Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5 chọn lọc?
Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5 chọn lọc?
Có thể tham khảo mẫu viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5 chọn lọc dưới đây:
MẪU 01 - Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5
“Gặp nhau cuối năm - Táo Quân” là vở kịch quen thuộc với tất cả mọi người dân Việt Nam. Bản thân em cũng rất yêu thích các vở kịch này, không chỉ xem trực tiếp và tối giao thừa, mà còn xem lại nhiều lần sau đó. Trong các diễn viên của vở kịch này, em yêu thích và ấn tượng nhất với vai diễn Ngọc Hoàng do diễn viên Quốc Khánh thủ vai. So với các vai như Nam Tào, Bắc Đẩu hay Táo Kinh tế, Táo Giao thông thì Ngọc Hoàng không có nhiều lời thoại bằng. Nhưng vai trò của người thì không thể nào thiếu được. Các nghệ sĩ khác thì thường xuyên thay đổi trang phục theo từng năm, còn Ngọc Hoàng thì luôn chỉ mặc một bộ trang phục duy nhất của một vụ vua trên thiên đình. Đó là áo dài của nam được biến tấu với các loại họa tiết, hoa văn hình rồng uy nghi, oai nghiêm. Từ mũ mão, áo, quần đến đôi giày của Ngọc Hoàng đều có màu vàng là màu chủ đạo, kết hợp với ngai vàng chính giữa sân chầu trông thật nổi bật và sáng chói. Khi diễn vai Ngọc Hoàng, bác Quốc Khánh đã rất tài tình khi toát lên được sự oai nghiêm xen lẫn bao dung, hiền từ của một vị vua trên thiên đình. So với những năm đầu, bây giờ bác cũng đã lớn tuổi, khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn, vóc dáng cũng mập hơn một chút. Dù vậy, phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc thì vẫn không hề suy chuyển. Trong vở kịch, Ngọc Hoàng luôn đóng vai là người lắng nghe những bài tấu của các Táo, sau đó đưa ra nhận xét. Ngài sẽ phê bình khi các Táo làm điều sai, khen ngợi khi họ làm điều tốt. Sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thỉnh thoảng pha trò vui cùng các Táo. Mỗi lời thoại, hành động của Ngọc Hoàng đều toát lên được vai trò của một vị vua, nhưng cũng rất gần gũi. Từ nụ cười, bước chân, hành động của Ngọc Hoàng trên sân khấu đều mang đậm màu sắc của kịch, nhưng cũng rất hiện đại, dễ tiếp cận với giới trẻ. Vai diễn Ngọc Hoàng của nghệ sĩ Quốc Khánh trên sân khấu kịch Táo Quân là một vai diễn kinh điển trong lòng em. Có thể sau này, khi bác ấy nghỉ hưu, sẽ có những nghệ sĩ khác đóng vai này, nhưng với em, sẽ chẳng ai có thể thay thế bác trong lòng em cả. |
MẪU 02 - Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5
Hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng như Hoài Linh, Vân Dung, Trường Giang, Xuân Bắc và Trấn Thành, mỗi người có một phong cách diễn hài khác nhau, đặc biệt em rất ấn tượng với anh Trấn Thành, anh là một nghệ sĩ trẻ tài năng lại vô cùng hóm hỉnh, duyên dáng. Anh Trấn Thành tên đầy đủ là Huỳnh Trấn Thành, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, mặc dù là người miền Nam nhưng anh vẫn có thể nói giọng Bắc đặc biệt là giả giọng nhiều nghệ sĩ khác rất giỏi. Em rất thích nụ cười của anh Trấn Thành, nụ cười tươi rói với hàm răng đều đẹp, đôi mắt nheo lại mà người ta hay gọi là “mắt biết cười” rất duyên. Khuôn mặt của anh có thể biểu hiện nhiều sắc thái khác nhau, bộc lộ cảm xúc rất chân thật, chính bởi vậy khi xem những bộ phim anh Trấn Thành đóng em cảm nhận được ở anh sự hoá thân vào nhân vật, diễn xuất bằng chính những cảm xúc của mình, nhập tâm vào vai diễn khiến cho người xem cảm nhận được “diễn như không diễn”. Ngoài chương trình “Thách thức danh hài” em còn xem anh Trấn Thành ở chương trình “Giọng ải giọng ai”, phải nói ở cương vị là một người dẫn chương trình hay là người chơi anh đều thể hiện tố chất hài hước của mình, tích cách vui vẻ và rất thân thiện. Những người nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ Trấn Thành nói riêng, họ là người đem tài năng của mình để mang lại những phút giây thư giãn, những tiếng cười sảng khoái cho chúng ta, bởi vậy em luôn thầm cảm ơn sự cống hiến cũng như cố gắng vì nghệ thuật của các nghệ sĩ. |
MẪU 03 - Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5
Việt Nam ta có rất nhiều những nghệ sĩ hài, những người mang đến cho ta những tiếng cười thật thoải mái, vui vẻ sau những giờ học hành, làm việc căng thẳng. Trong số đó, em thật sự ấn tượng về chú Hoài Linh, một trong những danh hài mà ai ai cũng biết. Chú Hoài Linh xuất thân vốn đã khốn khó, ấy vậy mà điều đó không làm tắt đi nụ cười và tinh thần của chú. Và ta cũng thấy, lúc nào chú cũng xuất hiện với một sự giản dị, chất phác cho dù chú đang hóa thân vào bất kì vai diễn nào. Sự mộc mạc đó trước tiên đã đem đến cho khán giả, những người thưởng thức một sự quen thuộc, gần gũi tự nhiên. Dáng người chú không mập mạp chút nào, thay vào đó là sự mảnh khảnh, trông có vẻ gầy lắm. Tóc chú thường dài đến ngang vai, chắc tại chú hay đóng là con gái nên để vậy suốt. Chú đóng hài, làm cho người ta cười lên cười xuống, nhưng cũng có những lúc, lại im lặng, có khi còn khiến mình rơi nước mắt. Những bài học của chú mang vào trong vai diễn giống như là những điều mà chú từng trải qua, cay đắng ngọt bùi đủ cả... Chú Hoài Linh có biệt tài giả nữ. Không chỉ từ cách ăn mặc, điệu bộ, mà còn cả giọng nói nữa. Có người còn khen chú Hoài Linh có khi còn đẹp gái hơn mấy cô người mẫu nữa kia. Riêng về giọng nói, chú có thể giả giọng được rất nhiều vùng miền. Từ giọng ngoài Bắc, miền Trung, miền biển, miền Tây sông nước nữa. Nhớ có lần được xem chú thể hiện, giả giọng của rất nhiều cô chú ca sĩ nổi tiếng như chú Duy Khánh, Tuấn Ngọc... khiến cho khán giả ngồi dưới kinh ngạc và bái phục chú. Cách chú nói chuyện trong khi diễn rất tự nhiên, lâu lâu lại có những câu "mất nết" nhưng lại làm cho mọi người phải ồ lên thích thú. Dạo này nghe nói sức khỏe của chú đang đi xuống. Có lần người ta có nói chú mỗi lần diễn xong là vào trong, có người phải đỡ chú đi nữa. Ai biết được đằng sau những tiếng cười ngoài sân khấu kia là sự hy sinh vô bờ bến của chú, nói riêng và những người như chú nói chung. Điều này càng làm cho chú trở nên đáng kính trọng hơn nhiều nữa. Mong chú luôn luôn mạnh khỏe, luôn mang tiếng cười đến mọi người và cả cho bản thân. Mong chú biết được rằng chú luôn được mọi người mến mộ và kính trọng nhé. |
MẪU 04 - Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5
Cứ đến sáng thứ bảy, cả gia đình em lại chờ đón chương trình Gặp nhau cuối tuần của Đài Truyền hình Việt Nam. Đúng mười giờ, một bản nhạc quen thuộc vang lên, tiếp đó một nhóm nghệ sĩ hài cúi đầu chào ra mắt khán giá. Cu Bi nhà em kêu lên: "Cô Vân Dung kia kìa". Nghệ sĩ hài Vân Dung được cả gia đình em yêu thích. Để chào khán giả, cô đi một vòng quanh sân khấu. Dáng cô dong dỏng cao, mềm mại trong bộ áo dài tứ thân đang bay bay. Đầu vấn tóc đôi gà. Nhìn dáng điệu cô ai cũng muốn cười. Ô kìa! Hôm nay cô hoá trang trông ngồ ngộ làm sao, môi và má đỏ choét, dưới cằm lại có một mụn ruồi rất to. Thì ra cô đang hoá thân trong vai Thị Mầu lên Chùa. Mọi khi xem cô biểu diễn, em chỉ thấy cô hay nhập vai bà già hoặc một bà cô cau có khó tính, nhưng hôm nay trông cô hoàn toàn mới lạ từ dáng đi, lời nói đều thế hiện sự đỏng đảnh của một cô gái con quan nhà giàu nhưng lại thích một chú tiểu trong chùa. Những động tác lẳng lơ của cô như cầm tay, ghé sát người vào chú tiểu đều toát lên sự nhuần nhuyễn, thành thục trong sự nhập vai của mình. Em xem cô biểu diễn mà cứ tưởng như mình đang xem vở chèo Quan Âm Thị Kính do cô Vân Dung biểu diễn. Cả nhà em không ai bảo ai đều vỗ tay khen ngợi, cổ vũ cô. Dường như cô cũng hiểu được điều đó hay sao, sự diễn xuất của cô càng sinh động hơn, uyển chuyển hơn. Rồi bất ngờ cô cất lên một làn điệu chèo nghe thật ngọt tai. Em ngỡ ngàng vì đây là lần đầu tiên được nghe cô hát, không ngờ cô Vân Dung lại hát hay đến thế. Sau màn trêu ghẹo Thị Kính, cô Vân Dung lại múa lượn một vòng quanh sân khấu, tay cầm quạt phe phẩy, tay kia cầm oản khiến cả nhà em có một trận cười bể bụng. Cô Vân Dung quả là một nghệ sĩ hài tài ba, bằng diễn xuất của mình cô đã đem lại cho mọi người những phút thư giãn đầy thú vị. Em mong rằng thứ bảy tuần nào cũng được xem cô biểu diễn. |
MẪU 05 - Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5
“Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng.” Đó là câu nói quen thuộc mà khán giả vẫn thường nghe trong bộ phim “Người phán xử” được chiếu trên truyền hình. Em vô cùng ấn tượng với ông trùm Phan Quân do nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng đảm nhiệm. Năm nay, nghệ sĩ Hoàng Dũng đã ngoài sáu mươi nhưng trông ông vẫn còn rất phong độ. Thân hình cao ráo cùng gương mặt sắc lạnh đúng nét của một ông chủ cầm đầu. Những bộ đồ đen được khoác trên người ông càng làm tăng thêm vẻ uy lực. Mái tóc hoa râm lúc nào cũng được vuốt ngược gọn gàng. Trên gương mặt tròn trịa, làn da đã có những vết nhăn xô lại. Sống mũi cao với cánh mũi hơi to điểm thêm vẻ đĩnh đạc, bề thế. Ông trùm bao giờ cũng đeo một chiếc kính. Qua gọng kính trong suốt, người ta có thể thấy ánh nhìn sắc lẹm, đáng kính nể của ông. Đôi mắt to thường mở trừng trừng, đỏ ngầu mỗi lần tức giận. Khi trò chuyện với khán giả, em lại thấy gương mặt sắc lạnh của nghệ sĩ rất phúc hậu và thân thiện. Đôi môi mỏng lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ. Dù trong vai diễn hay ngoài đời, nghệ sĩ Hoàng Dũng vẫn có một bộ ria mép đen đặc biệt. Mỗi lần cất tiếng, bộ ria khẽ đưa theo những cử động của khuôn miệng. Là nghệ sĩ, giọng nói của “ông trùm” rất ấm áp và truyền cảm. Ngoài vai diễn Phan Quân, nghệ sĩ Hoàng Dũng còn đảm nhiệm nhiều vai diễn trong các bộ phim khác và trong các vở kịch nói. Em thích nhất hình ảnh nghệ sĩ vào vai người phản xử ngồi nghiêm nghị trên chiếc ghế quyền lực. Ông khẽ ngả người tựa vào ghế, mắt nhắm hờ vẻ toan tính, nghĩ ngợi. Trên tay, ông cầm một chiếc điếu hút, khẽ hút nhẹ rồi thở ra làm khói trắng mỏng. Sau mỗi lần nghe đôi bên tranh luận, ông đưa ra những lời phán xử quyết đoán, dõng dọc, dứt khoát. Lời phán xử của ông chẳng khác nào lời tuyên án của vị chủ tọa ở phiên tòa công lí. Em rất yêu thích nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng, đặc biệt là vai diễn người phán xử của ông. Vai diễn ấy đã đem đến những cảm xúc căng thẳng, hồi hộp và cũng vô cùng bất ngờ mỗi lần em xem phim. Em hi vọng một ngày không xa sẽ được gặp “ông trùm” ở ngoài đời thực. |
*Trên đây là tham khảo mẫu viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5 chọn lọc!
Viết bài văn tả một người là nhân vật chính trong bộ phim hoặc vở kịch mà em đã xem lớp 5 chọn lọc? (Hình ảnh Internet)
Nhiệm vụ học sinh lớp 5 hiện nay như thế nào?
Căn cứ tại Điều 34 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, quy định về nhiệm vụ của học sinh tiểu học như sau:
- Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
- Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
- Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.
Hiện nay, mục tiêu chương trình ngữ văn cấp tiểu học là gì?
Căn cứ chương trình Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có nêu rõ mục tiêu chương trình ngữ văn cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như sau:
- Mục tiêu chung:
+ Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính.
Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế.
+ Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống.
- Mục tiêu cấp tiểu học:
+ Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh.
+ Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói.
Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khung giờ thi IOE cấp tỉnh năm 2024 2025? Lịch thi IOE cấp tỉnh 2025? Điều kiện thi IOE cấp Tỉnh, Thành phố?
- Mẫu Bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu giới thiệu nhân sự tham gia chi ủy chi bộ? Trách nhiệm và thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử cấp ủy?
- Diện tích dân số 63 tỉnh thành Việt Nam mới nhất? Danh sách các tỉnh, thành diện tích dưới 5000 km2, quy mô dân số thấp?
- Mẫu Biên bản bầu cử đại biểu dự khuyết dự Đại hội đảng bộ cấp trên? Tải mẫu? Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức do ai quyết định?
- Đi ngược chiều trên cao tốc phạt bao nhiêu 2025 Nghị định 168? Biển cấm đi ngược chiều đặt ở đâu?