Vợ chồng ly thân thì có được hưởng thừa kế di sản theo pháp luật hay không? Con riêng của chồng có được thừa kế tài sản từ tài sản chung của vợ chồng hay không?
Ly thân có làm chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng hay không?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
..."
Ngoài ra tại Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:
Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan."
Hiện tại, pháp luật không quy định về vấn đề ly thân; thực chất việc ly thân chỉ là việc vợ chồng không sống cùng nhau nữa và chưa thực hiện ly hôn nên không làm mất đi quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Việc chấm dứt quan hệ hôn nhân chỉ xảy ra khi hai người tiến hành thủ tục ly hôn tại Toàn án và bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Vợ chồng ly thân thì có được hưởng thừa kế di sản theo pháp luật hay không?
Vợ chồng ly thân thì có được hưởng thừa kế tài sản theo pháp luật hay không?
Trường hợp thứ nhất, nếu quyền sử dụng đất mà ông bà nội bạn để lại thừa kế riêng cho bố bạn thì đó là tài sản riêng của bố bạn và mẹ bạn không được hưởng ½ di sản đó; căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
"Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng
...
Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
..."
Trường hợp thứ hai, nếu ông bà bạn để lại thừa kế cho cả bố và mẹ bạn. Mẹ bạn sẽ được thỏa thuận với bố bạn trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt quyền sử dụng đất; căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng"
Theo quy việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Như đã nói ở trên việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa hai người nên nếu trường hợp ông bà bạn để lại di sản thừa kế cho cả bố và mẹ bạn thì mẹ bạn vẫn có quyền được hưởng thừa kế.
Con riêng của chồng có được thừa kế tài sản từ tài sản chung của vợ chồng hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
..."
Khi mẹ bạn mất đi mà không để lại di chúc, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản của mẹ bạn. Đó là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, bố bạn vẫn được hưởng thừa kế vì bố mẹ bạn ly thân mà không phải ly hôn và con riêng của bố không được hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn.
Nếu mẹ bạn mất mà để lại di chúc thì những người có tên trong di chúc sẽ được hưởng di sản do mẹ bạn để lại. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp mẹ bạn không di chúc cho bố bạn được hưởng di sản thừa kế thì bố bạn vẫn có thể được hưởng di sản theo quy định vì là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ nhà có phải thanh toán chi phí viện phí khi người giúp việc gia đình bị tai nạn lao động hay không?
- Mẫu Đơn xin gia hạn tiến độ thi công công trình xây dựng mới nhất là mẫu nào? Tải mẫu về ở đâu?
- Mẫu đơn khởi kiện hành vi cố ý gây thương tích mới nhất hiện nay là mẫu nào? Cố ý gây thương tích đi tù khi nào?
- Mẫu kế hoạch kiểm tra nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng? Tải mẫu tại đâu?
- Mẫu bảng tổng hợp dự toán xây dựng công trình mới nhất? Cách xác định dự toán xây dựng công trình?