Ngày tết hát karaoke gây ồn ào vào đêm khuya có bị xử phạt không? Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt không?
Ngày tết hát karaoke gây ồn ào vào đêm khuya có bị xử phạt không?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, ngày tết mà hát karaoke gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngày tết hát karaoke gây ồn ào vào đêm khuya có bị xử phạt không? Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt không? (Hình từ Internet)
Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt người hát karaoke gây ồn ào vào đêm khuya trong ngày tết không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 78 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền quy định tại các Điều 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76 và 77 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 68 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Người có thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 69 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
...
Căn cứ theo khoản 3 Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
...
3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo phân định thẩm quyền thì Trưởng Công an cấp xã sẽ có thẩm quyền xử phạt đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, Trưởng Công an cấp xã sẽ có thẩm quyền xử phạt người hát karaoke gây ồn ào vào đêm khuya trong ngày tết.
Tiếng ồn cho phép trong khu dân cư là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 124/2021/TT-BCA quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Khu dân cư” là nơi người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, là tên gọi chung của thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố, khu phố và đơn vị dân cư tương đương.
...
Theo đó, khu dân cư là nơi người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, là tên gọi chung của thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố, khu phố và đơn vị dân cư tương đương.
Cùng với đó, căn cứ theo tiểu mục 2.1 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT đã quy định như sau:
Tiếng ồn cho phép trong khu dân cư được xác định theo mức tiếng ồn cho phép trong khu vực thông thường cụ thể là:
- 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ;
- 55 dBA trong khoảng thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân loại thống kê hiện nay bao gồm mấy loại? Việc phân loại thống kê quốc gia bao gồm những loại nào?
- Thiết bị số là gì? Cho ví dụ về thiết bị số? Không được cài đặt phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện hành vi nào?
- Có thể mua vàng miếng ở đâu? Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là gì theo quy định?
- Tải về Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư 23 mới nhất? Tải về file word?
- Có cấp sổ đỏ cho người được Nhà nước giao đất rừng đặc dụng? Có thu tiền sử dụng đất khi được giao đất rừng đặc dụng?