Trách nhiệm thanh toán khoản vay thế chấp khi người vay qua đời? Làm thế nào lấy lại sổ đỏ đã vay thế chấp ở ngân hàng khi người vay đã mất?
Trách nhiệm thanh toán khoản vay thế chấp khi người vay qua đời?
Căn cứ tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác."
Theo nội dung trình bày thì hiểu rằng diện tích nhà đất mà mẹ bạn đã thế chấp cho ngân hàng là tài sản riêng của bà. Theo quy định của pháp luật về thừa kế sau khi qua đời, di sản thừa kế được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật.
Trường hợp người chết khi còn sống mà vay nợ cá nhân, tổ chức khác thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ đó (trong giới hạn giá trị di sản mà người chết để lại). Sau khi thanh toán xong các nghĩa vụ của người chết để lại, những người thừa kế được hưởng phần di sản còn lại (nếu có).
Như vậy, đối chiếu với các quy định vừa viện dẫn, những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật có trách nhiệm thanh toán số tiền mà mẹ bạn đã vay ngân hàng theo quy định nói trên.
Làm thế nào lấy lại sổ đỏ đã vay thế chấp ở ngân hàng khi người vay đã mất?
Làm thế nào lấy lại sổ đỏ đã vay thế chấp ở ngân hàng khi người vay đã mất?
Căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân."
Để nhận lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng bất động sản đã vay thế chấp thì những người được hưởng thừa kế phải làm thủ tục khai nhận thừa kế.
Tuy nhiên, do sổ đỏ đang do ngân hàng giữ nên một trong những người được hưởng thừa kế có quyền đề nghị ngân hàng cấp bản sao sổ đỏ, hợp đồng vay tiền, hợp đồng thế chấp và các giấy tờ khác có liên quan đến việc vay, thế chấp tài sản.
Người đề nghị phải xuất trình Giấy chứng tử và giấy tờ chứng minh mối quan hệ thừa kế (di chúc, huyết thống, hôn nhân với người chết) để ngân hàng xác định tư cách pháp lý của người đề nghị.
Sau khi được ngân hàng cung cấp bản sao (có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) thì những người thừa kế liên hệ với cơ quan công chứng (Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) để được hướng dẫn và thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Trên cơ sở Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người được thừa kế có quyền liên hệ với ngân hàng để thanh toán các khoản nợ, thực hiện thủ tục giải chấp và nhận lại sổ đỏ (trên thực tế việc thanh toán khoản vay có thể được thực hiện ngay cả khi chưa có Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế)
Căn cứ khoản 4 Điều 57 Luật Công chứng 2014 quy định:
"4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản."
Theo đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Do vậy, người được hưởng thừa kế có quyền liên hệ với cơ quan tài nguyên môi trường đề đăng ký trước bạ, sang tên theo nội dung trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Thời hạn khai nhận di sản thừa kế trong thời gian bao lâu?
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."
Như vậy, thời hạn khai nhận di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức mua bán nợ xấu có được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường không?
- Công văn 9582 về cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã như thế nào? Xem toàn văn Công văn 9582 ở đâu?
- Giữ thẻ căn cước trái quy định pháp luật là gì? Nghĩa vụ của công dân khi bị giữ thẻ căn cước được quy định thế nào?
- Kịch bản chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024? Kịch bản kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024?
- Thủ tục cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công cấp trung ương ra sao?