Quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu có bị bãi bỏ không? Việc bãi bỏ quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu ảnh hưởng như thế nào?
Quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu có bị bãi bỏ không?
Ngày 10/08/2022 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ: Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô, Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN sửa đổi Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN sửa đổi Điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN.
Như vậy, tại Thông tư 11 này Bộ Khoa học và Công nghệ đã bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Trong đó, bao gồm các quy định về độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cũng bị bãi bỏ theo.
Thông tư 11/2022/TT-BKHCN sẽ có hiệu lực vào ngày 01/10/2022.
Cụ thể, quy định về mức độ rời rạc được quy định tại Điều 1 Thông tư 05/2012/TT-BKHCN như sau:
Các linh kiện ôtô do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc mua của các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thì không được tính là nội địa hóa.
a) Mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu được quy định như sau:
- Thân vỏ ôtô (đối với ôtô con (xe du lịch), ôtô khách cỡ nhỏ (xe minibus), ôtô khách (xe bus), ca bin (đối với ôtô tải): Rời tối thiểu thành 06 cụm chính, chưa sơn tĩnh điện, bao gồm: cụm nóc, cụm sàn, cụm sườn trái, cụm sườn phải, cụm trước, cụm sau và các mảng liên kết (nếu có).
- Khung ôtô: Đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Đối với khung ôtô có chiều dài từ 3,7m trở lên, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.
- Động cơ: Hoàn chỉnh và có thể lắp liền với bộ ly hợp và hộp số.
- Hệ thống truyền động: Đã hoặc chưa lắp cùng với hệ thống phanh.
- Hệ thống điện, đèn và tiện nghi: Hệ thống dây điện, bảng điện, đèn và tiện nghi của ôtô để rời khỏi thân vỏ, cabin ôtô.
- Thùng của ôtô tải: Sàn thùng xe, thành phải thùng xe, thành trái thùng xe, thành sau thùng xe và thành trước thùng của ôtô tải để rời chưa sơn và sàn thùng xe chưa được gắn với hệ thống khung phụ khi nhập khẩu.
b) Trường hợp mức độ rời rạc của linh kiện ôtô không đáp ứng quy định tại điểm a khoản này do công nghệ sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô thay đổi hoặc do kết cấu ôtô và phụ tùng có tính mới, mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ.
c) Các Phụ lục 5, 6, 7, 8 ban hành kèm theo Quyết định này chỉ có tính chất minh họa, không dùng làm cơ sở để xác định mức độ rời rạc về mặt kết cấu của các linh kiện đối với ôtô các loại.
Quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu có bị bãi bỏ không? Việc bãi bỏ quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu có ảnh hưởng như thế nào? (Hình từ Internet)
Việc bãi bỏ quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu ảnh hưởng như thể nào?
Theo nhiều ý kiến, việc bãi bỏ quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu ảnh hưởng khá lớn đến hành lang pháp lý của việc áp thuế nhập khẩu linh kiện ô tô trong nước. Cụ thể, tại Công văn 9049/BTC-CST năm 2022 của Bộ Tài chính đã có ý kiến đến vấn đề này.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng việc bỏ quy định về mức độ rời rạc có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ nhưng có mức độ rời rạc thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước
Ngoài ra sẽ phát sinh vướng mắc cho quá trình thực hiện vì quy định về mức độ rời rạc đang là căn cứ cho việc thực hiện một số chính sách thuế nhập khẩu liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.
Trước đó, tại Công văn 12272/BTC-CST năm 2021 Bộ Tài chính đã có ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ là việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc sẽ phát sinh vướng mắc, tạo khoảng trống pháp lý cho các vấn đề sau: Một là, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện phân loại bộ linh kiện CKD để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD. Hai là, quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu cũng đang là căn cứ cho việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô được thực hiện ổn định từ năm 2018 đến nay.
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư bãi bỏ các Quyết định, Thông tư nêu trên đã dẫn đến hệ lụy là các quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu được Bộ Tài chính bãi bỏ theo. Tạo ra khoảng trống pháp lý trong khi đây là một trong những căn cứ đang được sử dụng tại các quy định của các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các Nghị định này vẫn có hiệu lực áp dụng.
Về phía doanh nghiệp, việc bãi bỏ các quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu khi chưa có quy định thay thế, cũng đã nhận được ý kiến từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo đó VAMA có đề nghị đặt ra phương án giải quyết khi Thông tư 11/2022/TT-BTC chính thức có hiệu lực.
Kiến nghị của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ quy định độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu như thế nào?
Trên cơ sở, hiện nay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Dự kiến Bô Tài chính sẽ trình lên chính phủ trong tháng 10/2022, trường hợp được thông qua, Nghị định này cũng cần 45 ngày từ ngày ký mới có hiệu lực thi hành theo khoản 48 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020. Do đó Nghị định này không thể có hiệu lực trước ngày Thông tư 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực (ngày 01/10/2022). Để không tồn tại khoảng trống pháp lý trong khoảng thời gian này, Bộ Tài chính đã có kiến nghị đối với việc thực hiện Thông tư 11 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, tại Công văn 9049/BTC-CST năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hai phương án sau:
- Một là, lùi thời hạn có hiệu lực của toàn bộ Thông tư 11/2022/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định mới của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành;
- Hai là, lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC đến sau ngày Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 30 tháng 12 là ngày gì? Ngày 30 tháng 12 là ngày gì ở Việt Nam? Ngày 30 tháng 12 năm 2024 là ngày mấy âm lịch?
- Mẫu đề án sáp nhập, chia, tách trường cao đẳng sư phạm, sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học mới nhất?
- Văn bản quy phạm pháp luật tài chính gồm những loại văn bản nào? Thực hiện xây dựng và tổ chức thi hành như nào?
- Mẫu Giấy mời liên hoan cuối năm mới nhất? Tải mẫu? Doanh nghiệp có phải thưởng cho người lao động trong dịp liên hoan cuối năm?
- Bản án dân sự là gì? Trách nhiệm của cơ quan thi hành án khi Tòa án yêu cầu thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án dân sự?