Làm chứng minh nhân dân giả sẽ bị xử lý như thế nào? Làm chứng minh nhân dân giả có bị đi tù không?
Chứng minh nhân dân là gì?
Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay đang lưu hành 2 loại Chứng minh nhân dân đó là: Chứng minh nhân dân 12 số và Chứng minh nhân dân 9 số.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Căn cước công dân 2014, có thêm một loại giấy tờ tùy thân nữa là thẻ Căn cước công dân, có giá trị thay thế Chứng minh nhân dân, tuy nhiên những Chứng minh nhân dân được cấp trước đó vẫn sẽ còn giá trị cho đến khi hết thời hạn theo quy định.
Mức xử phạt vi phạm hành chính khi làm giấy Chứng minh nhân dân giả là gì?
Chứng minh nhân dân giả là thẻ chứng minh nhân dân được làm giống như chứng minh nhân dân nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo đúng trình tự, thủ tục..
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng Chứng minh thư giả là có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Cụ thể như sau:
“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy Chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
....
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này."
Như vậy, trong trường hợp sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, bị tịch thu giấy chứng minh nhân giả.
Lưu ý: Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Làm chứng minh nhân dân giả bị có đi tù không?
Ngoài hình thức xử phạt hành chính như trên, hành vi làm giả Chứng minh nhân dân còn có thể bị cấu thành tội danh sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khác theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, làm chứng minh nhân dân giả là hành vi phạm pháp luật. Và hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Hơn thế, hành vi này có thể bị cấu thành tội danh sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khác theo quy định pháp luật hình sự. Bạn có thể đối mặt với hình phạt tù từ 2 – 7 năm tuỳ theo mức độ vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?
- Mục đích của chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng là gì? Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm trình chủ đầu tư chấp thuận nội dung gì?
- Năm cá nhân số 4 năm 2025 có ý nghĩa gì? Năm 2025 là năm thế giới số mấy? Hành vi xem thần số học có phải là mê tín dị đoan không?
- Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng là gì? Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng?
- Sản phẩm phái sinh là gì? Kinh doanh ngoại hối và sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại như thế nào?