Vay thế chấp sổ đỏ với lãi suất quá cao thì có phải trả đầy đủ cả gốc lẫn phần lãi này hay không? Và người cho vay thế chấp sổ đỏ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Hợp đồng vay thế chấp sổ đỏ có cần phải công chứng không?
Tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
...
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hợp đồng vay thế chấp sổ đỏ phải được công chứng hoặc chứng thực.
Vay thế chấp sổ đỏ với lãi suất quá cao thì có phải trả đầy đủ cả gốc lẫn phần lãi này hay không? (Hình từ Internet)
Vay thế chấp sổ đỏ với lãi suất 200%/năm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 201 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy trường hợp như thông tin chị đã cung cấp mức lãi suất cho vay là hơn 200%/năm là đã vượt quá hơn 10 lần mức lãi suất tối đa của dân sự (20%/năm). Nên đã có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, chị có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Ngoài ra, vì chị là người đứng ra vay tiền (mặc dù vay giúp người khác) nhưng đã ký tên trong hợp đồng vay nên chị đã là chủ thể trong hợp đồng vay thế chấp, theo đó chị có nghĩa vụ thanh toán nợ, lãi suất theo đúng hợp đồng đã đề ra.
Vay thế chấp sổ đỏ với lãi suất quá cao thì có phải trả đầy đủ cả gốc lẫn phần lãi này hay không?
Tuy nhiên đối với mức lãi suất vượt quá 20%/năm thì sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Nghĩa là chị chỉ cần thanh toán số tiền với lãi suất 20%/năm cùng với số tiền đã mượn để có thể lấy lại được sổ đỏ của mình theo hợp đồng vay thế chấp đã ký kết. Còn việc thỏa thuận giữa chị và người đã nhờ chị đứng ra vay tiền hộ thì chị có thể yêu cầu người đó hoàn trả lại số tiền đó cho mình.
Vậy cách thức giải quyết có thể theo các bước như sau:
1 - Làm đơn tố cáo hành vi cho vay nặng lãi đến cơ quan công an để khởi tố theo quy định.
2 - Khi giải quyết vụ án thì phần dân sự với hợp đồng vay mượn hai bên đã ký kết Tòa án sẽ tuyên phần lãi suất vượt quá 20%/năm đó vô hiệu và chị chỉ cần thanh toán nợ gốc và tiền lãi suất 20%/năm theo nghĩa vụ trong hợp đồng.
3 - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng vay nợ thì chị mới lấy lại được sổ đỏ.
4 - Yêu cầu người nhờ chị đứng ra vay tiền giúp hoàn trả lại số tiền đó cho mình.
5 - Trường hợp người này không có tiền để hoàn trả thì buộc phải khởi kiện vụ án dân sự và khi có bản án, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế để bồi thường lại số tiền đó cho mình theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính cung cấp thông tin về bưu gửi không đầy đủ theo yêu cầu của dịch vụ sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng được niêm yết tại đâu? Thời hạn công khai danh sách?
- Tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ thế nào theo Luật Đất đai mới?