Tết Ông Công Ông Táo là gì? Có tổ chức bắn pháo hoa vào ngày Tết Ông Công Ông Táo theo quy định hay không?
Tết Ông Công Ông Táo là gì? Có tổ chức bắn pháo hoa vào ngày Tết Ông Công Ông Táo hay không?
Tết ông Công ông Táo là ngày lễ quan trọng trong năm trước ngày tết Nguyên đán.
Ngày ông Công ông Táo hằng năm là 23 tháng Chạp (âm lịch).
Nguồn gốc ngày Tết ông Công ông Táo
Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích “Hai ông một bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo
Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong gia đình.
Đến đêm giao thừa, Táo quân mới quay về hạ giới để tiếp tục công việc của mình.
Từ lâu, Tết ông Công ông Táo đã trở thành một ngày lễ quan trọng trước tết Nguyên đán của người dân Việt Nam.
Mâm cơm cúng trong ngày này cũng để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đây cũng là dịp để mọi người trở về sum họp gia đình, quây quần bên nhau.
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như sau:
- Tết Nguyên đán
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
+ Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
- Giỗ Tổ Hùng Vương
+ Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.
- Ngày Quốc khánh
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.
- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
+ Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.
- Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
+ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.
- Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
+ Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
- Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Như vậy, theo quy định trên thì có thể thấy rằng, nước ta chỉ tổ chức bắn pháo hoa nổ vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán mà không có quy định cụ thể về việc có tổ chức bắn pháo hoa vào ngày Tết Ông Công Ông Táo hay không.
Tuy nhiên, việc "tổ chức bắn pháo hoa vào ngày Tết Ông Công Ông Táo" có thể được tổ chức khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP).
Tết Ông Công Ông Táo là gì? (Hình từ Internet)
Cúng Ông Công Ông Táo trong dịp Tết Ông Công Ông Táo có phải là hành vi mê tín dị đoan hay không?
Như đã phân tích ở trên thì, Tết ông Công ông Táo nhằm ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào dịp này, các gia đình thường làm mâm cỗ để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
…
4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
...
Thêm vào đó, tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung:
...
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái;
Từ các quy định trên có thể thấy rằng, theo quan niệm dân gian từ ngàn xưa cho đến nay thì việc cúng ông Công ông Táo là một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam với mục đích bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần.
Đồng thời, cũng là dịp để mọi người trở về sum họp gia đình, quây quần bên nhau.
Như vậy, việc cúng Ông Công Ông Táo có phải là hành vi mê tín dị đoan hay không còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi cá nhân.
Trong trường hợp các cá nhân lợi dụng việc cúng Ông Công Ông Táo để trục lợi hoặc truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái thì đây có thể được xem là hành vi mê tín dị đoan và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
- Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?