Sau khi kiểm kê tài sản doanh nghiệp không lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Sau khi kiểm kê tài sản, doanh nghiệp có phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 40 Luật Kế toán 2015 quy định về việc kiểm kê tài sản như sau:
Kiểm kê tài sản
...
2. Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong các trường hợp sau đây:
a) Cuối kỳ kế toán năm;
b) Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản hoặc bán, cho thuê;
c) Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu;
d) Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác;
đ) Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.
...
Theo đó, sau khi kiểm kê tài sản thì doanh nghiệp bắt buộc phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Nếu có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.
Kiểm kê tài sản (Hình từ Internet)
Sau khi kiểm kê tài sản không lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định;
b) Không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP thì mức mức phạt tiền được quy định trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu sau khi kiểm kê tài sản mà doanh nghiệp không lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đối với cá nhân vi phạm thì có thể bị phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Những nguyên tắc kế toán mà các doanh nghiệp cần phải tuân thủ là gì?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Kế toán 2015 quy định các đơn vị kế toán cần phải tuân thủ những nguyên tắc kế toán sau đây:
Nguyên tắc kế toán
1. Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.
2. Các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm; trường hợp thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong báo cáo tài chính.
3. Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
4. Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật này.
5. Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
6. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch.
7. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này còn phải thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?
- Mẫu Kế hoạch giải quyết tố cáo đảng viên của chi bộ? Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên nào?
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?