Tín hiệu đèn giao thông là gì? Tín hiệu đèn giao thông có tác dụng gì? 3 màu đèn giao thông có ý nghĩa gì?
Tín hiệu đèn giao thông là gì? Tín hiệu đèn giao thông có tác dụng gì? 3 màu đèn giao thông có ý nghĩa gì?
Tín hiệu đèn giao thông là gì? Tín hiệu đèn giao thông có tác dụng gì?
Hiện nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và các văn bản có liên quan không quy định khái niệm tín hiệu đèn giao thông là gì hay tín hiệu đèn giao thông có tác dụng gì.
Trên thực tế, tín hiệu đèn giao thông có thể hiểu là hệ thống các đèn tín hiệu có màu sắc được sử dụng tại các ngã tư, giao lộ hoặc những điểm giao thông quan trọng để điều khiển và phân luồng giao thông. Mỗi tín hiệu đèn giao thông có màu sắc và hình dạng khác nhau, mỗi màu có một ý nghĩa riêng để hướng dẫn người tham gia giao thông.
Tín hiệu đèn giao thông có tác dụng như:
- Điều khiển giao thông: Đảm bảo việc phân luồng giao thông hợp lý giữa các hướng đi, tránh xảy ra tai nạn do người tham gia giao thông không tuân thủ thứ tự.
- Tăng cường an toàn: Tín hiệu đèn giúp bảo vệ người tham gia giao thông bằng cách xác định rõ ràng khi nào có thể đi và khi nào phải dừng lại, đặc biệt ở những nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại.
- Giảm tắc nghẽn giao thông: Giúp giao thông diễn ra một cách trật tự, giảm thiểu việc đụng phải nhau và giảm tình trạng kẹt xe tại các ngã tư, giao lộ.
- Tạo sự minh bạch và công bằng: Tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông sẽ tuân thủ các tín hiệu đèn, đảm bảo không có ai bị ưu tiên hoặc mất an toàn.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
3 màu đèn giao thông có ý nghĩa gì?
Theo quy định tại khoản 6.3 Điều 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT thì tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.
Ý nghĩa của 3 màu đèn giao thông như sau:
(1) Tín hiệu xanh: tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
(2) Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
(3) Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
(4) Trường hợp không có vạch dừng, thì vị trí đặt đèn tín hiệu gần nhất theo chiều đi coi như là vạch dừng.
(5) Tại một thời điểm, trên cùng một bộ đèn tín hiệu chỉ được sáng một trong ba màu: xanh, vàng hoặc đỏ.
Tín hiệu đèn giao thông là gì? Tín hiệu đèn giao thông có tác dụng gì? 3 màu đèn giao thông có ý nghĩa gì? (Hình từ Internet)
Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của CSGT hay tín hiệu đèn giao thông trước?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Trật Tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
(1) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
(2) Tín hiệu đèn giao thông;
(3) Biển báo hiệu đường bộ;
(4) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
(5) Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;
(6) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Như vậy, trong trường hợp CSGT là người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành hiệu lệnh của CSGT trước.
Một số quy định khi sử dụng hệ thống đèn tín hiệu?
Một số quy định khi sử dụng hệ thống đèn tín hiệu được quy định tại Mục A.2 Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT như sau:
- Thời gian đèn xanh tối thiểu cho một hướng giao thông ít nhất là 15 giây;
- Thời gian tín hiệu đèn dành cho người đi bộ dài ít nhất là 10 giây. Khi lưu lượng người đi bộ thấp và bề rộng đường hẹp (2 làn xe) và không là đường ưu tiên thì có thể giảm bớt thời gian tín hiệu đèn ngắn hơn, nhưng bảo đảm đủ để người đi bộ có thể qua được đường. Chú ý, tốc độ của người đi bộ sang đường tính bằng 1,2 m/s, nếu nơi bố trí dành cho người khuyết tật qua đường sẽ phải tính tốc độ của người sang đường thấp hơn 1,2 m/s và căn cứ vào thị sát để đặt chu kỳ đèn cho phù hợp...
Để trợ giúp người đi bộ sang đường nhất là người khiếm thị, khiếm thính hoặc khuyết tật người ta còn sử dụng thiết bị cảm biến thụ động hoặc nút ấn. Thiết bị nút ấn dành cho người đi bộ sang đường bao gồm nút ấn, đèn nhấp nháy đặt chung trên một cột ở vị trí thuận lợi trên vỉa hè ngay vị trí bắt đầu dành cho người đi bộ sang đường. Thiết bị nút ấn còn trang bị bộ phận phát âm thanh để báo nơi đặt thiết bị nút ấn, âm thanh dễ nhận biết có chu kỳ 0,15 giây và lặp lại sau 1 giây, âm thanh có thể nghe thấy từ cự ly 1,8 m đến 3,7 m và âm lượng không thấp hơn 5 dB nhưng không cao hơn 70 dB và sẽ bị vô hiệu hóa khi chu kỳ đèn nhấp nháy kết thúc. Khi đặt thiết bị nút ấn phải khảo sát thực địa để bố trí phù hợp.
- Sử dụng đèn tín hiệu có đường kính 300 mm ở những đường có tốc V85 từ 60 km/h trở lên và ở nơi thường xuyên không có người điều khiển giao thông, nơi có nhiều người già tham gia giao thông;
- Đèn tín hiệu phải nhìn thấy từ xa và không nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng A.1:
Bảng A.1 - Khoảng cách tối thiểu nhìn thấy đèn tín hiệu
Tốc độ V85 (km/h) | Khoảng cách nhìn thấy nhỏ nhất (m) |
30 | 50 |
40 | 65 |
50 | 85 |
60 | 110 |
70 | 140 |
80 | 165 |
90 | 195 |
- Những nơi đặt đèn có độ sáng của thiên nhiên sau đèn gây khó nhận biết của người điều khiển phương tiện thì cần nghiên cứu tạo nền sau đèn để trợ giúp nhận biết cho người điều khiển phương tiện;
- Do người điều khiển phương tiện tập trung quan sát phía trước để điều khiển phương tiện, vì vậy, khi đặt đèn tín hiệu hoặc các báo hiệu giao thông trên lề, hè cần xác định vùng quan sát hiệu quả. Cách xác định như sau: mở một góc 40° từ vị trí mắt người lái đối xứng qua trục mắt tạo thành vùng nhìn rõ của người lái. Cũng cần chú ý khả năng quan sát được đèn của các xe phía sau các xe lớn hoặc người tham gia giao thông bị ngược ánh nắng mặt trời.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tổ chức tín dụng phi ngân hàng liên doanh cần phải lập thành bao nhiêu bộ?
- Có mấy phương pháp xác định dự toán ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT bằng vốn ngân sách nhà nước?
- Có thể ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích không?
- Hướng dẫn tính điểm thi đua đối với ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương theo Quy định 13?
- Khi nào được cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô? Trình tự, hồ sơ cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô theo Nghị định 160?