Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Việc thanh toán tiền thi hành án dân sự được quy định thế nào?
- Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền xử phạt Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định không?
Việc thanh toán tiền thi hành án dân sự được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án như sau:
Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
3. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.
4. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.
Theo đó, việc thanh toán tiền thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 47 nêu trên.
Thi hành án dân sự (Hình từ Internet)
Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 5, điểm b khoản 6, khoản 7 Điều 65 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án dân sự như sau:
Hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án dân sự
...
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu tiền thi hành án nhưng chưa nộp vào quỹ đúng quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng tiền thi hành án không đúng quy định.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Theo đó, Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời Thừa phát lại vi phạm còn bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 09 tháng đến 12 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền xử phạt Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định không?
Theo Điều 163 Luật Thi hành án dân sự 2008, khoản 49 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, được bổ sung bởi Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Những người sau đây có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự:
a) Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án;
c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
d) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu.
đ) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ khoản 2 Điều 85 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về quyền của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự
...
2. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; các điểm a, c và n khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Như vậy, Thừa phát lại sử dụng tiền thi hành án dân sự không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng nên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự không có quyền xử phạt Thừa phát lại này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết nghị của hội đồng trường mầm non công lập được thông qua và có hiệu lực khi nào? Nhiệm kỳ của hội đồng trường mầm non công lập?
- Thủ tục cho phép trường dành cho người khuyết tật hoạt động giáo dục thực hiện theo Nghị định 125 ra sao?
- Mẫu biểu trưng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam? Tải mẫu biểu trưng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ở đâu?
- Mẫu bài dự thi Cuộc thi viết Sống đẹp 2024 hay, chọn lọc? Thể lệ Cuộc thi viết Sống đẹp 2024 thế nào?
- Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện do ai quyết định? Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn những người nào?