Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong trường hợp nào? Không kiểm kê thì có bị xử phạt không?
Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Kế toán 2015, đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong những trường hợp sau:
- Cuối kỳ kế toán năm.
- Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản hoặc bán, cho thuê.
- Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu.
- Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác.
- Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê.
Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.
Kiểm kê tài sản (Hình từ Internet)
Không thực hiện kiểm kê tài sản thì đơn vị kế toán có bị xử phạt không?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị kế toán không thực hiện kiểm kê tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định;
b) Không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên, đơn vị kế toán không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị kế toán không thực hiện kiểm kê tài sản là bao lâu?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 2 năm.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 1 năm.
3. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Đối với hành vi vi phạm về kế toán và kiểm toán độc lập quy định tại Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hành chính để tính thời hiệu xử phạt là:
- Thời điểm tổ chức, cá nhân thực hiện xong quy trình nghiệp vụ, yêu cầu công việc theo quy định của pháp luật về kế toán và kiểm toán độc lập;
- Thời điểm tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
d) Để xem xét hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc hay đang thực hiện, ngoài việc căn cứ điểm c trên đây, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập, hồ sơ, tài liệu và tình tiết của từng vụ việc cụ thể để xác định hành vi vi phạm đã kết thúc hay hành vi vi phạm đang thực hiện.
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị kế toán không thực hiện kiểm kê tài sản là 02 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?