Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
Ngày 20/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2025 về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Cụ thể, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy như sau:
Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi):
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 10/TTr-BTP năm 2025. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trong đó lưu ý một số yêu cầu sau:
- Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật này.
- Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; quy định đầy đủ, toàn diện, bao quát các vấn đề có liên quan, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, nhất là cho địa phương; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, không bao biện, làm thay; quy trình phải đơn giản, ngắn gọn, giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm giải trình, đề xuất của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua; tăng cường xem xét, thông qua luật trong một kỳ họp; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước:
Chính phủ cơ bản thống nhất với tên gọi của dự thảo Nghị quyết và 03 Chính sách do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 06/TTr-BTP năm 2025 trên cơ sở tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025. Cụ thể, 03 chính sách lớn tại Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy như sau:
- Chính sách 1: Xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
- Chính sách 2: Xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác luật của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên.
- Chính sách 3: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa dự liệu được hết trong Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
* Trên cơ sở thể chế hóa 03 nội dung Chính sách, Chính phủ cơ bản thống nhất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình 07/TTr-BTP năm 2025.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp, thực hiện đúng ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết này.
Tải Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP năm 2025 về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy? (Hình từ Internet)
Đánh giá tác động sơ bộ của kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ thế nào?
Căn cứ theo Mục III Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 nêu rõ đánh giá tác động sơ bộ của kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ như sau:
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn như sau:
- Có 13 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ (giảm 05 Bộ).
- Có 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ).
- Tổ chức bên trong: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay. Phương án này có ưu điểm, hạn chế và tác động như sau:
- Ưu điểm:
+ Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017, Nghị quyết 56/2017/QH14, Kết luận 74-KL/TW, Kết luận 50-KL/TW năm 2023, Kết luận 62-KL/TW năm 2023, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
+ Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.
- Hạn chế: (1) Do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo. (2) Thực hiện phương án sắp xếp này thì quy mô, phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
- Đánh giá tác động:
+ Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan ngang bộ đang được quy định tại các luật chuyên ngành (qua rà soát 247 luật thì có 113 luật đang quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc đối tượng sắp xếp nêu trên). Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, thì sẽ có quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành, nhưng nay có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức theo Nghị quyết này, thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại. Giao Chính phủ quyết định việc phân định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định những vấn đề trong các luật chuyên ngành đang giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp.
+ Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Mục tiêu tổng quát được đề ra tại Nghị quyết 18 ra sao?
Căn cứ Mục 2 Phần II Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 nêu rõ mục tiêu tổng quát như sau:
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
- Mừng thọ 100 tuổi gọi là gì? Lời chúc mừng thọ 100 tuổi? Thời gian tổ chức mừng thọ 100 tuổi theo Thông tư 06?
- Giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất? Thời điểm thực hiện chính sách giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất?
- Lịch đi làm lại sau Tết Nguyên Đán 2025? Lịch đi làm lại sau Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động?
- Đá khối làm đá ốp lát công trình xây dựng là đá như thế nào? Quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật đá khối làm đá ốp lát xuất khẩu?