Đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
- Việc xác định nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp hiện nay được quy định như thế nào?
- Có phải Bộ Tài chính dự thảo quyết định giãn thời gian thực hiện hoạt động xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
- Đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc?
- Đề xuất cho phép thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành?
Việc xác định nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp hiện nay được quy định như thế nào?
Hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) quy định về nhà đầu tư trái phiếu như sau:
Nhà đầu tư mua trái phiếu
1. Đối tượng mua trái phiếu
a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
c) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
d) Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; nhà đầu tư chiến lược và đáp ứng các quy định trên.
Đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Có phải Bộ Tài chính dự thảo quyết định giãn thời gian thực hiện hoạt động xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Trước mắt, có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, họ sẽ không được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính dự thảo quyết định lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện cho việc gia hạn/giãn nợ, những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP như sau:
1. Bổ sung khoản 1a như sau:
“1a. Các quy định sau đây được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2024:
a) Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1.
Theo đó, khi Nghị định này được thông qua thì quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) sẽ đẩy lùi thời gian áp dụng đến ngày 01/01/2024.
Như vậy, đối tượng mua trái phiếu năm 2023 sẽ được quy định như sau:
- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
- Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019.
Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc?
Hiện nay, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) như sau:
Hồ sơ chào bán trái phiếu
...
2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:
...
e) Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Theo đó, quy định này yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu khi:
- Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.
- Hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Quy định này dẫn đến một thực trạng rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm.
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi quy định này của Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất lùi thời điểm áp dụng quy định này đến ngày 01/01/2024. Việc này giúp giảm điều kiện phát hành đối với các doanh nghiệp có vay nợ trái phiếu nhiều, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Đề xuất cho phép thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành?
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP như sau:
Điều khoản chuyển tiếp
...
3. Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành và còn dư nợ đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.
Theo đó, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/09/2022 và còn dư nợ.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP mà Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi nội dung này như sau:
- Doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định này được thông qua, doanh nghiệp sẽ được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu;
Việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu nhưng tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đảng viên, tổ chức đảng thiếu trách nhiệm là gì? Trường hợp nào chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật Đảng?
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?