Kinh doanh đường sắt đô thị là gì? Điều kiện và chính sách ưu đãi khi kinh doanh đường sắt đô thị?
Kinh doanh đường sắt đô thị là gì?
Theo khoản 22 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về hoạt động kinh doanh đường sắt đô thị như sau:
Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi.
Kinh doanh đường sắt đô thị là gì?
Điều kiện kinh doanh đường sắt đô thị quy định thế nào?
Tại khoản 1 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định như sau:
Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.
Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 có quy định thêm: Kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Vậy, ta thấy kinh doanh đường sắt đô thị là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do đó khi thực hiện hoạt động này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, điều kiện đối với kinh doanh đường sắt đô thị được quy định tại Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Hệ thống đường sắt đô thị khi được đưa vào kinh doanh, khai thác phải có chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật.
- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt, công tác an toàn vận tải đường sắt, trong đó:
+ Người phụ trách bộ phận an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ Người phụ trách bộ phận an toàn vận tải đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt.
- Có ít nhất 03 người quản lý, điều hành doanh nghiệp có trình độ từ đại học trở lên, trong đó:
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt;
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, vận dụng, sửa chữa đầu máy, toa xe;
+ Đối với các tuyến đường sắt đô thị lần đầu tiên đưa vào khai thác, trong thời gian 03 năm kể từ thời điểm bắt đầu khai thác mà chưa bố trí được nhân lực có điều kiện về số năm kinh nghiệm công tác theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì trong 03 năm đầu khai thác phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý khai thác vận tải đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành khai thác vận tải đường sắt hoặc kinh tế - vận tải đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác vận tải của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý đầu máy, toa xe phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành đầu máy, toa xe, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về đầu máy, toa xe đường sắt đô thị được giao quản lý.
- Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải có đầy đủ các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Bên cạnh điều kiện đối với hoạt động kinh doanh đường sắt đô thị, Luật Đường sắt 2017 còn quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị cũng như quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động này, cụ thể như sau:
* Yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị quy định tại Điều 70 Luật Đường sắt 2017:
- Phát triển đường sắt đô thị phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị.
- Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải khác trong đô thị để chuyên chở hành khách. Công trình đường sắt đô thị phải được đấu nối không gian và đấu nối kỹ thuật với các công trình lân cận, đáp ứng tính đồng bộ theo quy hoạch đô thị.
- Công trình, phương tiện, thiết bị đường sắt đô thị phải đáp ứng yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ, an toàn, quốc phòng, an ninh, phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.
- Hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Không được trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang;
+ Phải được cách ly để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép;
+ Đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng chống, cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.
- Phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
* Yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị quy định tại Điều 75 Luật Đường sắt 2017:
- Kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt đô thị được đầu tư.
- Hệ thống cung cấp điện sức kéo phải được điều khiển, giám sát tập trung, ổn định và có khả năng dự phòng để không làm gián đoạn chạy tàu.
- Hệ thống quản lý điều hành chạy tàu phải theo phương thức tập trung.
- Thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng phải rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
* Quy định về hệ thống kiểm soát vé theo Điều 76 Luật Đường sắt 2017:
- Hệ thống kiểm soát vé sử dụng công nghệ hiện đại, đồng nhất và có khả năng kết nối với hệ thống kiểm soát vé của các loại hình giao thông khác.
- Thiết bị của hệ thống kiểm soát vé phải bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế hành động phá hoại, truy cập trái phép.
- Hệ thống kiểm soát vé phải bảo đảm dễ tiếp cận và sử dụng, an toàn cho hành khách, nhân viên đường sắt.
* Về việc quản lý an toàn đường sắt đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Đường sắt 2017:
- Đường sắt đô thị xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị.
- Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn và được cấp Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị và cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị, Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.
* Theo Điều 73 Luật Đường sắt 2017 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý đường sắt đô thị, cụ thể:
- Tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.
- Quyết định áp dụng tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị.
- Tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ giá vận tải đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật.
* Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Đường sắt 2017:
- Thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 51 và Điều 53 của Luật này.
- Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị được nhận những ưu đãi, hỗ trợ nào?
Theo Điều 6 Luật Đường sắt 2017 quy định về những ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động kinh doanh đường sắt đô thị như sau:
- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:
+ Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
+ Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt;
+ Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Như vậy, kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, hoạt động kinh doanh này thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do đó doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu cúng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ngoài ra, kinh doanh đường sắt đô thị thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư nên khi kinh doanh, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được những ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu chính trong xây dựng là ai? Nhà thầu chính có được ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu phụ không?
- Thuế suất hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thế nào? Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu có được miễn thuế?
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?