Sáp nhập tỉnh: điều kiện, thẩm quyền, xây dựng đề án thế nào? Tổ chức chính quyền địa phương khi sáp nhập tỉnh?
Sáp nhập tỉnh: điều kiện, thẩm quyền, xây dựng đề án thế nào?
Căn cứ quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì điều kiện, thẩm quyền, xây dựng đề án sáp nhập tỉnh được hướng dẫn cụ thể như sau:
(1) Điều kiện sáp nhập tỉnh:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017) thì việc sáp nhập tỉnh chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;
- Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
- Phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
(2) Thẩm quyền quyết định sáp nhập tỉnh:
Căn cứ Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 245 Luật Đất đai 2024) thì Quốc hội có quyền quyết định sáp nhập tỉnh.
(3) Trách nhiệm, kinh phí xây dựng đề án sáp nhập tỉnh:
Theo quy định tại Điều 130 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng đề án sáp nhập tỉnh trình Quốc hội.
Kinh phí xây dựng đề án sáp nhập tỉnh sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ.
Sáp nhập tỉnh: điều kiện, thẩm quyền, xây dựng đề án thế nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức chính quyền địa phương khi sáp nhập tỉnh được quy định thế nào?
Tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp được quy định tại Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
Tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp
1. Trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
2. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 1 Điều này do một triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.
3. Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 1 Điều này bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định, tại Điều 83 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.
Đối chiếu với quy định trên, trường hợp nhiều đơn vị hành chính sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
- Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới do một triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.
- Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.
Đề án sáp nhập tỉnh ở Việt nam có nội dung gì theo Nghị quyết 1211?
Nội dung đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được quy định tại Điều 29 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15.
Theo đó, Đề án sáp nhập tỉnh ở Việt nam gồm có năm phần và phụ lục như sau:
- Phần thứ nhất: căn cứ pháp lý và sự cần thiết;
- Phần thứ hai: lịch sử hình thành và hiện trạng của các đơn vị hành chính liên quan trực tiếp đến việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
+ Phần này gồm lịch sử hình thành; vị trí địa lý; chức năng, vai trò đối với thành lập thành phố, thị xã, thị trấn; diện tích tự nhiên và cơ cấu các loại đất; dân số và cơ cấu, thành phần dân cư (độ tuổi; dân số nội thành, nội thị; thành phần dân tộc; lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp); tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh và tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tại địa bàn; đánh giá chi tiết mức độ đạt được các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết này (nếu có);
- Phần thứ ba: phương án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
+ Phần này gồm hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số (tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề với năm trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án) của đơn vị hành chính cấp tỉnh, và của các đơn vị hành chính có liên quan đến việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; phương án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên, dân số và địa giới hành chính; kết quả sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính các cấp;
- Phần thứ tư: đánh giá tác động và định hướng phát triển của đơn vị hành chính, sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đơn vị hành chính.
+ Phần này gồm đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; định hướng phát triển; giải pháp về ngân sách, vốn đầu tư; phương án bố trí cán bộ, công chức và các giải pháp khác để tổ chức thực hiện định hướng phát triển của đơn vị hành chính;
- Phần thứ năm: kết luận và kiến nghị;
- Phụ lục kèm theo đề án gồm:
+ Biểu thống kê diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính liên quan trực tiếp đến việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ Biểu thống kê các chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu;
+ Bản đồ hiện trạng địa giới của đơn vị hành chính liên quan trực tiếp đến việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và bản đồ phương án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ 01 phim tài liệu (từ 15 đến 20 phút) về vị trí, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng của khu vực đề nghị thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ Biểu tổng hợp các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính;
+ Các biểu, bảng số liệu được cấp có thẩm quyền xác nhận làm cơ sở xác định các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính;
+ Hồ sơ đề án phân loại đô thị;
+ Hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường;
+ Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận về yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính (nếu có)
Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hội đồng thẩm định đề án sáp nhập địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng thẩm định và chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan tổ chức thẩm định đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chủ trì tổ chức khảo sát để phục vụ việc thẩm định đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
- Các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người trên tháng so với trung bình cả nước, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm gần nhất của đơn vị hành chính đô thị trong đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
+ Số liệu về quy mô dân số của đơn vị hành chính trong đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi. Số liệu dân số tạm trú quy đổi được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Số liệu để xác định tiêu chuẩn quy mô dân số do cơ quan Công an có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
+ Số liệu đánh giá các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là số liệu tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề với năm gửi hồ sơ đề án đến cơ quan thẩm định và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, xác nhận hoặc công bố.
- Đối với đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức Hội đồng nhân dân thì đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được gửi lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức Hội đồng nhân dân thì đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được gửi lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giờ hoàng đạo 12 con giáp 2025 tài lộc, may mắn? Giờ hoàng đạo 2025? Xem giờ tốt theo tuổi? Xem giờ hoàng đạo hôm nay?
- Sắp xếp tổ chức Quân đội và cơ quan quân sự cấp huyện theo Kết luận 126-KL/TW do cơ quan nào nghiên cứu thực hiện?
- Đề án sáp nhập tỉnh có phải lấy ý kiến người dân không? Lấy ý kiến người dân thông qua hình thức nào?
- Mùng 1 tháng 2 âm lịch là ngày mấy dương, thứ mấy? Mùng 1 tháng 2 âm lịch có được nghỉ làm không?
- Thông tin sáp nhập các tỉnh thành Việt Nam được đề cập tại Kết luận 126-KL/TW năm 2025 thế nào?