Chứng quyền có bảo đảm có phải tài sản không? Chứng quyền có bảo đảm phải thực hiện đăng ký tại cơ quan nào?
Chứng quyền có bảo đảm có phải tài sản không?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định về chứng khoán như sau:
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Đồng thời theo khoản 6 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Do đó, chứng quyền có bảo đảm vẫn được xem là tài sản.
Chứng quyền có bảo đảm có phải tài sản không? Chứng quyền có bảo đảm phải thực hiện đăng ký tại cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Chứng quyền có bảo đảm phải thực hiện đăng ký tại cơ quan nào?
Cơ quan đăng ký chứng quyền có bảo đảm được quy định tại Điều 149 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
Đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
1. Các loại chứng khoán phải thực hiện đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm:
a) Cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
b) Chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và các loại trái phiếu doanh nghiệp khác niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
c) Chứng khoán của công ty đại chúng và các loại chứng khoán phải đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Các loại chứng khoán khác được đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tổ chức phát hành.
3. Chứng khoán quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
4. Công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký cổ phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
5. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết hoạt động đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán, cấp mã chứng khoán, thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán, chuyển quyền sở hữu chứng khoán và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Theo quy định trên, chứng quyền có bảo đảm phải thực hiện đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Trường hợp nào chứng quyền có bảo đảm bị hủy niêm yết?
Theo khoản 6 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì chứng quyền có bảo đảm bị hủy niêm yết trong những trường hợp sau:
(1) Chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết hoặc không thể xác định được chỉ số chứng khoán;
(2) Hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm có những thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư và gây thiệt hại cho nhà đầu tư; hoặc khi phát hiện tổ chức phát hành không ký quỹ bảo đảm thanh toán hoặc không có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng;
(3) Tổng số lượng chứng khoán cơ sở được quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành thuộc tất cả các tổ chức phát hành so với tổng số lượng chứng khoán cơ sở tự do chuyển nhượng vượt quá một tỷ lệ phần trăm theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
(4) Tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ tạo lập thị trường dẫn đến bị chấm dứt hoạt động tạo lập thị trường theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán;
(5) Các chứng quyền đã được hoàn tất việc thực hiện quyền hoặc đã đáo hạn;
(6) Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.
(7) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản.
Lưu ý: Việc mua lại chứng quyền có bảo đảm và thanh toán tiền cho nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền có bảo đảm và các hoạt động khác có liên quan trong trường hợp chứng quyền có bảo đảm bị hủy niêm yết thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?
- Đảng viên phải tự kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên trước chi bộ vào cuối năm đúng không?
- Có trở thành công ty đại chúng khi chưa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng? Phải đăng ký cổ phiếu tập trung tại đâu?