08 chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức người lao động khi tinh gọn bộ máy tại Nghị định 178 năm 2024?
08 chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức người lao động khi tinh gọn bộ máy tại Nghị định 178 năm 2024?
Xem thêm: Cách tính tiền trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 2024 khi sắp xếp bộ máy
Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có nội dung nổi bật là 08 chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức người lao động khi tinh gọn bộ máy.
Cụ thể 08 chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức người lao động khi tinh gọn bộ máy như sau:
CHÍNH SÁCH 1: Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi như sau:
(1) Được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm:
(i) Đối với người nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền:
Trường hợp có tuổi đời từ đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu.
Trường hợp có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.
(ii) Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp tại (i).
(2) Được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và số năm nghỉ sớm như sau:
(i) Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
(ii) Trường hợp có tuổi đời còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
(iii) Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
(iv) Trường hợp có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
(v) Trường hợp có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
(3) Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi tại (1) và (2) thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và Nghị định 98/2023/NĐ-CP mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu để được khen thưởng quá trình cống hiến thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và Nghị định 98/2023/NĐ-CP. Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.
CHÍNH SÁCH 2: Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định Cán bộ, công chức có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:
(1) Được hưởng trợ cấp thôi việc:
- Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
- Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
(2) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(3) Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(4) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
CHÍNH SÁCH 3: Chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:
Theo đó, viên chức và người lao động có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:
(1) Được hưởng trợ cấp thôi việc:
- Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
- Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
(2) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(3) Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(4) Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
CHÍNH SÁCH 4: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy, thì được bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm. Trường hợp đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu 06 tháng.
CHÍNH SÁCH 5: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan trung ương và địa phương được cơ quan có thẩm quyền cử tăng cường đi công tác trong thời gian 03 năm ở cơ sở, được hưởng chính sách như sau:
(1) Đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, được hưởng các chế độ sau:
(i) Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi.
(ii) Trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
(iii) Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (không hưởng trợ cấp quy định tại điểm b khoản này).
(iv) Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường ở cơ sở; đồng thời, được hưởng các chính sách sau:
Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh.
Được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
(2) Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan trung ương tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện, được hưởng chính sách như sau:
(i) Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi.
(ii) Trợ cấp một lần bằng 03 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
(iii) Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP (không hưởng trợ cấp quy định tại (ii)).
(iv) Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường ở cơ sở; đồng thời, được hưởng các chính sách sau:
Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh.
Được bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
(3) Các chế độ quy định tại (i) (ii) (iii) của (1) và (2) này do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi chi trả.
CHÍNH SÁCH 6: Chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được hưởng các chính sách sau:
(1) Được nâng lương vượt một bậc (thời điểm giữ bậc lương mới được tính theo thời điểm giữ bậc lương cũ) nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương vượt một bậc nằm trong tỷ lệ không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP).
(2) Được hưởng tiền thưởng theo thành tích xuất sắc do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định từ quỹ tiền thưởng quy định tại Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP; trong đó dành tối đa 50% quỹ tiền thưởng để khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc và có thành tích công tác đột xuất; quỹ tiền thưởng còn lại của năm dành cho khen thưởng theo định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc.
(3) Được cấp có thẩm quyền quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên cơ sở kết quả đánh giá thành tích, hiệu quả và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
(4) Được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.
CHÍNH SÁCH 7: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định cứ kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
CHÍNH SÁCH 8: Chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy như sau:
(1) Đối tượng quy định tại điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được thực hiện chính sách như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
(2) Tuổi nghỉ hưu để tính hưởng chính sách, chế độ đối với từng đối tượng thuộc lực lượng vũ trang như sau:
(i) Đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn.
(ii) Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các văn bản hướng dẫn.
(iii) Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương và công nhân công an thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn.
(iv) Đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân, thì tuổi nghỉ hưu thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Xem thêm: Chính sách nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178 năm 2024
Xem thêm: Toàn văn Nghị định 179 2024 chính sách thu hút trọng dụng người tài làm việc trong cơ quan nhà nước?
Xem thêm: Nghị định 178 năm 2024 có áp dụng với giáo viên nghỉ hưu trước tuổi không?
Xem thêm: Chính sách nghỉ thôi việc với CBCCVC khi sắp xếp bộ máy
08 chế độ chính sách đối với cán bộ công chức viên chức người lao động khi tinh gọn bộ máy tại Nghị định 178 năm 2024? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách đối với CBCCVC trong sắp xếp tổ chức bộ máy thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 178/2024/NĐ-CP nêu rõ việc thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức , bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp theo đúng quy định.
- Bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách nhà nước.
- Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.
- Các bộ, ban, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở.
Nghị định 178/2024/NĐ-CP có hiệu lực khi nào?
Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định:
+ Nghị định 178/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
+ Đối với những người đã hưởng chính sách quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế trước ngày 1/1/2025 thì không được hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?
- Tải về mẫu hợp đồng môi giới mua bán hàng hóa mới nhất hiện nay? Môi giới mua bán hàng hóa là gì?
- Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có được tiết lộ thông tin về hợp đồng mua bán điện không?
- Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu là gì? Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án bao gồm những nội dung chính nào?