Phân biệt đối xử với khách du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền? Thời hiệu xử phạt đối với hành vi này là bao lâu?
Phân biệt đối xử với khách du lịch có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Du lịch 2017 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch
1. Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.
3. Xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.
4. Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
5. Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
...
Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch là phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
Thế nên, phân biệt đối xử với khách du lịch là hành vi vi phạm pháp luật.
Phân biệt đối xử với khách du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)
Phân biệt đối xử với khách du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch như sau:
Vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có nhân lực hoặc cơ sở vật chất để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết không kịp thời kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ;
b) Phân biệt đối xử với khách du lịch;
c) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
...
Và căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực du lịch
...
2. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân.
Và nếu tổ chức có hành vi vi phạm nói trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.0000 đến 6.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2a Nghị định 45/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, điểm a và điểm b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện và hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong lĩnh vực du lịch
a) Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đang thực hiện là hành vi có tính chất kéo dài, đã và đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm và hành vi đó vẫn đang trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước;
b) Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ, thông tin chứng minh hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động? Được thành lập nhằm mục đích gì?
- Mẫu tổng hợp số liệu về đánh giá xếp loại chất lượng đơn vị và công chức, viên chức, người lao động theo Quyết định 3086?
- Việc thông báo lưu trú có phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú không? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng như thế nào?