THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 3
năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THEO
QUY HOẠCH ĐƯỢC DUYỆT
Trong thời gian qua, thực hiện các
quy định pháp luật liên quan và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Số
09/2008/CT-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2008 về việc tăng cường công tác lập và quản
lý quy hoạch đô thị và số 20/CT-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2015 về việc tăng cường
công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển;
trên cơ sở Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm
túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến
rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch
đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của
các địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng
và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất
cập: Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa
cao, thiếu tính khả thi; công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục
bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung
đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng
và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị; một số quy hoạch chi tiết của
dự án đầu tư xây dựng được chấp thuận chưa phù hợp với quy chuẩn và chỉ tiêu sử
dụng đất đã được xác định trong quy hoạch xây dựng; công tác quản lý đầu tư xây
dựng thực hiện quy hoạch còn thiếu kiểm soát chặt chẽ, nhiều nơi còn thiếu chương
trình và kế hoạch phát triển đô thị dẫn tới việc phát triển đô thị còn tùy tiện,
chưa gắn phát triển đô thị với quy hoạch và kế hoạch; thiếu nguồn lực và các điều
kiện thực hiện quy hoạch. Nguyên nhân của các tồn tại, bất cập trên là: Quy định
pháp luật liên quan chưa đầy đủ, thống nhất; một số quy định không còn phù hợp
nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời; sự phối hợp giữa các cơ quan,
ban, ngành có liên quan chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; kế hoạch đầu tư trung
hạn và hàng năm chưa gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch, dẫn tới việc đầu
tư dàn trải; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám
sát đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số địa
phương còn buông lỏng; xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, chưa kịp thời.
Công tác quản lý, kiểm soát thực hiện
quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết của
xã hội, của các cấp ủy đảng và của chính quyền địa phương các cấp.
Để tăng cường chấn chỉnh công tác quy
hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Bộ Xây dựng
- Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý
phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được
Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các
Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các
mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập,
hoàn thành trong năm 2019.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi
các nghị định liên quan về xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Luật Quy hoạch
đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV và các văn bản
quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền, hoàn
thành trong năm 2019.
- Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn,
tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất
hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020.
- Nghiên cứu đổi mới phương pháp quy
hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng công tác quy
hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành trong năm 2019.
- Tổ chức lập Điều chỉnh Chương trình
phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020 - 2030; Định hướng quy hoạch tổng thể
phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn
đến năm 2050 và các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng
xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2020 - 2025 và các
giai đoạn tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý hiệu
quả các nguồn lực của đô thị, hướng tới phát triển đô thị ổn định, bền vững.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề
án về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định
hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Chú trọng xây dựng các khung hướng
dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, công trình xanh,
công trình tiết kiệm năng lượng và quy định việc thực hiện bắt buộc đối với các
công trình sử dụng vốn đầu tư công. Hoàn thành trước năm 2020.
- Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý,
đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động tối đa cho các địa
phương; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đô thị.
- Hoàn thành việc lập cổng thông tin
điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong năm 2019.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
liên quan và các địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm về
công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; kiểm tra, rà soát,
đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch tại các
đô thị được nâng loại; mở rộng phạm vi hành chính. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm
các vi phạm.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư
công, đảm bảo gắn kết giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, các chương
trình, dự án phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành,
địa phương nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các quy định
liên quan đến thuế tài sản, chính sách tài chính về sử dụng đất, chuyển quyền sử
dụng đất... để đảm bảo tính khả thi, nhằm sử dụng nguồn lực từ đất đô thị hiệu
quả, minh bạch, ổn định và lâu dài.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi
các quy định về quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch. Hướng
dẫn các địa phương quản lý sử dụng đất đô thị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế
hoạch của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương
- Lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ
các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch
chi tiết và dự án đầu tư cụ thể; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng đất để phát
triển đô thị theo đúng quy định pháp luật. Lập Chương trình phát triển đô thị cấp
tỉnh, Chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực
phát triển đô thị và ban quản lý dự án phát triển đô thị
theo quy định. Hoàn thành trước năm 2020.
- Cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch
đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ
hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu
tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị. Bảo
đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật
trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận. Từng bước
thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ
chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến
đổi khí hậu.
- Tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch,
đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng.
- Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành
chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị nhằm loại bỏ cơ chế
xin cho.
- Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu
để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực.
- Thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu
dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định
pháp luật.
- Thực hiện nghiêm túc quy định pháp
luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng,
cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch. Tăng cường sự giám
sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội,
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật
tự xây dựng đô thị.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm,
kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.
6. Tổ chức thực hiện
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ
chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện
Chỉ thị này, hoàn thành trong năm 2018. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo tình
hình, kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
b) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện
Chỉ thị này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương và chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: VT, CN (2). PC
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|