Nhà thầu nước ngoài có phải xin giấy phép hoạt động xây dựng và sau đó phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện dự án phải không?
Nhà thầu nước ngoài là đối tượng nào?
Căn cứ khoản 12 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về nhà thầu nước ngoài như sau:
"12. Nhà thầu nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự; đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp luật dân sự và năng hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch. Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ."
Nhà thầu nước ngoài có phải xin giấy phép hoạt động xây dựng và sau đó phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện dự án phải không?
Nhà thầu nước ngoài có phải xin giấy phép hoạt động xây dựng không? Có phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện dự án không?
(1) Theo Điều 102 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài như sau:
- Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng.
- Hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
(2) Theo Điều 103 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng
- Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ).
- Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
- Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam."
Theo đó, nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam thì phải xin Giấy phép hoạt động xây dựng. Nhưng không có quy định bắt buộc nào nhà thầu nước ngoài phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị, thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 104 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị, thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng như sau:
(1) Nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng, gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu số 01, Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định này;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
+ Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu);
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);
+ Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của dự án/công trình.
(2) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 1 Điều này nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(3) Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng:
+ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên;
+ Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến nội dung xin giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài mà bạn quan tâm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?