Nếu tỷ lệ nợ xấu và nợ khó đòi lớn, có thể đánh giá Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động không hiệu quả không?
Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tỷ lệ nợ xấu và nợ khó đòi cao có được xem là hoạt động không hiệu quả không?
Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP, việc đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được tiến hành dựa trên các chỉ tiêu sau:
Chỉ tiêu 1: Doanh thu và thu nhập khác.
Chỉ tiêu 2: Chênh lệch thu - chi và tỷ suất chênh lệch thu - chi trên vốn chủ sở hữu.
Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (bao gồm trực tiếp cho vay và hợp vốn cho vay) và tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư.
Chỉ tiêu 4: Chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
"Các chỉ tiêu quy định tại khoản 2 Điều này được xác định và tính toán trên cơ sở báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. Khi tính toán các chỉ tiêu quy định tại khoản 2 Điều này được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động:
a) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác.
b) Do Nhà nước điều chỉnh chính sách hoặc biến động của thị trường làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tình hình hoạt động của Quỹ.
c) Do Quỹ thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
d) Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cho các đối tượng vay; điều chỉnh lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ."
Ngoài ra, cần lưu ý đến các dấu hiệu mất an toàn tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư 86/2021/TT-BTC như sau:
"3. Ngoài các dấu hiệu mất an toàn tài chính thực hiện theo quy định áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Quỹ được xác định mất an toàn tài chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50%;
b) Tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80%."
Theo đó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện thông qua 4 chỉ tiêu nêu trên. Tuy nhiên, việc đánh giá này phải được xác định và tính toán dựa trên cơ sở báo cáo tài chính năm và các báo cáo định kỳ, đồng thời có loại trừ các yếu tố tác động được nêu cụ thể như trên. Do đó, dù Quỹ đầu tư phát triển địa phương của tỉnh bạn hiện đang có tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ khó đòi cao thì vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận Quỹ hoạt động kém hiệu quả mà còn phải dựa vào sự tương quan với các yếu tố còn lại cũng như tương quan với chính chỉ tiêu đó theo thời gian, đồng thời lưu ý đến tỷ lệ rơi vào trạng thái mất an toàn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ai có thẩm quyền đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương?
Thẩm quyền đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP như sau:
"1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát và đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương."
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giám sát và đánh giá một cách toàn diện hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đã thành lập.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương dựa trên quy định nào?
Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện dựa trên quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Đánh giá hiệu quả hoạt động của người quản lý của Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo các tiêu chí sau:
a) Kết quả việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
b) Kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
c) Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện Điều lệ tổ chức và hoạt động và các quy chế hoạt động Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
(2) Bộ Tài chính hướng dẫn cách thức giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, đánh giá hiệu quả hoạt động người quản lý của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phù hợp với hoạt động của Quỹ.
Việc đánh giá, xếp loại hiệu quả hoạt động của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định cụ thể tại Điều 17 Thông tư 86/2021/TT-BTC như sau:
"Điều 17. Đánh giá xếp loại người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương
1. Người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương được đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm theo các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 42 Nghị định 147/2020/NĐ-CP. Kết quả đánh giá người quản lý Quỹ được phân loại theo 04 mức độ: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Thẩm quyền đánh giá người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và phân cấp quản lý cán bộ tại địa phương.
3. Trình tự, thủ tục, tiêu chí đánh giá người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo quy định đối với người quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định về đánh giá cán bộ tại địa phương."
Theo đó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện dựa trên 04 tiêu chí nêu trên. Thẩm quyền đánh giá được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và phân cấp quản lý cán bộ tại từng địa phương.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ khó đòi là một trong những tiêu chí dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ và người quản lý Quỹ được quy định cụ thể tại các văn bản liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?