Hành vi không cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ bị xử phạt thế nào?
- Lệnh vận chuyển trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được quy định thế nào?
- Trách nhiệm cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc về ai?
- Hành vi không cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ bị xử phạt thế nào?
Lệnh vận chuyển trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 25 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 17/2022/TT-BGTVT quy định về Lệnh vận chuyển như sau:
Quy định về Lệnh vận chuyển
1. Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này. Ngoài những nội dung bắt buộc quy định tại Phụ lục 6, doanh nghiệp, hợp tác xã được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của đơn vị.
Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của Lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình Lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.
Việc cung cấp thông tin trên Lệnh vận chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 51 của Thông tư này.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng Lệnh vận chuyển; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 03 năm.
3. Bến xe khách có trách nhiệm cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe toàn quốc thông tin về lệnh vận chuyển đã được đóng dấu xác nhận.
Theo đó, Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành phải có những nội dung bắt buộc quy định tại Phụ lục 6 và được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của đơn vị.
Và khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của Lệnh vận chuyển điện tử. Và phải xuất trình Lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.
Hành vi không cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc về ai?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định như sau:
Quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
...
3. Theo dõi, quản lý việc sử dụng phù hiệu, Lệnh vận chuyển của đơn vị; ghi thông tin trên Lệnh vận chuyển và cấp cho người lái xe theo đúng các quy định về quản lý vận tải; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Thông tư này.
...
Theo quy định trên, trách nhiệm cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Hành vi không cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 10 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không cấp Lệnh vận chuyển, Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) cho lái xe theo quy định;
...
10. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 2; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm l, điểm o, điểm p, điểm q, điểm r, điểm s, điểm t khoản 4; điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm o, điểm p, điểm q khoản 6; điểm e, điểm i khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm;
...
Như vậy, hành vi không cấp Lệnh vận chuyển cho người lái xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?