Chuẩn hóa thông tin sim điện thoại Viettel, VNPT, mobifone như thế nào? Thông tin thuê bao phải bao gồm những gì?
Chuẩn hóa thông tin sim điện thoại Viettel, VNPT, mobifone như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác với các nhà mạng. Nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ và hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường.
Đồng thời, theo thông tin của Chính phủ thì ngày 31/3, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa một chiều.
Xem thêm: Cách kiểm tra thông tin thuê bao di động tất cả nhà mạng để tránh bị khóa sim
Vậy nên, người dân cần chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại mình đang sử dụng
Dưới đây là hướng dẫn giúp người dân chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại của ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT, Mobifone.
(1) Chuẩn hóa thông tin sim điện thoại MobiFone
Cách 1: Đến cửa hàng MobiFone nơi gần nhất
Danh sách cửa hàng tại website: www.mobifone.vn, mục "Hỗ trợ khách hàng" để có thể tìm đến địa chỉ cửa hàng gần mình nhất.
Lưu ý: Khách hàng cần mang giấy tờ tùy thân để giao dịch viên hỗ trợ tại quầy.
Cách 2: Sử dụng ứng dụng My MobiFone trên điện thoại
- Bước 1: Tải ứng dụng My MobiFone. Đăng nhập số điện thoại cần đăng ký thông tin bằng OTP.
- Bước 2: Tại giao diện chính của ứng dụng, nhấn vào mục Khác ở góc phải bên dưới giao diện, chọn mục Thông tin khách hàng.
Chọn "Thông tin thuê bao" để kiểm tra thông tin.
Chọn "Đăng ký thông tin" để cập nhật lại thông tin thuê bao.
- Bước 3: Khi nhấn "Đăng ký thông tin" hệ thống sẽ yêu cầu nhập mã OTP trước khi cập nhật thông tin thuê bao
- Bước 4: Chụp ảnh Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu mặt trước/ sau và ảnh chân dung. Ký tên trên màn hình ứng dụng và chọn "Tiếp tục"
- Bước 5: Thông tin cá nhân được hệ thống AI nhận diện qua hình ảnh cập nhật ở Bước 4. Khách hàng kiểm tra lại thông tin và cập nhật lại thông tin còn thiếu. Tích chọn đồng ý cam kết và "Xác nhận"
- Bước 6: Sau khi bấm "Xác nhận" hệ thống yêu cầu nhập mã OTP đồng ý cập nhật thông tin thuê bao.
Cách 3: Qua website https://tttb.mobifone.vn/
- Bước 1: Nhập số thuê bao cần cập nhật thông tin sau đó nhấn tiếp tục
- Bước 2: Hệ thống sẽ gửi mã OTP về số điện thoại đã nhập. Nhập mã OTP và nhấn tiếp tục
- Bước 3: Tải ảnh lên gồm: Ảnh giấy tờ mặt trước, ảnh giấy tờ mặt sau và ảnh chân dung và nhấn tiếp tục.
- Bước 4: Kiểm tra lại các thông tin mà hệ thống đã trích xuất dữ liệu từ ảnh tải lên gồm: Họ tên, ngày sinh, giới tính, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (Không được phép chỉnh sửa), ngày cấp, nơi cấp. Sau đó thực hiện ký và ô chữ ký và tích chọn cam kết chủ sở hữu số thuê bao. Nhấn xác thực thông tin để hoàn thành thao tác Thay đổi thông tin thuê bao.
Cách 4: MobiFone sẽ đến hỗ trợ tại nhà
Hình thức hỗ trợ này đối với các khách hàng đặc thù, người lớn tuổi…
(2) Chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại Viettel
- Bước 1: Khách hàng tải về ứng dụng My Viettel
- Bước 2: Quét QRCode hoặc truy cập: https://viettel.vn/
- Bước 3: Nhập số điện thoại cần chuẩn hoá, bấm vào “Lấy OTP đăng nhập” và đăng nhập vào ứng dụng
- Bước 4: Cập nhật thông tin, chụp ảnh 2 mặt Chứng minh thư/ Căn cước công dân/Hộ chiếu và ảnh chân dung
- Bước 5: Kiểm tra lại thông tin trên màn hình.
Lưu ý: Trường hợp hiển thị bước xác thực qua gọi Video, khách hàng bấm gọi kết nối nhân viên CSKH để hoàn thiện việc chuẩn hoá thông tin.
(3) Chuẩn hóa thông tin sim điện thoại VNPT/VINAPHONE
Cách 1: Kiểm tra, so khớp thông tin thuê bao thông qua ứng dụng My VNPT
- Bước 1: tải ứng dụng My VNPT trên Appstore (cho hệ điều hành iOS) hoặc CH Play ( thiết bị Android).
- Bước 2: Đăng nhập vào ứng dụng My VNPT (hoặc đăng ký nếu đây là lần đầu tiên sử dụng) bằng số điện thoại VinaPhone cần kiểm tra.
- Bước 3: Tại giao diện chính chọn mục "Thông tin thuê bao"
- Bước 4: Đối với các khách hàng thuộc đối tượng phải chuẩn hóa/so khớp thông tin thuê bao thì sẽ có tùy chọn "Cập nhật thông tin," khách hàng bấm vào và làm theo hướng dẫn.
Cách 2: Kiểm tra thông tin trên web http://my.vnpt.com.vn
- Bước 1: Khách hàng cần truy cập vào website my.vnpt.com.vn, thực hiện đăng nhập theo số điện thoại VinaPhone cần tra cứu. VinaPhone sẽ gửi mã OTP về số thuê bao đã đăng ký của khách hàng.
- Bước 2: Sau khi đăng nhập, khách hàng chọn mục "Thông tin thuê bao" hoặc chọn Menu/Quản lý tài khoản gói cước Thông tin cá nhân.
- Bước 3: Đối với các khách hàng thuộc đối tượng phải chuẩn hóa/so khớp thông tin thuê bao thì sẽ có tùy chọn "Cập nhật thông tin," khách hàng bấm vào và làm theo hướng dẫn.
Cách 3: Khách hàng đến các điểm giao dịch gần nhất của VinaPhone trên toàn quốc để được nhân viên VinaPhone hỗ trợ.
Lưu ý: khách hàng cần mang theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân khi đến các điểm giao dịch.
Tổng đài chăm sóc khách hàng 18001091 của VinaPhone hoạt động 24/7 sẽ hỗ trợ, giải đáp khách hàng mọi thông tin cần thiết trong quá trình chuẩn hóa lại thông tin thuê bao.
Chuẩn hóa thông tin sim điện thoại Viettel, VNPT, mobifone như thế nào? Thông tin thuê bao phải bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Thông tin thuê bao phải bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP ( được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP ) quy định thông tin thuê bao bao gồm:
- Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao: đối với cá nhân (cho bản thân; cho con đẻ, con nuôi dưới 14 tuổi; cho người được giám hộ; cho thiết bị); đối với tổ chức (cho các cá nhân thuộc tổ chức; cho thiết bị);
- Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân bao gồm:
+ Họ và tên;
+ Ngày tháng năm sinh;
+ Quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân;
+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam);
- Thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm:
+ Tên tổ chức;
+ Địa chỉ trụ sở giao dịch;
+ Thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng) theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP
- Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, tổ chức đã xuất trình khi đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
- Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước);
- Hình thức thanh toán giá cước (trả trước, trả sau);
- Họ tên nhân viên giao dịch; thời gian thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thời gian thực hiện mỗi lần cập nhật thông tin thuê bao (đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức cập nhật lại thông tin thuê bao); địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Chính phủ đã có những chỉ đạo nào cho doanh nghiệp viễn thông di động nhằm giải quyết triệt để tình trạng SIM rác, tình trạng giả mạo giấy tờ?
Tại Mục 3 Thông báo 174/TB-VPCP năm 2022, Chính phủ đã có những chỉ đạo cho các doanh nghiệp viễn thông bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTel), Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnammobile như sau:
- Khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến hành đối soát ngay dữ liệu SIM đang hoạt động đảm bảo xác thực khớp đúng giữa 3 thành phần:
(i) Thông tin của thuê bao đăng ký tại các doanh nghiệp viễn thông,
(ii) Thông tin cá nhân của thuê bao trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và
(iii) Thông tin người đang sở hữu/sử dụng/nắm giữ SIM thực tế, hoàn thành trước ngày 30 tháng 7 năm 2022;
- Xây dựng kế hoạch, triển khai đối soát, cập nhật thông tin đối với số thuê bao đã được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác định là có thông tin chưa chính xác theo quy định, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2022;
- Đối với số thuê bao mới phát sinh từ ngày 01 tháng 8 năm 2022 phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm phải được lấy ý kiến rộng rãi từ những ai?