang phục phòng, chống dịch Covid-19.
|
13.
|
Quyết định số 53/QĐ-K2ĐT ngày
09/4/2020 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ban hành tài liệu đào tạo “Hướng
dẫn cơ bản trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dành
cho sinh viên năm cuối các ngành: y khoa, điều dưỡng, y học dự phòng, xét
nghiệm y học và y tế công cộng”.
|
14.
|
Quyết định số 1719/QĐ-BYT
ngày 15/4/2020 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm
đường hô hấp do SARS-CoV-2
|
15.
|
Quyết định số 1883/QĐ-BYT
ngày 27/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về thử nghiệm lâm
sàng máy thở có xâm nhập phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
|
16.
|
Quyết định số 3088/QĐ-BYT
ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế về việc Ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn
phòng chống dịch Covid-19.
|
17.
|
Quyết định số 3659/QĐ-BYT
ngày 21/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn nghiên cứu, thử nghiệm
lâm sàng, đăng ký lưu hành, sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
|
18.
|
Quyết định số 3986/QĐ-BYT
ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay Hướng dẫn tổ chức
thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”.
|
19.
|
Quyết định số 4999/QĐ-BYT
ngày 01/12/2020 của Bộ Y tế về việc “Ban hành Bộ tiêu chí phòng khám an toàn
phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.
|
20.
|
Quyết định số 5188/QĐ-BYT
ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây
nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
|
21.
|
Quyết định số 2022/QĐ-BYT
ngày 28/4/2021 ban hành “Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng
nguyên vi rút SARS-CoV-2”.
|
22.
|
Quyết định số 2300/QĐ-BYT
ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Văn phòng Chương trình nghiên
cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
|
23.
|
Quyết định số 2301/QĐ-BYT
ngày 07/5/2021 thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công
nghệ và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
|
24.
|
Quyết định số 2666/QĐ-BYT
ngày 21/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn sử dụng các ứng dụng
khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh
COVID-19.
|
25.
|
Quyết định 2626/QĐ-BYT ngày
28/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục nhu cầu trang thiết
bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh
COVID-19.
|
26.
|
Quyết định số 2787/QĐ-BYT
ngày 05/6/2021 về việc ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi
có trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.
|
27.
|
Quyết định số 3043/QĐ-BYT
ngày 24/6/2021 Về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc.
|
28.
|
Quyết định số 3092/QĐ-BYT
ngày 25/6/2021 của Bộ Y tế triển khai thí điểm “Hướng dẫn cách ly y tế phòng,
chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh”.
|
29.
|
Quyết định số 3439/QĐ-BYT
ngày 14/7/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm
sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19.
|
30.
|
Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày
30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng,
chống COVID-19”.
|
31.
|
Quyết định số 3993/QĐ-BYT
ngày 18/8/2021 về việc ban hành tạm thời quy định giám định pháp y tử thi có
liên quan đến COVID-19 và việc tổ chức thực hiện
|
32.
|
Công văn số 6810/BYT-K2ĐT
ngày 19/8/2021 của Bộ Y tế gửi các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe đề nghị
điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học 2021-2022 để huy động, tập trung tham gia
công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
|
33.
|
Quyết định số 4042/QĐ-BYT
ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu
động trong bối cảnh dịch COVID-19.
|
34.
|
Quyết định số 4109/QĐ-BYT
ngày 26/8/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị
ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà”.
|
35.
|
Quyết định số 4011/QĐ-BYT
ngày 26/8/2021 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung,
điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng
|
36.
|
Quyết định số 4158/QĐ-BYT
ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng ngừa nhân viên y
tế có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
|
37.
|
Quyết định số 4159/QĐ-BYT
ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng
phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
|
38.
|
Quyết định số 4349/QĐ-BYT ngày
10/9/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn triển khai tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng.
|
39.
|
Quyết định số 4377/QĐ-BYT
ngày 11/9/2021 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ
của trạm y tế lưu động.
|
40.
|
Quyết định số 5259/QĐ-BYT
ngày 11/11/2021 ban hành “Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu
quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của
vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước”.
|
41.
|
Quyết định số 1719/QĐ-BYT
ngày 15/4/2020 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh
viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2
|
42.
|
Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày
27/01/2022 của Bộ Trưởng Bộ Y tế Ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y
tế thực hiện nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của chính phủ
ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19”.
|
43.
|
Quyết định số 1341/QĐ-BYT
ngày 24/5/2022 ban hành Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá
nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
|
5. CÔNG ĐIỆN, CÔNG VĂN CỦA
BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Công văn số 1385/BCĐQG ngày
19/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc rút kinh
nghiệm tổ chức phân luồng; cách ly người nghỉ viêm đường hô hấp tại cơ sở y tế
và gửi hình ảnh thực hiện thay thế Quyết định số 1226/QĐ-BYT ngày 17/5/2022 về
việc ban hành hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng,
xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc
COVID-19 trong cơ sở KCB
|
2.
|
Công văn số 1738/CV-BCĐ ngày
30/3/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Hướng dẫn tạm
thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19
|
3.
|
Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày
23/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ cho người
nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản
lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc
|
4.
|
Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG
ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Ban hành
“Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi
làm việc và ký túc xá cho người lao động” (đã có bản dịch tiếng Anh do tổ chức
Y tế Thế giới WHO hỗ trợ)
|
5.
|
Công văn số 3949/CV-BCĐ ngày
24/7/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tăng cường đảm
bảo PCD COVID-19 cho chuyên gia nhập cảnh Việt Nam làm việc
|
6.
|
Công điện số 1224/CĐ-BCĐ ngày
04/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tăng cường
phòng, chống dịch COVID-19 cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT
|
7.
|
Công văn số 4675/CV-BCĐ ngày
01/9/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tăng cường công
tác phòng, chống dịch COVID tại cơ sở cách ly y tế tập trung
|
8.
|
Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày
10/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Tăng cường
phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp
|
9.
|
Công điện số 628/CĐ-BCĐQG
ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc khẩn
trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực
thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối.
|
10.
|
Công văn số 4403/CV-BCĐ ngày
30/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 triển khai lắp
đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung gửi Bộ Thông tin
và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
|
11.
|
Công văn số 5322/CV-BCĐ ngày 05/7/2021
của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về hướng dẫn chuyên gia nước
ngoài, người nước ngoài nhập cảnh phòng chống dịch COVID-19.
|
6. CÔNG ĐIỆN, CÔNG VĂN CỦA BỘ
Y TẾ
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Công văn số 829/BYT-MT ngày 21/01/2020
của Bộ Y tế hướng dẫn kiểm dịch y tế biên giới phòng chống COVID-19 đối với
phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa
|
2.
|
Công văn số 369/BYT-TT-KT
ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường tuyên truyền, vận động phòng,
chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov
|
3.
|
Công văn số 370/BYT-TT-KT
ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường tuyên truyền, vận động phòng,
chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov
|
4.
|
Công văn số 371/BYT-TT-KT
ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường tuyên truyền, vận động phòng,
chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov
|
5.
|
Công văn số 380/BYT-TT-KT
ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường tuyên truyền, vận động phòng,
chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov
|
6.
|
Công văn số 490/BYT-MT ngày
06/02/2020 của Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do
chủng mới của virus Corona (nCo-V)
|
7.
|
Công văn số 573/BYT-TT-KT
ngày 10/02/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp chủng mới của vi rút Corona gây ra
|
8.
|
Công văn số 624/BYT-MT ngày
12/02/2020 của Bộ Y tế xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không
đúng nơi quy định
|
9.
|
Công văn số 823/BYT-TT-KT ngày
13/02/2020 của Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh COVID-19 cho người điều
khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối
|
10.
|
Công văn số 642/BYT-TT-KT
ngày 13/02/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường tuyên vận động phòng, chống bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
11.
|
Công văn số 643/BYT-TT-KT
ngày 13/02/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
12.
|
Công văn số 669/BYT-TT-KT
ngày 14/02/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
13.
|
Công văn số 914/BYT-MT ngày
26/02/2020 của Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19
trong trường học, ký túc xá
|
14.
|
Công văn số 947/BYT-TT-KT
ngày 27/02/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
15.
|
Công văn số 1108/BYT-TT-KT
ngày 06/3/2020 của Bộ Y tế về Tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho khu cách ly y tế tập trung
|
16.
|
Công văn số 1113/BYT-TT-KT
ngày 06/3/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
17.
|
Công văn số 1133/BYT-MT ngày
09/3/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc,
ký túc xá của người lao động
|
18.
|
Công văn số 1244/BYT-MT ngày
13/3/2020 của Bộ Y tế Hướng dẫn xử trí Sốt, ho, khó thở trong trường học
|
19.
|
Công văn số 230/K2ĐT-VP ngày
17/3/2020 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành
phố và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học, cao đẳng chỉ đạo khẩn
trương tổ chức đào tạo cho sinh viên năm cuối các nội dung về phòng, chống dịch
COVID-19 để sẵn sàng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.
|
20.
|
Quyết định số 928/QĐ-BYT ngày
17/3/2020 của Bộ Y tế về thành lập Tổ giúp việc Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo
Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
|
21.
|
Công văn số 1357/BYT-MT ngày
18/3/2020 của Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh COVID-19 dành cho người điều
khiển và hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng
|
22.
|
Công văn số 1360/BYT-MT ngày
18/3/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn đeo khẩu trang phòng chống bệnh COVID-19 cho
người dân và cộng đồng
|
23.
|
Công văn số 1501/ BYT-TT-KT
ngày 23/3/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch bệnh
viêm đường hô hấp cấp COVID-19
|
24.
|
Công văn số 263/K2ĐT-ĐT ngày
24/3/2020 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành
phố và các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trình độ đại học, cao đẳng chỉ đạo
các cơ sở giáo dục tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.
|
25.
|
Công văn số 1560/BYT-MT ngày
25/3/2020 của Bộ Y tế Hướng dẫn khử trùng và xử lý môi trường khi có bệnh
nhân COVID-19 tại cộng đồng
|
26.
|
Công văn số 1703/ BYT-TT-KT ngày
29/3/2020 của Bộ Y tế về việc Thực hiện truyền thông phòng, chống dịch
COVID-19
|
27.
|
Công văn số 1734/BYT-MT ngày
30/3/2020 của Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch
COVID-19
|
28.
|
Công văn số 2208/BYT-TT-KT
ngày 20/4/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ báo chí thực hiện công tác truyền
thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19
|
29.
|
Công văn số 2234/BYT-MT ngày
21/4/2020 của Bộ Y tế triển khai phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở
giáo dục
|
30.
|
Công văn số 2293/ BYT-TT-KT
ngày 24/4/2020 của Bộ Y tế phối hợp hoạt động truyền thông phòng, chống dịch
COVID- 19 (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
|
31.
|
Công văn số 2596/ BYT-TT-KT
ngày 12/5/2020 của Bộ Y tế về nội dung truyền thông phòng, chống dịch
COVID-19 (Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh)
|
32.
|
Công văn số 2939/ BYT-TT-KT
ngày 28/5/2020 của Bộ Y tế phối hợp truyền thông phòng, chống dịch COVID-19
(Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
|
33.
|
Công văn số 4029/BYT-TT-KT
ngày 29/7/2020 của Bộ Y tế tham gia chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch
bệnh COVID-19
|
34.
|
Công văn số 4100/BYT-TT-KT
ngày 31/7/2020 của Bộ Y tế tôn vinh công trình, giải pháp sáng tạo khoa học
và công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19
|
35.
|
Công văn số 4106/BYT-TT-KT
ngày 31/7/2020 của Bộ Y tế về việc phối hợp gửi tin nhắn phòng chống dịch
COVID-19
|
36.
|
Công văn số 744/K2ĐT-ĐT ngày
31/7/2020 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành
phố và các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trình độ đại học, cao đẳng chỉ đạo
việc chuẩn bị và huy động các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tình nguyện tham
gia phòng, chống dịch COVID-19
|
37.
|
Công văn số 4144/BYT-TT-KT
ngày 03/8/2020 về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh COVID-19
|
38.
|
Công văn số 4193/BYT-MT ngày
05/8/2020 của Bộ Y tế Tổ chức hoạt động mai táng đảm bảo PCD COVID-19
|
39.
|
Công văn số 4200/BYT-TT-KT
ngày 05/8/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
40.
|
Công văn số 4210/BYT-TT-KT
ngày 06/8/2020 của Bộ Y tế tham gia chiến dịch truyền thông phòng chống dịch
COVID-19
|
41.
|
Công văn số 4275/BYT-TT-KT
ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
42.
|
Công văn số 4339/BYT-TT-KT
ngày 14/8/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
43.
|
Công văn số 4364/BYT-TT-KT
ngày 17/8/2020 của Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ phóng viên tác nghiệp trong
các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19
|
44.
|
Công văn số 4698/BYT-TT-KT
ngày 03/9/2020 của Bộ Y tế về việc phối hợp truyền thông thông điệp 5K chung
sống an toàn với đại dịch COVID-19
|
45.
|
Công văn số 4702/BYT-TT-KT
ngày 03/9/2020 của Bộ Y tế về việc truyền thông thông điệp 5K chung sống an
toàn với đại dịch COVID-19
|
46.
|
Công văn số 4709/BYT-TT-KT
ngày 03/9/2020 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
47.
|
Công văn số 4752/BYT-MT ngày
07/9/2020 của Bộ Y tế Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo phòng, chống dịch
COVID- 19 với chuyên gia vào làm việc
|
48.
|
Công văn số 6636/BYT-TT-KT
ngày 01/12/2020 của Bộ Y tế thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 tại
Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 27
|
49.
|
Công văn số 6654/BYT-TT-KT
ngày 02/12/2020 của Bộ Y tế về việc phối hợp gửi tin nhắn phòng chống dịch
COVID-19
|
50.
|
Công văn số 7295/BYT-TT-KT ngày
28/12/2020 của Bộ Y tế về việc phối hợp gửi tin nhắn phòng chống dịch
COVID-19
|
51.
|
Công văn số 379/BYT-TT-KT
ngày 18/01/2021 của Bộ Y tế về việc phối hợp gửi tin nhắn khuyến cáo phòng chống
dịch COVID-19
|
52.
|
Công văn số 491/BYT-TT-KT
ngày 21/01/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông
y tế năm 2021
|
53.
|
Công văn số 703/BYT-TT-KT
ngày 29/01/2021 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn khuyến cáo phòng chống
dịch COVID- 19
|
54.
|
Công văn số 897/BYT-MT ngày
07/02/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi
|
55.
|
Công văn số 898/BYT-MT ngày
07/02/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn PCD COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa
|
56.
|
Công văn số 1096/BYT-MT ngày
23/2/2021 của Bộ Y tế Tăng cường công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới
tại nơi làm việc
|
57.
|
Công văn số 1129/BYT-TT-KT
ngày 25/02/2021 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
58.
|
Công văn số 1213/BYT-TT-KT
ngày 01/3/2021 của Bộ Y tế về việc truyền thông về Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính
phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19
|
59.
|
Công văn số 1929/BYT-TT-KT
ngày 22/3/2021 của Bộ Y tế về việc phối hợp định hướng truyền thông về vắc
xin COVID- 19
|
60.
|
Công văn số 2002/BYT-TT-KT
24/3/2021 của Bộ Y tế phối hợp định hướng truyền thông về vắc xin phòng
COVID-19
|
61.
|
Công văn số 2265/BYT-TT-KT
ngày 31/3/2021 của Bộ Y tế định hướng truyền thông khách quan, công bằng về
thông tin COVID-19 tại Trung Quốc
|
62.
|
Công văn số 2875/BYT-TT-KT
ngày 15/4/2021 của Bộ Y tế xây dựng chuyên đề về vắc xin phòng COVID-19
|
63.
|
Công văn số 3100/BYT-BH ngày
20/4/2021 của Bộ Y tế về thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch
COVID-19 đề nghị sửa đổi, bổ sung về thanh toán chi phí xét nghiệm, chi phí
khám chữa bệnh BHYT khi chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B
|
64.
|
Quyết định số 1980/QĐ-BYT
ngày 23/4/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ poster an toàn tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
|
65.
|
Công văn số 3473/BYT-TT-KT ngày
27/4/2021 về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh COVID-19
|
66.
|
Công văn số 3842/BYT-DP ngày
10/5/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2.
|
67.
|
Công văn số 3848/BYT-DP ngày
10/5/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tình
hình mới
|
68.
|
Công văn số 3978/BYT-MT ngày
14/5/2021 của Bộ Y tế Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản
xuất kinh doanh, khu công nghiệp
|
69.
|
Công văn số 4033/BYT-TT-KT
ngày 17/5/2021 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19 nhân dịp bầu cử
|
70.
|
Công văn số 4150/BYT-MT ngày
21/5/2021 của Bộ Y tế Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các
cơ sở sản xuất kinh doanh và khu công nghiệp
|
71.
|
Công văn số 4155/BYT-TT-KT ngày
21/5/2021 của Bộ Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch, bệnh COVID-19
đến đồng bào vùng DTTS&MN
|
72.
|
Công văn số 4191/BYT-TT-KT
ngày 21/5/2021 của Bộ Y tế về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp
thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19
|
73.
|
Công văn số 4261/BYT-DP ngày
25/5/2021 Về việc mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống
dịch COVID-19
|
74.
|
Công văn số 4262/BYT-TT-KT
ngày 25/5/2021 của Bộ Y tế về việc lập danh sách khen thưởng nhà báo đã có thành
tích xuất sắc trong phòng chống dịch COVID-19
|
75.
|
Công văn số 4351/BYT-MT ngày
28/5/2021 của Bộ Y tế Tăng cường, phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển
hàng hóa
|
76.
|
Công văn số 4352/BYT-MT ngày
28/5/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp,
nhà máy, xí nghiệp
|
77.
|
Công văn số 4433/BYT-QLD ngày
31/5/2021 của Bộ Y tế về tăng cường tiếp cận vắc xin phòng COVID-19
|
78.
|
Công văn số 4719/BYT-TT-KT
ngày 14/6/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường truyền thông cảnh báo về lừa đảo,
giả mạo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
|
79.
|
Công văn số 727/K2ĐT-ĐT ngày
16/6/2021 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo gửi các cơ sở đào tạo nhân lực
y tế hướng dẫn triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ
phòng, chống dịch COVID-19.
|
80.
|
Công văn số 5028/BYT-KHTC
ngày 23/6/2021 hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả chi phí xét nghiệm vi rút
SARS-CoV-2 khi tăng cường thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh
|
81.
|
Công văn số 5015/BYT-MT ngày 23/6/2021
của Bộ Y tế Cách ly y tế đối với người đến từ vùng đang có dịch
|
82.
|
Công văn số 5072/BYT-KCB ngày
24/6/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm
SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
|
83.
|
Công văn số 5152/BYT-MT ngày
27/6/2021 của Bộ Y tế thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng
F1
|
84.
|
Công văn số 5374/BYT-K2ĐT
ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế gửi các cơ sở đào tạo đào tạo nhân lực y tế đề nghị
cử cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch
COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh.
|
85.
|
Công văn số 5389/BYT-MT ngày
07/7/2021 của Bộ Y tế Tiếp nhận đối với người từ TP. Hồ Chí Minh về địa
phương
|
86.
|
Công văn số 836/K2ĐT-ĐT ngày
08/7/2021 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo gửi các cơ sở đào tạo nhân lực
y tế chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, giảng viên, học
viên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại thành phố Hồ
Chí Minh.
|
87.
|
Công văn số 5476/BYT-DP ngày
09/7/2021 gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện phòng chống dịch trong
thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CTTTg tại TP. Hồ Chí Minh.
|
88.
|
Công văn số 5479/BYT-MT ngày
09/7/2021 của Bộ Y tế Triển khai ứng dụng quét mã QR code kết hợp khai báo y
tế phòng, chống dịch COVID-19
|
89.
|
Công văn số 5522/BYT-MT ngày
12/7/2021 của Bộ Y tế Mẫu kế hoạch PCD COVID-19 cho CSSXKD và mẫu cam kết PCD
tại khu nhà trọ cho người lao động
|
90.
|
Công văn số 5533/BYT-MT ngày
12/7/2021 của Bộ Y tế điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm
đối với người từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương
|
91.
|
Công văn số 5599/BYT-MT ngày
14/7/2021 của Bộ Y tế về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại
nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19
|
92.
|
Công văn số 5679/BYT-MT ngày
16/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục quản lý xử lý vỏ lọ vắc xin COVID-19
|
93.
|
Công văn số 5753/BYT-MT ngày
19/7/2021 của Bộ Y tế Xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận
chuyển hàng hóa
|
94.
|
Công văn số 5796/BYT-TT-KT
ngày 20/7/2021 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
95.
|
Công văn 5858/BYT-MT ngày
21/7/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn PCD tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời
gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg
|
96.
|
Công văn số 5886/BYT-MT ngày
22/7/2021 của Bộ Y tế Vận chuyển hàng hóa (tiếp theo Công văn số 5753/BYT-MT
ngày 19/7/2021)
|
97.
|
Công văn số 6006/BYT-TT-KT
ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19
|
98.
|
Công văn số 6212/BYT-MT ngày 02/8/2021
của Bộ Y tế vệ sinh khử khuẩn phòng, chống COVID-19
|
99.
|
Công văn số 6222/BYT-MT ngày
02/8/2021 của Bộ Y tế cách ly y tế đối với tổ bay của Việt Nam Airlines
|
100.
|
Công văn số 6288/BYT-MT ngày
04/8/2021 của Bộ Y tế giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập
cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19
|
101.
|
Công văn số 6377/BYT-TT-KT
ngày 06/8/2021 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ gửi tin nhắn phòng chống dịch, bệnh
COVID-19
|
102.
|
Công văn số 6386/BYT-MT ngày
06/8/2021 của Bộ Y tế về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về
từ khu vực có dịch COVID-19
|
103.
|
Công văn số 6535/BYT-TT-KT
ngày 11/8/2021 của Bộ Y tế về việc sử dụng tài liệu truyền thông về khám sàng
lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
|
104.
|
Công văn số 6666/BYT-MT ngày
16/8/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị
|
105.
|
Công văn số 6974/BYT-TT-KT
ngày 24/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường các hoạt động truyền thông
|
106.
|
Công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021
của Bộ Y tế cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với trẻ em
|
107.
|
Công văn số 7027/BYT-MT ngày
25/8/2021 của Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch
COVID-19
|
108.
|
Công văn số 7107/BYT-MT ngày
27/8/2021 của Bộ Y tế xử lý thi hài tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến
tôn giáo, tín ngưỡng
|
109.
|
Công văn số 7261/BYT-TT-KT
ngày 01/9/2021 của Bộ Y tế giới thiệu phóng viên kênh VTC14 tác nghiệp tại
các Trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng COVID-19 tại TP.HCM
|
110.
|
Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày
02/09/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch
COVID- 19
|
111.
|
Công văn 7301/BYT-AIDS ngày
03/9/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone về nhà trong thời
gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ để
phòng, chống dịch
|
112.
|
Công văn số 7316/BYT-MT ngày
03/9/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn an toàn phòng, chống dịch đối với lực lượng
tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19
|
113.
|
Công văn số 7317/BYT-MT ngày 03/9/2021
của Bộ Y tế Hướng dẫn an toàn cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 tại cấp xã
|
114.
|
Công điện số 1346/CĐ-BYT ngày
08/9/2021 của Bộ Y tế về việc thần tốc xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19
|
115.
|
Công văn số 7455/BYT-TT-KT
ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế phối hợp thực hiện ghi hình phóng sự
|
116.
|
Quyết định số 3888/QĐ-BYT
ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế phê duyệt Sổ tay “Hướng dẫn phòng, chống dịch
COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới”
|
117.
|
Công văn số 7527/BYT-TT-KT ngày
10/9/2021 của Bộ Y tế gửi Kế hoạch truyền thông phòng COVID-19 của Tiểu ban
Truyền thông - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
|
118.
|
Công văn số 7700/BYT-TT-KT
ngày 15/9/2021 của Bộ Y tế giới thiệu phóng viên Truyền hình nhân dân tác
nghiệp tại các Trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng COVID-19 tại TP.HCM
|
119.
|
Công văn số 8228/BYT-MT ngày
30/9/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh
|
120.
|
Công văn số 8399/BYT-MT ngày
06/10/2021 hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong đó có
cách thức thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế đối với những người dân di chuyển
từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về địa phương
|
121.
|
Công văn số 8987/BYT-TT-KT ngày
22/10/2021 của Bộ Y tế hưởng ứng cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống
dịch COVID-19”
|
122.
|
Công văn số 9472/BYT-MT ngày
08/11/2021 của Bộ Y tế triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của
Chính Phủ
|
123.
|
Công văn số 9529/BYT-TT-KT ngày
09/11/2021 của Bộ Y tế phối hợp gửi tin nhắn về tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19
|
124.
|
Công văn số 9765/BYT-TT-KT
ngày 17/11/2021 của Bộ Y tế về việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh
và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
|
125.
|
Công văn số 10388/BYT-TT-KT
ngày 07/12/2021 của Bộ Y tế về việc khen thưởng thành tích trong công tác
phòng, chống đại dịch COVID-19
|
126.
|
Công văn số 10613/BYT-TT-KT
ngày 14/12/2021 của Bộ Y tế về việc cung cấp thông tin về công tác y tế
|
127.
|
Công văn số 10696/BYT-MT ngày
16/12/2021 của Bộ Y tế cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin
hoặc đã khỏi bệnh COVID-19
|
128.
|
Công văn số 10688/BYT-MT ngày
16/12/2021 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh
|
129.
|
Công văn số 10943/BYT-MT ngày
24/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người
được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày)
|
130.
|
Công văn số 375/BYT-MT ngày
22/01/2022 của Bộ Y tế Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê
nhân dịp Tết Nguyên đán
|
131.
|
Công văn số 429/BYT-MT ngày
26/01/2022 của Bộ Y tế phòng, chống dịch đối với tổ bay trên các chuyến bay
quốc tế
|
132.
|
Công văn số 762/BYT-DP ngày
21/02/2022 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường
hợp tiếp xúc gần
|
133.
|
Công văn 796/BYT-MT ngày
21/02/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác phòng chống dịch COVID -19
khi tổ chức dạy học trực tiếp.
|
134.
|
Công văn số 922/BYT-MT ngày
27/02/2022 của Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc
COVID- 19 quản lý tại nhà.
|
135.
|
Công văn 254/KCB-NV ngày
14/3/2022 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh triển khai Hướng dẫn quản lý tại
nhà đối với người mắc COVID-19
|
136.
|
Công văn số 1265/BYT-DP ngày
15/3/2022 về việc phòng chống dịch cho người nhập cảnh
|
7. VĂN BẢN HÀNH CHÍNH CỦA
CÁC BỘ, NGÀNH KHÁC
STT
|
TÊN VĂN BẢN
|
1.
|
Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH
ngày 29/5/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội V/v hỗ trợ cho trẻ em bị
nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19
|
2.
|
Công văn số 5411/BCT-ĐTĐL
ngày 6/9/2021 của Bộ Công thương về việc Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện
đợt 5 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19
|
3.
|
Công văn số 4740/BKHĐT-QLĐT
ngày 20/7/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý các vướng mắc trong
mua sắm phòng, chống dịch
|
4.
|
Công văn số 5680/BKHĐT-QLĐT
ngày 26/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường tổ chức đấu thầu
trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia trong dịch COVID-19
|
5.
|
Công văn số 6144/BKHĐT-QLĐT
ngày 13/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện pháp luật đấu thầu
và các Nghị quyết của Chính phủ về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÒN TỒN TẠI, HẠN CHẾ
TRƯỚC CÁC TÁC ĐỘNG MẠNH MẼ, DÀI HẠN CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ)
STT
|
Tên văn bản
|
Cơ quan tham mưu xử lý
|
Ghi chú
|
I. BỘ LUẬT, LUẬT CỦA QUỐC HỘI
|
1.
|
Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm năm 2007
|
Bộ Y tế
|
Bộ Y tế đang tổng kết, đánh
giá và xây dựng hồ sơ đề nghị
|
2.
|
Luật Bảo hiểm y tế năm 2008
(sửa đổi, bổ sung năm 2014)
|
Bộ Y tế
|
Bộ Y tế đang xây dựng đề nghị
sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế
|
3.
|
Luật Khám bệnh, chữa bệnh
|
Bộ Y tế
|
Chính phủ đã trình Quốc hội
Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá
XV
|
4.
|
Luật Dược năm 2016
|
Bộ Y tế
|
Bộ Y tế đang xây dựng đề nghị
xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
|
5.
|
Luật Thi hành án dân sự năm
2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
|
Bộ Tư pháp
|
|
6.
|
Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi,
bổ sung năm 2012)
|
Bộ Tư pháp
|
|
7.
|
Luật Công chứng năm 2014
|
Bộ Tư pháp
|
Bộ Tư pháp đang xây dựng Luật
sửa đổi
|
8.
|
Bộ luật Hình sự năm 2015
|
Bộ Tư pháp
|
|
9.
|
Luật Đấu giá tài sản năm 2016
|
Bộ Tư pháp
|
|
10.
|
Luật Xử lý vi phạm hành chính
năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)
|
Bộ Tư pháp
|
|
11.
|
Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)
|
Bộ Tư pháp
|
|
12.
|
Luật Công đoàn năm 2012
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
13.
|
Luật Việc làm năm 2013
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
14.
|
Bộ luật Lao động năm 2019
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
15.
|
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
16.
|
Luật Người lao động Việt Nam
đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
17.
|
Luật Thương mại năm 2005
|
Bộ Công Thương
|
|
18.
|
Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng năm 2010
|
Bộ Công Thương
|
|
19.
|
Luật Quản lý ngoại thương năm
2017
|
Bộ Công Thương
|
|
20.
|
Luật Thanh tra năm 2010
|
Thanh tra Chính phủ
|
Thanh tra Chính phủ đang xây
dựng Luật sửa đổi
|
21.
|
Luật Khiếu nại năm 2011
|
Thanh tra Chính phủ
|
|
22.
|
Luật Tố cáo năm 2018
|
Thanh tra Chính phủ
|
|
23.
|
Luật Giá năm 2012
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Tài chính đang xây dựng Luật
sửa đổi
|
24.
|
Luật đấu thầu
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang
xây dựng Luật sửa đổi
|
25.
|
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
|
26.
|
Bộ luật Tố tụng hình sự năm
2015
|
Tòa án nhân dân tối cao
|
|
II. PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
|
1.
|
Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp
năm 2000
|
Bộ Tư pháp
|
|
2.
|
Nghị quyết của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội về giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng và số giờ làm thêm
trong 01 năm theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
Đã ban hành Nghị quyết số
17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm
thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống
dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
|
III. NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
|
1.
|
Nghị định số 56/2011/NĐ-CP
ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với
công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập
|
Bộ Y tế
|
Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi
|
2.
|
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP
ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi
hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
|
Bộ Y tế
|
Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi
|
3.
|
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
y tế
|
Bộ Y tế
|
Ngày 28/12/2021, Chính phủ
ban hành Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
|
4.
|
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP
ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Dược
|
Bộ Y tế
|
|
5.
|
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP
ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm
xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
6.
|
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP
ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
7.
|
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc
tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ
chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
8.
|
Nghị định của Chính phủ quy định
chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với
cách mạng sửa đổi năm 2020
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
Ngày 30/12/2021, Chính phủ
ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
|
9.
|
Nghị định số 32/2017/NĐ-CP
ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước
|
Bộ Tài chính
|
|
10.
|
Nghị định số 18/2021/NĐ-CP
ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP
ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
|
Bộ Tài chính
|
|
11.
|
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Thông tư hướng dẫn
|
Bộ Công Thương
|
Ngày 01/11/2021, Chính phủ
ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu
|
12.
|
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP
ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý
ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại
|
Bộ Công Thương
|
|
13.
|
Nghị định số 81/2018/NĐ-CP
ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động
xúc tiến thương mại
|
Bộ Công Thương
|
|
14.
|
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát
lại
|
Bộ Tư pháp
|
|
IV. QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
1.
|
Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg
ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định quy định một số chế
độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở
y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch
|
Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài
chính
|
|
2.
|
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
ngày 07/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và
người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (được sửa đổi, bổ
sung bởi Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021)
|
Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội
|
|
V. VĂN BẢN KHÁC
|
1.
|
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn đối với các hành vi làm lây
lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và các hành vi vi phạm khác liên quan đến
phòng, chống dịch bệnh
|
Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao
|
|
PHỤ LỤC III
DANH MỤC VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SAU RÀ
SOÁT ĐÃ ĐƯỢC BAN HÀNH, ĐANG SOẠN THẢO ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ)
II. NGHỊ ĐINH CHÍNH PHỦ
TT
|
Tên văn bản
|
Sửa đổi
|
1
|
Nghị định số 98/2021/NĐ-CP
ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
Thay thế Nghị định số
36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của
Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
3
|
Nghị định số 124/NĐ-CP ngày
28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định
số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm
|
Sửa đổi bổ sung Nghị định số
117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
|
III. QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
TT
|
Tên văn bản
|
Ban hành mới
|
Sửa đổi
|
4
|
Quyết định số 1661/QĐ-TTg
ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản
hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ
Y tế
|
Ban hành mới
|
|
IV. THÔNG TƯ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ
TT
|
Tên văn bản
|
Ban hành mới
|
Sửa đổi
|
1
|
Thông tư 11/2021/TT-BYT ngày
19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng
Covid-19 trong trường hợp cấp bách
|
Ban hành mới
|
|
2
|
Thông tư số 13/2021/TT-BYT ngày
16/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết
bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách
|
Ban hành mới
|
|
3
|
Thông tư số 15/2021/TT-BYT
ngày 24/9/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định
việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế
quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
|
4
|
Thông tư số 16/2021/TT-BYT
ngày 08/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS
- Cov2
|
Ban hành mới
|
|
5
|
Thông tư số 17/2021/TT-BYT ngày
09/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu
|
Ban hành mới
|
|
6
|
Thông tư số 19/2021/TT-BYT
ngày 16/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định mẫu báo cáo thực hiện Nghị định
số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
Ban hành mới
|
|
7
|
Thông tư số 20/2021/TT-BYT
ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quản lý chất thải trong phạm vi, khuẩn
viên cơ sở y tế.
|
|
Thay thế Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT- BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế
|
8
|
Thông tư số 21/2021/TT-BYT
ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa
táng
|
|
Thay thế Thông tư số
02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ
sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng
|
9
|
Thông tư số 22/2021/TT-BYT
ngày 01/12/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định ngưng hiệu lực Thông tư số 04/2021/TT-BYT
ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán chi phí
khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất
|
|
|
11
|
Thông tư số 27/2021/TT-BYT
ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện
tử.
|
Ban hành mới
|
|
12
|
Thông tư số 30/2021/TT-BYT
ngày 27/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động pha chế thuốc để điều
trị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
|
Ban hành mới
|
Bãi bỏ Khoản
3 Điều 4, Điều 12 và Điều 18 Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10 tháng 6
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh
viện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành
|
13
|
Thông tư số 31/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định công tác điều dưỡng trong các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
|
|
Thay thế Thông tư số
07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn công
tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện
|
14
|
Thông tư số 35/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung khoản
1 Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của bộ trưởng
bộ y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị
định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế
|
|
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12
năm 2020 của bộ trưởng bộ y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi
hành một số điều của nghị định số 146/2018/NĐ-CP
|
16
|
Thông tư số 38/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị
thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền
|
|
Thay thế Thông tư số
13/2018/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chất lượng
dược liệu, thuốc cổ truyền
|
17
|
Thông tư số 39/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ y tế quy định
việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ y tế
quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu
|
18
|
Thông tư số 02/2022/TT-BYT
ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ xét nghiệm
SARS-CoV- 2.
|
Ban hành mới
|
|
19
|
Thông tư số 04/2022/TT-BYT
ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017, Thông tư số
18/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê
đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số
27/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định
kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017, Thông tư số
18/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê
đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số
27/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định
kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
|
20
|
Thông tư số 05/TT-BYT ngày 01
tháng 08 năm 2022 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị
định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý
trang thiết bị y tế
|
Ban hành mới
|
|
21
|
Thông tư số 06/2022/TT-BYT ngày
01/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục và cấp số lưu hành trang
thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách
|
Ban hành mới
|
|
22
|
Thông tư số 07/2022/TT-BYT
ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thuốc phải thử tương đương sinh
học và các yêu cầu đối với hồ sơ báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh
học trong đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam
|
|
Thay thế Thông tư số
08/2010/TT-BYT ngày 26 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn báo
cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng/tương đương sinh học trong đăng ký thuốc
|
23
|
Thông tư số 08/2022/TT-BYT
ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc,
nguyên liệu làm thuốc
|
|
Thay thế Thông tư số
32/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc
đăng ký thuốc; Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 23/2021/TT-BYT
ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số văn bản
quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Khoản 5 Điều
1 Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y
tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng
Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành; Điểm h khoản 3 Điều 14
Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế
quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
|
24
|
Thông tư số 09/2022/TT-BYT
ngày 09/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu mua
sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế công lập
|
|
Thay thế Thông tư số
31/2016/TT-BYT ngày 10 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết
mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế
|
PHỤ LỤC III
DANH MỤC VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SAU RÀ
SOÁT ĐÃ ĐƯỢC BAN HÀNH, ĐANG SOẠN THẢO ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ)
II. NGHỊ ĐINH CHÍNH PHỦ
TT
|
Tên văn bản
|
Sửa đổi
|
1
|
Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày
08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
Thay thế Nghị định số
36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của
Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
3
|
Nghị định số 124/NĐ-CP ngày
28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định
số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm
|
Sửa đổi bổ sung Nghị định số
117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
|
III. QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
TT
|
Tên văn bản
|
Ban hành mới
|
Sửa đổi
|
4
|
Quyết định số 1661/QĐ-TTg
ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản
hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ
Y tế
|
Ban hành mới
|
|
IV. THÔNG TƯ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ
Y TẾ
TT
|
Tên văn bản
|
Ban hành mới
|
Sửa đổi
|
1
|
Thông tư 11/2021/TT-BYT ngày
19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng
Covid-19 trong trường hợp cấp bách
|
Ban hành mới
|
|
2
|
Thông tư số 13/2021/TT-BYT
ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu
trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp
bách
|
Ban hành mới
|
|
3
|
Thông tư số 15/2021/TT-BYT
ngày 24/9/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư
số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc
đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế
quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
|
4
|
Thông tư số 16/2021/TT-BYT
ngày 08/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS
- Cov2
|
Ban hành mới
|
|
5
|
Thông tư số 17/2021/TT-BYT
ngày 09/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu
|
Ban hành mới
|
|
6
|
Thông tư số 19/2021/TT-BYT
ngày 16/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định mẫu báo cáo thực hiện Nghị định
số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế
|
Ban hành mới
|
|
7
|
Thông tư số 20/2021/TT-BYT
ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quản lý chất thải trong phạm vi, khuẩn
viên cơ sở y tế.
|
|
Thay thế Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên
và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế
|
8
|
Thông tư số 21/2021/TT-BYT
ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa
táng
|
|
Thay thế Thông tư số
02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ
sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng
|
9
|
Thông tư số 22/2021/TT-BYT
ngày 01/12/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định ngưng hiệu lực Thông tư số
04/2021/TT-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thanh
toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất
|
|
|
11
|
Thông tư số 27/2021/TT-BYT
ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện
tử.
|
Ban hành mới
|
|
12
|
Thông tư số 30/2021/TT-BYT
ngày 27/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động pha chế thuốc để điều
trị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
|
Ban hành mới
|
Bãi bỏ Khoản
3 Điều 4, Điều 12 và Điều 18 Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10 tháng 6
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh
viện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành
|
13
|
Thông tư số 31/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định công tác điều dưỡng trong các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
|
|
Thay thế Thông tư số
07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn công
tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện
|
14
|
Thông tư số 35/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung khoản
1 Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của bộ trưởng
bộ y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị
định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế
|
|
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12
năm 2020 của bộ trưởng bộ y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi
hành một số điều của nghị định số 146/2018/NĐ-CP
|
16
|
Thông tư số 38/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị
thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền
|
|
Thay thế Thông tư số
13/2018/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chất
lượng dược liệu, thuốc cổ truyền
|
17
|
Thông tư số 39/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ y tế quy định
việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ y tế
quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu
|
18
|
Thông tư số 02/2022/TT-BYT
ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ xét nghiệm
SARS-CoV- 2.
|
Ban hành mới
|
|
19
|
Thông tư số 04/2022/TT-BYT
ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017, Thông tư số 18/2018/TT-BYT
ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược,
sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20
tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định kê đơn thuốc bằng
hình thức điện tử.
|
|
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017, Thông tư số
18/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê đơn
thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số
27/2021/TT-BYT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định
kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
|
20
|
Thông tư số 05/TT-BYT ngày 01
tháng 08 năm 2022 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị
định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý
trang thiết bị y tế
|
Ban hành mới
|
|
21
|
Thông tư số 06/2022/TT-BYT
ngày 01/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục và cấp số lưu hành
trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp
bách
|
Ban hành mới
|
|
22
|
Thông tư số 07/2022/TT-BYT
ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thuốc phải thử tương đương sinh
học và các yêu cầu đối với hồ sơ báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh
học trong đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam
|
|
Thay thế Thông tư số
08/2010/TT-BYT ngày 26 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn báo
cáo số liệu nghiên cứu sinh khả dụng/tương đương sinh học trong đăng ký thuốc
|
23
|
Thông tư số 08/2022/TT-BYT
ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc,
nguyên liệu làm thuốc
|
|
Thay thế Thông tư số
32/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc
đăng ký thuốc; Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 23/2021/TT-BYT
ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số văn bản
quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Khoản 5 Điều
1 Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y
tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng
Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành; Điểm h khoản 3 Điều 14
Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế
quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
|
24
|
Thông tư số 09/2022/TT-BYT
ngày 09/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu mua
sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế công lập
|
|
Thay thế Thông tư số
31/2016/TT-BYT ngày 10 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết
mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế
|
PHỤ LỤC IV
NGUỒN LỰC DÀNH CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
VÀ THỰC HIỆN CHUYỂN NGUỒN KINH PHÍ CHI SỰ NGHIỆP Y TẾ THEO QUY ĐỊNH TẠI MỤC 3.2
NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ)
1. Ngân sách Trung ương tập
trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021, 2022:
Năm 2021: Tổng nguồn lực bố trí
năm 2021 khoảng 51,22 nghìn tỷ đồng, gồm: (i) dự phòng ngân sách trung ương
(NSTW) năm 2021 sử dụng cho phòng, chống dịch 27,54 nghìn tỷ đồng, gồm dự phòng
dự toán đầu năm đã sử dụng cho phòng, chống dịch là 12,92 nghìn tỷ đồng; dự
phòng được bổ sung từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021 là 14,62
nghìn tỷ đồng để chi cho công tác phòng, chống dịch theo Nghị quyết số
393/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (ii) nguồn NSTW năm 2020 chuyển
sang 13,337 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin; (iii) nguồn kinh phí thực hiện chính
sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của
Chính phủ được chuyển nguồn sang năm 2021 là 1,54 nghìn tỷ đồng; (iv) Quỹ vắc
xin đã huy động là 8,803 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, đã
tiếp nhận từ vận động viện trợ, tài trợ bằng vắc xin trong năm 2021 là 95,08
triệu liều.
Đến hết năm 2021, tổng số kinh
phí đã quyết định chi là 34,26 nghìn tỷ đồng, bao gồm: nguồn NSTW là 26,3 nghìn
tỷ đồng, nguồn quỹ vắc xin gần 7,95 nghìn tỷ đồng; trong đó: mua vắc xin và
tiêm chủng là 15,514 nghìn tỷ đồng (bao gồm: NSTW là 7,574 nghìn tỷ đồng; cấp từ
Quỹ vắc xin là 7,95 nghìn tỷ đồng); bổ sung cho các Bộ kinh phí mua trang thiết
bị y tế, sinh phẩm, vật tư phục vụ phòng chống dịch, phụ cấp đặc thù trong
phòng, chống dịch là 9,83 nghìn tỷ đồng (gồm: Bộ Y tế 5,68 nghìn tỷ đồng , Bộ
Quốc phòng gần 2,71 nghìn tỷ đồng và Bộ Công an 1,44 nghìn tỷ đồng); bổ sung
cho Bộ Tài chính kinh phí mua gạo dự trữ quốc gia để xuất hỗ trợ người dân bị ảnh
hưởng của dịch là 1,7 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương kinh phí phòng, chống
dịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch theo các Nghị
quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của
Chính phủ là 7,21 nghìn tỷ đồng.
Sau khi trừ số đã sử dụng 34,26
nghìn tỷ đồng như trên, tổng nguồn lực của trung ương đến hết năm 2021 còn lại
khoảng 16,96 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 1.353 tỷ đồng được phép chuyển nguồn theo
quy định gồm: 499 tỷ đồng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh
hưởng do dịch được chuyển nguồn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và
854 tỷ đồng Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Ngày 22/5/2022, Chính phủ đã có Tờ
trình số 15/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang
năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kinh phí mua vắc-xin phòng
COVID-19 đối với số kinh phí còn lại là 15.602 tỷ đồng. Ngày 14/6/2022, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 về việc bổ sung dự
toán thu NSNN năm 2021; phân bố, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm
chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2021, trong đó Điều 3
cho phép chuyển nguồn 15.602 tỷ đồng sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện mua vắc
xin, chi phòng, chống dịch COVID 19, bao gồm: (i) Kinh phí bổ sung từ nguồn tiết
kiệm chi NSTW năm 2020 để mua vắc xin phòng COVID-19 theo Nghị quyết số
1271/NQ- UBTVQH14 ngày 18/5/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa sử dụng:
6.999 tỷ đồng và (ii) Dự phòng NSTW được bổ sung năm 2021 chi cho công tác
phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 của
Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội chưa sử dụng: 8,603 tỷ đồng.
Năm 2022: Nguồn dự phòng NSTW
năm 2022 là 20.500 tỷ đồng. Số đã quyết định chi đến ngày 31/05/2022 là 1.000,1
tỷ đồng, trong đó chỉ hỗ trợ phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị ảnh
hưởng của dịch COVID-19 là 837,4 tỷ đồng. Nguồn dự phòng NSTW năm 2022 còn lại
là 19.499,9 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn dự phòng năm
2022 của NSTW (bao gồm cả số chuyển nguồn sang năm 2022) là 36.102 tỷ đồng.
Trong đó, toàn bộ số chuyển nguồn 15.602 tỷ đồng là dành riêng cho công tác
phòng chống dịch COVID-19 (gồm cả kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19).
2. NSTW hỗ trợ cho ngân sách địa
phương (NSĐP):
Số kinh phí NSTW đã bổ sung để
hỗ trợ các địa phương năm 2021, năm 2022 theo các Nghị quyết của Chính phủ:
- Năm 2021, kinh phí hỗ trợ các
địa phương thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người
lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch
COVID-19 năm 2021 là 7.141,576 tỷ đồng, gồm:
(i) Kinh phí chế độ đặc thù
theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày
08/02/2021 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ là 2.708 tỷ
đồng cho 43 địa phương.
(ii) Kinh phí hỗ trợ người dân
gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020
và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 là 1.041 tỷ đồng cho 51 địa phương.
(iii) Kinh phí hỗ trợ người lao
động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết
số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 là 360 tỷ
đồng cho 15 địa phương.
(iv) Hỗ trợ đặc thù riêng cho
04 địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng với tổng số
tiền là 3.032,576 tỷ đồng, gồm thành phố Hồ Chí Minh 2.000 tỷ đồng, tinh Đồng
Nai 500 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương 500 tỷ đồng, tỉnh Hải Dương 32,576 tỷ đồng.
- Năm 2022 (tính đến ngày
31/5/2022), kinh phí Bộ Tài chính hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính
sách phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động
gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khoảng 837 tỷ đồng .
PHỤ LỤC V
CÁC GIẢI PHÁP MIỄN, GIẢM, GIA HẠN MỘT SỐ KHOẢN THUẾ,
PHÍ, LỆ PHÍ VÀ TIỀN THUÊ ĐẤT CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG GẶP KHÓ KHĂN DO ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH
COVID-19
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28/9/2022 của Chính phủ)
Kinh phí tiếp tục thực hiện các
giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với
quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng, cụ thể:
- Theo quy định tại Nghị quyết
số 43/2022/QH15: Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá
trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính
thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm
khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh
tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu,
trong đó có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; Thực hiện tính vào chi phí
được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản
chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch
Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Bộ Tài chính cũng đã trình
Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính
sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng từ
ngày 01/02/2022 đến hết năm 2022. Dự kiến việc thực hiện các chính sách nêu
trên có thể giảm thu NSNN khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.
- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi
trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành
hàng không theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội (UBTVQH). Thời gian thực hiện từ 01/01/2022 đến hết ngày
31/12/2022; dự kiến giảm thu NSNN khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ đã trình UBTVQH ban
hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để thực hiện giảm từ 50% -
70% mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 01/4/2022
đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến số tiền thuế BVMT giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ
đồng.
- Giảm 50% lệ phí trước bạ khi
đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày
31/05/2022 theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ. Dự
kiến doanh nghiệp, người dân sẽ được giảm nghĩa vụ khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng .
- Điều chỉnh giảm mức thuế suất
thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất
khẩu của doanh nghiệp theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của
Chính phủ, có hiệu lực áp dụng từ 31/12/2021. Dự kiến số giảm thu NSNN năm 2022
của việc điều chỉnh này khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng.
- Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ
phí theo Thông tư số 120/2021/TTBTC ngày 24/12/2021 và áp dụng kể từ ngày
01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Dự kiến số tiền phí, lệ phí mà doanh nghiệp,
người dân được giảm khoảng 900 tỷ đồng.
- Gia hạn thời hạn nộp thuế thu
nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ
đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022 với quy mô tiền thuế, tiền thuê đất được
gia hạn dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước phải
nộp của năm 2022.
Để góp phần ổn định giá xăng dầu
trong nước, kiềm chế lạm phát trước biến động giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ
Tài chính đã trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số
20/2022/UBTVQH15 ngày 07/7/2022 về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có
hiệu lực từ ngày 11/7/2022. Theo đó mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm
về mức sàn trong khung thuế. Dự kiến số giảm thu khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài
chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày
08/8/2022 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập 3 khẩu ưu đãi đối với xăng từ
20% xuống 10% nhằm đa dạng hóa nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.
PHỤ LỤC VI
KẾT QUẢ TIÊM CHỦNG TÍNH ĐẾN HẾT NGÀY 11/9/2022
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28/9/2022 của Chính phủ)
Việt Nam đã triển khai tiêm được
258,7 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.
Tỷ lệ tiêm trên các nhóm đối tượng
như sau:
Đối tượng1
|
Mũi 1
|
Mũi 2
|
Mũi 3*
|
Mũi 4**
|
Người lớn (>=18 tuổi)
|
100%
|
100%
|
77,0%
|
78,0%
|
Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi
|
100%
|
100%
|
55,2%
|
|
Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi
|
85,8%
|
57,6%
|
-
|
|
Ghi chú: (*) Mũi nhắc lại lần
1
(**) Mũi nhắc lại lần 2: Tổng
số đối tượng cần tiêm là 19.200.604 người.
Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành
tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và đang tích cực triển khai tiêm
mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn
của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Từ khi triển
khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến nay, Việt Nam luôn là quốc gia
có tiến độ tiêm nhanh, có số liều vắc xin sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao
trên thế giới: đứng thứ 9 thế giới về số liều vắc xin sử dụng2; Tỷ lệ
tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; Tỷ lệ tiêm liều
nhắc lại đứng thứ 8 thế giới3, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế
giới4; Số liều vắc xin phòng COVID-19 trung bình mỗi người dân nhận
được là 2,6 liều (đứng thứ 5 thế giới5), trung bình của thế giới là
1,6 liều/ người6.
____________________
1 Do có sự di biến động
dân cư (đặc biệt trong nhóm từ 18 tuổi trở lên) nên số lượng đối tượng được địa
phương rà soát, cập nhật lại liên tục. Hiện tại, người trên 18 tuổi là
66.054.193; trẻ từ 12-17 tuổi là 8.673.181; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là
11.343.914.
2 Sau 8 quốc gia là
Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Nhật Bản)
3 Sau 7 quốc gia là
Chile, Brunei Darussalam, Singapore, Bhutan, Cuba, Italy và Iceland
4 Tỷ lệ trung bình
trên thế giới là 28%
5 Sau 4 quốc gia là
Cuba, Chile, Brunei Darussalam và Paula.
6 Thống kê của WHO tại
trang https://COVID19.who.int/table
PHỤ LỤC VII
THUYẾT MINH CHI TIẾT VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TIẾP TỤC
KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỐI VỚI MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ
30/2021/QH15.
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 353/BC-CP ngày 28/9/2022 của Chính phủ)
I. Chính phủ kiến nghị Quốc hội
cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng
ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30.
1. Cơ sở của việc đề xuất:
Kết quả thực hiện quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 “Đối với giấy
đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời
gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà
không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của
dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo
đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”: Bộ Y tế đã rà soát và công bố
10.304 thuốc được duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày
31/12/2022. Bên cạnh đó, trong 09 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng
ký lưu hành cho 906 thuốc, gia hạn cho 1.129 thuốc theo đúng quy định của Luật
Dược năm 2016. Trong số các thuốc được cấp mới, gia hạn, duy trì nêu trên đã
bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc tham gia đấu
thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương. Như vậy, với một chính sách tháo gỡ
khó khăn cho công tác đăng ký thuốc của Quốc hội đã góp phần bảo đảm nguồn cung
ứng thuốc ra thị trường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
(hiện có 21.847 thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực GĐKLH), đồng thời
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược
trong việc yên tâm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh thuốc; góp phần bảo
đảm cho các cơ sở khám, chữa bệnh đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh
cho nhân dân.
Nghị quyết số 30 có hiệu lực đến
31/12/2022 do đó đến ngày 01/01/2023 sẽ có 10.304 thuốc nêu trên hết hiệu lực
GĐKLH và còn có 3.802 thuốc (cấp năm 2018 có hiệu lực 5 năm và cấp năm 2019 có
hiệu lực 03 năm) có Giấy ĐKLH hết hiệu lực trong năm 2023 dẫn đến số lượng hồ
sơ đề nghị gia hạn Giấy ĐKLH phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn (hơn
14.000 thuốc). Trong khi đó, theo quy định của Luật Dược 2016, quy trình giải
quyết gia hạn Giấy ĐKLH đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian, đặc biệt trong bối
cảnh hiện nay là số lượng chuyên gia thẩm định hồ sơ rất thiếu, tiến độ thẩm định
và cấp phép gia hạn chậm, doanh nghiệp mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ do ảnh
hưởng dịch COVID-19, lượng hồ sơ gia hạn tồn đọng lũy tiến từ năm 2020 đến thời
điểm hiện nay rất lớn (khoảng hơn 12.000 hồ sơ). Điều này nguy cơ dẫn đến tình
trạng gián đoạn sản xuất, đứt gãy nguồn cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy
đăng ký lưu hành mà chưa được gia hạn giấy đăng ký lưu hành vào năm 2023.
Mặt khác, trên thực tế có nhiều
thuốc đã lưu hành nhiều năm trên thế giới cũng như tại Việt Nam và chất lượng
thuốc đã được khẳng định đồng thời cũng không có vi phạm về chất lượng nên việc
quy định phải thực hiện thủ tục gia hạn là không cần thiết. Theo kinh nghiệm quốc
tế cho thấy việc áp dụng gia hạn tự động đối với thuốc không bị vi phạm chất lượng
và các Trung tâm giám sát ADR không phát hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng sẽ
được tiếp tục lưu hành mà không cần nộp hồ sơ đề nghị gia hạn số đăng ký lưu
hành.
Việc gia hạn tự động giấy đăng
ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt phương án thực hiện tại Quyết định số 1661/QĐ- TTg ngày 04 tháng 10 năm
2020 về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến
hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Về tình hình dịch bệnh: Dịch bệnh
COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới xuất hiện
nhiều biến chủng với tốc độ lây lan vẫn rất phức tạp, một số quốc gia tiếp tục
ghi nhận ca lây nhiễm mới, chưa thể dự báo được thời điểm kết thúc dịch cũng
như dự báo xu hướng trong năm 2023.
Vì vậy, để bảo đảm nguồn cung ứng
thuốc trong thời gian chờ sửa đổi Luật Dược 2016, cần tiếp tục cho phép kéo dài
thời gian áp dụng thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc
theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30/2021/QH15 là hết
sức cần thiết.
2. Đánh giá tác động nếu cho
phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký
lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30
- Về kinh tế: Doanh nghiệp dược
được tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đầy đủ nguồn cung
ứng thuốc cho nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, giúp Nhà nước,
doanh nghiệp và người dân giảm được chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội do
hậu quả của bệnh dịch gây ra.
- Về xã hội: Góp phần bảo vệ và
nâng cao sức khỏe người dân từ đó góp phần bảo đảm an sinh, an toàn - trật tự
xã hội.
- Về thủ tục hành chính: Việc
thực hiện không làm phát sinh thủ tục hành chính.
- Về hệ thống pháp luật: Việc
kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 30 đã được
quy định tại Mục 3.8, do đó đề xuất hoàn toàn phù hợp với
quy định.
3. Đánh giá tác động nếu chính
sách không được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy
đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết
số 3
Nếu chính sách không được ban
hành, nguy cơ thuốc hết hiệu lực GĐKLH do không kịp giải quyết hồ sơ gia hạn
theo quy định Luật Dược 2016 là rất lớn, có thể xảy ra các tác động tiêu cực
sau:
- Về kinh tế: Với hơn 14.000 giấy
đăng ký lưu hành thuốc bị hết hạn, dẫn đến hơn 14.000 thuốc không được lưu hành
trên thị trường, không có để cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cho
nhu cầu sử dụng của người dân, trong đó có rất nhiều thuốc thuộc danh mục thuốc
thiết yếu, thuốc hiếm. Doanh nghiệp kinh doanh dược phải dừng hoặc hạn chế hoạt
động sản xuất kinh doanh, người lao động trong lĩnh vực dược thiếu công ăn việc
làm. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được bảo đảm nguồn cung ứng thuốc phục vụ
công tác khám bệnh, chữa bệnh, có thể dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng như ảnh
hưởng đến hoạt động thường xuyên của cơ sở khám bệnh, chữa người bệnh có thể
không sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam mà đi sang các nước
khác để điều trị từ đó dẫn đến mất nguồn thu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người dân tăng chi phí mua thuốc điều trị bệnh làm tăng gánh nặng tài chính cho
nhân dân, nhà nước và các tổ chức xã hội.
- Về xã hội: Sức khỏe người dân
không được chăm sóc và bảo vệ toàn diện, ảnh hưởng lớn đến tình hình an sinh,
an toàn - trật tự xã hội. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được bảo đảm nguồn
cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, có thể dẫn đến các hệ quả
nghiêm trọng như ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh do không đủ
thuốc để điều trị.
II. Tiếp tục cho phép Chính phủ
áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc,
vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch
COVID-19 và chăm sóc sức khỏe Nhân dân:
1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,
thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động
theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ
cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy
phép hoạt động.
Lý do: Đến nay, dịch bệnh vẫn
diễn biễn phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện nhiều biến chủng mới, nguy cơ
dịch bệnh bùng phát trở lại là thường trực. Việc duy trì các cơ sở này nhằm bảo
đảm năng lực ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát.
2. Cho phép tiếp tục thanh toán
chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều
trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều
trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của
pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm
ổn định quyền lợi của người bệnh. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19
không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để
thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh
phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước
chi trả theo quy định của Chính phủ như đã được cho phép tại Nghị quyết số
268/NQ- UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.
Lý do: Theo quy định của Luật
phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì chi phí điều trị bệnh nhóm A do Ngân sách
Nhà nước bảo đảm. Trên thực tế nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí
khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác trong quá trình điều trị.
3. Tiếp tục thực hiện thí điểm
khám bệnh, chữa bệnh từ xa bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y
tế.
Lý do: Hiện nay, pháp luật chưa
có quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy
nhiên, đây là biện pháp nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và
đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian chống dịch vừa qua, cần tiếp tục thực
hiện để có thêm thực tiễn việc hoàn thiện chính sách mới trong dự án Luật khám
bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
III. Dự báo tình hình dịch
COVID-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong
trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của
luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.
1 Quyết định áp dụng
biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư
trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ
chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch;
áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông
tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để
ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
2 Ví dụ: việc áp dụng
các biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi
cư trú trong một thời gian nhất định như trong điều kiện tình trạng khẩn cấp
trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn của các tỉnh Bình Dương, Đồng
Nai, Long An.
3 Toàn quân sử dụng
6.106 chuyến xe tải, 03 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay, vận chuyển 25.457
tấn hàng (21.366 tấn hành lý, lương thực thực phẩm phục vụ các khu cách ly;
4.091 tấn vật chất hậu cần, hàng nhu yếu phẩm, nông sản, lương thực thực phẩm,
lương khô hỗ trợ Nhân dân phòng, chống dịch) và 25.592 lượt người.
4 Thực hiện nội
dung về tổ chức các lực lượng đặc biệt theo Nghị quyết số
30/2021/QH15/2021/NQ-QH15 của Quốc hội.
5 Cắt đứt giao
liên, trưng mua, trưng dụng, tịch thu, sung công quỹ...
6 Nghị quyết số
268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép
Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để
đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày
30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ
chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch
Covid-19.
7 Nghị quyết số
86/NQ-CP ; Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi
tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH 15 ngày 30 tháng 12 năm
2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế,
chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
8 Thông tư số
11/2021/TT-BYT ngày 19 tháng 8 năm 2021 hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin
phòng COVID-19 trong trường hợp cấp bách; Thông tư số 13/2021/TT-BYT ngày
16/9/2021 quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ
phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách
9 (i) Thuốc
Remdesivir: cấp 20 giấy phép với tổng 2.204.830 lọ; (ii) Thuốc Molnupiravir: cấp
18 giấy phép nhập khẩu thuốc tương ứng 37.610540 viên có chứa hoạt chất
Molnupiravir cho mục đích nghiên cứu; (iii) thuốc Favipiravir: cấp 01 giấy phép
nhập khẩu tương ứng 02 triệu viên thuốc Favipiravir; (iv) Cấp 01 giấy phép nhập
khẩu thuốc thành phẩm tương ứng 2.000.000 viên. (2) thuốc tác động lên hệ miễn
dịch như Tocilizumab, Levilimab và Casirivimab kết hợp với Imdevimab, tổng số
04 giấy phép tương ứng 143.600 lọ; (3) các nguyên liệu sản xuất thuốc: (i) 26
giấy phép nhập khẩu nguyên liệu tương ứng với 1.204,33 kg nguyên liệu
Favipiravir; (ii) cấp 167 giấy phép nhập khẩu nguyên liệu tương ứng 230.909 kg
nguyên liệu Molnupiravir.
10 Thuốc
Molnupiravir: Đã tiếp nhận 33 hồ sơ đăng ký thuốc trong nước (không tính các hồ
sơ công ty xin rút) và 12 hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài. Đến nay đã cấp số
đăng ký cho 05 thuốc sản xuất trong nước. Các hồ sơ còn lại đã có công văn
thông báo kết quả thẩm định để các công ty bổ sung hồ sơ.
- Thuốc Favipiravir: Đã tiếp nhận 14 hồ sơ đăng ký
thuốc trong nước và 06 hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài. Các hồ sơ đã được đưa ra
thẩm định đúng quy trình và có công văn thông báo kết quả thẩm định để các công
ty bổ sung hồ sơ.
11 02 loại vắc
xin trong nước (Nanocovax, Covivax), 03 vắc xin nước ngoài (Soberana, ARCT-154,
COVID-19 vaccine Janssen). Các hồ sơ đã được thẩm định, đã có thông báo kết quả
thẩm định để các công ty bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư số
11/2021/TT-BYT .
13 Nghị quyết số
73/NQ-CP ngày 12/7/2021 của Chính phủ về mua 40 triệu liều vắc xin của Spuntik
V; Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 14/8/2021 của Chính phủ về mua bổ sung vắc xin
phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer; Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20/9/2021 của
Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm kỹ thuật di truyền
và công nghệ sinh học Cu Ba sản xuất; Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 21/9/2021 của
Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung
Quốc; Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng
COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Chính phủ Hungary; Nghị quyết số 14/NQ-CP
ngày 05/2/2022 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ
em từ 5 đến dưới 12 tuổi; Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/4/2022 của Chính phủ về
vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
14 Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính có các văn bản hướng dẫn về mua sắm thuốc, vật tư, trang
thiết bị y tế...phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức đấu thầu trên Hệ
thống mạng đấu thầu quốc gia.
15 Nghị quyết số
393/NQ-UBTVQH bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021
16 Nghị quyết số 58/NQ-CP
ngày 08/6/2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 và Nghị quyết số
86/NQ-CP .
17 Tờ trình số
331/TTr-CP ngày 16/9/2021 của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm
2021.
18 Bao gồm: Kinh
phí cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2021 là
7.420 tỷ đồng, trong đó: (1) Cắt giảm kinh phí thường xuyên các chương trình mục
tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu năm 2021 là 4.960 tỷ đồng; (2) Tiết kiệm
50% kinh phí hội nghị, công tác phí, 10% chi thường xuyên khác còn lại và cắt
giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã giao các Bộ, cơ quan trung ương là
2.460 tỷ đồng; Giảm chi trả nợ lãi so với dự toán của ngân sách trung ương năm
2021 là 4.200 tỷ đồng; Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng
do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của
Chính phủ được chuyển nguồn sang năm 2021 là 4.540 tỷ đồng, trong đó sử dụng để
tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách là 1.540 tỷ đồng và cắt giảm
kinh phí còn dư là 3.000 tỷ đồng.
19 Trong đó, Thủ
tướng Chính phủ đồng ý bổ sung cho Bộ Y tế 3.231,698 tỷ đồng tại Quyết định số
1639/QĐ-TTg ngày 29/9/2021 để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng
COVID-19 Vero Cell của Trung Quốc từ các nguồn: (i) 1.237 tỷ đồng từ nguồn kinh
phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho
chuyển nguồn sang năm 2021 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và (ii) 1.994,698 tỷ
đồng từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.
20 Ủy ban Thường
vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 về việc bổ sung dự toán thu
ngân sách Nhà nước năm 2021.
21 Ngày
22/5/2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 15/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
cho phép chuyển nguồn sang năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và
kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19 đối với số kinh phí còn lại là 15.602 tỷ đồng.
22 Bộ Y tế đã tiếp
nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch từ
nguồn lực các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ gồm:
- Trang thiết bị y tế, chủ yếu các thiết bị sau:
Máy thở chức năng cao: 2.486 chiếc; Máy thở thông thường (VFS410, VFS510,
Eliciae MV20): 4.500 chiếc; Hệ thống ô xy dòng cao (HFNC): 2.130 chiếc; Máy
theo dõi bệnh nhân: 921 chiếc; hàng trăm bơm tiêm điện, máy truyền dịch và một
số thiết bị khác; 20 xe xét nghiệm lưu động và trang thiết bị đi kèm; 106 máy
xét nghiệm RT-PCR; 67 máy tách chiết tự động.
- Vật tư y tế: Khẩu trang N95/FFP2 khoảng 7,9 triệu
chiếc; trên 30 triệu khẩu trang y tế; Bộ trang phục chống dịch khoảng 900.000 bộ;
- Vật tư, phương tiện tiêm chủng vắc xin COVID-19:
205.438.000 bơm kim tiêm, 1.707.375 hộp an toàn tiêm chủng, 9.700 ống dung môi
pha vắc xin, 2.195 tủ lạnh đựng vắc xin, 108 tủ lạnh âm 75 độ C để lưu trữ vắc
xin; 68 xe tải chở vắc xin, 63 xe tiêm vắc xin lưu động;
- Test xét nghiệm: trên 50 triệu test xét nghiệm
các loại, trong đó: Bộ Y tế trên 18,6 triệu test để cấp cho các địa phương; Các
địa phương nhận trực tiếp khoảng 40 triệu test;
- Thuốc điều trị các loại: Đã tiếp nhận: (1)
1.352.873 lọ Remdesivir; (2) 33.850.020 viên Molnupiravir; (3) 1.770.000 viên
Favipiravir; (4) 4.500 liều Casirivimab và Imdevimab; 3.360.000 viên xuyên tâm
liên.
23 Các tập đoàn,
doanh nghiệp như Sun Group, VinGroup, Vạn Thịnh Phát....
24 Nghị quyết số
86/NQ-CP ; Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ về điều chỉnh,
sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19;
Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính
sách trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị định số 29/2022/NĐ-CP .
25 Gồm: bệnh viện
dã chiến điều trị COVID-19; bệnh viện điều trị COVID-19; bệnh viện hồi sức cấp
cứu COVID-19; trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; trạm y tế lưu động;
Các khoa, phòng, bộ phận, đơn vị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm
vụ thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 và các hình thức tổ chức khác.
26 Trung tâm Hồi
sức tích cực với quy mô 1.000 giường tại BV Ung Bướu TPHCM cơ sở 2, 100 giường
tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; BV Đa khoa TP.Cần Thơ 50 giường; khu vực
Đông Nam bộ: BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai 50 giường; BV Thống Nhất - Đồng Nai 50
giường.
27 Ngày
14/8/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 3876/QĐ-BYT về việc ban hành
“Hướng dẫn thiết kế tạm thời Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân
COVID-19”. Ngày 01/3/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 212/QĐ-BXD
về việc phê duyệt Đề tài “Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người
mắc bệnh truyền nhiễm”.
28 Theo Nghị quyết
số 12/2021/UBTVQH15 và Nghị định số 29/2022/NĐ-CP. Trong số các thuốc được duy
trì nêu trên đã bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc
tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Y tế
tiếp tục tăng cường giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu
hành: Từ năm 2020 đến hết tháng 8 năm 2022, Bộ Y tế đã cấp, gia hạn cho 4.214
thuốc.
29 Bộ Y tế nhận
được 01 hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng đối với
nguyên liệu Molnupiravir. Tuy nhiên, doanh nghiệp đề nghị được rút lại hồ sơ do
sau khi rà soát, mục đích sử dụng của nguyên liệu không thay đổi (vẫn là sản xuất
thuốc để xuất khẩu) nên doanh nghiệp không có nhu cầu thay đổi.
30 Ngày 24 tháng
9 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15
ban hành chính sách chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp
khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết
số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.
31 Theo Quyết định
số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
33 Gồm: 3.313 trẻ
em mồ côi mất cha, mẹ (mức 05 triệu đồng trẻ em với tổng số tiền 16,565 tỷ đồng);
603 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID.19 (mức 01 triệu đồng trẻ
em với tổng số tiền là 603 triệu đồng); hỗ trợ số tiết kiệm cho 137 trẻ em mồ
côi cả cha và mẹ (Trong đó hỗ trợ 05 trẻ em nhận định mức 20.000.000 đồng số trẻ
em và 42 trẻ em nhận định mức 10.000.000 đồng số trẻ em. Tổng số tiền là 2.32 tỷ
đồng) và các hỗ trợ khác bằng tiền và hiện vật cho 15,265 trẻ em, kinh phí
8,345 tỷ đồng.
34 1.449 máy thở
chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước; 2.100 hệ thống thở ô xy dòng
cao HFNC, 100 máy xét nghiệm và 63 máy tách chiết. 63 xe ô tô vận chuyển vắc
xin, 63 xe tiêm lưu động; 20 xe xét nghiệm lưu động; 23 tủ âm sâu, 156,5 triệu
bơm kim tiêm, 800.000 hộp an toàn; 9,7 triệu ống dung dịch pha vắc xin tiêm chủng....
Test Realtime PCR: 1.010.000 test; Test nhanh: 12.959.800 test...
35 Nghị quyết số
68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về
hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.
36 Hỗ trợ 152,6
nghìn tấn gạo; 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ 12,8 triệu
lao động và 386 nghìn người sử dụng lao động. Giảm giá điện (4.500 tỷ đồng), giảm
tiền nước, giá dịch vụ viễn thông hơn 10 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ trên 18,1 triệu
người (gần 17,7 triệu người lao động và gần 380.000 đơn vị sử dụng lao động) với
kinh phí khoảng 14.800 tỷ đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện
hỗ trợ 10,66 triệu đối tượng (chiếm 58,9% toàn quốc) với kinh phí 10.700 tỷ đồng
(chiếm 72,3% toàn quốc). Riêng TP.HCM đã chi trên 5.503 tỷ đồng hỗ trợ gần 4,82
triệu đối tượng. Các cấp công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đoàn
viên, người lao động với số tiền trên 5.000 tỷ đồng.
37 Riêng Nghị quyết
số 68/NQ-CP đã hỗ trợ 3 81.655 lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt
người lao động và các đối tượng khác với tổng kinh phí trên 42.740 tỷ đồng. Đồng
thời, thực hiện chính sách theo các Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày
24/9/2021 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, đã có 346.664 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất
nghiệp, tương ứng trên 11,9 triệu người lao động và với số tiền được điều chỉnh
giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 8/2022) hơn
8.385 tỷ đồng, dự kiến số giảm đóng đến hết tháng 9/2022 là hơn 9.210 tỷ đồng;
tính đến hết ngày 10/9/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho trên 13,3 triệu
lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng
và có trên 33 nghìn người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận
hỗ trợ. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là hơn
41.046 tỷ đồng.
39 Tính đến hết
ngày 31/8/2022, theo báo cáo nhanh của 60/63 địa phương thì có 1131 doanh nghiệp
gửi thông báo về sở đăng ký làm thêm giờ đến 300 giờ/năm, chủ yếu là của các
doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề được phép huy động làm thêm đến 300 giờ/năm
quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động (như gia công hàng dệt may,
da, giày, điện - điện tử,...). Việc huy động người lao động làm thêm trong
tháng từ trên 40 giờ đến 60 giờ là chưa nhiều, ghi nhận từ báo cáo của các Sở
qua các nguồn kiểm tra, giám sát... thì có 187 doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp
thuộc lĩnh vực dệt may, điện - điện tử,...”.
41 Chiến dịch
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022; Chiến dịch tiêm vắc xin
phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi; Chiến dịch 5K + Vắc xin - Triệu lá chắn
an toàn; Chiến dịch Tiêm vắc xin - Vững niềm tin (Bộ Y tế phối hợp với
Facebook); truyền thông Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc Tết Nguyên đán
2022; Chiến dịch Hành trình an toàn; Chiến dịch truyền thông Vui Trung thu và tựu
trường an toàn phát động ngày 29/8/2022; Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt
Nam Vững vàng và Khỏe mạnh” Thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình
hình mới: Thực hiện 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn), Vắc xin, Thuốc, Điều trị, Công
nghệ, Ý thức người dân và các biện pháp khác. Các Chiến dịch triển khai trên
các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, Youtube.
42 Các tỉnh,
thành phố tăng tần suất, thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống
truyền thanh xã, phường, thị trấn, tần suất trung bình từ 3 - 4 lần/ngày (tăng
so với trước từ 1 - 2 lần); thời lượng trung bình từ 15 - 20 phút/bản tin (tăng
5-10 phút/bản tin so với trước).
43 Đến nay, ứng dụng
PC-COVID đã ghi nhận trên 25 triệu điện thoại thông minh cài đặt, chiếm 38% tổng
số điện thoại thông minh toàn quốc. Tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân
1900 9095 đã tiếp nhận và xử lý gần 6,8 triệu cuộc gọi; Tổng đài hỗ trợ khai
báo y tế 1800 1119 đã tiếp nhận hơn 282.000 cuộc gọi và thực hiện hơn 7,3 triệu
cuộc gọi ra. Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào ra sử dụng mã QR đã
có hơn 2 triệu địa điểm đăng ký; Nền tảng quản lý tiêm chủng đã cập nhật 97%
mũi tiêm; Nên tàng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện
tử trực tuyến đã hỗ trợ lấy mẫu cho hơn 4,7 triệu lượt người lấy mẫu xét nghiệm,
trả kết quả xét nghiệm cho gần 1,5 triệu lượt người.
44 Vận động quyên
góp trên 1 triệu máy tính, miễn giảm cước viễn thông, xử lý vùng lõm sóng, kịp
thời hỗ trợ học sinh học trực tuyến.
45 Chủ tịch nước
tặng 41 Huân chương; Thủ tướng Chính phủ tặng 182 Bằng khen.
46 Giám sát hơn
300 trang web, mạng xã hội, 100 hội nhóm lớn, 75 kênh Youtube có hoạt động chống
phá nguy hiểm; phân tích, xử lý hàng triệu tin, bài viết trên không gian mạng;
từ 24-26/9/2021, công an các địa phương đã nhắc nhở hơn 19.100 trường hợp, lập
biên bản hơn 4.100 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.600 trường hợp,
khởi tố 4 vụ vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
47 Ngay sau khi dịch
COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán/Trung Quốc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các tỉnh tuyến
biên giới đất liền triển khai tăng cường lực lượng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ
quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và
phòng, chống dịch COVID-19. Trước tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh biên giới
Trung Quốc, Lào, Campuchia tiếp giáp Việt Nam diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng
tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới,
ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống COVID-19, các Quân khu, Quân
chủng Hải quân, Cảnh sát biển đã tăng cường lực lượng, phương tiện cùng với
BĐBP thường xuyên duy trì 1.941 tổ, chốt.
49 tăng cường
công tác đăng ký, quản lý cư trú; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về
an ninh trật tự, nhất là việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, Lực
lượng Công an đã chủ động ban hành công điện, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh xử
lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh
COVID-19; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng
kém vũ trường... chất lượng, đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá hoặc bán giá
cao nhằm trục lợi đối với các mặt hàng là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch;
tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý trường hợp không thực hiện nghiêm quy định
phòng, chống dịch; tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh, triển khai cao
điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh
trái phép, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép. Tập trung phát hiện, xử
lý các hành vi nhập cảnh trái phép, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu,
thị thực, thiếu trách nhiệm trong bảo lãnh đối với người nước ngoài nhập cảnh,
cư trú tại Việt Nam; chủ động triển khai các phương án giải quyết các trường hợp
tạm trú của người nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại
nhiều địa phương.
53 Kết luận số
11-KL/TƯ ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3; Thông báo 10-TB/VPTW ngày
24/8/2021.
54 Nghị quyết số
268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành
Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu
phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12
năm 2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y
tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số
393/NQ-UBTVQH13 ngày 30/9/2021.
55 Xét nghiệm thần
tốc, nhiều vòng; thực hiện chiến lược vắc xin và huy động lực lượng.
56 Thực hiện ngay
tại xã, phường “pháo đài” với các nhiệm vụ: (1) Thực hiện nghiêm ngặt các quy định
về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó”, nhất là việc phải thực hiện cách ly; (2)
Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Đảm bảo mọi
người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị
trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; (4) Đảm bảo an ninh trật
tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; (5) Tuyên truyền, vận động để dân biết,
dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia
phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
57 Hỗ trợ, chi viện
cho Hà Nội, TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
58 Thống kê sơ bộ
tại 52 tỉnh, thành phố, có 23/52 địa phương đã ban hành kế hoạch đáp ứng với diễn
biến dịch bệnh trong tình hình mới.
59 Một số địa
phương đã làm tốt và có chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch
thời gian qua: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc
Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Long
An...
60 Giai đoạn 1
(23/01-24/7/2020) ghi nhận 415 ca mắc. Giai đoạn 2 (25/7- 27/01/2021) ghi nhận
1.136 ca mắc. Giai đoạn 3 (28/01-26/4/2021) ghi nhận 1.301 ca mắc. Giai đoạn 4
(27/4/2021-11/9/2022) ghi nhận: 11.439.613 ca mắc. Tính đến ngày 27/9/2022, cả
nước ghi nhận 11.475.321 ca mắc, trong đó 11.468.992 ca trong nước. Đến nay đã
có 10.588.788 người khỏi bệnh, 43.147 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi
nhận 11.472.469 ca, trong đó có 11.467.422 ca trong nước, 10.585.971 người đã
khỏi bệnh (92,3%), 43.112 tử vong tại 60 tỉnh, thành phố.
61 Theo đánh giá
của Ban Tuyên giáo Trung ương: http://tuyengiao.vn
62 Theo
worldometers.info: Số xét nghiệm trên 1 triệu dân của Việt Nam xếp thứ 111/223
quốc gia và vùng lãnh thổ (Singapore đứng thứ 16/223, Malaysia 73/223...)
63 Một số khó
khăn, vướng mắc phát sinh đối với một số hoạt động do ảnh hưởng của dịch
COVID-19 như: Tại các khu phong tòa, do người thân của người tử vong do
COVID-19 cũng bị cách ly, hạn chế đi lại nên không thể thực hiện thủ tục đăng
ký khai tử; lĩnh vực giám định tư pháp khó khăn, vướng mắc trong giám định
nguyên nhân chết đối với trường hợp chết do nghi nhiễm COVID-19; khó khăn trong
công tác quản lý và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; và
một số hoạt động đang gặp khó khăn trong việc xác định các dịch vụ "thiết
yếu".
64 Thực tế khó quản
lý các mạng xã hội nước ngoài; việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc phải thông qua
phía nước ngoài và khi xử lý được thì thông tin đã lan rộng.
65 Luật giá chưa
quy định quản lý giá trang thiết bị, sinh phẩm..
66 Các địa phương
thực hiện nghiêm Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện
chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân
dân.
67 Quy định tại
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 86/NQ-CP .
68 Việc thanh
toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu
dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá
trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo số lượng dịch vụ kỹ
thuật y tế thực hiện và mức giá dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi
phí thuốc, máu, dịch truyền, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính
trong giá dịch vụ thực hiện thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua
vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với các cơ sở y tế tư nhân được
huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19: Việc thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo từng người
bệnh COVID-19 với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở
quyết định theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa
tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện trung ương trên địa bàn.
69 Khoản 2 Điều 1
Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15
70 Điểm b khoản 1
Điều 4 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15