BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 218/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT
ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VỀ CHUYÊN MÔN Y TẾ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 128/NQ-CP NGÀY 11 THÁNG 10 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI “THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH
COVID-19”
BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống
bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh,
chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị quyết số
128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời
"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Thực hiện Công điện số
1745/CĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến thể mới Omicron của vi rút
SARS-CoV-2;
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định
tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số
4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế.
Điều 3. Các
ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục
trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện thuộc hệ y tế
dự phòng; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y
tế các bộ, ngành, Thủ trưởng các đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Thành viên BCĐQG phòng, chống dịch COVID-19;
- Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, DP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
HƯỚNG
DẪN TẠM THỜI
VỀ CHUYÊN MÔN Y TẾ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ
128/NQ-CP NGÀY 11 THÁNG 10 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI
“THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19”
(Kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Bộ Y tế)
I. NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC
ĐÁNH GIÁ CẤP ĐỘ DỊCH VÀ ĐÁP ỨNG
(1) Kiểm soát dịch tại
nơi xuất phát là biện pháp mang tính chủ động và hiệu quả hơn, hạn chế áp dụng
các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng.
(2) Mang tính kế thừa,
tiếp thu các kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước, thế giới và đảm bảo tính ổn
định tương đối trong quá trình điều chỉnh các chỉ số trong các tiêu chí đánh
giá cấp độ dịch, phù hợp với thực tế tình hình dịch.
(3) Biện pháp phòng
chống dịch mang tính tổng thể bao gồm cả y tế, biện pháp hành chính, kinh tế -
xã hội; cả điều trị và dự phòng theo các cấp độ dịch được quy định tại Nghị quyết
128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
(4) Kiểm soát nguy cơ
sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện
sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của
chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế trong việc
điều trị ca bệnh, nặng.
II. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH
GIÁ CẤP ĐỘ DỊCH
1. Các tiêu chí
a) Tiêu chí 1: Tỷ lệ
ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
b) Tiêu chí 2: Độ bao
phủ vắc xin.
c) Tiêu chí 3: Đảm bảo
khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
2. Cách xác định các
tiêu chí
Theo Tổ chức Y tế thế
giới (WHO), 02 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây
nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng. Trên cơ sở tham khảo các phương pháp
đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế
hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:
2.1. Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên
địa bàn/số dân/thời gian
2.1.1. Chỉ số 1a: Tỷ
lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân (viết gọn là Tỷ lệ ca
mắc mới, thuộc nhóm chỉ số mức độ lây nhiễm).
Tỷ lệ ca mắc mới được
phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức
3: 450 đến 600; mức 4: >600).
2.1.2. Chỉ số 1b. Tỷ
lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn
xã/100.000 người (viết gọn là Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy, thuộc nhóm chỉ số mức
độ lây nhiễm).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở
ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến
40, mức 4: >40).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở
ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã1.
2.1.3. Chỉ số 1c: Tỷ
lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân (viết gọn là Tỷ lệ ca
tử vong).
Yêu cầu chỉ số này
không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã.
Chỉ số này là hệ quả
của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần
phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh
cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.
2.2. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin
2.2.1. Chỉ số 2a. Tỷ
lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ
Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên địa bàn (viết gọn là Tỷ lệ
tiêm đủ mũi vắc xin, thuộc nhóm mức độ lây nhiễm).
Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng
đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá.
Chỉ số 2a được sử dụng
để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
2.2.2. Chỉ số 2b. Tỷ
lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định
tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã (viết gọn
là Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở nhóm nguy cơ cao, thuộc nhóm mức độ lây nhiễm).
Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng
đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải
tiêm chủng tại thời điểm đánh giá.
Chỉ số 2b được sử dụng
để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.
2.3. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu
dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2.3.1. Chỉ số 3a. Tỷ
lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại
địa bàn cấp xã (viết gọn là Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc, thuộc nhóm khả
năng đáp ứng).
Chỉ số này được chia
làm 3 khả năng (cao: > 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).
2.3.2. Chỉ số 3b. Tỷ
lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung,
điều trị trên địa bàn cấp huyện /100.000 dân tại thời điểm đánh giá (viết gọn lại
là Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống, thuộc nhóm khả
năng đáp ứng).
Chỉ số này được chia
làm 3 khả năng (cao: > 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10).
Chỉ số này do Trung
tâm Y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả các xã trên địa
bàn thuộc huyện2.
2.3.3. Chỉ số 3c. Tỷ
lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân (viết
gọn là Tỷ lệ giường điều trị tích cực, thuộc nhóm khả năng đáp ứng).
Yêu cầu tỷ lệ giường
ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu
4/100.000 dân.
Chỉ số 3c được sử dụng
để hiệu chỉnh mức độ đáp ứng trên địa bàn cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu chỉ
số này không đạt mức tối thiểu (4/100.000) thì phải giảm mức độ đáp ứng của tuyến
xã trên địa bàn của tỉnh này xuống một mức độ3 (trừ trường hợp đang ở khả
năng thấp).
3. Cách xác định cấp
độ dịch
Cấp độ đáp ứng dịch tại
tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức
độ đáp ứng của địa bàn cấp xã, thực hiện theo 3 bước sau:
3.1. Bước 1: Xác định
Mức độ lây nhiễm (4 mức)
Mức độ lây nhiễm của
một địa bàn cấp xã là mức độ cao nhất của 02 chỉ số (1a, 1b) của Tiêu chí 1 và
được hiệu chỉnh của 02 chỉ số (2a, 2b) của Tiêu chí 2 được liệt kê theo bảng dưới
đây4:
Bảng 1: Xác định mức
độ lây nhiễm
Các chỉ số đánh giá
nguy cơ lây lây nhiễm
|
Mức
độ
1
|
Mức
độ
2
|
Mức
độ
3
|
Mức
độ
4
|
Chỉ số 1a. Tỷ lệ ca
mắc mới
|
<90
|
90-<450
|
450-600
|
>600
|
Chỉ số 1b. Tỷ lệ ca
bệnh phải thở ô xy
|
<
1
|
1
-<32
|
32
- 40
|
>40
|
Sau đó kết hợp với chỉ
số 2a và 2b; nếu một trong hai chỉ số hoặc cả hai chỉ số 2a, 2b không đạt mức tối
thiểu thì phải nâng mức độ lây nhiễm lên một mức độ (trừ trường hợp đang ở mức
độ 4)5.
3.2. Bước 2: Xác định
khả năng đáp ứng
Khả năng đáp ứng của
một địa phương là khả năng thấp nhất của 02 chỉ số 3a, 3b của Tiêu chí 3 và được
hiệu chỉnh của chỉ số 3c của Tiêu chí 3 được liệt kê theo bảng dưới đây6:
Bảng 2: Xác định khả
năng đáp ứng của một địa phương
Chỉ số đánh giá khả
năng đáp ứng của một địa phương
|
Khả
năng cao
|
Khả
năng trung bình
|
Khả
năng thấp
|
Chỉ số 3a. Tỷ lệ sẵn
sàng quản lý, chăm sóc
|
>500
|
200-500
|
<200
|
Chỉ số 3b. Tỷ lệ
giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống
|
>30
|
10-30
|
<10
|
Sau đó kết hợp với chỉ
số 3c; nếu chỉ số 3c không đạt mức tối thiểu thì phải giảm khả năng đáp ứng xuống
một mức (trừ trường hợp đang ở khả năng thấp)7.
3.3. Bước 3: Xác định
cấp độ dịch
Cấp độ dịch được xác
định dựa trên tổng hợp kết quả đánh giá Mức độ lây nhiễm (4 mức tại bước 1) và
Khả năng đáp ứng (3 khả năng tại bước 2), sau đó có thể được hiệu chỉnh bởi chỉ
số 1c của Tiêu chí 1, theo bảng 3 dưới đây:
Bảng 3: Bảng tính cấp
độ dịch
Mức
độ lây nhiễm
Khả năng đáp ứng
|
Mức
độ 1
|
Mức
độ 2
|
Mức
độ 3
|
Mức
độ 4
|
Cao
|
Cấp
1
|
Cấp
1
|
Cấp
2
|
Cấp
3
|
Trung bình
|
Cấp
1
|
Cấp
2
|
Cấp
3
|
Cấp
4
|
Thấp
|
Cấp
2
|
Cấp
3
|
Cấp
4
|
Cấp
4
|
Sau khi tính được cấp
độ dịch ở địa bàn cấp xã theo bảng 3 cần sử dụng chỉ số 1c trong tiêu chí 1 để
hiệu chỉnh và xác định cấp độ dịch. Nếu chỉ số 1c vượt ngưỡng 6/100.000 dân
trên địa bàn cấp xã thì phải nâng cấp độ dịch lên một cấp độ (trừ trường hợp
đang ở cấp độ 4)8.
III. CÁC BIỆN PHÁP
CHUYÊN MÔN
1. Chuẩn bị năng lực ứng
phó với dịch COVID-19
Để đảm bảo thích ứng
an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương cần chuẩn bị các nội dung sau:
a) Xây dựng kịch bản
và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng
cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
b) Tăng cường khả
năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19:
- Đánh giá năng lực
quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại các tuyến xã; bảo đảm đáp ứng về
giường bệnh COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị cấp huyện và giường hồi sức cấp
cứu (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ tại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
trên địa bàn tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đảm bảo đáp ứng
tình hình dịch ở cấp độ cao nhất. Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo
các cơ sở thu dung, điều trị F0.
- Thực hiện đánh giá,
phân loại bệnh nhân tại tất cả các tuyến, nhất là từ tuyến xã để triển khai quản
lý, chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế phù hợp; không để tình trạng
chuyển tầng, chuyển tuyến không đúng chỉ định nhằm giảm quá tải tuyến trên.
- Có kế hoạch bảo đảm
khi có dịch xảy ra: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ
thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm
cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0
tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà; địa bàn có dịch bệnh cấp 3 trở lên
phải có phương án mở rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không để
quá tải diện rộng.
- Tổ chức cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19. Bảo
đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh.
c) Nâng cao năng lực
thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân các tuyến nhất là tuyến cơ sở. Tập huấn
và thực hiện phân loại, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp của Bộ Y
tế tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động
tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể,
không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả
dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc,
không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Đảm bảo không bỏ sót việc cung cấp oxy y
tế, chuyển tuyến kịp thời cho người thuộc nhóm nguy cơ tăng nặng, tử vong, người
khó tiếp cận khi theo dõi tại nhà. Xây dựng hệ thống chuyển tuyến đảm bảo sự tiếp
cận của mọi người dân.
d) Tăng cường tổ chức
đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều
trị trên địa bàn.
2. Xét nghiệm
a) Việc xét nghiệm được
thực hiện bằng một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác
nhau để phát hiện SARS-CoV-2; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ
quan quản lý đơn vị, địa bàn tự tổ chức xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ
cao, cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
b) Việc thực hiện xét
nghiệm để xử lý ổ dịch: các địa phương phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ,
Viện Pasteur để quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp, lấy mẫu
xét nghiệm giải trình tự gen các trường hợp có dấu hiệu bất thường.
c) Không chỉ định xét
nghiệm đối với việc đi lại của người dân khi di chuyển trong nước.
3. Cách ly y tế
Đối với người người
tiếp xúc gần (F1), người nhập cảnh: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
4. Tiêm chủng vắc xin
phòng COVID-19
- Đẩy nhanh tốc độ
tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện tiêm đủ mũi phòng COVID-19 theo hướng
dẫn của Bộ Y tế.
- Rà soát, lập danh
sách các đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho tất
cả các đối tượng này.
5. Điều trị F0: thực hiện theo các
hướng dẫn phân tuyến, phân tầng của Bộ Y tế.
6. Đối với công tác đảm
bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh,
trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, tại các cơ sở giáo dục
đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng
dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Bộ
Công thương.
Đối với việc tổ chức
các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2,
3, 4: các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt
động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi
bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.
III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo việc tổ chức
triển khai đánh giá cấp độ dịch tối thiểu hàng tuần theo Hướng dẫn này để thực
hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ
và không ra các quy định trái với Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; báo
cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã và điều chỉnh ngưỡng các
chỉ số thuộc các tiêu chí đánh giá của tỉnh, thành phố về Bộ Y tế (Cục Y tế dự
phòng).
b) Tăng cường công
tác đôn đốc, kiểm tra đến cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn
sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
c) Chỉ đạo Sở Y tế
công bố, cập nhật trên cổng thông tin điện tử của địa phương Bộ Y tế:
capdodich.yte.gov.vn; chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, Sở Y tế thực hiện
công tác truyền thông đến người dân và cộng đồng về cấp độ dịch, các khuyến
cáo, thông điệp phòng, chống dịch COVID-19.
d) Chỉ đạo Sở Y tế
đánh giá chỉ số giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh
và tham mưu để điều chỉnh ngưỡng các chỉ số thuộc các tiêu chí đánh giá cấp độ
dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vắc xin, khả năng đáp ứng
và thực tiễn triển khai.
đ) Chỉ đạo Trung tâm
y tế huyện đánh giá chỉ số bệnh nhân phải thở ô xy, tỷ lệ giường bệnh còn trống
để đánh giá các chỉ số thuộc các tiêu chí tại địa bàn cấp xã trên địa bàn quản
lý và phối hợp với Trạm y tế cấp xã để đánh giá cấp độ dịch cấp xã theo hướng dẫn
này.
e) Chỉ đạo Trạm y tế
cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá các chỉ số để xác định
cấp độ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với cấp độ dịch
theo quy định.
2. Các bộ, ngành, cơ
quan Trung ương
a) Chỉ đạo các đơn vị,
cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện Hướng dẫn này để
triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính
phủ.
b) Phối hợp với Bộ Y
tế và các địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hướng dẫn này.
3. Các đơn vị thuộc
và trực thuộc Bộ Y tế
a) Chủ động tổ chức
triển khai Hướng dẫn này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trong công tác
phòng, chống dịch COVID-19.
b) Cục Y tế dự phòng
làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, phổ
biến, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả triển khai
Hướng dẫn này khi có yêu cầu; triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 trong toàn quốc đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và xây dựng lộ
trình tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường.
d) Cục Quản lý khám,
chữa bệnh hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, đào tạo nhân lực và tổ chức
thực hiện đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của các tuyến; tổ chức quản lý F0
tại nhà; cập nhật hướng dẫn điều trị, chăm sóc bệnh nhân kể cả đối với khôi phục
sức khỏe sau khi khỏi bệnh.
đ) Cục Phòng, chống
HIV/AIDS hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các
trạm y tế lưu động; tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
e) Cục Công nghệ
thông tin phối hợp với Cục Y tế dự phòng cập nhật, công khai năng lực thu dung
điều trị, các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước
trên cổng thông tin cấp độ dịch tại địa chỉ https://capdodich.yte.gov.vn. Cục
Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng
triển khai phần mềm Quản lý, tư vấn sức khỏe F0 tại nhà thống nhất tại các địa
phương trên cả nước.
g) Vụ Truyền thông và
Thi đua khen thưởng làm đầu mối phối hợp Cục Y tế dự phòng xây dựng các tài liệu
truyền thông về cấp độ dịch, các khuyến cáo, thông điệp phòng, chống dịch
COVID-19, cập nhật trên Kho dữ liệu điện tử, cung cấp cho các địa phương, đơn vị
thực hiện truyền thông đến người dân; phối hợp các cơ quan báo chí truyền thông
sâu rộng về Hướng dẫn; tổ chức truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
h) Báo Sức khỏe và Đời
sống, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế tăng cường truyền thông về Hướng dẫn và
tình hình triển khai thực hiện tại địa phương; đăng tải công khai thông tin về
năng lực thu dung điều trị, các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa
phương trong cả nước trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
i) Vụ Kế hoạch - Tài
chính làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất, hướng dẫn
tổ chức triển khai các giải pháp, chính sách tăng cường năng lực đầu tư, nâng
cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.
k) Vụ Tổ chức cán bộ
làm đầu mối phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan của Bộ Quốc
phòng, Bộ Công an chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cơ động để kịp thời tăng cường
cho các địa phương trong trường hợp dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát dịch
của địa phương.
Trên cơ sở thực tế diễn
biến dịch và đặc điểm thực tế tại các địa phương, Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ tiếp tục
điều chỉnh ngưỡng của các chỉ số thuộc các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch phù hợp.
Trong quá trình thực
hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản hồi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự
phòng) để kịp thời giải quyết. Hướng dẫn này sẽ tiếp tục được cập nhật, điều chỉnh
để phù hợp với tình hình thực tiễn./.
PHỤ
LỤC:
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ VÀ CÁCH TÍNH CÁC CHỈ SỐ
(Kèm theo Hướng dẫn tạm thời ban hành tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27
tháng 01 năm 2022 của Bộ Y tế)
1. Giải thích từ ngữ
(1) Trong tuần được
tính 7 ngày liên tục theo tuần từ thứ 2 đến chủ nhật gần nhất tính đến thời điểm
đánh giá.
(2) Số ca mắc mới là
toàn bộ các ca bệnh được báo cáo, bao gồm cả ca nhập cảnh được cách ly, quản
lý, chăm sóc, điều trị trên địa bàn.
(3) Số ca thở ô xy được
tính là tất cả các trường hợp phải thở ô xy từ ô xy mask, gọng kính trở lên.
(4) Số ca tử vong
trong tuần trên địa bàn cấp xã là tổng số ca tử vong mới ghi nhận trên địa bàn
cấp xã trong tuần. Trong đó:
Số ca tử vong tính từ
ca bệnh COVID-19 của các đơn vị cấp xã trên địa bàn chuyển đến hoặc ghi nhận lần
đầu lưu trú trên địa bàn xã đó.
(5) Tiêm đủ mũi: là
tiêm đủ các liều cơ bản, tiêm nhắc lại theo yêu cầu của Bộ Y tế tại thời điểm
đánh giá đối với từng nhóm đối tượng trên địa bàn.
Ví dụ: Bộ Y tế yêu cầu
đến hết tháng 1/2022, phải tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 12 trở lên và đến
31/3/2022 tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, tiêm đủ mũi đối
với trẻ từ 12-18 tuổi phải đủ ít nhất 2 mũi vắc xin, người từ 18 tuổi trở lên,
phải đủ ít nhất 3 mũi. Trường hợp đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa đến lịch
tiêm nhắc lại và nằm trong khoảng mốc thời gian yêu cầu đạt đủ mũi thì vẫn được
tính là tiêm đủ mũi.
(6) Nhóm nguy cơ cao
bao gồm: người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ
có thai.
(7) Khả năng còn có
thể quản lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại địa bàn cấp xã bao gồm tất cả các
hình thức tại nhà, trạm y tế lưu động, các điểm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại
cộng đồng do chính quyền cấp xã quản lý.
(8) Giường điều trị
COVID-19 tại cấp huyện là số giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 tại các
cơ sở thu dung điều trị bao gồm cả giường bệnh huy động do cấp huyện quản lý.
2. Cách tính các chỉ
số
(1) Chỉ số 1a: Tỷ lệ
ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân (viết gọn là Tỷ lệ ca mắc
mới, thuộc nhóm chỉ số mức độ lây nhiễm).
Tỷ lệ ca mắc mới
trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân = (Tổng số ca mắc mới ghi nhận trên
địa bàn cấp xã trong tuần/toàn bộ dân số trên địa bàn cấp xã) x 100.000.
(2) Chỉ số 1b. Tỷ lệ
ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong tuần ghi nhận trên địa bàn cấp
xã/100.000 dân.
Tỷ lệ ca bệnh phải thở
ô xy = (Tổng số ca phải thở ô xy ghi nhận trung bình trong tuần của địa bàn cấp
xã/toàn bộ dân số trên địa bàn cấp xã) x100.000.
Tổng số ca phải thở ô
xy ghi nhận trung bình trong tuần của địa bàn cấp xã = Tổng số ca hiện đang thở
ô xy ghi từng ngày trong tuần/7.
(Ví dụ: Tổng số ca hiện
đang thở ô xy từng ngày trong tuần = Số ca hiện đang thở ô xy ghi nhận ngày thứ
2 + Số ca hiện đang thở ô xy ghi nhận ngày thứ 3 + …+ Số ca hiện đang thở ô xy
ghi nhận ngày chủ nhật).
Số ca phải thở ô xy tại
xã = Tổng số trường hợp mắc COVID-19 đang phải thở ô xy (mask, gọng kính trở
lên) đang được quản lý, chăm sóc tại tuyến xã + Tổng số trường hợp mắc COVID-19
đang phải thở ô xy (mask, gọng kính trở lên) lưu trú trên địa bàn xã nhưng được
chuyển tuyến đang điều trị tại tuyến huyện) (Số liệu do Trung tâm Y tế tuyến
huyện cung cấp cho xã).
(3) Chỉ số 1c: Tỷ lệ
ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân (viết gọn là Tỷ lệ ca tử
vong).
Tỷ lệ ca tử vong = (Tổng
số ca tử vong mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/ toàn bộ dân số của địa bàn cấp
xã) x 100.000
(4) Chỉ số 2a. Tỷ lệ
tiêm chủng đủ các mũi tiêm theo quy định tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế
tính trên toàn bộ dân số.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy
đủ các mũi tiêm = (Tổng số người đã được tiêm đủ các mũi tiêm theo quy định tại
thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã/toàn bộ dân số trên địa bàn cấp
xã) x 100.000.
(5) Chỉ số 2b. Tỷ lệ
tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định
tiêm chủng)
Tỷ lệ tiêm chủng đủ
mũi ở nhóm nguy cơ cao = (Tổng số người thuộc nhóm nguy cơ cao đã được tiêm đủ
các mũi tiêm theo quy định tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế trên địa bàn cấp
xã/toàn bộ đối tượng ở nhóm nguy cơ cao trên địa bàn cấp xã đã được rà soát) x
100.
(6) Chỉ số 3a. Tỷ lệ
sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa
bàn cấp xã
Tỷ lệ sẵn sàng quản
lý, chăm sóc = (Tổng số bệnh nhân COVID-19 có thể quản lý, chăm sóc /toàn bộ
dân số trên địa bàn cấp xã) x 10.000.
(7) Chỉ số 3b. Tỷ lệ
giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều
trị trên địa bàn cấp huyện /100.000 dân tại thời điểm đánh giá Tỷ lệ giường bệnh
dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị = [(Tổng
số giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung điều trị - số
giường bệnh đã sử dụng cho người bệnh COVID-19)/ toàn bộ dân số trên địa bàn cấp
huyện] x 100.000.
(8) Chỉ số 3c. Tỷ lệ
giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân
Tỷ lệ giường ICU = (Tổng
số giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ của địa bàn cấp tỉnh/ tổng dân số
trong địa bàn cấp tỉnh) x 100.000.
1 Số ca phải thở ô xy tại xã = Tổng số
trường hợp mắc COVID-19 đang phải thở ô xy (mask, gọng kính trở lên) đang được
quản lý, chăm sóc tại tuyến xã + Tổng số trường hợp mắc COVID-19 đang phải thở
ô xy (mask, gọng kính trở lên) lưu trú trên địa bàn xã nhưng được chuyển tuyến
đang điều trị tại tuyến huyện) (Số liệu do Trung tâm Y tế tuyến huyện cung cấp
cho xã).
2 Ví dụ về cách áp dụng chỉ số 3b ở tuyến
xã: chỉ số 3b trên địa bàn cấp huyện được đánh giá ở khả năng trung bình thì
toàn bộ địa bàn cấp xã trong huyện này đều được tính là khả năng trung bình.
3 Ví dụ về cách sử dụng chỉ số 3c: địa
bàn cấp xã được tính bằng chỉ số 3a, 3b đạt khả năng đáp ứng cấp trung bình mà
chỉ số 3c đạt ở mức dưới 4/100.000 thì khả năng đáp ứng ở địa bàn cấp xã đó phải
hạ xuống một mức là khả năng thấp.
4 Ví dụ về chọn mức độ lây nhiễm: Chỉ số
1a ở mức 1, chỉ số 1b ở mức 2 thì mức độ lây nhiễm phải chọn ở mức cao nhất là
mức 2.
5 Ví dụ về cách sử dụng chỉ số 2a, 2b:
mức độ lây nhiễm ở cấp xã được tính bằng chỉ số 1a, 1b đang là mức độ 2 mà chỉ
số 2a, 2b không đạt mức độ tối thiểu thì phải nâng lên một mức độ là mức độ 3.
6 Ví dụ về việc xác định khả năng đáp ứng:
chỉ số 3a ở khả năng cao, chỉ số 3b ở khả năng trung bình thì khả năng đáp ứng
được xác định ở mức thấp nhất là mức trung bình.
7 Ví dụ về việc hiệu chỉnh khả năng đáp
ứng: khả năng đáp ứng ở cấp xã đang là mức trung bình mà chỉ số 3c không đạt mức
độ tối thiểu thì phải giảm xuống một mức là khả năng thấp.
8 Ví dụ: cấp độ dịch ở cấp xã đang là cấp
độ 3 mà chỉ số 1c vượt quá ngưỡng 6/100.000 thì phải nâng lên một cấp độ là cấp
độ 4.