Phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng có phải bồi thường thiệt hại không? Căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào?
Phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng có phải bồi thường thiệt hại không?
Trước tiên, để có căn cứ xác định trường hợp này phía cơ sở thẩm mỹ có phải bồi thường hay không và mức bồi thường như thế nào là còn tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hay giấy cam kết mà phía mình đã ký trước khi làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Từ đó mới có cơ sở xác định chính xác mức bồi thường (nếu có), trách nhiệm của mỗi bên như thế nào chứ không phải lúc nào cũng mặc định trong mọi trường hợp là phía cơ sở thẩm mỹ sai, phải bồi thường.
Gia đình mình nên kiểm tra lại trong nội dung văn bản đã ký kết với phía cơ sở thẩm mỹ những nội dung điều khoản về kết quả thẩm mỹ, những rủi ro, biến chứng có thể gặp phải, trình độ chuyên môn của bác sĩ, trách nhiệm khi xảy ra sự cố thì như thế nào,...
Trong trường hợp nếu cơ sở thẩm mỹ có lỗi và có đầy đủ cơ sở chứng minh thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và lỗi như thế nào.
Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng có phải bồi thường thiệt hại không? (Hình từ Internet)
Việc xác định người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ có sai sót hay không có sai sót được quy định như thế nào?
Việc xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hay không thì được quy định tại Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009:
Xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật
1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định đã có một trong các hành vi sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
c) Xâm phạm quyền của người bệnh.
2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
b) Trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Trường hợp này nếu gia đình thấy quyền lợi của chị mình bị ảnh hưởng thì vẫn có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nơi cơ sở thẩm mỹ này đóng trụ sở, việc xem xét như thế nào sẽ do Tòa án quyết định căn cứ dựa trên nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, mức độ thiệt hại thực tế, kết quả giám định (nếu có),...
Căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi phẫu thuật thẩm mỹ được quy định như thế nào?
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi phẫu thuật thẩm mỹ được quy định như trên để gia đình mình tham khảo thêm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách có thể bị tước danh hiệu quân nhân?
- Ngoài bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã còn có gì?
- Lập, chỉnh lý, cập nhật, quản lý, khai thác hồ sơ địa chính như thế nào khi địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai?
- Quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì sẽ được thực hiện như thế nào?
- Hợp đồng thuê giám đốc là gì? Mẫu hợp đồng thuê giám đốc mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu ở đâu?