Sau khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc và không được ký hợp đồng lao động chính thức thì đây có phải hành vi vi phạm pháp luật không?
Hợp đồng thử việc là gì? Thời gian thử việc tối đa đối với từng công việc cụ thể được quy định thế nào?
Cụ thể, hợp đồng thử việc có thể được hiểu là sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử. Điều này giúp cá nhân làm quen với công việc và xác định sự phù hợp của người lao động đối với công việc này. Theo khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
Bên cạnh đó, nhằm tránh ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động, pháp luật đặt ra quy định về thời gian thử việc đối đối với hợp đồng thử việc, cụ thể được quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
+ Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
+ Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
+ Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
+ Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Lưu ý: Người lao động chỉ thực hiện việc thử việc một lần duy nhất đối với một công việc làm thử.
Tải về mẫu hợp đồng thử việc mới nhất 2023: Tại Đây
Sau khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc và không được ký hợp đồng lao động chính thức, đây có phải hành vi vi phạm hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật?
Kết thúc thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc và không được ký hợp đồng lao động chính thức thì có vi phạm không?
Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:
“1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”
Như vậy, sau khi hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động buộc phải xem xét, đánh giá và thông báo ngay kết quả cho người lao động. Nếu người lao động có đầy đủ những tiêu chí tuyển dụng đã đặt ra, người sử dụng lao động phải thực hiện việc ký kết hợp đồng chính thức đối với đối tượng đạt yêu cầu. Trường hợp kết thúc thời gian thử việc, người lao động đạt yêu cầu mà người sử dụng lao động không ký hợp đồng thì được xem là vi phạm quy định về thử việc.
Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thử việc
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về xử lý các vi phạm trong vấn đề thử việc như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
+ Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
+ Thử việc quá thời gian quy định;
+ Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
+ Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
+ Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Như vậy, người lao động vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thời gian thử việc đạt yêu cầu mà không được ký kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm về hợp đồng thử việc. Người sử dụng lao động có thể phải chịu mức phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng (lưu ý mức phạt này áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi) và buộc giao kết hợp đồng chính thức với người lao động.
Tóm lại, sau khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thông báo ngay kết quả thử việc, đồng thời thực hiện việc ký hợp đồng lao động chính thức, nếu như người lao động này phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của công ty/doanh nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 5 tháng 1 là ngày gì? Ngày 5 1 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 5 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Đối tượng được thưởng công đoàn bao gồm những ai? Nguồn kinh phí chi thưởng, quyết toán tiền thưởng công đoàn?
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải có phẩm chất chính trị và đạo đức như thế nào?
- Hướng dẫn đăng ký tài khoản, nộp thuế online (nộp thuế điện tử) nhanh chóng, chính xác trên trang thuế điện tử của Tổng Cục thuế?
- Biện pháp hạn ngạch xuất khẩu được áp dụng để làm gì? Hạn ngạch xuất khẩu chỉ được áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên?