Trong thời gian mùa lũ có được thực hiện công tác chống va trôi giao thông đường thủy nội địa hay không?
Trong thời gian mùa lũ có được thực hiện chống va trôi giao thông đường thủy nội địa?
Trong thời gian mùa lũ có được thực hiện chống va trôi giao thông đường thủy nội địa? (Hình từ Internet)
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 42/2021/TT-BGTVT quy định chống va trôi là việc tổ chức thường trực về phương tiện, thiết bị, nhân lực để thực hiện các biện pháp tổ chức bảo đảm giao thông, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa sự cố đâm va vào các công trình và đâm va giữa các phương tiện.
Theo Điều 4 Thông tư 42/2021/TT-BGTVT quy định như sau:
Các trường hợp chống va trôi
Triển khai thực hiện công tác thường trực chống va trôi khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Trong mùa lũ, thời gian mùa lũ áp dụng theo quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
2. Tại các vị trí cầu, cụm cầu cũ, yếu không có trụ chống va hoặc có trụ chống va nhưng không đáp ứng với yêu cầu thực tế và có một trong các yếu tố sau:
a) Chiều rộng khoang thông thuyền hoặc chiều cao tĩnh không hoặc bán kính cong luồng nhỏ hơn quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo phân cấp;
b) Trong khu vực có dòng chảy không ổn định với lưu tốc dòng chảy mặt ≥ 5 mét/giây;
c) Trong khu vực có dòng chảy xiên, xoáy vào trụ cầu.
Dẫn chiếu theo khoản 27 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định thời gian mùa lũ là khoảng thời gian liên tục trong một năm thường xuất hiện lũ, được xác định như sau:
+ Trên các sông thuộc Bắc Bộ, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 31 tháng 10;
+ Trên các sông từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 11;
+ Trên các sông từ tỉnh Quảng Bỉnh đến tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;
+ Trên các sông thuộc tỉnh Bình Thuận, các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.
Theo đó, những trường hợp sau đây cần thực hiện chống va trôi giao thông đường thủy nội địa, cụ thể:
+ Trong mùa lũ, thời gian mùa lũ.
+ Tại các vị trí cầu, cụm cầu cũ, yếu không có trụ chống va hoặc có trụ chống va nhưng không đáp ứng với yêu cầu thực tế và có một trong các yếu tố sau:
- Chiều rộng khoang thông thuyền hoặc chiều cao tĩnh không hoặc bán kính cong luồng nhỏ hơn quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo phân cấp;
- Trong khu vực có dòng chảy không ổn định với lưu tốc dòng chảy mặt ≥ 5 mét/giây;
- Trong khu vực có dòng chảy xiên, xoáy vào trụ cầu.
Như vậy, trường hợp trong thời gian mùa lũ theo quy định tại Quyết định 18/2021/QĐ-TTg thì được phép thực hiện chống va trôi giao thông đường thủy nội địa.
Công tác chống va trôi giao thông đường thủy nội địa được thực hiện theo biện pháp nào?
Theo Điều 6 Thông tư 42/2021/TT-BGTVT quy định như sau:
Các biện pháp tổ chức công tác chống va trôi
1. Bằng 01 trạm thường trực chống va trôi tại thượng lưu kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa đối với các vị trí cầu vượt sông đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Bằng 02 trạm thường trực chống va trôi kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa tại các vị trí cụm cầu vượt sông đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Theo đó, công tác chống va trôi giao thông đường thủy nội địa được thực hiện theo 02 biện pháp sau đây:
+ Bằng 01 trạm thường trực chống va trôi tại thượng lưu kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa đối với các vị trí cầu vượt sông.
+ Bằng 02 trạm thường trực chống va trôi kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa tại các vị trí cụm cầu vượt sông.
Số lượng tối thiếu trang thiết bị của mỗi trạm thường trực chống va trôi giao thông đường thủy nội địa là bao nhiêu?
Theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 42/2021/TT-BGTVT quy định như sau:
Các yêu cầu kỹ thuật của công tác chống va trôi
…
3. Phương tiện, nhân lực tại các trạm thường trực chống va trôi
a) Mỗi trạm thường trực bố trí tối thiểu một tàu có công suất từ 150 CV đến 250 CV và tối thiểu một xuồng cao tốc (ca nô cao tốc) có công suất từ 40 CV đến 90 CV (tùy theo khu vực chống va trôi để bố trí phương tiện cho phù hợp). Trường hợp khu vực cửa sông ra biển, tuyến luồng nối các đảo, tuyến luồng quy định cấp kỹ thuật đặc biệt có thể bố trí phương tiện có công suất lớn hơn nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định;
b) Định biên thuyền viên trên phương tiện được bố trí theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nhân lực thường trực chống va trôi, hỗ trợ, cứu nạn được bố trí tối thiểu như sau: chỉ huy thường trực chống va trôi (nhân công bậc 4 trở lên hoặc nhân công có bằng cao đẳng công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 01 người/ca; nhân viên thường trực chống va trôi (nhân công bậc 3 trở lên hoặc có chứng chỉ quản lý đường thủy hoặc nhân công có bằng trung cấp công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 7 người/ca;
c) Quy định về số giờ nổ máy cửa các phương tiện để thực hiện chống va trôi tại hiện trường:
Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp đặc biệt, cấp I và cấp II: số giờ nổ máy của phương tiện là 1,5 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 2,5 giờ/ca;
Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp III và cấp IV: số giờ nổ máy của phương tiện là 1,0 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 2,0 giờ/ca;
Tuyến đường thủy không thuộc các trường hợp trên: số giờ nổ máy của phương tiện là 0,5 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 1,0 giờ/ca;
d) Các dụng cụ, trang thiết bị tối thiểu cho 01 trạm bao gồm: 01 bảng hiệu trạm thường trực (ghi tên trạm, tên công trình, đơn vị thực hiện, điện thoại liên lạc...); 01 bộ loa nén/phương tiện; 01 cờ hiệu/phương tiện; 01 tủ thuốc cứu sinh; 01 bộ đàm (điện thoại)/phương tiện; 02 đèn pin; 01 ống nhòm và dụng cụ cứu sinh theo quy định, các trang thiết bị còn hoạt động tốt.
Theo đó, điểm d khoản 3 Điều 10 Thông tư 42/2021/TT-BGTVT quy định mỗi trạm thường trực chống va trôi giao thông đường thủy nội địa được trang bị tối thiểu 07 dụng cụ, trang thiết bị, cụ thể như sau:
+ 01 bảng hiệu trạm thường trực (ghi tên trạm, tên công trình, đơn vị thực hiện, điện thoại liên lạc...);
+ 01 bộ loa nén/phương tiện;
+ 01 cờ hiệu/phương tiện;
+ 01 tủ thuốc cứu sinh;
+ 01 bộ đàm (điện thoại)/phương tiện;
+ 02 đèn pin;
+ 01 ống nhòm và dụng cụ cứu sinh theo quy định, các trang thiết bị còn hoạt động tốt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?