Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3000/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 29/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3000/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 12 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC TRONG DÂN CƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 10-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 và Quyết định số 880-QĐ/TU ngày 23/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và năm 2023 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

Căn cứ ý kiến thông qua của Thành viên UBND tỉnh;

Căn cứ ý kiến thống nhất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số: 2950/SKHĐT-THQH ngày 03 tháng 10 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Đề án huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong dân cư để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có liên quan tham mưu tổ chức thực hiện Đề án đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

ĐỀ ÁN

HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC TRONG DÂN CƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3000/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần mở đầu

1. Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án

1.1. Sự cần thiết của Đề án

Kể từ khi thành lập đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh nông nghiệp, Vĩnh Phúc đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trở thành một tỉnh công nghiệp với vị thế ngày càng cao trong tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh bình quân đạt 7,03%/năm, cao so với mức bình quân chung cả nước là 6%/năm. Đây là kết quả của việc huy động và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh trong đó có yếu tố vốn. Tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh, bình quân đạt 11,1%/năm giai đoạn 2016-2020, tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn của cả nước là 8,2%/năm. Do đó, đóng góp của yếu tố vốn chiếm tỷ trọng chủ yếu cho mức tăng trưởng cao và ổn định của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian vừa qua. Trong thời gian qua, yếu tố vốn thường chiếm tới 55% đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Xem xét cơ cấu vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng nguồn vốn từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn, đạt 35% tổng vốn, rất cao so với tỷ lệ bình quân của cả nước là 16,5% và của vùng Đồng bằng sông Hồng là 19,2%. Nguồn vốn FDI ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhưng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng của tỉnh trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến ngày càng phức tạp và nhiều rủi ro như hiện nay. Trong khi đó nguồn lực trên địa bàn vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Vốn khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chiếm tỷ trọng chủ chốt (43%) với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 70% là nguồn vốn từ khu vực dân cư và chỉ có 30% là vốn thuộc khu vực doanh nghiệp. Do những khó khăn trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của COVID-19, vốn khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy dấu hiệu thu hẹp lại, tốc độ tăng trưởng chậm nhưng đây là ảnh hưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, nguồn vốn từ khu vực dân cư có thể được sử dụng với quy mô đầu tư ngày càng lớn và khuyến khích chuyển đổi loại hình sang nguồn vốn doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong giai đoạn tới, nhiều chương trình, dự án được kì vọng thực hiện trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và thực hiện Đề án cơ cấu lại nền kinh tế, các hoạt động này đều đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân và nhu cầu sử dụng vốn cho phát triển ngày càng lớn. Do đó, việc xây dựng Đề án “Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong dân cư để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025” trở nên cần thiết để đưa ra những định hướng nhằm tận dụng nguồn lực hiện có trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong dài hạn.

1.2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025;

- Chương trình hành động số 10-Ctr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

- Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

- Quyết định số 880-QĐ/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

2. Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi của đề án

2.1. Mục tiêu xây dựng Đề án

Tập trung phân tích, đánh giá khách quan, trung thực về những kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình huy động, sử dụng nguồn lực trong dân cư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2021, từ đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp có tính khoa học, sát với thực tiễn nhằm huy động, sử dụng nguồn lực trong dân cư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2025.

2.2. Yêu cầu đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án

Đề án phải giải đáp có căn cứ khoa học các vấn đề sau:

- Đánh giá thực trạng các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của địa phương và kết quả huy động, sử dụng nguồn lực vốn trong dân cư cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó tập trung đánh giá:

+ Thực trạng huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước từ công cụ (kênh) tiền gửi ngân hàng, công cụ (kênh) xã hội hóa, công cụ (kênh) trái phiếu chính quyền địa phương, công cụ (kênh) chính sách ưu đãi.

+ Thực trạng sử dụng có hiệu quả vốn từ khu vực ngoài nhà nước: giải ngân và thực hiện các dự án sử dụng vốn xã hội hóa (giáo dục đào tạo, y tế và văn hóa); hiệu quả nguồn lực trong dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

+ Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân (chủ quan và khách quan).

- Dự báo những thuận lợi, khó khăn, thách thức, cơ hội và nhu cầu sử dụng vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025.

- Xác định rõ quan điểm, mục tiêu huy động, sử dụng nguồn lực trong dân cư để phát triển.

- Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với khả năng, đặc điểm và điều kiện riêng của tỉnh nhằm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

2.3. Phạm vi nghiên cứu của Đề án

+ Phạm vi về nguồn lực: Tập trung vào nguồn lực vốn.

+ Phạm vi về đối tượng nghiên cứu: Khu vực ngoài nhà nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và người dân)

+ Phạm vi nội dung: Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn từ khu vực ngoài nhà nước

3. Phương pháp nghiên cứu và khung phân tích

- Phương pháp nghiên cứu: Tại bàn, tổng thuật tài liệu thứ cấp trong và ngoài nước, phân tích dữ liệu thứ cấp, số liệu thống kê tỉnh, phân tích hệ thống, dự báo, phân tích thống kê, tham vấn ý kiến chuyên gia, tham vấn ý kiến Sở, ban ngành.

- Khung phân tích:

+ Đối với nội dung Huy động vốn: Tiếp cận theo góc độ các công cụ/phương thức huy động vốn từ khu vưc ngoài nhà nước trên các khía cạnh gồm hoàn thiện chính sách đến thực tiễn triển triển khai chính sách và thực trạng nguồn vốn huy động được từ công cụ/phương thức này.

+ Đối với nội dung Sử dụng có hiệu quả vốn: Tiếp cận trên một số góc độ sau: Chỉ số ICOR; tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP; tỷ lệ giải ngân vốn…

4. Sản phẩm của đề án

- 01 Báo cáo tổng hợp.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC TRONG DÂN CƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

I. Bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021

1. Bối cảnh phát triển kinh tế

1.1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Kể từ khi tái lập tỉnh cho đến nay, vị thế của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh. Quy mô kinh tế tỉnh ngày càng được mở rộng, tính đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 123,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7,03%/năm, cao so với bình quân cả nước trong cùng giai đoạn là 6%/năm. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn Vĩnh Phúc tăng 8,02% so với năm 2020, đứng thứ 9 trong cả nước, là mức tăng trưởng rất cao so với bình quân cả nước là 2,5% và đạt 136,18 nghìn tỷ đồng. Trong số 3 nhóm ngành lớn, công nghiệp-xây dựng có đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của tỉnh, là nhóm ngành chủ chốt thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành CN-XD bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,3%/năm, đóng góp khoảng 64,2% vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc. Vai trò của CN-XD tại Vĩnh Phúc ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng của CN-XD đã tăng từ 37,7% trong năm 2016 lên 75,8% trong năm 2020. Mặc dù trong năm 2020, Vĩnh Phúc cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, CN-XD vẫn là ngành giữ vững vai trò động lực kinh tế của tỉnh. Trong năm 2021, CN-XD cũng là khu vực có tăng trưởng cao nhất, tăng 12,98% so với năm 2020, riêng công nghiệp tăng 13,84%; NLTS tăng 4,81% và DV tăng 2,96%.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Vĩnh Phúc chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp-xây dựng, trong đó chủ yếu là công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT), giảm dần tỷ trọng Nông, lâm, thuỷ sản và Dịch vụ. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành CN-XD đã tăng thêm 5,4 điểm % trong giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, CN-XD chiếm 45,5% cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc (cao hơn so với bình quân toàn vùng ĐBSH là 41,2%, đứng thứ 7/11 tỉnh trong vùng) và tiếp tục tăng lên 48% trong năm 2021. Trong khi đó, ngành NLTS có tỷ trọng giảm từ 7,4% năm 2015 xuống còn 6,1% năm 2020, đến năm 2021 còn 5,9%. Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng của ngành DV tăng nhẹ 0,28 điểm %, đạt 22,6% vào năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, tỷ trọng ngành DV hiện đang giảm nhẹ, chỉ còn 21,4% trong năm 2021; thuế sản phẩm chiếm 24,7%. Cơ cấu trong nội bộ các ngành cũng có những chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành CNCBCT là ngành công nghiệp chủ chốt trong tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó tỷ trọng các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng lên nhanh chóng. Tuy vậy, quy mô CN-XD của tỉnh còn khá thấp so với các tỉnh trong vùng. Quy mô ngành CN-XD của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ chiếm 5,7% tổng giá trị gia tăng ngành CN-XD của vùng ĐBSH, chỉ bằng 1/5 so với Hà Nội, 1/3 so với Bắc Ninh và ½ so với Quảng Ninh. Đóng góp chủ yếu vào ngành công nghiệp của tỉnh là khu vực FDI. Hai ngành công nghiệp chủ chốt của tỉnh đều phụ thuộc lớn vào FDI: đối với ngành cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy 100% được thực hiện bởi khu vực đầu tư nước ngoài, không có doanh nghiệp tư nhân trong nước; đối với ngành sản xuất linh kiện điện tử, 99,8% doanh thu đến từ khu vực FDI. Vai trò của khu vực FDI ngày càng lớn và trở thành một trong những khu vực giữ vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nền kinh tế nếu dựa chủ yếu vào khu vực FDI dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và nhiều rủi ro như hiện nay.

Ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển biến tích cực với sự gia tăng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, hướng đến sản xuất tập trung và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn. Ngành dịch vụ tại Vĩnh Phúc trong giai đoạn gần đây có sự chuyển dịch sang hướng tăng tỷ trọng các ngành ngành thương mại, giáo dục và đào tạo, và ngành dịch vụ y tế trong khi giảm tỷ trọng ở hầu hết các ngành dịch vụ còn lại. Dịch vụ thương mại đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng với nhiều siêu thị, chợ, trung tâm thương mại...

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế của tỉnh có nhiều thành tựu trong giai đoạn 2016-2021. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu do đóng góp của nhóm ngành CN-XD, mà chủ đạo là các ngành chế biến chế tạo. Các ngành dịch vụ mặc dù đóng vai trò quan trọng thứ hai trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhưng tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 còn chậm và không đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực NLTS thấp, không ổn định trong giai đoạn 2011-2020, và đặc biệt chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong năm 2019. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mặc dù cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực CN-XD tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhưng chuyển dịch cơ cấu đang có xu hướng ngày một chậm dần. Theo khu vực, cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch chậm và có xu hướng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đây là xu thế thiếu bền vững và ổn định trong tăng trưởng.

1.2. Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế

Cùng với tăng trưởng kinh tế, hệ thống hạ tầng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày càng hoàn thiện. Về phát triển đô thị, đến nay, tỉnh có 29 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Vĩnh Yên), 01 đô thị loại III (thành phố Phúc Yên) và 27 đô thị loại V thuộc huyện, trong đó có 16 thị trấn và 11 đô thị được công nhận loại V. Tỷ lệ đô thị hoá tại Vĩnh Phúc năm 2020 đạt 30% (tăng 6,67 điểm phần trăm so với năm 2015), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cả nước (36,8%) và một số tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng ví dụ như Hà Nội (49,3%), Quảng Ninh (64,4%), Bắc Ninh (31,5%). Công tác xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Khu vực nông thôn của tỉnh đã được đầu tư cứng hóa 280,6 km đường giao thông nông thôn và 209 đường trục chính giao thông nội đồng. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. 99% đạt tiêu chí giao thông; 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng với cả 3 loại hình: giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Đối với hạ tầng giao thông đường bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có: 1) 1 tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai nối vùng thủ đô Hà Nội lên phía Bắc, qua 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và kết nối sang Vân Nam, Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai; 2) có 3 tuyến quốc lộ dài tổng cộng 81,64 km, gồm quốc lộ 2, quốc lộ 2 đoạn tránh, quốc lộ 2C; 3) có 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 371,3km, đã được cải tạo, nâng cấp cứng hóa đạt 100% bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng; 4) 5 đường vành đai để kết nối các trung tâm thu hút ngoài đô thị Vĩnh Phúc; 5) 194 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 693,11 km hiện đã được đầu tư, nâng cấp; 6) tổng số 308,9 km đường đô thị, tập trung chủ yếu ở 02 đô thị là thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên. Vĩnh Phúc có 9 bến xe khách, gồm các bến xe: Vĩnh Yên (bến tạm), Tam Đảo (loại 1), Lập Thạch (loại 4), Yên Lạc (loại 6), Vĩnh Tương (loại 4), TT Vĩnh Tường (loại 4); Phúc Yên (loại 4), Tam Dương (loại 3) và Sông Lô (loại 3); 01 trạm dừng nghỉ Phước An trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên; và 01 Trung tâm logistics (Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc đang được xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên). Đối với hạ tầng giao thông đường thuỷ, hiện Vĩnh Phúc có 03 cảng sông, 39 bến hàng hóa, 02 bến phà và 05 bến khách ngang sông phân bố trên sông Hồng và sông Lô. Tuy nhiên, hạn chế là các cảng sông đều là các cảng tạm, bốc xếp thủ công, công suất hạn chế. Đối với hạ tầng giao thông đường sắt, tỉnh Vĩnh Phúc có 01 tuyến đường sắt cấp Quốc gia đi qua dài 35 km là tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trên tuyến có 05 nhà ga hiện đang khai thác, gồm: ga Phúc Yên, ga Hương Canh, ga Vĩnh Yên, ga Hướng Lại, ga Bạch Hạc. Trong đó 02 ga chính là ga Phúc Yên và ga Vĩnh Yên. Đa phần các ga có quy mô nhỏ (chủ yếu là hạng 4). Đến thời điểm Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, việc đầu tư thực hiện các tuyến cao tốc, quốc lộ đã hoàn thành xây dựng và nâng cấp. Đường vành đai tỉnh đã hoàn thành 70% trong khi đường tỉnh mới được đầu tư dưới 30% theo quy hoạch do sự hạn chế về nguồn lực. Hệ thống giao thông đường thuỷ chưa được đầu tư nạo vét luồng thuỷ. Hệ thống các cảng, bến thuỷ nội địa hiện vẫn còn là các bến tạm chưa được xây dựng và nâng cấp. Hạ tầng giao thông đường sắt hiện chưa được xây dựng và đầu tư theo quy hoạch làm chậm phát triển vận tải đường sắt trên tuyến. Công tác đầu tư cảng, bến bãi chủ yếu phụ thuộc doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân thực hiện.

Hệ thống hạ tầng cấp nước đã được đầu tư nhưng tỷ lệ bao phủ dịch vụ còn thấp. Trên địa bàn tỉnh có 44 công trình nước sạch nông thôn, trong đó có 05 công trình liên xã, còn lại 39 công trình quy mô xã, thôn. Tuy vậy, một số thị trấn có tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch còn thấp như thị trấn Đạo Đức tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch 16,3%, thị trấn Đại Đình tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch 3,5%, thị trấn Hoa Sơn tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch 55,8%, thị trấn Tam Sơn tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch 29,7%, thị trấn Hợp Hòa tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch 29,8%… Đặc biệt, thị trấn Yên Lạc đã có công trình cấp nước tập trung, công suất 2.500m3/ngđ , nhưng hầu như các tổ chức và người dân trên địa bàn không đấu nối sử dụng nước sạch, tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch mới đạt 5,68%. Những năm gần đây lĩnh vực cấp nước cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước quy mô lớn mang tính cấp vùng đang được đầu tư xây dựng, như nhà máy nước Phúc Bình tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô do Công ty CP Đầu tư phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn nước mặt Sông Lô, công suất thiết kế 150.000m3/ngđ, mạng lưới đường ống truyền tải chạy dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai có đường kính từ D600 đến D1500, L=40km; Nhà máy nước Sông Hồng tại xã Tam Phúc huyện Vĩnh Tường do Công ty CP Xây dựng Procons làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 29.000m3/ngđ và mạng lưới đường ống phân phối cho vùng phía Nam; Nhà máy nước cấp cho địa bàn các xã (Hồ Sơn, Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương) và các xã (Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý) huyện Tam Đảo và Lập Thạch do Công ty TNHH Đầu tư nước sạch Minh Anh làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 10.000 ngđ. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho các giai đoạn phát triển. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn còn thấp, Đánh giá nước sạch nông thôn năm 2021 thì tỷ lê này mới chỉ là 17,18% từ công trình cấp nước tập trung; 48,91% từ công trình cấp nước nhỏ lẻ. Các công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động ổn định cho chất lượng nước cấp đạt yêu cầu theo QCVN 02:2009. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công trình hoạt động không bền vững, trang thiết bị xuống cấp dẫn đến dấu hiệu suy giảm chất lượng nước sau xử lý. Một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch với quy mô, công suất lớn từ 29.000 m3/ngđ đến 500.000 m3/ngđ bằng nguồn vốn doanh nghiệp, nhưng tiến đô triển khai rất chậm và có dự án vẫn chưa triển khai thi công. Mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư công trình cấp nước tại những khu vực dân cư sống tập trung, chưa thu hút đầu tư vào những nơi khó khăn, nguồn nước bị ô nhiễm, dân cư sống không tập trung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số nơi chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc huy động nguồn lực của địa phương và nhân dân tham gia xây dựng công trình cấp nước, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Hệ thống hạ tầng thủy lợi trên địa bàn đã được đầu tư và quản lý bởi một số Công ty TNHH MTV như Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch, Tam Đảo, Lập Thạch, Liễn Sơn. Toàn tỉnh hiện có 441 hồ đập với tổng dung tích 102 triệu m3; có 383 trạm bơm điện với tổng công suất điện lắp đặt 20.500 KW; có trên 7000 km kênh mương các loại, hiện đã kiến cố hoàn thành các tuyến kênh từ kênh loại I đến loại III, kênh nội đồng đã kiến cố khoảng 20%. (trong đó kênh loại I: 90,2, kênh loại II: 364,3 km, kênh loại III:1854,4 km, kênh nội đồng: 4748 km). Phân loại về công trình có trên 300 công trình thủy lợi lớn và vừa còn lại là thủy lợi nhỏ, diện tích tưới tiêu, diện tích cây trồng hàng năm được phục vụ tưới tiêu khoảng 110 ha (3 vụ), diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp nước 5.400 ha. Các công trình thủy lợi lớn và vừa cơ bản đã được đầu tư cải tạo phục vụ tốt cho sản xuất và cấp nước. Hầu hết các công trình này đã được bàn giao lại cho các công ty quản lý. Tuy nhiên, kể từ khi nhận bàn giao đến nay, một số công trình đã xuống cấp, chậm được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch mạng lưới điện của tỉnh Vĩnh Phúc về cơ bản đảm bảo nguồn điện cung cấp cho phụ tải của địa phương. Lưới điện 220kV và 500kV đang được triển khai thi công. Xây dựng mới trạm biến áp 110kV: Tổng công suất các trạm biến áp 110kV xây dựng mới đạt được 14.5% so với quy hoạch đã đề ra. Cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110kV: Tổng công suất các trạm biến áp 110kV được nâng công suất đạt được 47% so với quy hoạch đã đề ra. Xây dựng đường dây 110kV: Tổng khối lượng xây dựng mới đường dây 110kV đạt khoảng 9% so với quy hoạch đã đề ra. Cải tạo nâng khả năng tải đường dây 110kV: có tổng cộng 10 công trình cải tạo nâng khả năng tải các đường dây 110kV, tuy nhiên đến nay đã có 05 tuyến đường dây hoàn thành. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ tới, mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh cần được cải thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai, tăng cường đầu tư và nâng cấp hơn nữa.

Hệ thống hạ tầng KCN, CCN đang dần được đầu tư hoàn thiện, thu hút doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2021 là 19 KCN. Tính đến 15/9/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 14 KCN đã có chủ trương đầu tư, trong đó có 13 KCN đã thành lập cụ thể: có 10 KCN đã được cấp GCNĐT/GCNĐKĐT; có 08/12 KCN đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư đăng ký 12 dự án KCN là 12.760,75 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư trực tiếp: 12.643,75 tỷ đồng và vốn ngân sách 117 tỷ đồng) và 117,42 triệu USD. Tổng diện tích đất quy hoạch là 2.338,53 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.716,92 ha; diện tích đất đã bồi thường là 1.044,05 ha; Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê: 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 52%. Trong giai đoạn 2010-2020, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 306 dự án đầu tư thứ cấp, 260 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.461,49 triệu USD, chiếm 84% tổng số dự án FDI từ trước đến nay và 80% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký từ trước đến nay; 46 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 4.730,35 tỷ đồng, chiếm 78% tổng số dự án DDI từ trước đến nay và 80% tổng vốn đầu tư DDI đăng ký từ trước đến nay. Các dự án đầu tư trong KCN phần lớn đều hoạt động hiệu quả, các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tích cực, đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) nhanh trên cả nước. Hàng năm, đóng góp của các doanh nghiệp KCN chiếm khoảng 60% GTSXCN toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 60-65% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách chiếm 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; đến nay các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng 100 nghìn lao động (bình quân 134 người/ha đất công nghiệp). Trong đó có đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp tiêu biểu như Honda, Piaggio, VPIC1, Partron Vina, Haesung Vina, Jahwa Vina; Thép Việt Đức; Prime Group…

1.3. Hợp tác, liên kết phát triển trong và ngoài nước

Thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, công tác đối ngoại luôn được Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện. Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hoá, nhằm không ngừng mở rộng mối quan hệ, hợp tác hữu nghị với địa phương của các nước trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trên thế giới.

Ngoại giao, ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế. Vĩnh Phúc luôn quan tâm thực hiện các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối tác, từ đó tạo tiền đề quan trọng, là cơ sở cho các hoạt động hợp tác trong tương lai, gửi thư thăm hỏi, động viên các địa phương, quốc gia có quan hệ ngoại giao với tỉnh trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn ra; gửi công thư chúc mừng Quốc khánh các nước: Australia, Ấn Độ, New Zealand, Bulgari, Israel, Vương quốc Anh, Nga và Philippines. Tỉnh Vĩnh Phúc linh hoạt chuyển đổi hình thức trao đổi thông tin với các địa phương nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế sang hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế và phù hợp với tình hình mới.

Đối với các địa phương của Lào, Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng duy trì mối quan hệ truyền thống; tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo cho các địa phương của Lào. Trong năm 2021, Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho các du học sinh Lào trên địa bàn tỉnh, duy trì hoạt động hỗ trợ đào tạo cho 02 tỉnh Bắc Lào (Luang Namtha và Oudomxay); cùng như lên kế hoạch hỗ trợ các địa phương Bắc Lào trong đào tạo cán bộ ngành y dược (chuyên ngành điều dưỡng) và nông nghiệp. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra, Vĩnh Phúc đã chủ động hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch cho ba tỉnh Bắc Lào gồm tỉnh Luang Namtha, Luang Prabang và Oudomxay với tổng giá trị gần 900 triệu đồng.

Bên cạnh tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác truyền thống, mở rộng và thiết lập quan hệ với các đối tác mới. Hiện nay, Vĩnh Phúc có quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc lào, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tỉnh Akita và tỉnh Tochigi (Nhật Bản). Trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã ký kết 03 thỏa thuận quốc tế mới, bao gồm: ký kết với Trung tâm Tư vấn và giải pháp Công nghệ Việt-Hàn về hợp tác xúc tiến đầu tư; Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đầu tư với Liên danh Công ty Cổ phần sữa Việt , Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP và tập đoàn SOJITZ của Nhật Bản; Ký kết Bản ghi nhớ quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Tochigi - Nhật Bản. Trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam: trao đổi kết nối, tiến tới ký kết quan hệ hợp tác hữu nghị với 07 địa phương bao gồm: tỉnh Vô-rô-nhét (Liên bang Nga), thành phố Pontedera (Italia), thành phố Bruno (Cộng hoà Séc), tỉnh Béc- níc (Bulgari), thành phố San Diego, bang California và thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ); định hướng mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương của hai nước Đức, Pháp.

Ngoại giao trên lĩnh vực kinh tế: trong thời gian qua, Vĩnh Phúc cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động mở rộng thị trường xúc tiến đầu tư. Thông qua các diễn đàn song phương, đa phương, các hội chợ thương mại quốc tế, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động viện trợ phi chính phủ. Hằng năm, tỉnh tổ chức các đoàn thăm hữu nghị kết hợp xúc tiến đầu tư, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với bạn bè quốc tế, cùng với đó là việc phối hợp tốt với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để tăng cường hợp tác hữu nghị và tranh thủ kêu gọi các dự án đầu tư.

Đến năm 2021, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc, trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, sau đó là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, … Đến năm 2021, luỹ kế toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực (tăng thêm 202 dự án so với luỹ kế 227 dự án FDI vào năm 2016), với tổng vốn FDI đăng ký trên địa bàn Vĩnh Phúc là 7,1 tỷ USD (tăng thêm 3,61 tỷ USD so với luỹ kế 3,49 tỷ USD vào năm 2016). Đối với đầu tư trong nước, đến năm 2021, luỹ kế toàn tỉnh có 824 dự án DDI (tăng thêm 88 dự án so với luỹ kế đến năm 2016), tổng vốn đầu tư là hơn 109,97 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 60,21 nghìn tỷ đồng so với luỹ kế 49,76 nghìn tỷ đồng vào năm 2016).

Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Năm 2021, tại Vĩnh Phúc có 10 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) và 03 tổ chức quốc tế đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng số 17 dự án và phi dự án. Các dự án chủ yếu triển khai trên các lĩnh vực nông nghiệp (04 dự án), y tế (03 dự án), bảo tồn động vật hoang dã (01 dự án), tài chính vi mô (01 dự án), giáo dục (01 dự án), và ác dự án/phi dự án liên quan đến các vấn đề xã hội khác.

Ngoại giao văn hoá: Vĩnh Phúc luôn tăng cường gắn kết ngoại giao văn hoá với ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao nhân dân nhằm nâng cao chất lượng cũng như làm phong phú thêm các hoạt động ngoại giao văn hoá. Một số các hoạt động ngoại giao văn hoá điển hình được tổ chức trên địa bàn tỉnh bao gồm: tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá, tuần chiếu phim Ấn Độ, đêm Festival nhạc mới Á-Âu, xuất bản ấn phẩm, chuyên san giới thiệu về tỉnh,… nhằm quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hoá, tiềm năng du lịch, sự kiện văn hoá của Vĩnh Phúc đến các nước bạn, cũng như tăng cường sự hiểu biết về văn hoá của các quốc gia khác. Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, ngày 27 tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về Thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

Công tác hỗ trợ kiều bào Việt Nam tại nước ngoài và người nước ngoài sinh sống trên địa bàn tỉnh: Công tác hỗ trợ người nước ngoài và thân nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh, cũng như hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài luôn được Vĩnh Phúc luôn quan tâm thực hiện, nhất là trong giai đoạn vừa qua dưới sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tỉnh luôn tích cực phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng nắm bắt thông tin, tham mưu xử lý kịp thời các vấn đề về công tác lãnh sự, hỗ trợ nhập cảnh, cách ly cho thân nhân chuyên gia lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đảm bảo thông tin liên lạc với các Đại sứ quán và Cục Lãnh sự kịp thời hỗ trợ công dân của tỉnh đang sinh sống ở nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh, phối hợp đưa công dân về nước, thực hiện cách ly tập trung đối với người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

2. Bối cảnh phát triển xã hội

2.1. Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

Hạ tầng giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh không ngừng được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và được điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tế của từng cấp học, tạo cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của tỉnh. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố/tổng số phòng học của tỉnh đạt mức cao: mầm non đạt 92,6%, tiểu học đạt 96,8%, trung học cơ sở đạt 98,2%, trung học phổ thông đạt 100%. Theo cấp học: tính tới năm học 2020-2021: 1) toàn tỉnh có 177 trường mầm non (tăng 7 trường so với năm 2010), trong đó có 163 trường công lập, 14 trường tư thục. Mỗi xã, phường có ít nhất 01 trường mầm non đáp ứng được nhu cầu giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ; 2) Về giáo dục phổ thông: tiểu học có 145 trường (giảm 30 trường so với năm 2010); cấp THCS có 148 trường (trong đó có 132 trường trung học cơ sở, 16 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở (tăng 1 trường so với năm 2010); cấp THPT có 30 trường (giảm 07 trường so với năm 2010); 3) hệ thống giáo dục thường xuyên duy trì và hoạt động có hiệu quả với 8 trung tâm (01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện). Mạng lưới phân bổ các cơ sở giáo dục trên địa bàn cơ bản phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của người dân. Đối với giáo dục nghề nghiệp và đại học, tỉnh hiện có 07 trường cao đẳng (03 trường thuộc tỉnh, 04 trường thuộc các Bộ, ngành Trung Ương); 03 trường trung cấp (tư thục); 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (10 trung tâm công lập, 09 trung tâm tư thục và 01 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài) và 06 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (02 trường đại học, 02 cơ sở 2 của trường cao đẳng có trụ sở chính tại tỉnh khác, 01 doanh nghiệp và cơ sở công lập có dạy nghề). Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đã được rà soát, sắp xếp theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo được mở rộng, đội ngũ giáo viên được tăng cường, chất lượng đào tạo được nâng lên đảm bảo đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Hạn chế lớn trong phát triển hạ tầng giáo dục của tỉnh chính là chưa phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục ngoài công lập; trang thiết bị dạy học tại một số cơ sở giáo dục được trang cấp từ nhiều năm, trong nhiều giai đoạn khác nhau, mặc dù đã được quan tâm đầu tư bổ sung song vẫn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đồng bộ; công trình trường, lớp tại một số huyện được xây dựng đã lâu trong quá trình sử dụng chưa được bảo trì, sửa chữa đến nay đã xuống cấp, cần có phương án sửa chữa, nâng cấp, xây mới để phục vụ tốt việc dạy và học; … Nhìn chung nguồn lực huy động từ công tác xã hội hóa, nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế so với nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng y tế ngày càng được tăng cường. Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống y tế công lập tại tỉnh Vĩnh Phúc đã được đổi mới, sắp xếp thu gọn đầu mối nhằm tăng cường, tập trung các nguồn lực theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ- TƯ. Sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giảm từ 35 đơn vị xuống còn 19 đơn vị. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ cấp tỉnh đến cấp xã được tập trung đầu tư, nâng cấp. Hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện gồm 7 bệnh viện tuyến tỉnh (2 bệnh viện đa khoa, 4 bệnh viện chuyên khoa và 1 Bệnh viện GTVT Sở y tế tiếp nhận năm 2021 từ Bộ ngành), 9 TTYT huyện/ thành phố, 136 trạm y tế xã/phường/thị trấn thuộc hệ thống sở y tế tỉnh Quản lý và các Bệnh viện Bộ ngành đóng trên địa bàn tỉnh (Bệnh viện Trung ương 74, bệnh viện Quân y 109). Mạng lưới y học cổ truyền được khuyến khích phát triển từ tuyến tỉnh đến huyện, xã. Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai ngày càng nhiều các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị góp phần điều trị hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị của người bệnh. Hiện có 1 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt với quy mô 380 giường bệnh.

Hạ tầng văn hóa được đầu tư hoàn thiện. Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá, là cái nôi của người Việt cổ, trung tâm của nước Văn Lang xưa. Hiện nay, với khoảng 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, với phong tục, tập quán khác nhau càng thêm khẳng định những giá trị văn hoá đặc sắc, phong phú của tỉnh so với các địa phương khác. Hiện toàn tỉnh hiện có 1.303 di tích, trong đó có 514 di tích đã được xếp hạng. Một số di tích quốc gia đặc biệt gồm Tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện sông Lô), di tích Tây Thiên - Tam Đảo (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), … Bên cạnh bảo tồn các di tích, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở tại Vĩnh Phúc luôn được các cấp ngành quan tâm. Vĩnh Phúc có 01 bảo tàng công lập là bảo tàng Vĩnh Phúc tại trung tâm Thành phố Vĩnh Yên. Hiện tỉnh có 1.367/1.384 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá, khu thể thao (đạt 98,9%), trong đó có 1.296 nhà văn hoá được xây mới, chỉnh trang, mở rộng với diện tích từ 500 m2 trở lên, có sân thể thao đơn giản. Hệ thống thư viện tại Vĩnh Phúc cũng được quan tâm đầu tư, với mạng lưới thư viện phát triển khá đồng đều. Ngoài thư viện tỉnh, Vĩnh Phúc hiện có có 8/9 thư viện cấp huyện, 119/137 thư viện xã, phường, thị trấn. Trung bình, thư viện tỉnh cấp 1.200 thẻ/năm với số lượng bạn đọc đạt 130.000 lượt; số lượt luân chuyển sách báo tại thư viện tỉnh đạt 550.000 lượt/năm; thư viện cơ sở là 965.000 lượt/năm. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, dụng cụ thi đấu, huấn luyện thể dục thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh được tăng cường, môi trường rèn luyện được cải thiện; chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên được thực hiện đủ. Vĩnh Phúc hiện có 06 sân vận động, 01 nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, 07 nhà tập tại các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Tại huyện Yên Lạc có 01 nhà thi đấu môn Bắn súng và cơ sở 2 của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đặt tại huyện Tam Đảo. Tỉnh còn có 130 sân bóng đá đơn giản, hơn 200 sân bóng chuyền, gần 500 sân cầu lông. Mặc dù hạ tầng thể thao trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú, đa dạng, tuy nhiên chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Các sân vận động chủ yếu chỉ có mặt bằng, không đảm bảo quy cách, đã được xây dựng từ lâu; các nhà tập và sân vận động cấp huyện về cơ bản không đảm bảo quy cách, quy chuẩn kỹ thuật và quy mô để đào tạo vận động viên cũng như đáp ứng nhu cầu tập luyện, hưởng thụ của nhân dân trên địa bàn.

Hạ tầng an sinh xã hội và hạ tầng xã hội khác đều được quan tâm đầu tư. Về lao động, việc làm, hiện toàn tỉnh có 2 trung tâm dịch vụ việc làm và 2 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Trong đó có 1 trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm đã triển khai tốt hoạt động sàn giao dịch việc làm định kỳ 4 phiên mỗi tháng, giúp kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người dân. Trong lĩnh vực người có công, Vĩnh Phúc hiện có 01 Trung tâm Điều dưỡng, là Trung tâm Điều dưỡng Người có công Tam Đảo thành lập năm 2010 tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Mô hình hoạt động là kết hợp giữa điều dưỡng người có công và tổ chức hoạt động dịch vụ. Quy mô điều dưỡng được 120 người/đợt. Thời gian thực hiện khoảng 7 tháng/năm. Tổng năng lực điều dưỡng được khoảng 2.500 đối tượng, chưa đủ cung ứng so với nhu cầu, do vậy hàng năm vẫn phải tổ chức thực hiện điều dưỡng ở các địa điểm tỉnh ngoài. Hàng năm, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ xây dựng hơn 100 căn nhà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc về các công trình cấp nước nhỏ lẻ... Đã có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Toàn tỉnh không có hộ nghèo ở nhà dột nát, nhà thiếu kiên cố; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp. Đến hết năm 2019 toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công; 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Đối với hạ tầng bảo trợ xã hội, hiện nay Vĩnh Phúc có 02 trung tâm công lập thực hiện chức năng bảo trợ xã hội, gồm Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng cho người tâm thần Vĩnh Phúc; có 01 cơ sở trợ giúp xã hội do tư nhân thành lập hoạt động vì mục đích nhân đạo từ thiện; ngoài ra còn có cơ sở trợ giúp xã hội do tư nhân thành lập hoạt động mang tính chất dịch vụ, như nhà dưỡng lão dành cho người cao tuổi (Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hồng Phúc). Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 01 Trung tâm cai nghiện ma tuý được thành lập từ năm 1997.

2.2. Phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và an sinh xã hội

2.2.1. Phát triển giáo dục và đào tạo

Quy mô mạng lưới trường, lớp về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Tỷ lệ số phòng học kiên cố/ tổng số phòng học các cấp đều đạt hơn 90%, cụ thể: mầm mon đạt 92,6%, tiểu học đạt 96,8%, THCS đạt 98,2%, THPT đạt 100%.

Chất lượng giảng dạy không ngừng được cải thiện, nâng cao, Vĩnh Phúc luôn được xếp vào nhóm các tỉnh có chất lượng giáo dục dẫn đầu trong cả nước. Hiện toàn tỉnh 100% các trường đều đạt chuẩn theo cấp học, riêng THPT đạt 99,6% (còn 01 trường THPT tư thục còn thiếu nhà thể chất, phòng học bộ môn, máy tính). Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đều cao (tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi đạt 96,45%, tỷ lệ trẻ từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình THCS đạt 99,1%; tỷ lệ học sinh THPT đi học đúng độ tuổi đạt 98,7%).

Chất lượng giáo viên cũng được tăng cường. Năm học 2020-2021: 92,3% giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo quy định Luật Giáo dục 2019 (cao hơn 18,6% so với trung bình chung cả nước là 73,7%); 70,4% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo (cao hơn 6,1% so với trung bình chung cả nước là 64,26%); 89,49% cán bộ quản lý, giáo viên THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo (cao hơn so với trung bình chung cả nước là 78,45%); 100% cán bộ quản lý, giáo viên THPT đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, trong đó 35% có trình độ trên chuẩn. Về số lượng giáo viên, hiện nay Vĩnh Phúc nhìn chung còn thiếu nhiều giáo viên, cán bộ quản lý. Số giáo viên, cán bộ quản lý mầm non còn thiếu nhiều so với định mức quy định, số lượng giáo viên chưa đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học 2 buổi/ngày (tỷ lệ giáo viên/cấp học ở cấp tiểu học là 1,28, ở cấp THCS là 1,77). Với cấp THPT, số giáo viên tuy đủ về định mức nhưng thực tế lại xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ xét theo cơ cáu môn học.

Chất lượng giáo dục thường xuyên và chất lượng học viên theo học ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp dao động từ 93% đến 98%. Về đội ngũ giáo viên, hiện nay phần lớn giáo viên của các trung tâm là giáo viên cơ hữu, giáo viên hợp đồng chiếm tỉ lệ từ 30- 37%; 100% giáo viên đều đạt chuẩn và có từ 17,3-22,3% giáo viên trên chuẩn. Tỷ lệ số phòng học kiên cố/tổng số phòng học của các trung tâm giáo dục thường xuyên, GDNN-GDTX tính đến năm học 2020-2021 là 68,1% (96 phòng học), 21,3% bán kiên cố (30 phòng học) và 10,6% phòng học tạm (15 phòng học).

Về giáo dục nghề nghiệp: công tác tuyển sinh, đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tình được thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Kết quả là trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Vĩnh Phúc tăng hàng năm, từ 22,3% năm 2015 lên 28,6% năm 2020 (cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc là 24,1%, và nằm ở mức cao trong khu vực đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Hà Nội, Quảng Ninh và Ninh Bình). Về chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, trên 70% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở GDNN thuộc tỉnh quản lý có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Đối với giáo dục đại học, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 không có sự thay đổi, vẫn là những cơ sở giáo dục đại học thuộc Trung ương quản lý, với 04 cơ sở công lập (Trường Đại học Sư phạm 2, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Kiến trúc Hà Nội) và 01 trường tư thục (Đại học Trưng Vương).

2.2.2. Phát triển y tế

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn được các cấp, ngành Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện. Hiện nay 136/136 trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 100% có bác sỹ làm việc. Tỷ lệ người dân được khám và quản lý sức khoẻ cá nhân đạt 94,7%, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,8%. Trung bình hàng năm các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai đưa vào ứng dụng từ 130 đến 150 dịch vụ kỹ thuật mới, một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được thực hiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Quy mô và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế của tỉnh tăng theo thời gian. Tính đến hết năm 2021, tổng số giường bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là 4.639 giường, tăng 2489 giường (tăng 215,76%) so với năm 2010. Trong đó số Giường bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế trên địa bàn tỉnh là 4.260 giường ( số giường bệnh tuyến tỉnh là 2.690 giường, tuyến huyện là 15.701 giường) chiếm 91,83% tổng số giường bệnh; Giường bệnh tại các bệnh viện Bộ ngành đóng trên địa bàn tỉnh là 149 giường, chiếm 3,21% tổng số giường bệnh toàn tỉnh; Giường bệnh tư nhân trên toàn tỉnh là 230 giường chiếm 4,69% số giường bệnh toàn tỉnh. Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm tăng từ 101-126% so với kế hoạch, số bệnh nhân điều trị nội trú hàng năm tăng từ 109-148%. Tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân năm 2021 đạt 39,1 giường bệnh/vạn dân, tăng 18,1 giường so với năm 2010 và tăng 7,9 giường so với năm 2017, cao hơn mức trung bình toàn quốc 121,6 giường (tỷ lệ trung bình toàn quốc là 26,5 giường bệnh/vạn dân).

Đội ngũ cán bộ, nhân lực y tế Vĩnh Phúc không ngừng được tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn. Số bác sĩ/vạn dân năm 2020 là 14 bác sĩ/vạn dân (tăng 7 bác sĩ so với năm 2010), cao hơn bình quân chung cả nước (8,8 bác sĩ/vạn dân). Số dược sĩ đại học/vạn dân năm 2020 đạt 4 dược sĩ đại học/vạn dân. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 100%. Duy trì 100% số trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 100% thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động; 100% xã/phường/thị trấn có cán bộ dân số và thôn, bản có cộng tác viên dân số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống y tế của tỉnh hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng quá tải do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến tỉnh; công suất sử dụng giường bệnh luôn trên 100%, gây áp lực và ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh; thiếu cán bộ có trình độ chuyên khoa sâu, thiếu bác sĩ, nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, giường bệnh/vạn dân còn thấp so với một số tỉnh lân cận,….

2.2.3. Phát triển văn hoá

Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá có giá trị lớn về kiến trúc và nghệ thuật. Trong thời gian qua, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có di tích đã xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích cấp xã. Hệ thống di tích của Vĩnh Phúc so với các tỉnh lân cận không lớn chỉ 1.303 di tích, trong khi thành phố Hà Nội (5.175 di tích), Bắc Giang (2.237 di tích), tuy nhiên, lại vượt trội hơn hẳn về số lượng di tích được xếp hạng, có tới 506/1.303 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Về di sản văn hoá phi vật thể, đến cuối năm 2020, toàn bộ trữ lượng di sản văn hoá phi vật thể của Vĩnh Phúc được kiểm kê trên cả 7 loại hình di sản, bao gồm: Tiếng nói, chữ viết của dân tộc ít người; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian. Tổng số lượng di sản văn hoá phi vật thể được ghi nhận là 571 di sản trên tổng số 135 xã/phường/thị trấn. Trong đó, có 526 di sản đang tồn tại và duy trì tốt; 16 di sản đang tồn tại nhưng có nguy cơ mai một; 29 di sản đã bị mai một.

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Một số tài nguyên du lịch tự nhiên nổi tiếng của Vĩnh Phúc có thể kể đến như khu danh thắng Tây Thiên, nơi thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu thời Vua Hùng; Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch; Chùa Hà Tiên ở xã Định Trung, Cụm đình Hương Canh, với kiến trúc hoành tráng bằng gỗ với hơn 300 năm tuổi; Khu du lịch Tam Đảo; khu vực đầm Vạc, Đại Lải, Vườn cò Hải Lựu; … Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên nhân văn khác phục vụ du lịch, như ca múa nhạc dân tộc, các món ăn từ lâm, thổ sản phong phú của địa phương.

2.2.4. An sinh xã hội

Các lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được các cấp ngành Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện. Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, gia đình chính sách được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Công tác giải quyết chính sách và chi trả chế độ BHXH, BHYT được quan tâm, quyền lợi của người lao động, người tham gia luôn được đảm bảo kịp thời. Ước năm 2021, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 36,7%; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 33% và tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,5%. Thu nhập của người dân Vĩnh Phúc không ngừng được cải thiện trong giai đoạn 2016-2020. Thu nhập bình quân/người/tháng của người dân Vĩnh Phúc năm 2020 là 4,29 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5 lần so với năm 2016 (2,86 triệu đồng/người/tháng). Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân Vĩnh Phúc đạt 4,5 triệu đồng/lao động, tăng 5,15% so với năm 2020.

Đối với công tác bảo trợ xã hội, tính đến hiện tại, số người có nhu cầu trợ giúp xã hội và sử dụng các dịch vụ của công tác xã hội, trợ giúp xã hội ở Vĩnh Phúc rất lớn. Năm 2020 có trên 190.000 người cần hỗ trợ, giúp đỡ của công tác xã hội, trợ giúp xã hội, chiếm 17,5 % dân số, bao gồm: (1) 19.725 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật và trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo; (2) 62.337 người người khuyết tật, chiếm 6,3% dân số toàn tỉnh; (3) 13.433 (48.358 khẩu) thuộc diện nghèo, cận nghèo; (4) Hàng ngàn người là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; (5) 49.622 người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp nào khác, trong đó: 1.368 người cao tuổi cô đơn, sống một mình; (6) Hơn 3.500 người nghiện ma tuý và hàng trăm người sau cai nghiện sống tại cộng đồng. Năm 2021, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đời sống người dân cũng như ổn định lao động cho các doanh nghiệp.

2.3. Phát triển khoa học và công nghệ

Vĩnh Phúc luôn quan tâm phát triển KH&CN. Các chủ trương, chính sách về KH&CN của Đảng, Nhà nước đã từng bước được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 24 Tổ chức KH&CN, trong đó có 11 tổ chức KH&CN công lập chủ yếu là các trung tâm sự nghiệp trực thuộc các Sở, ngành của tỉnh; có 02 Tổ chức KH&CN trực thuộc Sở Khoa học và công nghệ. Hiện nay, các phòng thí nghiệm nghiên cứu KH&CN của tỉnh chủ yếu tập trung ở 02 tổ chức KH&CN công lập là Trung tâm Ứng dụng và đổi mới sáng tạo và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Kinh phí đầu tư cho KH&CN gồm kinh phí sự nghiệp, đầu tư phát triển KH&CN và CNTT tại Vĩnh Phúc đạt mức trung bình trong cả nước (0,8%), chưa đạt mức 2% tổng chi NSNN theo tiêu chí tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng ngân sách cấp cho các tổ chức chi thường xuyên là 114.010,75 triệu đồng; tổng giá trị tài sản cố định của các tổ chức là 391.520,6 triệu đồng; diện tích đất giao cho các tổ chức là khoảng 78.92ha trong đó diện tích 3,65ha sử dụng là văn phòng, nhà xưởng, phòng thí nghiệm của các tổ chức. Nhìn chung cơ sở vật chất trang thiết bị tại các tổ chức KH&CN còn tương đối khiêm tốn, chưa đồng bộ, hiện đại và còn hạn chế do việc đầu tư còn hạn hẹp.

Kinh phí sự nghiệp KH&CN tại Vĩnh Phúc chủ yếu đầu tư nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng cho các lĩnh vực: các đề tài, dự án, đề án, chương trình, kế hoạch khung. Tính đến năm 2020, kinh phí sự nghiệp KH&CN giai đoạn 2011-2020 là 525,36 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư phát triển KH&CN toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 335,29 tỷ đồng. Thông qua các dự án đầu tư, tiềm lực KH&CN (cơ sở vật chất, trang thiết bị) của các cơ quan, đơn vị ngày càng được tăng cường, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, hoặc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ. Tính đến 15/4/2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 04 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng luôn được Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện, thể hiện qua việc ban hành các Kế hoạch, nghị quyết, văn bản thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh như Kế hoạch 105/KH-UBND ngày 26/6/2020 thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; văn bản số 1549/HD-UBND ngày 10/03/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn thực hiện Đề án 844 và Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định một số nội dung và mức chi thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hoạt động, đầu tư và đổi mới công nghệ thông qua Quỹ phát triển KH&CN tỉnh. Quỹ phát triển KH&CN được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010, hiện quỹ đang quản lý nguồn vốn khoảng 150 tỷ đồng. Thông qua các dự án cho vay vốn, hoạt động của quỹ đã góp phần giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng ưu đã về thuế; tăng cường tiềm lực KH&CN cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hoạt động thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đẩy nhanh tốc độ cải tiến đổi mới công nghệ (mua máy móc, thiết bị kèm theo bằng công nghệ tiên tiến hơn); phục vụ hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp,…Kết quả nhận thấy tốc độ giá trị gia tăng của doanh nghiệp khu vực trong 10 năm qua là 9,05%/năm; giá trị do tiến bộ KH&CN tăng 4,75%/năm; môi trường làm việc được cải thiện.

3. Bối cảnh đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Quy mô vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng tăng và tập trung nhiều hơn cho hoạt động đầu tư phát triển. Đến năm 2021, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 45,7 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), cao gấp 1,96 lần so với năm 2015; tốc độ tăng tổng vốn đầu tư bình quân toàn giai đoạn 2016-2021 đạt 9,62%/năm[1], cao hơn tốc độ tăng của cả nước là 6,81%/năm[2]. Cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần quy mô vốn cho đầu tư XDCB; đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB; và đầu tư sửa chữa, nâng cấp TSCĐ; trong khi giảm dần vốn đầu tư cho bổ sung vốn lưu động. Tốc độ tăng vốn đầu tư XDCB bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 10,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước là 7,05%/năm; của vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XDCB là 11,7%/năm; của vốn đầu tư sửa chữa nâng cấp TSCĐ là 24,2%/năm[3]. Nhờ đó, đến năm 2021, quy mô vốn đầu tư cho XDCB chiếm 70,3% tổng vốn đầu toàn tỉnh; đối với vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua XD là 27,8%[4]; tỷ lệ tương ứng của cả nước là 72,3% và 18%.

Sự tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2021 chủ yếu đến từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước; trong khi giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư từ khu vực nhà nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 của nguồn vốn khu vực nhà nước, vốn khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 4,6%/năm; 3,6%/năm; và 20,7%/năm[5]. Nhờ đó, đến năm 2021, tỷ trọng nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh; vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 35,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 45,4%[6]. Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của cả vùng Đồng bằng sông Hồng là 19,2%[7] và của cả nước là 15,8%. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn đầu tư từ hai khu vực là khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng tốc độ tăng của vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thấp hơn đáng kể so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho thấy sự phát triển hạn chế của khu vực doanh nghiệp nội địa.

Nguồn vốn từ khu vực nhà nước chủ yếu đến từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trong khi đó nguồn vốn vay và vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng không đáng kể. Đặc biệt, quy mô vốn ngân sách nhà nước có sự gia tăng nhanh chóng trong năm 2020, chủ yếu phục vụ cho hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng bình quân vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2021 đạt 4,1%/năm; nhờ đó đến năm 2021, tỷ trọng nguồn vốn này chiếm 85,3% tổng vốn khu vực nhà nước. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn vốn vay của tỉnh giảm mạnh, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 0,5% tổng vốn khu vực nhà nước (năm 2015 là 10,3%); tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016- 2021 là -37,2%/năm. Vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong tổng vốn khu vực nhà nước và đến năm 2021 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đã thoái toàn bộ nguồn vốn này ra khỏi hoạt động đầu tư.

Đối với khu vực ngoài nhà nước, nguồn vốn của tổ chức doanh nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng giảm dần, phần nào phản ánh sự phát triển hạn chế của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng vốn của tổ chức doanh nghiệp đã giảm mạnh từ 37,1% vốn khu vực ngoài nhà nước năm 2015 xuống còn 11,9% năm 2021; tốc độ tăng bình quân nguồn vốn này giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 3,2%/năm, rất thấp so với mức tăng trưởng vốn bình quân chung của tỉnh là 11,1%/năm. Riêng năm 2021, quy mô vốn khu vực doanh nghiệp bị thu hẹp lại, giảm 66% so với năm 2020, khiến tốc độ tăng bình quân của nguồn vốn này trong giai đoạn 2016-2021 là -14,2%/năm. Trong khi đó, quy mô vốn của dân cư tăng nhanh chóng; tỷ trọng tăng từ 62,9% (năm 2015) lên 88,1% (năm 2021); tốc độ tăng giai đoạn 2016-2020 đạt 11%/năm. Năm 2021, nguồn vốn khu vực dân cư tiếp tục tăng 2,75% so với năm 2020, khiến tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2021 của nguồn vốn này đạt 9,5%/năm. Đây là điểm khác biệt của tỉnh Vĩnh Phúc so với các tỉnh phát triển nhanh với quy mô lớn khác trong vùng ĐBSH như Hà Nội (tỷ trọng của vốn tổ chức, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 82,7% vốn khu vực ngoài nhà nước năm 2020), Hải Phòng (75%), Quảng Ninh (68,7%), Bắc Ninh (48,5%). Khu vực dân cư có tỷ trọng vốn lớn của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ cho thấy những hạn chế trong việc mở rộng hoạt động sản xuất với quy mô lớn hơn, vốn dân cư nhỏ lẻ, manh mún, khó trong áp dụng khoa học kỹ thuật, không đủ để đầu tư sản xuất lớn, công nghệ cao. Nhưng đây cũng cho thấy vẫn còn dư địa để chuyển đổi hoạt động kinh doanh hộ gia đình lên hình thức doanh nghiệp. Do đó, cần tạo lập môi trường kinh doanh và chính sách thuận lợi để thu hút và hướng dòng vốn của khu vực dân cư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Vốn đầu tư toàn tỉnh tập trung chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (cũng là ngành thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất) và hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng quy mô đầu tư lớn nhất so với các ngành kinh tế khác, đến năm 2021 chiếm 43,6% tổng quy mô vốn đầu tư toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 23%/năm; của hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình là 12,9%/năm; nhờ đó, tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 382/432 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực lũy kế đến hết năm 2021; tiếp đến là ngành vận tải, kho bãi với 12 dự án; hoạt động kinh doanh bất động sản với 5 dự án. Bình quân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cho một dự án trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 16,7 triệu USD/dự án; trong ngành vận tải, kho bãi là 16,5 triệu USD/dự án; trong hoạt động kinh doanh bất động sản là 43,1 triệu USD/dự án. Điều này cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thế mạnh tiềm năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh; bên cạnh đó, ngành kinh doanh bất động sản của tỉnh đang trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho cho các dịch vụ y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh còn tương đối hạn chế; hoạt động kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng nóng trong năm 2020, nhưng đã giảm nhiệt trong năm 2021. Tổng quy mô vốn đầu tư cho 03 ngành, gồm: hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, trên địa bàn tỉnh còn tương đối hạn chế, chỉ chiếm tổng tỷ trọng là 7,14% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh năm 2015; đến cuối năm 2021 giảm xuống chỉ còn 5,03%. Tỷ trọng vốn đầu tư của từng ngành cũng có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2021, ngoại trừ hoạt động y tế và hoạt động trợ giúp xã hội để ứng phó với đại dịch COVID-19. Cụ thể, tỷ trọng này của hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ giảm từ 1,1% xuống 0,4% (tốc độ vốn đầu tư của ngành này bình quân đạt -7,2%/năm); của hoạt động giáo dục và đào tạo giảm từ 4,0% xuống 2,4% (tốc độ tăng là 0,6%/năm); trong khi của y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng nhẹ từ 2,1% lên 2,2% (tốc độ tăng là 12,8%/năm). Quy mô vốn đầu tư cho ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, nhưng có tốc độ tăng trưởng quy mô vốn đầu tư lớn nhất so với tất cả các ngành kinh tế còn lại. Cụ thể, quy mô vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh bất động sản đến năm 2019 đạt 909,3 tỷ đồng (theo giá hiện hành), cao gấp 23 lần so với năm 2015 (do tác động của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 chỉ đạt 680 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân của vốn đầu tư cho ngành này giai đoạn 2016-2020 là 72,85%/năm; của cả nước đạt 7,74%/năm (nếu loại bỏ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 113,88%/năm; của cả nước đạt 15,7%/năm). Tuy nhiên, đến năm 2021, quy mô vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đạt 150,5 tỷ đồng (giá hiện hành), tốc độ tăng giảm 79% so với năm 2020, cho thấy sự hạ nhiệt nhanh chóng của hoạt động đầu tư thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các ngành kinh tế không tương xứng với quy mô vốn đầu tư cho các ngành này. Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 18,4% (năm 2015) lên 35,2% (năm 2021). Tương tự, ngành kinh doanh bất động sản của tỉnh cũng có tỷ lệ này tăng mạnh từ 3,8% lên 47,3% (năm 2020) và giảm còn 10,2% (năm 2021), cho thấy giá trị gia tăng được tạo ra của ngành là rất nhỏ, trong khi quy mô vốn đầu tư vào ngành này tăng mạnh[8]. Thực trạng tương tự đối với hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình. Ngược lại, giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có tỷ lệ này giảm dần trong giai đoạn 2015-2021 dù vốn đầu tư cho các ngành này vẫn tăng trưởng dương qua từng năm. Cụ thể, tỷ lệ này của ngành giáo dục và đào tạo giảm từ 43,5% xuống 26,4%; của ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm từ 60,1% xuống 41,5%. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư vào các ngành dịch vụ này cao hơn so với các ngành khác và do đó cần hướng dòng vốn đầu tư từ khu vưc ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực dân cư, vào tăng cường đầu tư cho các ngành dịch vụ này.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tăng trưởng kinh tế và thực trạng nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực dân cư, chưa được huy động và sử dụng hiệu quả là hạn chế cấp bách cần phải giải quyết, đặt ra yêu cầu cơ cấu lại nguồn lực vốn đầu tư của tỉnh. Qua phân tích bối cảnh đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2021, có thể thấy rằng động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng lấn át nhiều hơn so với đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Việc phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tạo rủi ro cho sự tăng trưởng kinh tế tỉnh. Mặt khác, nguồn vốn từ tổ chức doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp; trong khi nguồn vốn từ khu vực dân cư chưa được huy động và sử dụng hiệu quả. Điều này được thể hiện khi mà tỷ trọng vốn đầu tư cho hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh, nhưng giá trị gia tăng do hoạt động này tạo ra rất hạn chế. Do đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong dân cư là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh trong giai đoạn phát triển tới. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025 cũng đã đặt ra mục tiêu phải thu hút thêm vốn đầu tư DDI trong 5 năm là 20-25 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, việc thúc đẩy huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong dân cư thông qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng là cần thiết.

II. Thực trạng huy động, sử dụng nguồn lực vốn trong dân cư để phát triển Kinh tế- Xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

1. Thực trạng huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước

Có 4 kênh huy động vốn đầu tư trong dân cư cho phát triển kinh tế xã hội gồm:

(1) Huy động tiền tiết kiệm trong dân cư thông qua các ngân hàng, ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất kinh doanh;

(2). Huy động vốn thông qua chính sách khuyến khích đầu tư (xã hội hóa) đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường,…

(3). Đối với công cụ (kênh) trái phiếu chính quyền địa phương: huy động vốn trong dân để đầu kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội;

(4). Chính sách ưu đãi đầu tư: thông qua các chính sách tư đãi đầu tư của nhà nước để khuyến kích các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh đối với các lĩnh vực nhà nước khuyến khích đầu tư.

(5) Huy động vốn từ dân cư thông qua các chính sách về hợp tác công tư (PPP).

Cụ thể các kênh huy động vốn dân cư như sau:

1.1. Đối với công cụ (kênh) tiền gửi ngân hàng

1.1.1. Chính sách huy động tiền gửi ngân hàng

Tiền gửi ngân hàng là tiền của cá nhân hay tổ chức gửi vào ngân hàng dưới các hình thức như tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc lẫn lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận của các bên. Đây là một kênh huy động tài chính phổ biến. Ngân hàng thương mại là loại hình định chế tài chính trung gian hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Đây là loại định chế tài chính trung gian quan trọng vào loại bậc nhất trong nền kinh tế thị trường, góp phần tạo lập và cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện và thúc đẩy nền kinh tế -xã hội phát triển. Theo đó, vai trò của ngân hàng thể hiện qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, ngân hàng thương mại là cầu nối giữa người thừa vốn và người thiếu vốn. Đối với khách hàng là người gửi tiền, họ sẽ thu lợi từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mình dưới hình thức tiền lãi, an toàn tiền gửi, tiện ích. Với người đi vay, giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế thoả mãn cầu vốn tạm thời thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, tiện lợi, an toàn và hợp pháp. Ngân hàng được hưởng lợi từ việc chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời góp phần tăng quy mô tín dụng cho nền kinh tế. Chức năng điều hòa vốn này góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, chức năng trung gian thanh toán. Chức năng này, ngân hàng thương mại thay mặt khách hàng trích tiền trên tài khoản trả cho người thụ hưởng hoặc nhận tiền vào tài khoản. Đối với người gửi tiền có thể thực hiện thanh toán một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Đối với ngân hàng, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn tiền gửi thông qua cung ứng một dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có chất lượng cao. Đối với nền kinh tế, chức năng này lưu thông hàng hoá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả quá trình tái sản xuất xã hội, đồng thời nó cũng giúp làm giảm khối lượng tiền mặt dẫn đến tiết kiệm chi phí lưu thông tiền mặt.

Thứ ba, chức năng tạo tiền. Với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, ngân hàng vô hình chung thực hiện chức năng tạo tiền cho nền kinh tế thông qua hoạt động tín dụng và thanh toán. Thông qua chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động được để đi vay. Sau đó, số tiền đó lại được đưa vào nền kinh tế thông qua hoạt động mua hàng hóa, trong khi những người có số dư tài khoản tiếp lại tiêu dùng thông qua các hình thức thanh toán qua thẻ,…

Cuối cùng, chức năng thủ quỹ. Ngân hàng giúp cho khách hàng đảm bảo an toàn tài sản và giúp sinh lời được đồng vốn tạm thời thừa. Đối với nền kinh tế, chức năng thủ quỹ khuyến khích tích lũy trong xã hội đồng thời tập trung nguồn vốn tạm thời thừa để phục vụ phát triển kinh tế.

Hoạt động ngân hàng thương mại được quy định cụ thể tại:

- Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2022.

- Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18/06/2012 và Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi năm 2022.

- Luật phòng chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/06/2012 và Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi năm 2022.

- Pháp lệnh ngoại hối ngày 13/12/2005 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối ngày 18/03/2013.

- Quyết định 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.

- Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/08/2018 về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó có mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5%vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; từ đó giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

- Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/01/2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một số mục tiêu đến cuối năm 2025 liên quan đến huy động tiền gửi của NHTM là: ít nhất 20 chi nhánh, PGD của NHTM/10.000 người trưởng thành; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, PGD của TCTD và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của NHCSXH); ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD.

- Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2016 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu đến cuối năm 2020: tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có 300.000 POS với số lượng giao dịch đạt 200 triệu giao dịch/năm; 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng.

- Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các Nghị định, văn bản liên quan: Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 và Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ; Công văn hướng dẫn số 5786/NHNN-TT ngày 19/08/2022; Công văn số 5865/NHNN-TT ngày 24/08/2022.

- Nghị định số 160/2006 ngày 28/12/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối.

- Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/06/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và Dự thảo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống rửa tiền.

- Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày 11/09/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/06/2022 về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

- Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 quy định về quỹ đảm bảo an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

- Thông tư 16/2014/TT-NHNN ngày 01/08/2014 về việc hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, không cư trú tại ngân hàng được phép.

- Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/08/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm và Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi có kỳ hạn.

- Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/09/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.

- Chỉ thị 01/CT-NHNN hàng năm trong giai đoạn 2016-2021 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

- Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 và các chỉ đạo của NHNN về việc miễn, giảm phí thanh toán.

- Các văn bản quy định về lãi suất điều hành của NHNN (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng) trong giai đoạn 2016-2021 gồm: Quyết định số 496/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014; Quyết định 1424/QĐ-NHNN ngày 07/07/2017; Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/09/2019; Quyết định 418/QĐ-NHNN ngày 16/03/2020; Quyết định số 918/QĐ-NHNN ngày 12/05/2020; Quyết định 1728/QĐ-NHNN ngày 30/09/2020; Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22/09/2022; Quyết định số 1809/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022.

- Các văn bản quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong giai đoạn 2016-2021: Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD; Quyết định 498/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014; Quyết định 2173/QĐ- NHNN ngày 28/10/2014; Quyết định 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019; Quyết định 419/QĐ-NHNN ngày 16/03/2020; Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12/05/2020; Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/09/2020; Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/09/2022; Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022.

- Các văn bản quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong giai đoạn 2016-2021: Thông tư 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014; Quyết định 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014; Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/09/2015; Quyết định 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, mức lãi suất đối với tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.

Bám sát định hướng của NHNN Việt Nam, ngành ngân hàng trên địa bàn đã triển khai các chính sách, văn bản định hướng về huy động vốn và tín dụng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung của ngành ngân hàng cả nước và địa bàn (kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế xã hội).

- Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 04/11/2011 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2030 với một số mục tiêu về phát triển hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và huy động vốn giai đoạn 2011-2020 như tăng thêm 4-5 TCTD, mở thêm 4-5 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); huy động vốn tăng 30%/năm; dư nợ tăng 25-28%/năm.

- Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

- Kế hoạch 450/KH/UBND về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có mục tiêu tăng trưởng huy động vốn hàng năm đạt 20-22%/năm.

- Kế hoạch 204/KH/UBND về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025) tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có mục tiêu huy động vốn hàng năm tăng 14-16%/năm trong giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 đạt 200.000 tỷ đồng, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 12-14%/năm.

- Báo cáo số 545/BC-VPH của NHNN Tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/08/2019 về tổng kết hoạt động ngân hàng trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng trưởng huy động vốn đạt 15-18%/năm trong giai đoạn 2021-2025 (có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn).

- Quyết định 344/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

- Báo cáo số 259/BC-VPH của NHNN Tỉnh Vĩnh Phúc ngày 01/04/2020 về kết quả thực hiện Đề án Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

- NHNN Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản cảnh báo rủi ro trong hoạt động quỹ tín dụng nhân dân.

- NHNN tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, trong đó yêu cầu các NHTM, các tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng giải pháp thanh toán mới, vừa đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, thanh toán điện tử, vừa góp phần nâng cao hiệu quả huy động vốn và cho vay, hướng đến mục tiêu tài chính toàn diện.

1.1.2. Công tác triển khai phổ biến chính sách tới doanh nghiệp, dân cư

- Công tác phổ biến chính sách của NHNN, NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, các NHTM, Quỹ TDND tới doanh nghiệp, dân cư được tiến hành kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp đồng thời góp phần tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả huy động vốn trong nền kinh tế.

- Các NHTM trên địa bàn Vĩnh Phúc đã bước đầu triển khai thử nghiệm một số giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp như xác thực khách hàng tại quầy giao dịch khi khách hàng đến giao dịch, gửi tiền, ứng dụng xác thực khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số.

1.1.3. Đánh giá kết quả huy động vốn qua công cụ tiền gửi ngân hàng

Hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khá sôi động với hiện diện khá lớn (19 NH và 31 QTDND), đứng thứ 7/11 tỉnh Đồng Bằng ĐBSH về số lượng TCTD, đáp ứng nhu cầu tiền gửi và vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển góp phần tăng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng chính thống, thúc đẩy tài chính toàn diện.

Hình 1: Số lượng NHTM và quỹ tín dụng nhân dân tại Vĩnh Phúc và các tỉnh khu vực ĐBSH năm 2022 (%)

Nguồn: NHNN (9/2022)

Về hệ thống ngân hàng, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 19 ngân hàng đang hoạt động, chiếm 6,4% tổng số ngân hàng của Vùng ĐBSH, trong đó, 01 NHCSXH, 01 NH hợp tác xã Việt Nam, 01 NH Nông nghiệp và PTNT, 01 NH 100% vốn nước ngoài, 15 Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trong nước. Tính đến 31/12/2021, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 108 chi nhánh và phòng giao dịch của các NHTM (trong đó có 28 chi nhánh cấp 1, tăng 9 chi nhánh so với năm 2011); 136 điểm giao dịch của NH chính sách xã hội. Mạng lưới ATM, POS được chú trọng phát triển về số lượng, quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Tính đến 31/12/2021, có 230 máy ATM và 840 POS được phân bổ ở địa bàn các huyện, thị trấn của tỉnh Vĩnh Phúc; tập trung ở các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, giải trí, hệ thống chuỗi bán lẻ, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Top 5 NHTM lớn nhất trên địa bàn Vĩnh Phúc là NHTMCP Đầu tư và PT Việt Nam (BIDV), NHTMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), NH Nông nghiệp & PTNT Việt Nam; NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritimebank), trong đó, BIDV là NHTM có số lượng chi nhánh lớn nhất (21 chi nhánh), NHTMCP Kỹ thương có số lượng ATM lớn nhất (26 máy ATM); NHTMCP Hàng Hải và NHTMCP Kỹ thương là hai NHTM có lịch sử hoạt động lâu nhất tại địa bàn Vĩnh Phúc (31 năm và 29 năm).

Bảng 1: Hệ thống NHTM trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Phúc

STT

Tên NHTM

Năm bắt đầu hoạt động tại Vĩnh Phúc

Số lượng chi nhánh

Số lượng ATM

1

NHTMCP Đầu tư và PT Việt Nam

2012

21

11

2

NHTMCP Công thương Việt Nam

2009

20

25

3

NH Nông nghiệp & PTNT Việt Nam

1996

19

20

4

NH Chính sách xã hội

8

5

NHTMCP Kỹ thương Việt Nam

1993

7

26

6

NHTMCP Hàng Hải Việt Nam

1991

6

2

7

NHTMCP Ngoại thương Việt Nam

1996

5

9

8

NH Shinhan Việt Nam

2008

4

4

9

NHTMCP An Bình (ABBank)

1993

3

3

10

NHTMCP Bắc Á

1994

2

11

NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội

2006

2

12

NHTMCP Quốc tế

2018

2

3

13

NHTMCP Đông Á

1992

2

1

14

NHTMCP Đông Nam Á

1994

2

3

15

NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank)

1993

2

3

16

NHTMCP Á Châu (ACB)

1993

1

1

17

NH Hợp tác xã Việt Nam

1

18

NHTMCP Quân đội

1994

1

7

19

NHTMCP Sài Gòn (SCB)

2011

5

Nguồn: NHNN (9/2022)

Về quỹ tín dụng nhân dân[9], tính đến 31/12/2021, có 31 QTDND (hay còn gọi là Hợp tác xã tín dụng) trên địa bàn Vĩnh Phúc với tổng vốn điều lệ 172 tỷ đồng (chiếm 6,24% về số lượng và 6,91% về vốn điều lệ so với Vùng ĐBSH); số lượng thành viên lên tới 26.900 (bình quân 868 thành viên/quỹ). Số lượng cán bộ nhân viên của QTDND khoảng 309 trong đó số lượng cán bộ chiếm 40,1% (tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên đạt 95%).

Top 5 quỹ TDND lớn nhất trên địa bàn là Quỹ TDND xã Đồng Văn (vốn điều lệ 9.7 tỷ đồng); Quỹ TDND TT Thanh Lãng (vốn điều lệ 9.3 tỷ đồng); Quỹ TDND xã Tề Lỗ (vốn điều lệ 8.5 tỷ đồng); Quỹ TDND xã Tứ Trưng (vốn điều lệ 7.9 tỷ đồng); Quỹ TDND TT Yên Lạc (vốn điều lệ 7.8 tỷ đồng). Một số quỹ TDND có lịch sử hoạt động lâu đời nhất (28 năm từ năm 1994) tại địa bàn Vĩnh Phúc là quỹ TDND xã Đại Đồng, quỹ TDND thị trấn Hương Canh, quỹ TDND xã Thổ Tang, quỹ TDND xã Tứ Trưng, quỹ TDND xã Bình Dương, Quỹ TDND xã Tam Hồng.

Bảng 2: Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Vĩnh Phúc

STT

Tên QTDND

Địa bàn

Năm bắt đầu hoạt động tại Vĩnh Phúc

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

1

Quỹ TDND xã Đại Đồng

Xã Đại Đồng, Huyện Vĩnh Tường

1994

3.7

2

Quỹ TDND xã Tề Lỗ

Xã Tề Lỗ, Huyện Yên Lạc

1995

8.5

3

Quỹ TDND xã Vĩnh Thịnh

Xã Vĩnh Thịnh, Huyện Vĩnh Tường

1995

5.6

4

Quỹ TDND xã Tuân Chính

Xã Tuân Chính, Huyện Vĩnh Tường

1995

4.0

5

Quỹ TDND TT Yên Lạc

TT Yên Lạc, Huyện Yên Lạc

2004

7.8

6

Quỹ TDND TT Vĩnh Tường

TT Vĩnh Tường, Huyện Vĩnh Tường

1997

7.1

7

Quỹ TDND Phường Hòa Xuân

Tổ 3, Phố Đồng Xuân - TP Vĩnh Yên

1995

4.5

8

Quỹ TDND xã Xuân Hòa

Xã Xuân Hòa, Huyện Lập Thạch

1995

5.4

9

Quỹ TDND xã Vĩnh Sơn

Xã Vĩnh Sơn, Huyện Vĩnh Tường

1995

4.5

10

Quỹ TDND phường Đống Đa

Đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa

1996

1.7

11

Quỹ TDND xã Tứ Trưng

Thị trấn Tứ Trưng, Huyện Vĩnh Tường

1994

7.9

12

Quỹ TDND xã Đình Chu

Xã Đình Chu, Huyện Lập Thạch

1996

3.7

13

Quỹ TDND xã Yên Đồng

Xã Yên Đồng, Huyện Yên Lạc

1996

7.0

14

Quỹ TDND TT Thanh Lãng

TT Thanh Lãng, Huyện Bình Xuyên

1996

9.3

15

Quỹ TDND xã Ngũ Kiên

Xã Ngũ Kiên, Huyện Vĩnh Tường

1996

6.9

16

Quỹ TDND TT Hương Canh

TT Hương Canh, Huyện Bình Xuyên

1994

3.4

17

Quỹ TDND LP Phúc Yên

P.Trưng Trắc, TP.Vĩnh Yên

2004

4.3

18

Quỹ TDND xã Thái Hòa

Xã Thái Hòa, Huyện Lập Thạch

1995

4.6

19

Quỹ TDND xã Thượng Trưng

Xã Thượng Trưng, Huyện Vĩnh Tường

1996

5.4

20

Quỹ TDND xã Vũ Di

Xã Vũ Di, Huyện Vĩnh Tường

1996

4.7

21

Quỹ TDND xã Văn Quán

Xã Văn Quán, Huyện Lập Thạch

1996

3.9

22

Quỹ TDND xã Cao Đại

Xã Cao Đại, Huyện Vĩnh Tường

2006

5.9

23

Quỹ TDND TT Lập Thạch

TT Lập Thạch, Huyện Lập Thạch

2011

5.6

24

Quỹ TDND xã An Tường

Xã An Tường, Huyện Vĩnh Tường

1998

4.5

25

Quỹ TDND xã Chấn Hưng

Xã Chấn Hưng, Huyện Vĩnh Tường

1995

5.6

26

Quỹ TDND xã Đồng Văn

Xã Đồng Văn, Huyện Yên Lạc

1995

9.7

27

Quỹ TDND xã Bình Dương

Xã Bình Dương, Huyện Vĩnh Tường

1994

7.1

28

Quỹ TDND xã Tam Hồng

Xã Tam Hồng, Huyện Yên Lạc

1994

7.2

29

Quỹ TDND xã Thổ Tang

TT Thổ Tang, Huyện Vĩnh Tường

1994

2.0

30

Quỹ TDND xã Lý Nhân

Xã Lý Nhân, Huyện Vĩnh Tường

2011

4.2

31

Quỹ TDND xã Tam Phúc

Xã Tam Phúc, Huyện Vĩnh Tường

2016

6.1

Nguồn: NHNN (9/2022)

Một số kết quả nổi bật của huy động vốn qua kênh tiền gửi ngân hàng trong giai đoạn 2016-2021

- Thứ nhất, huy động vốn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng, tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế:

+ Về huy động vốn của hệ thống NHTM: Theo NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô huy động vốn của hệ thống TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 đạt 96.3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2020 và gấp 2,04 lần năm 2016. Với hệ thống NHTM ngày càng mở rộng tại địa bàn, giai đoạn 2016-2021, tăng trưởng huy động vốn bình quân trên địa bàn đạt 17,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân của cả nước (14,5%) và bình quân 11 tỉnh ĐBSH (15,1%), đồng thời cao hơn một số tỉnh ĐBSH như Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Giai đoạn 2020-2021, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, tăng trưởng huy động vốn của Vĩnh Phúc vẫn đạt mức khá bình quân 13,4%, cao hơn mức trung bình cả nước và cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn của một số tỉnh có quy mô huy động vốn cao của Vùng như Hà Nội, Quảng Ninh.


Bảng 3: Huy động vốn qua hệ thống NHTM tỉnh Vĩnh Phúc so với các Tỉnh ĐBSH giai đoạn 2016-2021

STT

Tỉnh/TP

2016

2017

2018

2019

2020

2021

HĐV

%TT

HĐV

%TT

HĐV

%TT

HĐV

%TT

HĐV

%TT

HĐV

%TT

1

Hà Nội

n/a

2638

n/a

3098

17.44

3505

13.14

3,787

8.05

4,251

12.25

2

Hải Phòng

140

168

20.27

n/a

n/a

208

n/a

237

13.89

267

12.51

3

Quảng Ninh

99

109

9.91

124

14.08

144

16.13

156

8.33

n/a

n/a

4

Bắc Ninh

73

88

20.59

100

13.8

124

13.31

166

34.71

196

17.9

5

Hải Dương

n/a

86

n/a

101

18.1

116

14.81

136

16.8

153

12.6

6

Vĩnh Phúc

48.9

23.9

61.8

26,3

69.1

11,7

80.8

16,9

91.8

13,6

103.9

13,1

7

Hưng Yên

42

62

50.28

73

16.8

82

12.67

94

13.91

n/a

n/a

8

Nam Định

37

48

27.99

56

17.81

65

15.04

77

19.15

86

12.03

9

Hà Nam

20

n/a

n/a

n/a

n/a

n/a

n/a

50

n/a

n/a

n/a

Nguồn: NHNN các tỉnh, NGTK các tỉnh (2016-2021)


Cùng với vị trí kinh doanh thuận lợi, mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch và điểm giao dịch của các TCTD ngày càng mở rộng đến các địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc vừa góp phần tăng cường vị thế, năng lực cạnh tranh vừa đáp ứng nhu cầu gửi tiền, tiết kiệm của người dân (riêng NH Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, bên cạnh hệ thống 19 chi nhánh và phòng giao dịch, còn có 8 điểm huy động vốn lưu động). Nhờ tốc độ tăng trưởng huy động vốn khá cao, tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt 20,2%, cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả nước (14,9%) và của địa bàn ĐBSH (13,1%).

+ Về huy động vốn của Ngân hàng chính sách xã hội: Đặc trưng hoạt động của NHCSXH là thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh nguồn vốn từ NSNN, phát hành trái phiếu và nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách tỉnh, huy động từ các nguồn khác của NHCSXH ngày càng đa dạng, trong đó có 02 loại tiền gửi là tiền gửi 2% của các tổ chức tài chính (TCTC), Tập đoàn Nhà nước (TĐNN) và tiền gửi dân cư (bao gồm cả tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua 136 Điểm giao dịch cấp xã và hơn 2.200 Tổ tiết kiệm và vay vốn). Đây là hai nguồn tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn vốn của NHCSXH và có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2021. Năm 2021, nguồn tiền gửi dân cư chiếm 14,8% tổng nguồn vốn huy động của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, cao hơn mức 7,3% năm 2016; tiền gửi 2% của các TCTC, TĐNN chiếm tỷ trọng 34,9%, cao hơn mức 27,1% năm 2016.

Hình 2: Cơ cấu huy động vốn của NHCSXH Vĩnh Phúc năm 2016 (%)

Hình 3: Cơ cấu huy động vốn của NHCSXH Vĩnh Phúc năm 2021 (%)

Nguồn: NHCSXH 2016

Nguồn: NHCSXH 2021

Đây là kết quả tích cực nhờ nỗ lực phối hợp giữa NHCSXH và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, Tổ kiết kiệm và vay vốn tăng cường công tác thông tin truyền thông, tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay của người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, phát huy tốt vai trò ngân hàng dành cho người nghèo, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

+ Về huy động vốn của quỹ TDND: Theo NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, tổng nguồn vốn hoạt động của QTDND đến 31/12/2021 đạt 4.532 tỷ đồng, gấp 4,4 lần trước khi có Luật Hợp tác xã năm 2012 (bình quân mỗi quỹ đạt 146 tỷ đồng). Tổng vốn huy động đạt 4.083 tỷ đồng (chiếm 91% tổng vốn hoạt động), bình quân nguồn vốn huy động đạt gần 132 tỷ đồng. Quỹ TDND đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư, chủ động nguồn vốn đáp ứng cho vay đối với hàng ngàn lượt thành viên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, kinh doanh dịch vụ đời sống. Với tỷ lệ vốn huy động/tổng nguồn vốn tương đối cao 60-95%, nguồn vốn huy động dồi dào là cơ sở để các quỹ TDND trên địa bàn chủ động trong kinh doanh và có lợi nhuận, đáp ứng kịp thời yêu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của thành viên (như phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới…).

- Thứ hai, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định, bám sát quy định, định hướng về lãi suất huy động của NHNN

Giai đoạn 2016-2019, các lãi suất điều hành của NHNN (lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn) duy trì ở mức ổn định, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, đảm bảo thanh khoản, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD duy trì ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Bảng 4: Quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ và đô la Mỹ của NHTM và quỹ TDND trong giai đoạn 2016-2021

Loại tiền

Văn bản

Lãi suất tiền gửi VNĐ tối đa của một số kỳ hạn (%/năm)

Tiền gửi không kỳ hạn và <1T

1T-<6T đối với NHTM

1T-<6T đối với QTDND

Đối với VNĐ

Quyết định 498/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014

1%

6%

6,5%

Quyết định 2173/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014

1%

5,5%

6,0%

Quyết định 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019

0,8%

5,0%

5,5%

Quyết định 419/QĐ-NHNN ngày 16/03/2020

0,5%

4,75%

5,25%

Quyết định 919/QĐ-NHNN ngày 12/05/2020

0,2%

4,25%

4,75%

Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/09/2020

0,2%

4,0%

4,5%

Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/09/2022

0,5%

5,0%

5,5%

Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022

1%

6,0%

6,5%

Đối với USD

Văn bản

Lãi suất tiền gửi bằng USD tối đa đối với các chủ thể gửi tiền (%/năm)

Tổ chức

Cá nhân

Quyết định 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014

0,25%

0,75%

Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/09/2015

0%

0,25%

Quyết định 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015

0%

0%

Nguồn: NHNN Việt Nam

Thực hiện theo chỉ đạo của NHNN và Hội sở chính, mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM trên địa bàn Vĩnh Phúc tương đối ổn định trong giai đoạn 2016-2019, vừa đảm bảo theo đúng quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn (chỉ quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi ngắn hạn còn các kỳ hạn dài do TCTD tự xác định trên cơ sở cung cầu thị trường). Lãi suất huy động bằng VND không kỳ hạn và dưới 1 tháng có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2019 với mức giảm trung bình 0,3-0,5% (từ mức trung bình 0,8-1% năm 2016 xuống 0,5-1% năm 2019); lãi suất huy động ngắn hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%; lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tăng nhẹ 0,05-0,1% (từ mức 4,9-5,9% năm 2016 lên 5-6% năm 2019); lãi suất huy động dài hạn trên 12 tháng tăng nhẹ 0,1-0,3% (từ mức 6,4-7% năm 2016 lên mức 6,5-7,3% năm 2019). Cụ thể, lãi suất huy động VNĐ tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bình quân 2016-2019 là 0,57%; tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5,84%; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất 6,2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng đến dưới 24 tháng bình quân khoảng 7%; tiền gửi có kỳ hạn trên 24 tháng ở mức 7,2-7,3%/năm.

Hình 4: Lãi suất huy động theo các kỳ hạn của NHTM Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 (%)

Nguồn: NHNN Vĩnh Phúc

Giai đoạn 2020-2021, thực hiện theo chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-16, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các NHTM Vĩnh Phúc giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, các kỳ hạn ngắn giảm mạnh hơn các kỳ hạn dài. Cụ thể, sau 03 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ năm 2020, lãi suất tiền gửi ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng (giảm 0,7-0,8% so với năm 2016); 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (giảm 1,2-1,9% so với năm 2016); 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng (giảm 0,8-1,2% so với năm 2016); 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng (giảm 0,3-0,5% so với năm 2016).

Về lãi suất huy động USD, các NHTM trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện theo đúng quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đô la Mỹ. Giai đoạn 2016-2021, lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cả tổ chức và cá nhân theo đúng quy định của NHNN, góp phần hạn chế đô la hóa, tăng sức hấp dẫn và giá trị đồng VNĐ.

- Thứ ba, cơ cấu nguồn vốn huy động có sự dịch chuyển theo hướng bán lẻ: Theo NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, xét theo chủ thể tiền gửi, năm 2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế (TCKT) đạt 32.6 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 33,9% tổng tiền gửi), tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 63.1 tỷ đồng (chiếm 65,5% tổng tiền gửi). Tiền gửi tiết kiệm dân cư có tốc độ tăng trưởng tốt, bình quân 20,6%/năm, tăng từ mức 52,5% năm 2016 lên tới 65,5% năm 2021 cho thấy niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đồng thời cho thấy tín hiệu tích cực khi dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng thay vì các kênh đầu tư rủi ro như ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, tiền ảo. Tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng bình quân 10,7%/năm trong giai đoạn 2016-2021, thấp hơn tăng trưởng tiền gửi dân cư và khá biến động qua các năm. Xét theo hình thức huy động, huy động tiền gửi chiếm ưu thế, năm 2021 đạt 95.8 nghìn tỷ (chiếm 99,4% tổng tiền gửi), huy động thông qua phát hành giấy tờ có giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 575 tỷ đồng (chiếm 0,6%). Về tăng trưởng, tiền gửi tăng trưởng ổn định hơn phát hành giấy tờ có giá, tiền gửi tăng bình quân tăng trưởng 16,4% trong giai đoạn 2016-2021 có sự biến động khá mạnh (tăng/giảm lớn giữa các năm, bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt tăng trưởng 15,5%).


Hình 5: Tình hình huy động vốn của NHTM Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 (%)

Cơ cấu HĐV

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Số dư

%TT

Số dư

%TT

Số dư

%TT

Số dư

%TT

Số dư

%TT

Số dư

%TT

Tiền gửi của các TCKT

22.131

21,8

26.121

18,0

28.247

8,1

32.995

16,8

34.806

5,5

39.350

13,06

Tiền gửi tiết kiệm

26.251

26,7

34.729

32,3

40.035

15,3

46.773

16,8

55.254

18,1

63.107

14,0

Phát hành GTCG

573

-2,9

991

72,9

733

-26,0

1031

40,6

1.818

76,3

1.493

-17,9

Tổng HĐV

48.955

23,9

61.841

26,3

69.015

11,6

80.799

17,1

91.878

13,7

103.950

13,1

Nguồn: NHNN Vĩnh Phúc


Về cơ cấu vốn huy động của quỹ TDND, nguồn vốn huy động tiền gửi dân cư là nguồn vốn huy động chính và tốc độ tăng trưởng khá cao. Tính đến 31/12/2020, nguồn vốn huy động dân cư đạt gần 3,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 89,9% tổng nguồn vốn huy động), tăng 31% so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2021, các quỹ TDND đều có tỷ lệ huy động vốn dân cư/tổng nguồn vốn tăng nhanh từ mức 60-65% năm 2016 lên mức cao 90-95% năm 2021, nhờ đó, góp phần tăng tính chủ động trong kinh doanh và gia tăng lợi nhuận.

Hình 6: Cơ cấu huy động vốn qua ngân hàng năm 2016 (%)

Hình 7: Cơ cấu huy động vốn qua ngân hàng năm 2021 (%)

Nguồn: NHNN Vĩnh Phúc, NGTK 2016

Nguồn: NHNN Vĩnh Phúc, NGTK 2021

- Thứ tư, quỹ tín dụng nhân dân ngày càng phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả góp phần lành mạnh hóa quan hệ tài chính nông thôn: Với sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của NHNN, quy mô năng lực, hiệu quả hoạt động của quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được củng cố (31/31 quỹ TDND trên địa bàn hoạt động kinh doanh có hiệu quả; 25 quỹ TDND được tăng vốn điều lệ với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng và hoàn toàn chủ động được nguồn vốn hoạt động không phải vay NH hợp tác xã; 07 quỹ TDND được sửa chữa, xây dựng mới trụ sở làm việc như QTDND Đình Chu, Xuân Hòa, Đồng Văn, An Tường, Văn Quán, Tam Hồng, Đại Đồng; NHNN tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất).

Với việc củng cố vị thế của quỹ TDND, vốn huy động qua hệ thống quỹ TDND đã và đang phát huy tốt vai trò tương trợ cộng đồng: giải quyết việc làm cho người lao động; đáp ứng nhu cầu vốn tại chỗ cho các HTX, hộ kinh doanh, nông dân nông thôn (tỷ trọng cho vay thành viên/tổng dư nợ đạt 95-99%), từ đó, hạn chế tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh các hoạt động huy động vốn cho vay truyền thống, QTDND đã và đang phối hợp với các NHTM triển khai các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, đại lý chi trả ngoại tệ, thu, chi hộ cho các thành viên…v.v.

- Thứ năm, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt kết quả tích cực góp phần thúc đẩy nguồn vốn huy động qua ngân hàng: Các NHTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phối kết hợp với các công ty Fintech, ví điện tử, các DN viễn thông, các nền tảng TMĐT ứng dụng công nghệ mới vào dịch vụ tài chính như trí tuệ nhân tạo, eKYC, PGD thông minh, mobile banking, Internet banking, QR code, mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ; miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến; tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật trong thanh toán điện tử trong hành chính công, thu nộp thuế điện tử, dịch vụ hải quan; thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện nước, học phí, viện phí, cước viễn thông…v.v.

Nhờ dân số trẻ, năng động, trình độ dân trí và thu nhập mức khá cao, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn ĐBSH được chú trọng đẩy mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ như tỷ lệ thanh toán tiền điện online lên đến 99,7%; tỷ lệ thu chi ngân sách kết nối giữa NHTM và KBNN tỉnh Vĩnh Phúc đạt 99%; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 98% thanh toán qua điện thoại di động năm 2021 tăng 172% về giá trị so với năm 2020…v.v.

1.1.4. Một số tồn tại, hạn chế

- Thứ nhất, huy động vốn qua quỹ TDND chưa tương xứng với tiềm năng: Tỷ lệ vốn huy động/tổng nguồn vốn của một số QTDND đạt mức thấp chỉ 45-50%, việc tăng thêm số lượng 4-5 QTDND chưa đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2020, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng huy động nguồn vốn cho phát triển. Bên cạnh đó, số lượng thành viên của Quỹ TDND ngày càng giảm, việc thu hút thành viên tham gia quỹ TDND gặp nhiều thách thức khi người dân có nhu cầu tham gia thành viên QTDND để vay vốn hơn là nhu cầu tham gia thành viên đóng góp huy động vốn, gửi tiền.

- Thứ hai, tăng trưởng huy động vốn chưa đạt mục tiêu: Huy động vốn giai đoạn 2016-2021 chỉ tăng 16,2%, đặc biệt giai đoạn 2020-2021 chỉ tăng 9,25% do ảnh hưởng của dịch bệnh và khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Đây là mức tăng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng huy động vốn bình quân của hệ thống NHTM đạt 30%/năm của Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 04/11/2011, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng huy động vốn đạt 20-22% theo Kế hoạch 450/KH/UBND về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Vĩnh Phúc.

- Thứ ba, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế trên địa bàn đang giảm dần: Nguồn vốn huy động từ TCKT trên địa bàn Vĩnh Phúc năm 2020 chỉ tăng thấp 5,5% so với 2019; năm 2021 giảm 6,2% so với năm 2020. Tỷ trọng tiền gửi của TCKT đang có xu hướng giảm dần (từ mức 45,2% năm 2016 xuống 33,9% năm 2021) và thấp hơn mức trung bình của cả nước là 50,2%. Điều này một mặt cho thấy doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn (doanh thu, lợi nhuận giảm) do ảnh hưởng của dịch bệnh, sự gia tăng các chi phí đầu vào chi phí nguyên nhiên liệu, chi phí logistics, chi phí nhân công…mặt khác cũng cho thấy tính ổn định của nguồn vốn huy động đang giảm (quy mô vốn tiền gửi của TCKT thường lớn hơn tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi không kỳ hạn/tiền gửi thanh toán của TCKT có thể duy trì trong thời gian dài hơn, ít biến động hơn nguồn vốn tiết kiệm dân cư).

- Thứ tư, tỷ trọng huy động trung dài hạn còn thấp so với nhu cầu tín dụng: Tỷ lệ vốn huy động trung dài hạn chiếm tới 80% tổng nguồn vốn huy động trong khi dư nợ trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao 40%/tổng dư nợ và ngày càng tăng. Đây là áp lực khá lớn với cân đối thanh khoản, cân đối cơ cấu kỳ hạn của TCTD, từ đó đòi hỏi các TCTD trên địa bàn Vĩnh Phúc, nhất là trong điều kiện kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn ngày càng tăng. Vì vậy, các TCTD trên địa bàn phải có giải pháp tăng cường huy động vốn trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô, khả năng huy động vốn để ổn định mặt bằng lãi suất.

Nguyên nhân:

- Thứ nhất, một số khó khăn về địa lý - kinh tế, xã hội của Tỉnh ảnh hưởng đến hoạt động tài chính - ngân hàng nói chung và khả năng huy động vốn của các NHTM nói riêng. Lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý của Tỉnh giảm dần so với các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên khi các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và Vùng ĐBSH được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện. Sự phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng: tăng trưởng kinh tế chưa có sự đột phá so với các địa phương trong Vùng; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô, năng lực kinh tế, thu nhập thực tế bình quân/người[10] của Vĩnh Phúc mặc dù được cải thiện tích cực (năm 2021 đạt 4.511 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 9/63 tỉnh, gấp 17 lần năm 2002) song vẫn thấp hơn so với mức trung bình của ĐBSH (5.026 triệu đồng) và một số tỉnh Bắc ĐBSH (như Hà Nội: 6.001 triệu đồng; Bắc Ninh: 4.916 triệu đồng; Hải Phòng: 5.093 triệu đồng…); số lượng DN thực tế đang hoạt động thấp hơn mức trung bình cả nước (tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân của Vĩnh Phúc là 6,52 DN, thấp hơn so với mức trung bình cả nước là 7,6 DN), quy mô DN còn nhỏ (97,3% là DN nhỏ và siêu nhỏ).

- Thứ hai, thu hút vốn FDI còn thấp, ảnh hưởng tới việc thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng: Giai đoạn 2016-2021, thu hút FDI chỉ đạt 2,8 tỷ USD, bình quân 460 triệu USD/năm, chiếm tỷ trọng nhỏ 1,5% tổng vốn FDI của cả nước trong cùng giai đoạn; thiếu các dự án quy mô lớn; quy mô vốn đăng ký mới bình quân/dự án chỉ khoảng 10,7 triệu USD/dự án, thấp hơn mức bình quân của Vùng ĐBSH và một số tỉnh trong Vùng dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam. Thêm vào đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Vĩnh Phúc có sự sụt giảm khá mạnh trong giai đoạn 2019-2020, ảnh hưởng tới khả năng thu hút, giải ngân vốn đầu tư của doanh nghiệp, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới việc thu hút vốn tiền gửi của hệ thống ngân hàng.

- Thứ ba, tâm lý ưu thích tiền mặt: Tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn khá cao nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tỷ lệ TTKDTM Vĩnh Phúc còn thấp, tình trạng người dân rút tiền từ hệ thống ATM của NHTM để thanh toán bằng tiền mặt dù nhiều lĩnh vực đã tích cực triển khai TTKDTM như dịch vụ hành chính công, thuế, bảo hiểm, y tế, điện nước, xăng dầu, viện phí, học phí, bưu chính viễn thông, truyền hình cáp... Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm sút, biến động trong giai đoạn 2016-2021.

- Thứ tư, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng đối diện với nhiều thách thức chung của ngành ngân hàng Việt Nam và địa bàn ĐBSH như ảnh hưởng của biến động thị trường tài chính toàn cầu (tăng lãi suất, thắt chặt các điều kiện tài chính, xu hướng tăng giá của đồng USD, biến động tỷ giá USD/VND), khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới còn chậm, cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn chậm, nợ xấu tiềm ẩn và tội phạm tài chính gia tăng, cơ sở hạ tầng KT-XH nói chung và hạ tầng tài chính - ngân hàng còn chưa đồng bộ…v.v

- Thứ năm, việc nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin chưa hiệu quả: Thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ Trung Ương và Tỉnh với các QTDND vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến tỷ lệ huy động vốn và tỷ lệ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế.

- Thứ sáu, năng lực hoạt động QTDND trên địa bàn Vĩnh Phúc còn hạn chế: quy mô QTDND trên địa bàn còn nhỏ, quy mô vốn điều lệ thấp hơn quy mô trung bình của QTDND các tỉnh ĐBSH (đứng thứ 8/11 về quy mô quỹ TDND, chiếm 6,91% tổng vốn điều lệ của QTDND các tỉnh ĐBSH, thấp hơn mức vốn điều lệ trung bình của quỹ TDND khu vực ĐBSH là 226.3 tỷ đồng), cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa được nâng cấp, cải tạo. Mức độ lành mạnh của một số TCTD, quỹ TDND trên địa bàn chưa cao, hoạt động chưa gắn với thị trường, hiệu quả chưa cao, từ đó ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn, thách thức khả năng liên kết, hợp tác với các NHTM trong phát triển các dịch vụ ngân hàng số, TTKDTM. Trình độ cán bộ quản lý còn nhiều bất cập, không được đào tạo bài bản, ít được bồi dưỡng tập huấn; việc cập nhật văn bản mới còn hạn chế, công tác quản trị điều hành, kiểm soát hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó, một bộ phận cán bộ quản lý và phần lớn thành viên QTDND chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm phát triển về kinh tế tập thể, Quỹ TDND, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

1.2. Đối với công cụ (kênh) xã hội hóa

1.2.1. Chính sách về xã hội hóa

Chủ trương về thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 90-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997). Xã hội hóa là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động, mà cụ thể là các dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn và có chất lượng cao hơn.

Các chính sách xã hội hóa của Nhà nước Trung ương

- Nghị quyết số 90-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997). Theo đó, xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa là vận động và tổ chức sự giam gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân. Nghị quyết cũng nêu chi tiết một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hóa trong từng lĩnh vực.

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Nghị định khuyến khích thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thông qua các ưu đãi như cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về tín dụng… Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ về nguồn thu, phân phối kết quả tài chính và trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa cũng như quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực xã hội hóa.

- Quyết định số 693/2013/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

- Quyết định số 712/2017/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực thi các chính sách xã hội hóa được cụ thể tại các văn bản sau:

- Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 26/2/2019 ban hành quy định chế độ miễn, giảm về tiền thuê đất và giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, việc huy động vốn xã hội hóa tại Vĩnh Phúc được khuyến khích thông qua hai chế độ ưu đãi: (1) miễn, giảm tiền thuê đất: miễn 100% tiền thuê đất cho các dự án thuộc lĩnh vực môi trường; giảm 90-100% tiền thuê đất với các dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, giám định tư pháp theo địa bàn đầu tư; (2) ưu đãi về giá cho thuê cơ sở hạ tầng và công trình xã hội hóa: được hình thành dựa trên tiền thuê đất và cơ sở giá thuê tài sản trên đất (tính bằng mức giá thuê tối thiểu được xác định theo nguyên tắc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản cho thuê và bù đắp chi phí bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn tại Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính).

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành một số văn bản, đề án về việc thực hiện xã hội hóa trong một số lĩnh vực cụ thể:

- Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 23/10/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI kỳ họp thứ 13 về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019-2025. Trong đó, đối với các di tích cấp tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 10% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích và 40% kinh phí còn lại (tu bổ hạng mục kiến trúc gốc và các công trình phụ trợ, khu vực ngoại vi của di tích) sẽ được chủ đầu tư huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

- Đề án “Đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở tham gia xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản được kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật…[11]

- Quyết định số 449/2022/QĐ-UBND ngày 7/3/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tăng cường xã hội hóa cho giáo dục là một nhiệm vụ - giải pháp quan trọng và được cụ thể hóa, cũng như được lồng ghép trong nhiều nhóm giải pháp đột phá khác nhằm phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, với mỗi dự án cụ thể, tỉnh ban hành văn bản kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa như dự án Nạo vét hồ Đầm Vạc (Quyết định số 73/2019/QĐ- UBND ngày 9/1/2019); dự án Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc (Thông báo số 36/2019/TB-SCT ngày 25/6/2019)…

1.2.2. Công tác phổ biến chính sách tới dân cư

Việc phổ biến các chính sách tới dân cư được tỉnh thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau. Tỉnh cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cấp, thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về chính sách xã hội hóa tới chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng để nắm bắt và chỉ đạo triển khai. Thực hiện công tác tuyên truyền về xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội… tới người dân thông qua tổ chức hội thảo, đối thoại, cung cấp thông tin; cập nhật chính sách cũng như đăng bài tin về chính sách xã hội hóa và các thông tin liên quan trên các trang tin điện tử của địa phương; thực hiện các tin, bài, phóng sự, tọa đàm về chủ đề pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc,…

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, tỉnh đã chủ trương vận động, kêu gọi xã hội hóa xét nghiệm tự nguyện trước tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực cách ly xã hội, các khu vực có nguy cơ cao (Văn bản số 3404/2021/UBND-KT1 ngày 12/5/2021 V/v thực hiện xã hội hóa xét nghiệm). Tỉnh đã huy động sự tham gia của nhiều Sở, ngành tham gia vào quá trình này. Tỉnh giao Sở Y tế huy động nhân lực và hướng dẫn kỹ thuật đối với việc lấy mẫu, xét nghiệm. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền, vận động, phổ biến đến các doanh nghiệp về chủ trương xã hội hóa xét nghiệm tự nguyện. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền chủ trương thực hiện xã hội hóa xét nghiệm tự nguyện trên các kênh truyền thông như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh; Đài Truyền thanh thông tin điện tử, bản tin, bảng tin…

1.2.3. Kết quả huy động

Huy động vốn xã hội hóa ở Vĩnh Phúc chủ yếu trong các lĩnh vực về giáo dục và y tế. Toàn tỉnh có 14 trường mầm non tư thục, 1 trường THPT ngoài công lập, 1 trường liên cấp mới đi vào hoạt động năm 2022 và hệ thống mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm tin học, ngoại ngữ, cơ sở dạy kỹ năng sống… Đối với lĩnh vực y tế, công tác xã hội hóa y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện chủ yếu bằng một số hình thức như: đẩy mạnh liên doanh, liên kết trang thiết bị phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh; khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân, gồm bệnh viện và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa; tăng cường sự giảm gia của các tổ chức, cá nhân đối với các chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo… Cụ thể, đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 331 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được cấp phép hoạt động và 1.263 cơ sở kinh doanh dược tư nhân. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, có 5 đơn vị y tế thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế để phát triển chuyên môn kỹ thuật, hình thức chủ yếu là liên doanh liên kết và thuê trang thiết bị, với tổng giá trị tài sản liên doanh liên kết là 84,6 tỷ đồng, chiếm gần 1,02% trong tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách cho lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai xã hội hóa trong các lĩnh vực về văn hóa, môi trường, dịch vụ công khác, nhìn chung là các dự án nhỏ lẻ với quy mô vốn thấp như xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi, phong trào xã hội hóa trồng cây phân tán…

1.2.4. Một số tồn tại, hạn chế

- Giáo dục ngoài công lập phát triển chậm, nguồn lực huy động từ công tác xã hội hóa còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục gồm công lập và ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo theo đúng quy định. Tỉnh hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể để phát triển hệ thống trường ngoài công lập.

- Các cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao chưa phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Xã hội hóa y tế phát triển chậm. Số đơn vị y tế mở rộng liên doanh, liên kết vẫn còn khá khiêm tốn so với số lượng các cơ sở khám chữa bệnh Vĩnh Phúc đang có, tập trung chủ yếu là các thiết bị để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thận nhân tạo và chủ yếu mới chỉ tập trung ở các trung tâm, khu đô thị, còn tại các huyện miền núi, vùng nông thôn, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng gần như chưa có. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư chỉ tập trung vào các bệnh viện tuyến trên, nơi có nhiều người dân có điều kiện kinh tế có khả năng chi trả các dịch vụ, từ đó khả năng thu hồi vốn nhanh hơn. Ngoài ra, thu hút vốn xã hội hóa vào bệnh viện ngoài công lập còn hạn chế do một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, nhân lực và sự phức tạp về kỹ thuật của hành nghề y tế. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn về công tác xã hội hóa trong y tế chưa đầy đủ nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện như: chưa có Thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh theo yêu cầu, chưa có quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; trong quy định về xã hội hóa chưa có hướng dẫn cách xác định tỷ lệ giá trị được hưởng từ giá trị thương hiệu của bệnh viện; quy định cách phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác… cũng là một trong những khó khăn khi triển khai xã hội hóa trong y tế.

- Nhiều chính sách chưa có các quy định cụ thể hoặc hướng dẫn thực hiện. Việc triển khai chủ trương, chính sách có lúc còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện chính sách còn gặp nhiều vướng mắc trong thực tế[12]. Nguyên nhân là do giai đoạn 2016-2020 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công, nên còn nhiều lúng túng và vướng mắc trong triển khai thực hiện. Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn một số nội dung chưa rõ ràng, không đồng nhất, khó thực hiện. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn do đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế và chính sách về đất đai thường xuyên thay đổi dẫn đến người dân có tâm lý chờ đợi tăng giá bồi thường, không chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. Ngoài ra, năng lực thể chế hóa các chủ trương thành cơ chế, chính sách cụ thể và khâu tổ chức thực hiện còn yếu, thiếu sáng tạo, thiếu tính thực tiễn. Thiếu cơ chế, chính sách đột phá để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

1.3. Đối với công cụ (kênh) trái phiếu chính quyền địa phương

1.3.1. Chính sách về trái phiếu

Theo Luật Quản lý nợ công 2017, trái phiếu chính quyền địa phương là công cụ nợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành để huy động vốn cho ngân sách địa phương Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ 05 năm, hằng năm của chính quyền địa phương theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, quyết định danh mục các dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và giám sát việc vay, vay lại, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, sử dụng vốn vay và trả nợ của chính quyền địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm, hằng năm của chính quyền địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; xây dựng chương trình quản lý nợ 03 năm của chính quyền địa phương, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của Luật quản lý nợ công. Bên cạnh Luật quản lý nợ công, một số văn bản QPPL quy định cụ thể hơn về trái phiếu chính phủ như:

Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Nghị định Số: 91/2018/NĐ-CP ngày 26/06/2018 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Nghị định Số: 93/2018/NĐ-CP ngày 30/06/2018 quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương;

Nghị định Số: 95/2018/NĐ-CP ngày 30/06/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước;

Thông tư số 30/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương;

Thông tư số 47/VBHN-BTC ngày 22/12/2020 về việc hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước

Điều kiện phát hành: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công 2017 và Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, điều kiện phát hành TPCQĐP gồm 03 điều kiện sau đây: (i) Phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án phát triển KTXH thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định; (ii) Có đề án phát hành trái phiếu được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu; (iii) Trị giá phát hành TPCQĐP phải trong hạn mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước.

Hình thức phát hành: TPCQĐP được phát hành theo 02 phương thức: (i) Đấu thầu tại Sở giao dịch chứng khoán; (ii) Bảo lãnh phát hành. Sau khi phát hành, trái phiếu được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và được niêm yết, giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán theo yêu cầu của chủ thể phát hành. Nhà đầu tư mua TPCP chính quyền địa phương chủ yếu là NHTM.

Việc thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cần đảm bảo việc vay phục vụ mục đích để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu; Trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh

- Khái niệm: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Luật quản lý nợ công 2017, “trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là công cụ nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách, của Nhà nước phát hành và được Chính phủ bảo lãnh”. Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được phát hành nhằm mục đích đầu tư cho các dự án: (i) Chương trình dự án được Quốc Hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; (ii) Chương trình dự án ứng dụng công nghệ cao; (iii) Chương trình dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư vì lợi ích lâu dài; (iv) Chương trình tín dụng mục tiêu của Nhà nước. TPCPBL được phát hành theo 03 hình thức: chứng chỉ, bút toán ghi sổ, dữ liệu điện tử.

- Điều kiện phát hành: Việc phát hành TPCPBL để đầu tư cho các dự án đáp ứng được điều kiện về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; nợ quá hạn, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu; về kết quả kinh doanh; về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu tham gia dự án; NHPT Việt Nam, NHCSXH được Chính phủ cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện các chương trình tín dụng mục tiêu của Nhà nước.

- Hình thức phát hành: Đối với DN, việc phát hành TPCPBL tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán về phát hành TPDN. Đối với các NH chính sách của Nhà nước, phát hành TPCPBL có thể áp dụng hai hình thức: đấu thầu phát hành (tương tự đối với TPCP) và đại lý phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp

- Khái niệm: Trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ, DN có nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn.

- Điều kiện phát hành:

+ Về phát hành TPDN ra công chúng: Theo Luật chứng khoán 2019, DN phát hành TPDN ra công chúng phải đáp ứng các yêu cầu sau: (i) vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên; (ii) hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phát hành phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm; (iii) có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; (iv) Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác; (v) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán TP ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; (vi) Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; (vii) Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành TP theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; (viii) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; (ix) Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán (HNX và HSX).

+ Về phát hành TPDN riêng lẻ: Theo Nghị định 153/2021/NĐ-CP (ngày 31/12/2020), Nghị định 65/2022 DN phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) là CTCP hoặc CT TNHH thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; (iii) thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); (iii) đáp ứng các tỷ lệ về an toàn tài chính, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; (iv) có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận; (iv) có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định; (v) đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

- Hình thức phát hành: TPDN được phát hành theo 02 phương thức: (i) phát hành ra công chúng; (ii) phát hành riêng lẻ với các điều kiện chặt chẽ về vốn, hiệu quả kinh doanh, hồ sơ, xếp hạng tín nhiệm, niêm yết trái phiếu…

1.3.2. Kết quả thực hiện

Cho đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang duy trì được mức thặng dư ngân sách tương đối lớn, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 16% GRDP của tỉnh. Vĩnh Phúc hiện tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương 33.561 tỷ đồng vào năm 2020 và là một các tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương lớn nhất, lên đến 47%, đứng thứ 2 ở miền Bắc sau thành phố Hà Nội và đứng thứ 5 cả nước sau TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Bắt đầu từ năm 2018, tỉnh bắt đầu vay vốn ngân sách nhà nước với tổng vốn là 948,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2021, đến năm 2021, chiếm khoảng 1,4% tổng thu cân đối ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, do có khả năng cân đối ngân sách nên nhu cầu vốn vay vào ngân sách chưa nhiều, do đó với các thủ tục quy định nghiêm ngặt về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc chưa thực hiện vay vốn theo hình thức này. Tuy nhiên, có thể cân nhắc đây là một kênh huy động vốn chính thống và tận dụng nguồn lực từ người dân trên địa bàn trong dài hạn khi việc huy động nguồn lực từ bên ngoài ngày càng trở lên khó khăn hơn.

Ngoài hình thức trái phiếu chính quyền địa phương, hình thức huy động vốn bằng phát hành giấy tờ có giá còn hai hình thức nữa là trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (TPCPBL); trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong giai đoạn 2016-2021, Vĩnh Phúc chưa phát hành TPCPBL. Thị trường TPDN đã bắt đầu hình thành từ năm 2000. Cùng với sự hoàn thiện khung khổ pháp lý, thị trường TPDN phát triển mạnh trong giai đoạn 2011 đến nay, đặc biệt từ năm 2017 đến nay nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2021, chưa có DN nào trên địa bàn Vĩnh Phúc phát hành TPDN, một phần do chưa đủ điều kiện (hầu hết DN quy mô nhỏ, số lượng DN ít), một phần do việc tiếp cận vốn tín dụng trên địa bàn khá thuận lợi cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN.

1.4. Chính sách ưu đãi đầu tư

1.4.1. Chính sách thực hiện

Các văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về hỗ trợ liên quan đến vốn như sau:

Các văn bản Luật:

Luật đầu tư số 61/2020/QH14: Chương III được ban hành ngày 17/06/2020 là chương quy định riêng cho chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho hoạt động đầu tư nói chung được áp dụng trên cả nước. Theo đó, Điều 15 quy định các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm (1) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế); (2) Miễn thuế nhập khẩu; (3) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất và (4) Áp dụng mức khấu hao nhanh, tăng mức tính chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Điều 16 thuộc Luật này xác định đối tượng là ngành/nghề và địa bàn được ưu đãi. Đối với nhóm ngành/nghề liên quan đến công nghệ, môi trường, giáo dục, y tế… được xác định là nhóm ngành nghề được ưu đãi. Đối với địa bàn, dự án tại các khu công nghiệp được ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, đối với nhóm dự án như dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng 500 lao động trở lên, dự án đầu tư tại địa bàn khó khăn, dự án sử dụng người lao động là người khuyết tật, các dự án có công nghệ cao và thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao. Riêng đối với lĩnh vực công nghệ, các hoạt động thuộc vườn ươm, khởi nghiệp, các trung tâm đổi mới sáng tạo đều được ưu tiên hỗ trợ.

Việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ còn có chính sách riêng cho các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quyết định và được áp dụng đối với các dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Đầu tư 2020.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14: Luật này quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, các hỗ trợ được quy định trong luật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: (1) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng (hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi); (2) Áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; (3) Được bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, các hỗ trợ khác như hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực… Đối với việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ để thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, được hỗ trợ a) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; b) Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; c) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; d) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; đ) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020: Chương III của Luật quy định về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, thuế suất được áp dụng là 10% trong vòng 15 năm (thông thường là 22%) đối với doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn khó khăn, trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, đặc biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành được hỗ trợ; áp dụng thuế suất 10% đối với doanh nghiệp từ hoạt động lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi).

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016: Chương IV của Luật này quy định các điều khoản về miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế. Theo đó, Luật xác định các danh mục hàng hóa được miễn thuế và theo danh mục hàng hóa miễn thuế tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP , Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/02/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định 134.

Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 ngày 17/06/2010: Tại Chương 3 về miễn thuế, giảm thuế, đất của các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về các ưu đãi đối với tiền thuê đất. Theo đó doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước. Nghị định số 135/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, theo đó đối với các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao được miễn tiền thuê đất sau thời gian xây dựng cơ bản từ 11 đến 15 năm đối với danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong Luật, việc thực hiện các chính sách ưu đãi sẽ theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào thực trạng kinh tế - xã hội, cụ thể như:

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020: Đặt nguyên tắc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để trở thành động lực của nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Chính phủ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm; Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 đến nền kinh tế, các biện pháp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đã thực hiện. Nghị quyết đặt mục tiêu tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, trong đó thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể hóa Nghị quyết 43, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết các nội dung hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. a) Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022; Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 và các văn bản có liên quan; Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2021; Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; b) Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; c) Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 về quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, quy định rõ các đối tượng đầu tư được hưởng ưu đãi đặc biệt bao gồm Thuế suất ưu đãi 9% trong thời gian 30 năm áp dụng đối với thu nhập của tổ chức kinh tế từ thực hiện dự án đầu tư thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư; hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 7% trong thời gian 33 năm đối với các dự án là dự án công nghệ cao mức 1; có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 1; Giá trị gia tăng chiếm từ trên 30% đến 40% trong giá thành toàn bộ của sản phẩm đầu ra cuối cùng do tổ chức kinh tế cung cấp;Đáp ứng tiêu chí chuyển giao công nghệ mức 1; có thể được hưởng mức thuế suất 5% trong 37 năm đối với dự án trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia theo quyết định Chính Phủ, dự án Là dự án công nghệ cao mức 2; Có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 2; Giá trị gia tăng chiếm trên 40% trong giá thành toàn bộ của sản phẩm đầu ra cuối cùng mà tổ chức kinh tế cung cấp; Đáp ứng tiêu chí chuyển giao công nghệ mức 2 có thể. Ngoài ra còn tiếp tục được giảm thuế sau thời gian này.

Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm rõ hơn quy trình, thủ tục để doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ về lãi suất.

Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được vay vốn hỗ trợ để trả lương cho người lao động theo các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 được hướng dẫn cụ thể tại các văn bản của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chính sách ưu đãi của địa phương

Ngoài các chính sách ưu đãi chung theo quy định của nhà nước, Tỉnh Vĩnh Phúc có các chính sách ưu đãi đầu tư được quy định tại các văn bản:

Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về thông qua Chương trình cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2020;

Nghị quyết số 159/2014/NQ-HĐND ngày 22/12/2014 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2020;

Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của Uỷ ban nhân dân dân tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020;

Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khu Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các Khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021;

Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Nghị quyết số 42/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 về việc sửa đổi, bổ sung điều 1, Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của Uỷ ban nhân dân dân tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020;

Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019-2021;

Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025.

Các văn bản do Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc ban hành hướng dẫn các Phòng, các chi cục Thuế triển khai thực hiện theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế.

Tỉnh có chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án mang tính ưu tiên khuyến khích đầu tư gồm: Dự án Giáo dục- đào tạo, dạy nghề; Y tế; Thể thao; Xử lý môi trường;

Phối hợp cùng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp nhận phản ánh kiến nghị, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bằng việc thiết lập, duy trì hoạt động Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc http://doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn (Kể từ khi nhận được câu hỏi, kiến nghị phản ánh của doanh nghiệp các cơ quan của tỉnh có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp sau thời gian không quá 05 ngày làm việc);

Về thủ tục hành chính: được công khai về quy trình, thành phần hồ sơ, mẫu biểu và được giám sát giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà đầu tư nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc với thời gian giảm từ 1/3 đến một nửa so quy định chung của Việt Nam.

1.4.2. Công tác phổ biến chính sách tới dân cư:

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, ngành Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người nộp thuế các cơ chế, chính sách ưu đãi và quy trình, thủ tục để hưởng ưu đãi bằng nhiều hình thức như gửi email, đăng tin bài trên website của Cục Thuế Vĩnh Phúc, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo.

Đồng thời, bố trí cán bộ hướng dẫn người nộp thuế trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế, trả lời vướng mắc của người nộp thuế bằng văn bản và qua mục Hỏi đáp trên hệ thống Dịch vụ thuế điện tử (e Tax) để người nộp thuế xác định đúng các nhóm hàng hóa được giảm thuế, hướng dẫn cách lập hóa đơn và kê khai thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định.

Thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, các Chi cục Thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến để người nộp thuế kịp thời nắm bắt được chính sách của Nhà nước, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện thủ tục, tiếp nhận và xử lý đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế của người nộp thuế, đảm bảo 100% đề nghị gia hạn được xử lý kịp thời, đúng đối tượng, thẩm quyền và đúng quy trình thủ tục.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục nhận ưu đãi, hỗ trợ.

1.4.3. Kết quả thực hiện chính sách ưu đãi tại địa phương

Tại địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát các chính sách ưu đãi của cả nước, cụ thể, Vĩnh Phúc đã áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với mức 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao và với những khoản thuế TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải cũng như các khoản thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng; thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% trong thời gian 10 năm áp dụng đối với các khoản thuế TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Sản xuất thiết bị tưới tiêu; Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; Phát triển ngành nghề truyền thống. Đối với các DN còn lại, áp dụng mức thuế suất thuế TNDN khoảng 22%; áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế TNDN từ 2 đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN tùy theo ngành nghề dự án đăng ký đầu tư.

Để thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN trong các KCN, Vĩnh Phúc đã áp dụng hình thức miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư (từ thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được…

Ngoài việc được ưu đãi về thuế như trên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng áp dụng một số ưu đãi khác như: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Cụ thể, Tỉnh miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCN theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật), miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản nêu trên; áp dụng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng với mức không quá 15% theo phương án bồi thường, 100% kinh phí trường hợp cưỡng chế. Đối với các dự án FDI vào lĩnh vực xã hội như: Giáo dục, y tế, văn hóa… Vĩnh Phúc sử dụng ngân sách để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các dự án đầu tư trong nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn như: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện tử, viễn thông; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh doanh du lịch với các loại hình sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng chất lượng cao... Tỉnh cũng đã dành ngân sách hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần để xây dựng một số hạng mục đầu tư trong các KCN, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng trong việc xây dựng các KCN; hỗ trợ các KCN giải quyết nhà ở cho công nhân trong KCN.

Cùng với việc triển khai các ưu đãi trên, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các KCN thực hiện việc đào tạo và cung cấp thông tin lao động phục vụ các KCN; hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân ở các vùng bị lấy đất để xây dựng các KCN. Hàng năm, Vĩnh Phúc đều đầu tư một lượng ngân sách khá lớn để đặt hàng các cơ sở đào tạo hoặc hỗ trợ họ trong quá trình tổ chức đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của các doanh nghiệp trong các KCN.

Tỉnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư hạ tầng CCN; lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn trong CCN, đồng thời hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường giải pháp mặt bằng (không quá 20 tỷ đồng/CCN), hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống điện phục vụ CCN theo đơn giá quy định của Nhà nước; hỗ trợ 30$% kinh phí xây dựng Nhà điều hành, quản lý CCN; hỗ trợ 10% giá thuê mặt bằng cho DN vừa và nhỏ được đầu tư 100% vốn của doanh nghiệp trong nước đầu tư CCN.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, các chính sách ưu đãi trở thành công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất. Toàn tỉnh đã có gần 650 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, với tổng số tiền được gia hạn đến tháng 10/2022 đạt trên 3.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có gần 3.700 doanh nghiệp nộp thuế được kê khai giảm thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền giảm hơn 1.000 tỷ đồng; hơn 700 hộ kinh doanh cá nhân được giảm tổng số tiền thuế giá trị gia tăng hơn 1,4 tỷ đồng; gần 4.700 xe ô tô lắp ráp trong nước được giảm 50% phí trước bạ, tổng số tiền giảm hơn 145 tỷ đồng… Các chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí trên địa bàn tỉnh được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về việc giảm thuế giá trị gia tăng, tính đến tháng 6/2022, tổng số thuế giảm đạt 826.724 triệu đồng.

Đối việc thực hiện Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hai công ty là Công ty Honda Việt Nam và Công ty TNHH Toyota Việt Nam sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã thực hiện đúng hướng dẫn và được gia hạn 448.795 triệu đồng. Đối với Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022, tính đến ngày 20/7/2022, cục Thuế và các chi cục Thuế đã tiếp 243 giấy đề nghị gia hạn được tiếp nhận và xử lý.

Về cơ bản, tỉnh Vĩnh Phúc đã tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi từ Trung ương và chủ động trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cũng như phổ biến các chính sách đến người dân. Kết quả thực hiện cho thấy các doanh nghiệp đều được hưởng những ưu đãi theo đúng quy định của nhà nước.

1.5. Đối với công cụ (kênh) PPP

1.5.1. Thực trạng chính sách hiện hành

a. Chính sách do cấp trung ương ban hành

Theo Luật số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP. Các dự án PPP nhằm đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây: a) Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; b) Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có; c) Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có. Có 07 loại hợp đồng dự án PPP được quy định theo Luật số 64/2020/QH14.

Chính phủ đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH. Từ 2015 đến nay, nhóm chính sách trực tiếp điều chỉnh các dự án PPP được chia thành 03 giai đoạn.

Giai đoạn 2015 đến 2018: Quy định về PPP được thống nhất tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đồng thời bổ sung phù hợp với tình trạng, hoàn cảnh của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 17/3/2015, Nghị định 30/2015/NĐ-CP được ban hành, quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu 2013 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Để cụ thể hóa hoạt động PPP trong các lĩnh vực chuyên ngành, các Bộ/ngành đã ban hành các Thông tư hướng dẫn như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính.

Giai đoạn 2018-2020: Khung pháp lý về PPP được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018, thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP , nhằm khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế, các rào cản ở cấp Nghị định, cũng như rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về: lĩnh vực đầu tư, hợp đồng dự án, tăng cường việc phân cấp, yêu cầu về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, yêu cầu về thời điểm chuyển nhượng dự án; yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng về tác động dự án…

Từ năm 2021 đến nay: Các Nghị định liên quan đến PPP đã được bãi bỏ và mọi hoạt động về PPP được quy định tại Luật số 64/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Đây là khung pháp lý cao nhất về hoạt động PPP từ trước đến nay, nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, triển khai PPP thời gian qua. Để cụ thể hóa các quy định trong Luật PPP, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật được ban hành như Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021; Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021. Mặt khác, các Bộ/ngành cũng đang hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn chuyên ngành để phù hợp với những thay đổi mới trong Luật PPP.

Hình 1. Khung pháp lý về PPP theo Luật PPP số 64/2020/QH14

Nguồn: Vũ Quỳnh Lê (2021).

Bên cạnh pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp PPP, các dự án PPP còn chịu sự điều chỉnh của một số pháp luật chuyên ngành khác như: pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng. Ngoài ra, một hệ thống các quy định hỗ trợ đầu tư theo PPP hoặc xã hội hóa đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể cũng đã được xây dựng và ban hành như: lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn; lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải; lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế...

b. Chính sách do cấp tỉnh ban hành

- Ngoài các quy định hiện hành chung của trung ương điều chỉnh hoạt động PPP (cụ thể là Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn Luật), hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc không có quy định hướng dẫn chi tiết nào khác do cấp tỉnh ban hành (theo quy định về phân cấp, phân quyền), nhằm quản lý và thực thi các dự án PPP trên địa bàn tỉnh.

- Tuy nhiên, hàng năm tỉnh vẫn ban hành một số chính sách liên quan tới hoạt động PPP trên địa bàn tỉnh gồm: Ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư[13] và chương trình xúc tiến đầu tư, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch các dự án PPP trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục các thủ tục hành chính, dịch vụ công liên quan đến PPP được thực hiện trực tuyến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc[14] gồm thủ tục thẩm định các dự án PPP ở mức dịch vụ công cấp độ 4.

c. Công tác phổ biến chính sách tới dân cư

Hiện chưa có công tác phổ biến chính sách về hoạt động PPP tới khu vực dân cư, chủ yếu do đối tượng là các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động và tham gia góp vốn đầu tư.

1.5.2. Thực trạng huy động vốn

Kể từ khi Luật số 64/2020/QH14 về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có dự án nào được triển khai thực hiện theo quy định của Luật PPP.

1.5.3. Đánh giá chung

- Trong giai đoạn mới kể từ khi Luật số 64/2020/QH14 về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật được ban hành và có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, vẫn chưa có dự án phù hợp nào được triển khai thực hiện[15]. Lý do là bởi chưa có dự án đề xuất nào phù hợp với quy định tại Điều 4 Luật PPP (quy định về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP); đồng thời chưa nhận được đề xuất dự án đầu tư theo phương thức PPP của các nhà đầu tư.

- Đối với giai đoạn trước, lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung cho cơ sở hạ tầng giao thông và chủ yếu là các dự án PPP sử dụng nguồn vốn trong nước. Đối với lĩnh vực về an sinh xã hội, các dự án PPP chưa thu hút được sự tham gia tích cực từ các nguồn vốn đầu tư trong nước và có quy mô rất nhỏ so với các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài ODA.

c. Nguyên nhân

- Thực tế đối với việc đầu tư theo phương thức PPP ở các địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc, hầu hết các dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn Luật, không còn quy định về hình thức đầu tư này nữa. Do đó, việc tiếp cận và triển khai các dự án theo quy định của Luật PPP ở địa phương gặp khó khăn và lúng túng, trong khi các quy định mới của trung ương về PPP mới được ban hành và có hiệu lực.

2. Thực trạng sử dụng có hiệu quả vốn từ khu vực ngoài nhà nước

2.1. Thực trạng sử dụng vốn xã hội hóa (giáo dục đào tạo, y tế và văn hóa)

Về giáo dục, việc triển khai thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đầu tiên trong cả nước vào năm 2012. Đến nay, 100% các xã và các huyện, thành phố duy trì, giữ vững các điều kiện, tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong 5 năm gần đây, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh Vĩnh Phúc được xếp ở vị trí cao so với cả nước. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định là thế mạnh, là thương hiệu của Vĩnh Phúc.

Triển khai thực hiện công tác xã hội hóa cũng góp phần giảm tải cho các đơn vị công lập, góp phần cung cấp dịch vụ dạy và học chất lượng hơn. Tuy vậy, số lượng trường ngoài công lập tại Vĩnh Phúc còn ít, chỉ có 1 trường THPT với 6 lớp và 182 học sinh, bình quân 30,3 học sinh/lớp (trong khi đó con số này ở các trường công là 39,4 học sinh/lớp). Tình trạng quá tải vẫn tiếp tục diễn ra. Số lượng học sinh bình quân trên 1 lớp của Vĩnh Phúc ở hai cấp tiểu học và THCS lần lượt là 34,1 và 39 học sinh/lớp, cao hơn so với mức bình quân 31,3 và 37,4 học sinh/lớp của cả nước.

Hình. Số lượng học sinh bình quân 1 lớp các cấp tỉnh Vĩnh Phúc

Nguồn: Tổng hợp từ GSO, Đề án Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được tăng cường song chưa đáp ứng được yêu cầu, đặt ra vấn đề cần phải tập trung đầu tư cho ngành giáo dục, trong đó bao gồm việc thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa.

Về y tế, việc thực hiện xã hội hóa đã góp phần gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Số giường bệnh tư nhân là 230 giường, đạt tỷ lệ 1,9 giường bệnh/1 vạn dân, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ 2,8 giường bệnh/1 vạn dân của cả nước.

Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế công lập do ngành y tế quản lý, số giường bệnh thực tế năm 2021 cao hơn số giường bệnh kế hoạch là 27,9%; Có thể thấy, có sự chênh lệch lớn giữa giường bệnh thực kê và giường bệnh kế hoạch, dẫn tới không đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc cho người bệnh, tăng nguy cơ lây chéo giữa các bệnh nhân. Điều này cũng cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân luôn rất cao, đặt ra yêu cầu về việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân.Trong khi đó, cơ sở vật chất các đơn vị y tế chưa đồng bộ, nhiều đơn vị được đầu tư từ lâu đã xuống cấp, cần được nâng cấp, sửa chữa. Trang thiết bị tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật và định mức theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh.

Về văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn, phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Thể thao quần chúng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Thể thao thành tích cao có những bước tiến bền vững, một số môn khẳng định được thương hiệu và đứng trong top đầu quốc gia, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Phúc năng động, phát triển tới bạn bè trong, ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.

2.2. Đánh giá hiệu quả Nguồn lực trong dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh

Xem xét ICOR theo loại hình kinh tế cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước bị ảnh hưởng rõ rệt bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, ICOR của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 233,85 vào năm 2020, trung bình cả giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ đạt 14,74. Có thể thấy, trong năm 2020 quy mô vốn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn đạt 13,563 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), trong khi GRDP theo giá so sánh 2010 chỉ tăng khoảng 58 nghìn tỷ đồng.

Hình 8: ICOR phân theo loại hình kinh tế

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Phúc

Quy mô vốn sản xuất bình quân trang bị cho một lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là lớn nhất so với các khu vực doanh nghiệp còn lại. Cụ thể, đến năm 2020, quy mô vốn sản xuất kinh doanh bình quân một lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.909 triệu đồng/lao động; trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2.154 triệu đồng/lao động; trong khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ là 1.317 triệu đồng/lao động (thấp hơn mức bình quân chung của cả tỉnh là 1.614 triệu đồng/lao động). Tốc độ tăng trưởng bình quân quy mô vốn sản xuất kinh doanh trên một lao động của từng khu vực này lần lượt là 17,5%/năm; 20,3%/năm; 3,8%/năm. Đến năm 2020, quy mô tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn bình quân một lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.902 triệu đồng/lao động, cao gấp ba lần so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (đạt 641 triệu đồng/lao động) và gấp 3,7 lần so với khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (đạt 493 triệu đồng/lao động). Tốc độ tăng bình quân quy mô tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn trên một lao động của từng khu vực này lần lượt là 22,4%/năm; 20,7%/năm; 4,6%/năm. Đến năm 2020, quy mô trang bị TSCĐ trên một lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.706 triệu đồng/lao động; trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 262 triệu đồng/lao động; trong khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là 361 triệu đồng/lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân quy mô trang bị TSCĐ trên một lao động của từng khu vực này trong giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 19,8%/năm; 0,9%/năm; -1,7%/năm.

Tuy nhiên, sự đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp toàn tỉnh chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi sự đóng góp từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước còn rất hạn chế. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2020 lỗ hơn 300 tỷ đồng; của khu vực doanh nghiệp nhà nước lãi hơn 28 tỷ đồng; trong khi của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lãi hơn 31.451 tỷ đồng. Nếu so sánh lợi nhuận trước thuế bình quân trên một lao động, đến năm 2020, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 16 triệu đồng/lao động; trong khi đó khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt quy mô 222 triệu đồng/lao động, cao gấp 13,63 lần. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng là một tiêu chí phản ánh sự thiếu hiệu quả trong kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, đến năm 2020, tỷ suất này của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,15%, cao hơn mức bình quân của toàn tỉnh là 6,65%; của khu vực nhà nước là 4,22%; của khu vực ngoài nhà nước là -0,24%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ suất này của khu vực doanh nghiệp nói chung và khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần, cho thấy sự giảm dần về mức độ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là lớn nhất so với các khu vực doanh nghiệp còn lại. Cụ thể, đến năm 2020, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9.669 nghìn đồng, cao gấp 1,62 lần so với năm 2015; trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 7.062 nghìn đồng; trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 5.940 nghìn đồng.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp qua chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản, tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu, cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty, hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA, ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn) cho thấy doanh nghiệp ngoài nhà nước có hệ số ROA âm kể từ năm 2015 trở lại đây nếu tính toán trên Dữ liệu điều tra doanh nghiệp hằng năm. Hệ số ROA của khu vực này là âm 2,93 trong năm 2015 và tiếp tục duy trì mức âm trong thời gian dài trong khi khu vực doanh nghiệp FDI cho thấy tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản là rất lớn và cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.

Bảng 9: ROA phân theo loại hình doanh nghiệp

Năm

DNNN

DNNNN

DNFDI

2011

3,08

1,52

6,10

2012

-0,49

1,50

4,76

2013

1,44

1,85

5,06

2014

2,15

1,89

3,70

2015

2,44

-2,93

8,59

2016

1,59

-0,16

7,25

2017

2,37

-0,84

8,54

2018

0,09

-0,93

1,99

2019

1,45

-0,78

5,33

2020

1,47

-0,72

5,67

Nguồn: Điều tra doanh nghiệp của GSO

Nếu phân theo ngành kinh tế, có thể thấy quy mô đầu tư cho các ngành kinh tế không tương xứng với hiệu quả kinh tế mà các ngành này tạo ra. Cụ thể, quy mô tài sản cố định bình quân trên một lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020 là 340 triệu đồng/lao động; ngành vận tải, kho bãi là 321 triệu đồng/lao động; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác là 221 triệu đồng/lao động. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho tài sản cố định và tài chính dài hạn cho hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ còn hạn chế, chỉ đạt 78 triệu đồng/lao động (năm 2020), thấp hơn 4,4 lần so với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thậm chí thấp hơn ngành dịch vụ ăn lưu trú và ăn uống 4,9 lần. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, chỉ có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là có lợi nhuận dương, trong khi đó các ngành kinh tế còn lại đều chịu lỗ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế bình quân trên một lao động trong ngành công nghệ chế biến, chế tạo đến năm 2020 đạt 182 triệu đồng/lao động, giảm so với năm 2015 và chỉ bằng 0,7 lần (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu giảm tương ứng từ 14,7% còn 8,25%). Trong khi đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chịu mức lỗ trước thuế trên một lao động là lớn nhất, đạt -48 triệu đồng/lao động (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu giảm tương ứng từ 0,5% xuống còn -1,03%). Mặc dù có mức tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là thấp nhất so với các ngành kinh tế (đến năm 2019), những ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ lại có mức thu nhập bình quân một tháng của người lao động là cao nhất, đạt 10.146 nghìn đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2015; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9.294 nghìn đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2015; ngành xây dựng là 8.909 nghìn đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2015.

III. Đánh giá chung

Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, với hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng hoàn chỉnh, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp như những tỉnh thành khác trong vùng ĐBSH. Tận dụng những lợi thế này, trong giai đoạn vừa qua, Vĩnh Phúc đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và tận dụng tốt những nguồn lực trên địa bàn cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các nguồn lực về lao động, đất đai, huy động vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn vốn đầu tư, đóng góp chủ chốt trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, trong đó khu vực ngoài nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Tổng vốn khu vực ngoài nhà nước năm 2021 huy động đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015, trong đó, 1,9 nghìn tỷ thuộc tổ chức doanh nghiệp và 14,2 nghìn tỷ thuộc khu vực dân cư. Đã có thời điểm vốn thuộc tổ chức doanh nghiệp đạt trên 6 nghìn tỷ động (năm 2018) nhưng giảm xuống trong năm 2021 do ảnh hưởng của COVID-19, tuy nhiên có thể thấy nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tương đối còn hạn chế so với nguồn vốn từ trong dân cư. Huy động vốn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt được một số thành tựu như sau:

- Vốn được huy động qua hệ thống ngân hàng đang tăng lên nhanh chóng. Lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,2%, cao so với mức bình quân của cả nước. Nhờ nguồn huy động tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đạt bình quân 20,2%, tạo nguồn tín dụng ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Nguồn vốn huy động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt mức khá, tăng trưởng nhanh và dồi dào, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu về vốn vay sản xuất kinh doanh.

- Chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát các động thái của NHNN.

- Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang góp phần quan trọng cho việc duy trì lượng tiền gửi trong các tài khoản cá nhân và tổ chức.

- Bước đầu có đầu tư từ khu vực tư nhân cho các dịch vụ y tế, giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân trên địa bàn.

Chính sách ưu đãi đầu tư được tỉnh Vĩnh Phúc tận dụng và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong gia nhập thị trường và cú sốc COVID-19.

Bên cạnh những thành tựu, một số hạn chế như sau:

Tiền gửi tiết kiệm của dân cư có xu hướng tăng lên nhưng quy mô tiền gửi còn rất hạn chế, tương đối thấp so với lượng vốn ước tính từ khu vực này. Các hình thức khác như huy động vốn qua các giấy tờ có giá còn rất hạn chế.

Năng lực của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn.

Doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc huy động vốn qua kênh ngân hàng từ các tổ chức doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nguồn vốn xã hội hóa còn tương đối hạn chế, trong khi chất lượng khu vực tư vẫn còn chưa thực sự đảm bảo theo đúng quy định. Xã hội hóa lĩnh vực y tế còn chậm.

Nguồn vốn vay có thể huy động từ nguồn trái phiếu chính quyền địa phương chưa được thực hiện, chưa tạo được kênh đầu tư đảm bảo và sử dụng nguồn vốn trái phiếu hiệu quả trên địa bàn.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC TRONG DÂN CƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025

I. Bối cảnh quốc tế, trong nước và tỉnh Vĩnh Phúc

1. Bối cảnh quốc tế

Kinh tế thế giới trong giai đoạn tới đây sẽ có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả do COVID-19 để lại, bao gồm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, bất ổn về chính trị, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao sau những nỗ lực kích cầu, cũng như sự tái cơ cấu dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tăng trưởng thương mại cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều là những nước đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế do hậu quả từ các nỗ lực kích cầu và ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga - Ukraine. Do đó, các quốc gia này có thể sẽ phải thay đổi các chính sách kinh tế đã triển khai và có những định hướng mới trong hội nhập quốc tế, đáng chú ý là việc đối phó với sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu, các quốc gia có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung là cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế nhưng trong đó các chính sách tập trung về thị trường nội địa cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục là xu thế chủ đạo, tạo điều kiện cho dịch chuyển ngày càng tự do và trên quy mô lớn (toàn cầu) các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ, nhân lực…). Việt Nam đã hoàn tất ký kết các FTA với các đối tác lớn như CPTPP, EVFTA và thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, ASEAN - Trung Quốc... Thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ giảm xuống mức 0-5% sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt tại các nước có độ mở lớn.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tái định hình chuỗi cung ứng và dòng đầu tư FDI trên toàn thế giới. Sự gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng trong thời gian dịch bệnh diễn ra gay gắt là cú sốc với nhiều quốc gia, nhiều quy trình sản xuất, đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải tái định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hạn chế rủi ro. Trước khi COVID-19 xuất hiện, Trung Quốc là công xưởng sản xuất lớn của thế giới, là nơi sản xuất, gia công nhiều loại hàng hoá, quốc gia này cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU tạo thành trung tâm mạng lưới sản xuất toàn cầu. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, các biện pháp cách ly, phong tỏa chặt chẽ của quốc gia này đã khiến hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác gián đoạn, tạm thời cắt đứt chuỗi cung ứng vốn vận hành linh hoạt trước đây. Hoàn cảnh này đặt các doanh nghiệp trước bài toán cần có sự thay đổi, đa dạng hoá các nguồn cung nhằm phân tán rủi ro và hạn chế tác động dây chuyền, từ đó dẫn tới khả tái phân bổ hoạt động sản xuất tại một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc trong tương lai, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đại dịch lan sang các nước châu Âu và Mỹ, các biện pháp cách ly phong tỏa tiếp tục khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt với sự sụt giảm dòng vốn FDI. Mặc dù COVID-19 không phải là khủng hoảng của khu vực tài chính nhưng có thể trở thành khủng hoảng tài chính khi các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và không có khả năng trả nợ, vì vậy ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư. Dòng vốn FDI đã giảm 35% trong năm 2020 so với năm 2019, từ 1.500 tỷ USD xuống dưới 1.000 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2005. Năm 2021, FDI toàn cầu đã dần phục hồi và vượt qua mức trước đại dịch COVID-19, đạt 1.582 tỷ USD, tăng 64% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng của lạm phát và các biện pháp kiềm chế lạm phát khiến cho tăng trưởng kinh tế của các nước này đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc suy giảm lượng vốn đầu tư ra bên ngoài. Tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực, gây ra khủng hoảng trên cả 3 lĩnh vực lương thực, nhiên liệu và tài chính, đẩy giá năng lượng và hàng hoá trên toàn cầu tăng cao, dẫn đến lạm phát, từ đó gia tăng tình trạng rủi ro, suy giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi FDI trên phạm vi toàn cầu. Các nền kinh tế đang phát triển dự báo sẽ có mức sụt giảm FDI lớn hơn do phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư trong các ngành công nghiệp khai thác và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Trong nửa đầu 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu đã giảm 3,8% so với cùng kỳ 2021. Bước sang năm 2023, dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. FDI vào các nước phát triển và đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. FDI vào các nước phát triển dự kiến sẽ giảm từ 25% đến 45%. Thu hẹp lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập tái đầu tư, trung bình chiếm hơn 50% vốn FDI.

Khoa học công nghệ phát triển nhanh với sự bùng nổ của CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất và cách thức quản trị, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lội ngược dòng của các dòng đầu tư. Những tiến bộ vượt bậc của KHCN sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, thương mại và đầu tư toàn cầu, do đó dẫn đến sự phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, hay nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ trở lên hạn chế hơn, do đó nguồn vốn sẽ rời khỏi các quốc gia chỉ có lợi thế về gia công giá rẻ như thị trường Việt Nam. Do đó, nếu như không phát triển được khoa học công nghệ, không có nguồn lao động có chất lượng cao thì nguồn vốn chảy vào Việt Nam sẽ theo xu hướng ngày càng giảm cùng với các tiến bộ khoa học công nghệ.

2. Bối cảnh trong nước

Giai đoạn đến 2025 là thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu lớn như đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, tăng năng suất, hiệu quả nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, thu hút FDI có chất lượng và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI. Kể từ sau khi mở cửa nền kinh tế đến nay, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng lên nhiều lần và tăng đều qua các năm, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tính đến hết 2020, đã có 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký lên tới 70,6 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư); đứng thứ 2 là Nhật Bản với tổng vốn đăng ký là 60,3 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư). Các lĩnh vực thu hút nhiều FDI nhất giai đoạn 2010-2020 tập trung trong nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng số vốn đạt 91,4 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ 2 là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký là 51 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đăng ký FDI của tất cả các ngành.

Trong những năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng có xu hướng tập trung vào một số ít nhóm ngành chủ lực, gắn với lộ trình cắt giảm thuế quan và mở cửa các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn theo cam kết FTA. Bước vào giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, Việt Nam với những khó khăn từ nội tại trước đó và ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19 sẽ phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp cho Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu từ đó đem lại các cơ hội để cơ cấu lại vốn, công nghệ theo hướng hiện đại hơn.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội ra Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ ra Nghị Quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng 32 - 34% GDP.

Việc tham gia và thực hiện các FTA sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thể chế, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập cũng như cơ hội để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Từ bên ngoài, tình hình dịch bệnh và tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng xấu đến đà xuất khẩu trong ngắn hạn, cũng do sự suy giảm tăng trưởng của nhiều quốc gia, hoạt động đầu tư bị chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang chứng minh nhiều lợi thế trong việc kiểm soát dịch bệnh và đang được đánh giá là một trong những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát dịch bệnh, là điểm đến an toan toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hậu COVID-19 và trong dài hạn, cơ cấu đầu tư và sự chuyển dịch đầu tư sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu như lĩnh vực bán lẻ, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, thương mại điện tử… Nguồn vốn FDI dự kiến có thể dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc và vùng lãnh thổ sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để tránh căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi sản xuất của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội mới đến từ các thị trường tiềm năng trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang có lợi thế trong việc thu hút đầu tư tư các quốc gia châu Âu với Hiệp định EVFTA cũng như đến từ các nước châu Á trong giai đoạn tới.

3. Bối cảnh tỉnh Vĩnh Phúc

Tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được trong 20 năm tái lập tỉnh với nhiều bài học kinh nghiệm, thực hiện các văn bản quan trọng định hướng cho sự phát triển lâu dài của tỉnh đã được phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 là cơ hội cho tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thành tựu trong cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tích cực, năng suất và chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện. Trong bối cảnh cả nước thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi về mặt chính sách và hỗ trợ từ trung ương trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Về vị trí, Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng thủ đô, hệ thống giao thông kết nối với Hà Nội và các tỉnh trong vùng rất thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực đã được quy hoạch và đầu tư khá đồng bộ; có những địa danh du lịch, di chỉ văn hoá nổi tiếng; điều kiện địa chất, khí hậu tốt, ít chịu sự tác động lớn của thiên tai. Vĩnh Phúc có thế mạnh phát triển công nghiệp với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là giao thông) cùng với quỹ đất lớn (gần 5.500 ha đất công nghiệp của 19 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch), cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng. Bên cạnh đó là lợi thế với nền tảng có sẵn trong một số lĩnh vực công nghiệp có giá trị, như ô tô xe máy, chế tạo linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng. Những điều kiện này giúp tạo lợi thế để phát triển Vĩnh Phúc trở thành một trong các trọng điểm của quốc gia trong phát triển công nghiệp; tạo dựng được uy tín, thương hiệu của tỉnh.

Về môi trường thể chế, Vĩnh Phúc đã tạo ra và duy trì được sự ổn định về chính sách, chiến lược phát triển, và công tác quy hoạch đảm bảo sự kế thừa và nhất quán giữa các thời kỳ. Tư duy đổi mới sáng tạo qua nhiều thời kỳ cùng khát vọng phát triển ở con người Vĩnh Phúc cũng là các thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại, ngoại giao cũng ngày càng được đẩy mạnh để mở rộng hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương, đối tác trong khu vực và trên thế giới nhằm từng bước xây dựng và khẳng định hình ảnh, vị thế về một Vĩnh Phúc thân thiện, giàu tiềm lực phát triển. Những thành tựu đạt được trong những năm qua chính là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới.

Đối với cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong thu hút FDI. Vốn FDI trên địa bàn Vĩnh Phúc tăng dần qua các năm về cả quy mô và tỷ trọng. Năm 2020, tỷ trọng khu vực FDI trên tổng GRDP của tỉnh đạt 32,9%, tăng thêm 3,85 điểm % so với năm 2015 và trở thành khu vực giữ vai trò chủ chốt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn vốn FDI đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. FDI hiện chiếm tới 100% giá trị sản xuất ngành cơ khí, sản xuất ô tô, xe máy, và 99,8% doanh thu ngành sản xuất linh kiện điện tử, là 2 ngành công nghiệp sản xuất chiếm tới 90% giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc nền kinh tế nếu dựa chủ yếu vào khu vực FDI trở nên dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và nhiều rủi ro.

Trước những hạn chế trong giai đoạn phát triển trước, cùng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, mô hình tăng trưởng còn phụ thuộc chủ yếu yếu tố vốn và vốn FDI, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị thấp, khả năng tiếp cận các nguồn lực hạn chế đã đặt ra yêu cầu Vĩnh Phúc cần có những định hướng chiến lược, có những biện pháp huy động đa dạng nguồn vốn cho phát triển, và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, làm động lực cho phát triển lâu dài và bền vững.

II. Dự báo nhu cầu sử dụng vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025

Để dự báo được nhu cầu vốn đầu tư tại Vĩnh Phúc đến năm 2030, sử dụng các phương pháp sau:

(1) Mô hình kinh tế lượng.

I = f(GDP,L,t)

Mô hình dạng lô ga được viết như sau:

Log(I) = log(GDP) + Long(L) + t + Ui

Trong đó,

I là nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc

GDP - tổng sản phẩm quốc nội

L - Lao động đang hoạt động kinh tế

T - xu hướng theo thời gian

Ui - nhiễu của của hình

(2) Dự báo bằng chuỗi thời gian

Dự báo các chỉ tiêu đầu tư của Vĩnh Phúc được chia làm hai giai đoạn:

+ Giai đoạn dự báo 2022-2023: dự báo GDP dựa trên phương pháp trung bình trượt, chuỗi thời gian và kết hợp với ý kiến chuyên gia để dự báo. Nguyên nhân là do chuỗi số liệu được sử dụng để dự báo là quá ngắn nên phải kết hợp nhiều phương pháp dự báo để đưa ra kết quả dự báo tốt nhất

+ Giai đoạn 2024-2030, dự báo GDP dựa trên phương pháp hàm sản xuất Cobb-Douglas: GDP = A.Kα.L1- α Trong đó, K là tích lũy vốn và L là lao động và với giả thiết hiệu quả của nền kinh tế không đổi theo quy mô.

+ Đối với nguồn vốn đầu tư công: Với dự báo nguồn lực đầu tư công thời kỳ quy hoạch 2021-2030 của tỉnh như tính toán là đảm bảo tính khả thi do việc tính toán:

(1) Là dựa trên dự báo và kỳ vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới;

(2) vốn đầu tư công theo hỗ trợ từ ngân sách trung ương được tính toán tăng bình quân khoảng 7,5% so với tỷ lệ bình quân của giai đoạn 2011-2020;

(3) dựa trên một số đột phá về các cơ chế chính sách để tăng nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh như: phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, …

+ Thông tin trong Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh vĩnh phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều chỉnh kịch bản dự báo phù hợp với quy hoạch tỉnh trong thời kỳ 2021-2030. Theo đó, kết quả dự báo tăng trưởng GRDP theo 03 kịch bản được đưa ra cụ thể như sau:

Bảng 10: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế

Đơn vị: %

2011-2015

2016-2020

2021-2025

Kịch bản 1

6,10

7,03

8,97

Kịch bản 2

6,10

7,03

9,37

Kịch bản 3

6,10

7,03

9,77

Theo kết quả dự báo tăng trưởng kinh tế ở trên, Kịch bản 1 là có thể xảy ra khi tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới, diễn biến xung đột Nga - Ucraina, và những ảnh hưởng tiêu cực khác từ kinh tế thế giới cũng như trong nước. Theo đó, trong kịch bản 1 bản tăng trưởng trung bình giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 8,97%. Tương tự như vậy đối với kịch bản 2 khi hiệu quả nguồn lực trong tỉnh được cải thiện và những tác động tích cực từ chính sách kinh tế của cả nước cũng như của tỉnh Vĩnh Phúc mang lại. Theo đó, kịch bản 2 tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 có thể đạt 9,37%. Kịch bản 3 cũng có thể xảy ra khi hiệu quả nguồn lực cũng như hiệu quả chính sách rõ rệt hơn so với kịch bản 2. Khi đó, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 có thể đạt 9,77%. Để đáp ứng được mức độ tăng trưởng ở trên, ngoài việc đảm bảo môi trường vĩ mô, môi trường chính sách thì nhu cầu nguồn vốn là tương đối quan trọng. Theo đó, dự báo nhu cầu nguồn vốn theo 03 kịch bản cụ thể như sau:

Bảng 11: Dự báo nhu cầu nguồn vốn

Đơn vị: nghìn tỷ đồng, %

2011-2015

2016-2020

2021-2025

Kịch bản 1

Tổng nhu cầu vốn

96,48

178,31

312,17

Tốc độ tăng vốn bình quân

13,00

9,46

11,24

ICOR

5,17

5,88

4,80

Kịch bản 2

Tổng nhu cầu vốn

96,48

178,31

323,05

Tốc độ tăng vốn bình quân

13,00

9,46

11,65

ICOR

5,17

5,88

4,73

Kịch bản 3

Tổng nhu cầu vốn

96,48

178,31

333,60

Tốc độ tăng vốn bình quân

13,00

9,46

12,05

ICOR

5,17

5,88

4,65

Theo kết quả dự báo ở trên cho thấy tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 nhu cầu tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn cần khoảng 312,17 - 333,60 nghìn tỷ đồng.

Bảng 12: Dự báo cơ cấu vốn đầu tư

2021-2025

2021-2025

2025

Kịch bản 1

Tổng

100

100

100

Vốn khu vực Nhà nước

17,56

15,45

15,06

Vốn khu vực ngoài Nhà nước

36,61

38,47

38,85

Vốn của tổ chức doanh nghiệp

4,69

5,40

5,56

Vốn của dân cư

31,91

33,04

33,29

Vốn khu vực đầu tư trực tiếp NN

45,77

45,86

46,10

Kịch bản 2

Tổng

100

100

100

Vốn khu vực Nhà nước

16,14

14,05

13,55

Vốn khu vực ngoài Nhà nước

35,73

37,43

37,68

Vốn của tổ chức doanh nghiệp

4,33

4,96

5,06

Vốn của dân cư

31,40

32,44

32,63

Vốn khu vực đầu tư trực tiếp NN

48,01

48,26

48,77

Kịch bản 3

Tổng

100

100

100

Vốn khu vực Nhà nước

14,84

12,78

12,19

Vốn khu vực ngoài Nhà nước

34,87

36,41

36,55

Vốn của tổ chức doanh nghiệp

3,97

4,53

4,58

Vốn của dân cư

30,89

31,86

31,97

Vốn khu vực đầu tư trực tiếp NN

50,07

50,49

51,25

III. Quan điểm và mục tiêu huy động, sử dụng nguồn lực trong dân cư để phát triển

1. Quan điểm

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng nguồn lực trên địa bàn, tăng tính chủ động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường để trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP.

Đảm bảo môi trường đầu tư và hành lang pháp lý phù hợp nhằm xóa bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.

Phát triển thị trường vốn lành mạnh với nòng cốt là hệ thống ngân hàng nhằm huy động vốn từ người dân, doanh nghiệp hiệu quả.

Chuyển đổi cơ cấu huy động vốn theo hướng bền vững. Đa dạng hóa các nguồn huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động.

- Thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng bình quân vốn hàng năm từ khu vực ngoài nhà nước so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn 2023-2025, đảm bảo sự phát triển hài hòa và cân bằng trong việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tránh tình trạng bị lệ thuộc quá mức vào một nguồn vốn đầu tư phát triển.

2. Mục tiêu chung

Tăng cường vai trò của nguồn vốn trong nước trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với việc nhấn mạnh đóng góp của khu vực tư nhân. Tăng cường nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với nguồn đầu tư công để hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế. Thúc đẩy việc chuyển đổi và tăng quy mô sản xuất kinh doanh, giảm dần hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, phát triển các hình thức kinh doanh bền vững. Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ tài chính, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và điều hướng đến các nơi cần vốn một cách hiệu quả.

3. Một số mục tiêu cụ thể

+ Thúc đẩy tăng trưởng vốn đầu tư trên địa bàn đạt mức tăng trưởng bình quân 10-11%/năm

+ Huy động tiền gửi ngân hàng thương mại đạt 15-18%/năm.

+ Thu hút nguồn vốn xã hội hóa chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và khoảng 7% tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế.

IV. Giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực trong dân cư để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

1. Nhóm giải pháp chung

1.1. Giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở thực tiễn CCHC của tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý điều hành, thể hiện quyết tâm đột phá trong CCHC.Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính, nhất là đề ra các mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung vào 6 nội dung là: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đặc biệt, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”. Theo đó, các giải pháp cụ thể tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn tới như sau:

- Tiếp tục phát huy những thành quả của CCHC trong thời gian vừa qua. Thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra về việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố và tại các xã, phường, thị trấn; kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính. Đồng thời, công bố, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh nội dung thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cần được duy trì tốt tại các sở, ban, ngành, địa phương. Tăng cường, phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác cải CCHC. Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác cải CCHC; bố trí đủ nguồn lực tài chính cho cải CCHC.

- Tiếp tục thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục có liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh.

- Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm hạn; Thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; Kiện toàn hệ thống một cửa các cấp và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường tính liên thông trong cải cách TTHC, cần tạo ra cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực đảm bảo liên thông được với cơ sở dữ liệu quốc gia, chia sẻ được giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh để giảm thời gian giải quyết TTHC. Mức độ hiệu quả của giải quyết TTHC cần phải được tính trên cơ sở sự hài lòng của người dân, tổ chức, thời gian, kết quả thủ tục được giải quyết.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, đồng thời với việc triển khai toàn diện, kịp thời các văn bản, chính sách, pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực;

- Thực hiện sắp xếp lại cơ quan hành chính các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; trọng tâm là cơ cấu lại tổ chức nội bộ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính cho phù hợp với quy định mới của Chính phủ; chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.

- Hiện đại hóa nền hành chính gắn với xây dựng Chính quyền điện tử. Xây dựng giải pháp đồng bộ để hình thành đội ngũ cán bộ, công chức điện tử và công dân, doanh nghiệp điện tử. Hiện đại hóa nền hành chính cần phải kết hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống hành chính và hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp đang được người dân và tổ chức sử dụng mang tính rộng rãi, phổ biến hiện có như mạng xã hội Zalo, Ví điện tử...

- Cải cách tài chính công gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm soát bảo đảm kỷ luật, kỷ cương về thu, chi ngân sách nhà nước. Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý ngân sách theo hướng giảm dần việc quản lý ngân sách theo định mức đầu vào, hướng tới xây dựng và quản lý ngân sách, tài chính công theo đầu ra; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển, tạo ra động lực cho phát triển, tránh sự đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

1.2. Giải pháp tăng cường tuyên truyền chính sách

Hoạt động tuyên truyền các chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong việc tạo ra cầu nối giữa chính sách và nhà đầu tư, thực sự đưa các chính sách này vào cuộc sống. Thực tế cho thấy hiểu biết về các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những chính sách ưu đãi cho khu vực doanh nghiệp còn tương đối hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún. Theo đó, cần tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức, thói quen tìm hiểu thông tin về các chính sách cũng như các thủ tục pháp lý để được hưởng các quyền lợi này. Một số giải pháp cụ thể như sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, văn bản lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các Chương trình ưu đãi đầu tư, tín dụng, lãi suất, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành trong quá trình thực hiện.

- Thường xuyên đổi mới và phát triển các hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau, đối với doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, viên chức, bổ sung, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự để thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo không bỏ sót doanh nghiệp, người dân được hưởng quyền lợi ưu đãi.

1.3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực

Để phát huy được vai trò của nguồn lực trong nước trên địa bàn, cần có một đội ngũ doanh nhân thế hệ mới có trình độ, có năng lực, tận dụng cơ hội để đầu tư. Do đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn tới. Cụ thể:

- Phát triển đội ngũ doanh nhân trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, có tri thức, tính sáng tạo vượt trội, được trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp với cơ chế thị trường, thích ứng với sự phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ nguồn lực ấy, mới sản sinh ra những doanh nhân có phẩm chất, trí tuệ, năng lực, bản lĩnh trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước, cũng như từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy, cần xây dựng và triển khai thực hiện chương trình về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Cập nhật, bổ sung hệ thống tri thức mới về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hệ thống giáo trình, tài liệu nghiên cứu, học tập; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật và môi trường đào tạo, bồi dưỡng hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở giáo dục, đào tạo quốc gia với đào tạo, bồi dưỡng tại các tập đoàn doanh nghiệp và doanh nghiệp; giữa đào tạo, bồi dưỡng trong nước với đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; giữa đào tạo và tự đào tạo để phát triển doanh nhân.

- Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, cần phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển trình độ, năng lực đội ngũ doanh nhân.

2. Nhóm giải pháp về huy động

2.1. Các giải pháp về tiền gửi ngân hàng

Một là, tăng cường công tác nghiên cứu nhu cầu gửi tiền để thu hút khách hàng và cung cấp những sản phẩm đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của khách hàng Thực tế những năm qua, một số ngân hàng có lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh, đều là những ngân hàng có nguồn vốn huy động dồi dào và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Để phát triển nền khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách khách hàng, chủ động tiếp cận các nhóm khách hàng có nhu cầu gửi tiền khác nhau, xây dựng văn hóa công sở văn minh, nâng cao chất lượng nhân lực, chất lượng dịch vụ khách hàng. Ngăn ngừa sự sụt giảm bất thường của vốn tiền gửi trên cơ sở đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền trong mọi tình huống, ngăn chặn phao tin đồn nhảm, có phương án đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Hai là, mỗi ngân hàng cần có những giải pháp riêng, trong đó nghiên cứu cải tiến sản phẩm, công nghệ để gia tăng tiện ích cho khách hàng khi mở tài khoản tại ngân hàng là một hướng đi thiết thực.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa huy động tiền gửi với hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng và phát triển hệ sinh thái số. Trong bối cảnh số lượng khách hàng ngày càng nhiều, số lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tăng, sự hỗ trợ của công nghệ sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống, giúp người quản lý và nhân viên ngân hàng được giải phóng khỏi những công việc tỉ mỉ, máy móc để đầu tư thời gian cho công việc chăm sóc và tìm kiếm khách hàng mới.

Do vậy, để nâng cao khả năng huy động tiền gửi, ngân hàng cần tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp đột phá trên kênh ngân hàng số (định danh điện tử - eKYC, chuyển tiền và thanh toán đa kênh bù trừ điện tử - ACH, huy động tiền gửi online...); Nâng cấp hệ thống core banking, cơ sở hạ tầng đường truyền, tăng cường an ninh công nghệ thông tin, tăng tính bảo mật thông tin khách hàng; Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống IPCAS (hệ thống thanh toán nội bộ và kế toán ngân hàng), đảm bảo hệ thống được kết nối thông suốt, không bị nghẽn mạng, tạo thuận lợi trong quá trình giao dịch; Tăng cường công tác quản trị mạng, quản trị hệ thống để sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, các tội phạm công nghệ cao; Phát triển hệ sinh thái số - môi trường thanh toán điện tử bằng cách tăng cường liên kết với các nhà cung cấp bán lẻ như điện, nước, truyền hình, internet, viễn thông, học phí, viện phí, nộp thuế, vé xem phim và hàng loạt các dịch vụ khác.

Bốn là, thiết lập môi trường kiểm soát nội bộ phù hợp. Môi trường kiểm soát nội bộ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngân hàng nói chung và huy động tiền gửi nói riêng. Tùy theo điều kiện và chiến lược phát triển, mỗi ngân hàng cần xây dựng một môi trường kiểm soát nội bộ phù hợp giúp cho công tác quản trị điều hành và giám sát hệ thống; cung cấp các thông tin liên quan để khoanh vùng trọng điểm các giao dịch có dấu hiệu gian lận, hoặc tác nghiệp sai, giúp phát hiện sớm dấu hiệu rủi ro, chấn chỉnh nhanh chóng, hiệu quả nhưng tiết kiệm tối đa lao động và chi phí; thực hiện tốt các chức năng hỗ trợ đánh giá tổng thể hoạt động, đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của từng chi nhánh, của toàn hệ thống (tỉ lệ tăng/giảm huy động tiền gửi, cơ cấu và sự biến động số dư tiền gửi, tỉ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu hội sở giao cho chi nhánh...).

Với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nhà đầu tư, để thị trường tài chính phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.

Với người dân, nhà đầu tư cá nhân, gửi tiền tiết kiệm tại NHTM, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hay lựa chọn các cơ hội đầu tư khác là quyền của nhà đầu tư. Để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, bên nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân - nhà đầu tư cá nhân cũng cần có các biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, tìm hiểu kĩ càng về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ngân hàng huy động tiền gửi, đặc biệt là việc công bố thông tin của các tổ chức trên các trang thông tin chính thức để lựa chọn sản phẩm đầu tư, thời điểm đầu tư phù hợp với năng lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế, an toàn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, các NHTM cần tiếp tục nghiên cứu cải thiện tình hình huy động tiền gửi trên cơ sở đảm bảo sự cân đối hợp lý giữa huy động tiền gửi dân cư với huy động tiền gửi doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng các nguồn vốn có tính ổn định cao, phát triển đa dạng sản phẩm và kênh phân phối, xây dựng biểu phí và lãi suất cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tăng cường kiểm soát rủi ro.

Một số kiến nghị đối với quỹ tín dụng nhân dân: cần phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân an toàn, lành mạnh, chuyên nghiệp: (i) Cơ cấu lại, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại đối với hệ thống quỹ TDND với cơ cấu tổ chức, đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững; (ii) Tăng cường liên kết giữa hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân với các NHTM, các TCTD trong triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của TW và tỉnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tài chính hiện đại, TTKDTM, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hệ thống DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh; (iii) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý cho các cán bộ quỹ TDND.

2.2. Các giải pháp xã hội hóa

- Rà soát và ban hành các văn bản hướng dẫn, thực thi các chính sách có liên quan đến xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa.

- Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, y tế, văn hóa của tỉnh. Có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa.

- Hàng năm, ngân sách tỉnh dành ra một khoản kinh phí để thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa.

- Đối với giáo dục:

+ Hoàn thiện các chính sách để phát triển hệ thống trường ngoài công lập, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào xây dựng mô hình trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; tăng cường công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đảm bảo công bằng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập.

+ Chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập dôi dư (do sáp nhập, nhu cầu sử dụng không hết) thành các cơ sở giáo dục tư thục cấp THCS và THPT theo hình thức xã hội hóa giáo dục. Kêu gọi các cá nhân/tổ chức đầu tư xây dựng một đến hai cơ sở trải nghiệm cho học sinh các cấp, một số trường liên cấp chất lượng quốc tế.

+ Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất cho các Trường đại học công lập của Trung ương mở phân hiệu II tại Vĩnh Phúc. Mở rộng tổ chức các quỹ khuyến học, hình thành quỹ học bổng, khuyến tài, bảo trợ giáo dục, khuyến khích các cá nhân và tổ chức đóng góp vào sự phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh.

+ Có cơ chế hỗ trợ cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học ở các trường ngoài công lập nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và phát triển của học sinh; đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục, công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập.

+ Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư làm cơ sở quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập phù hợp với mục tiêu và nhu cầu xã hội. Thực hiện cơ chế chính sách bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập: đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chính sách thu hút người học, học bổng… đánh giá, công nhận. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của xã hội đối với loại hình giáo dục này, đồng thời tạo động lực phát triển, phát huy sự sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trước xã hội, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

+ Cho phép các trường chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM để hợp tác đào tạo cho học sinh các cấp bằng hình thức xã hội hóa.

- Đối với y tế:

+ Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Đề ra mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa ngày từ tuyến y tế xã, phường, thị trấn.

+ Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập, đặc biệt là bệnh viện tư nhân chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Khuyến khích thực hiện xã hội hóa để phát triển một số cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng dịch vụ kỹ thuật và chăm sóc ngang tầm với các tỉnh trong vùng nhằm thu hút người có điều kiện đến khám, chữa bệnh, không phải chuyển lên tuyến trên.

+ Tổ chức hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện có hiệu quả Thông tư số 15 của Bộ Y tế về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt mô hình liên doanh, liên kết giữa Bệnh viện với nhà đầu tư trong việc cung cấp các trang thiết bị hiện đại

+ Nghiên cứu, đề xuất quy định ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị y tế trong lĩnh vực khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, đặc biệt tại các huyện miền núi, nông thôn, nhằm phát triển hệ thống y tế tư nhân đồng đều, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

- Đối với các lĩnh vực khác:

+ Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao gắn với các doanh nghiệp trên địa bàn; huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; huy động nguồn lực của nhân dân để tu bổ tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử của địa phương; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh;

+ Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, huy động sự đóng góp trí tuệ và vật chất cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ.

+ Tăng cường vận động các nhà hảo tâm, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tài trợ các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hướng dẫn xây dựng các công trình xử lý nước hộ gia đình, công trình vệ sinh, bảo vệ nguồn nước và môi trường.

2.3. Các giải pháp trái phiếu chính quyền địa phương

Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện giữa các địa phương và phù hợp với tình hình hiện nay, tại Thông tư số 100/2015/TT-BTC , Bộ Tài chính quy định cụ thể nội dung của Đề án phát hành TPCQĐP để các địa phương thuận tiện trong triển khai thực hiện. Theo đó, khi có nhu cầu huy động vốn thông qua việc phát hành TPCQĐP để đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh hoặc các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương, UBND cấp tỉnh xây dựng đề án phát hành TPCQĐP cho từng năm ngân sách để trình Hội đồng nhân dân phê duyệt. Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bao gồm các nội dung cơ bản như: Mục đích phát hành TPCQĐP; dự kiến điều kiện, điều khoản của TPCQĐP bao gồm khối lượng; kỳ hạn; mệnh giá; đồng tiền phát hành; lãi suất phát hành trái phiếu; cam kết của tổ chức phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu về việc đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu theo quy định; dự kiến thời gian và phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Thông tư quy định rõ 3 phương thức phát hành trái phiếu. Đối với phương thức đấu thầu, quy trình thủ tục phát hành áp dụng như đối với phương thức đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại Sở giao dịch chứng khoán. Đối với phương thức bảo lãnh, quy trình thủ tục phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh theo hướng đơn giản hơn so với phát hành trái phiếu Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát hành trái phiếu theo phương thức này. Đối với phương thức đại lý phát hành, quy trình, thủ tục phát hành áp dụng như đối với quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ. Về mua lại và hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương, Thông tư nêu rõ, UBND cấp tỉnh có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ theo phương án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. UBND cấp tỉnh áp dụng quy trình, thủ tục mua lại trái phiếu Chính phủ để thực hiện mua lại TPCQĐP.

UBND cấp tỉnh cũng có thể hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc ngang giá theo giá thị trường, công khai và minh bạch trong hoán đổi; đảm bảo sau khi hoán đổi trái phiếu tổng dư nợ huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá hạn mức huy động vốn theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn; trái phiếu bị hoán đổi là trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ một năm trở lên và được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Việc hoán đổi trái phiếu được thực hiện theo một trong hai phương thức: UBND cấp tỉnh phát hành trái phiếu mới để hoán đổi trái phiếu đang lưu hành; UBND cấp tỉnh phát hành bổ sung khối lượng trái phiếu nhất định theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu đang lưu hành để hoán đổi cho một trái phiếu đang lưu hành khác. UBND cấp tỉnh quyết định phương thức hoán đổi trái phiếu và công bố công khai về phương thức hoán đổi trái phiếu.

Ngoài ra, Thông tư 100/2015/TT-BTC bổ sung thêm quy định về công bố thông tin gồm: Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu; công bố sau đợt phát hành trái phiếu và công bố hàng năm. Quy định về công bố thông tin sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư quan tâm và tham gia mua TPCQĐP, đồng thời góp phần tăng tính công khai, minh bạch cho quá trình phát hành TPCQĐP.

2.4. Các giải pháp về chính sách ưu đãi

a. Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin cho doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, giúp doanh nghiệp nắm thông tin đầy đủ và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi.

Phổ biến thông tin đầy đủ các lĩnh vực ưu tiên đầu tư được áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Phổ biến thông tin đến khu vực dân cư, hộ kinh doanh nhỏ lẻ để thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các lợi ích, ưu đãi, hỗ trợ cụ thể.

Về phía chính quyền, cần có kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết liên quan đến hỗ trợ, ưu đãi cho cộng đồng doanh nghiệp, lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thông tin hằng năm đến các đối tượng dân cư với các hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ theo dõi, theo các phương thức dễ tiếp cận.

b. Về chính sách hỗ trợ lãi suất

Chính quyền địa phương chủ động bám sát, rà soát kỹ các quy định liên quan, trong quá trình thực hiện, nếu có các khó khăn, vướng mắc cần báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và có các giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về chính sách hỗ trợ lãi suất cập nhật theo các Nghị quyết, thông tư hướng dẫn.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tinh giảm các bước thủ tục hành chính để hưởng hỗ trợ vay vốn, lãi suất, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các bước để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp lập hồ sơ.

Định kỳ hằng năm thực hiện khảo sát, đánh giá của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với công tác tuyên truyền, nắm bắt chính sách ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, xác định các khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận các nguồn thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính để được hưởng ưu đãi và đề xuất giải pháp.

c. Thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Chủ động bố trí đất đai, không gian để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng tới các ngành được ưu tiên.

Xây dựng đề án hướng dẫn, phổ biến thông tin về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số, với cơ chế hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực, trong đó có logistics....

Xem xét xây dựng và đề xuất cơ chế đặc thù, đột phá để tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực khởi nghiệp sáng tạo.

2.5. Các giải pháp về hợp tác công tư - PPP

- Tiếp tục bám sát và triển khai mạnh mẽ Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án PPP, các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh cần tổ chức quán triệt, phổ biến đến các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định của Luật PPP, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP , Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ; Luật Đầu tư, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP , Nghị định số 31/2021/NĐ-CP , Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT , Thông tư số 09/2021/TT BKHĐT và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh tích cực và thực chất việc đăng ký, xây dựng và ban hành chương trình xúc tiến đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế (như hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, điện, nước, logistics…), hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh (như: bệnh viện, trường học, dạy nghề…) của tỉnh theo phương thức PPP cho từng giai đoạn. Đối với dự án sử dụng đất áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cần nhanh chóng xây dựng và ban hành danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và danh mục dự án thu hồi đất để xây dựng danh mục dự án, phục vụ kêu gọi các nhà đầu tư hàng năm và trung hạn.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu, lựa chọn, thẩm định, phê duyệt và ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lựa chọn nhà thầu, đồng thời cần tích cực tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu dự án.

- Đổi mới cơ chế, tổ chức bộ máy xúc tiến cũng như hình thức thu hút đầu tư theo hướng tập trung, tinh gọn, hướng tới doanh nghiệp (tăng cường các hình thức xúc tiến đầu tư ở cấp tỉnh). Tổ chức lại các cơ quan xúc tiến đầu tư và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo nguyên tắc hiệu quả, thông qua doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước. Đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư theo chiều sâu. Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư của địa phương trong giai đoạn tới nhằm thu hút đa dạng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ.

- Khắc phục hạn chế trong công tác góp ý và xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư nói chung và các dự án đầu tư theo phương thức PPP nói riêng. Theo đó, cần siết chặt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc tỉnh và sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, các đơn vị lấy ý kiến phải ghi rõ thời hạn trả lời và cần chủ động, tích cực liên lạc, đôn đốc, phối hợp với đơn vị được lấy ý kiến để có ý kiến trả lời đúng thời hạn đề nghị. Đối với các đơn vị được lấy ý kiến, phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, đúng thời hạn về những nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình và những vấn đề liên quan khác. Trường hợp quá thời hạn mà các đơn vị được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của đơn vị lấy ý kiến và người đứng đầu các đơn vị được lấy ý kiến phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh.

- Cần thường xuyên tham dự các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm thực tiễn triển khai thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP và từ đó tăng cường thực hiện phổ biến các quy định về pháp luật PPP cho các cán bộ của các đơn vị trực thuộc tỉnh.

- Do các dự án PPP đều là những dự án đầu tư quy mô lớn và phức tạp, cần phải được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng; công tác chuẩn bị hồ sơ và công việc sơ bộ cần được ưu tiên và tập trung thực hiện trước khi bắt đầu các cuộc thảo luận PPP với các nhà đầu tư tiềm năng. Do đó, việc hoàn thiện một cuốn sổ tay hướng dẫn về việc đề xuất dự án và triển khai thực hiện dự án theo phương thức PPP tại cấp tỉnh sau khi có hướng dẫn được ban hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần thiết.

- Qua quá trình thực tiễn thực hiện các dự án/chương trình đầu tư lớn theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn qua, những hạn chế liên quan đến BTGPMB là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình thu hút và triển khai các dự án. Do đó, cần tiếp tục bám sát các nội dung trong Nghị quyết số 57/2016/NQ- HĐND để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tỉnh rà soát nội dung và đề xuất hướng giải quyết, chỉnh sửa các quy định pháp luật phù hợp, từ đó tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Khẩn trương rà soát, tham mưu các giải pháp để triển khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án nhà ở, đô thị trên địa bàn tỉnh.

3. Nhóm giải pháp về sử dụng có hiệu quả vốn

3.1. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh

- Tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều, thực chất và hiệu quả của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh công bằng, thông thoáng, minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, góp phần thích ứng kịp thời, hiệu quả với những vấn đề mới, xử lý được các bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện dự án, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.

- Thực hiện áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh một cách linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm đối với những ngành, nghề kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật, tạo sự cạnh tranh trong thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư.

- Các đơn vị trực thuộc tỉnh tiếp tục rà soát và tham mưu UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành trung ương tiếp tục cắt giảm các ngành, nghề, điều kiện và thủ tục đầu tư kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thi hành pháp luật, công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp đầu tư.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tỉnh Vĩnh Phúc; cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư. Hoàn thiện cơ chế giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông “riêng” liên quan đến phát triển doanh nghiệp; cơ chế giám sát trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

- Tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, quy định đang làm phức tạp, khó khăn, cản trở các nhà đầu tư; khắc phục tình trạng ban hành những cơ chế chính sách mới không đảm bảo tính khả thi, không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Xây dựng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, huy động, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển cho nền kinh tế.

- Rà soát, ban hành chính sách theo quy định của pháp luật về phân cấp, phân quyền, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển và quản lý nhà nước đối với các hình thức và phương thức đầu tư mới, phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh như: Mô hình kinh tế chia sẻ; mô hình kinh tế tuần hoàn; mô hình tăng trưởng xanh.

- Phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính cấp tỉnh (PAPI) hằng năm nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) hằng năm thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

3.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư

- Tăng cường quản lý chặt chẽ trên tất cả các khâu của đầu tư xây dựng, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với đánh giá giám sát đầu tư. Định hướng, ban hành tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, phù hợp với mục tiêu phát triển nhanh, theo hướng bền vững, tạo cơ sở để lựa chọn các hoạt động đầu tư trọng tâm, trọng điểm, theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp, điều chỉnh, thu hồi dự án đầu tư, ban hành quy định hỗ trợ đầu tư… kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu trái pháp luật. Nâng cao chất lượng lập chủ trương, dự án đầu tư; nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư, quản lý nghiêm ngặt quy trình đầu tư, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn.

- Đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền, phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Lấy chất lượng và tiến độ BT GPMB là tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành công việc hàng năm của người đứng đầu các đơn vị, các đơn vị trực thuộc tỉnh.

- Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, dự án không triển khai hoặc không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

- Phối hợp hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư theo hướng đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, ngân hàng… Nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế; gắn liền trách nhiệm báo cáo định kỳ doanh nghiệp với chế độ ưu đãi hậu kiểm.

- Tăng cường giám sát của cộng đồng theo quy chế của Chính phủ về giám sát cộng đồng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Coi việc giám sát cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI, DDI sau đăng ký đầu tư; tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án chậm tiến độ và nhà đầu tư không có năng lực triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật./.

Phần thứ ba.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương, đảm bảo phù hợp với chính sách Đảng, nhà nước hiện hành.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực để bổ sung cho đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.



[1] Nếu bỏ qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 13,05%/năm.

[2] Nếu không tính tới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn tỉnh đạt 13,05%/năm trong giai đoạn 2016-2019; của cả nước đạt 9,4%/năm.

[3] Nếu bỏ qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng bình quân các khoản mục vốn đầu tư này trong giai đoạn 2016-2019 lần lượt là 14,3%/năm; 16,0%/năm; 33,7%/năm.

[4] Tỷ trọng này trong năm 2015 lần lượt là 63,1% và 24,7%.

[5] Nếu bỏ qua tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng bình quân các nguồn vốn này trong giai đoạn 2016-2019 lần lượt là 1,7%/năm; 7,8%/năm; 28,5%/năm.

[6] Tỷ trọng này của năm 2016 lần lượt là 25,4%; 48,7%; 25,8%.

[7] Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định (2021), “Nam Định: Thực trạng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Hồng”.

[8] Quy mô vốn đầu tư cho ngành kinh doanh bất động sản của tỉnh tăng 3,8 lần, trong khi quy mô GRDP của ngành chỉ tăng 1,41 lần trong giai đoạn 2015-2021.

[9] Theo Luật TCTD 2010, Quỹ tín dụng nhân dân là TCTD do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật TCTD và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống.

[10] Thu nhập bình quân đầu người/tháng khác với GDP/người được tính bằng tổng thu nhập trong năm của hộ gia đình chia cho số nhân khẩu bình quân năm của hộ và chia cho 12 tháng. Chỉ tiêu này do TCTK thu thập và khảo sát 2 năm/lần dựa vào mức sống của hộ gia đình. Đây là chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư” để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của nhân dân, xóa đói giảm nghèo.

[11] https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/Convert/dansokehoachhoagiadinh/Lists/TinTucHoatDong/View_Detail.aspx?Ite mID=237

[12] https://aita.gov.vn/thuc-trang-ve-thue-dich-vu-cong-nghe-thong-tin-trong-co-quan-nha-nuoc

[13] Như Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1508/QĐ-UBND ngày 09/6/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc…

[14] Như Quyết định số 1713/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc công bố danh mục thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1346/QĐ-CT ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc công bố danh mục thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thực hiện trên đị a bàn tỉnh Vĩnh Phúc…

[15] Bao gồm: (1) dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đang tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; (2) dự án PPP được chuyển tiếp theo Luật PPP (trừ dự án BT); (3) dự án áp dụng loại hợp đồng BT được chuyển tiếp thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3000/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 phê duyệt Đề án huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong dân cư để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


370

DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.208.243
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!