Hoạt động khuyến nông có bắt buộc phải chịu sự quản lý của Nhà nước không? Kinh phí dùng cho hoạt động khuyến nông có phải chỉ lấy từ ngân sách nhà nước không?
Bản chất của hoạt động khuyến nông là gì?
Bản chất của hoạt động khuyến nông là gì?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP, hoạt động khuyến nông được quy định như sau:
"1. Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
6. Chương trình khuyến nông là tập hợp các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành và địa phương trong từng giai đoạn, bao gồm: tên chương trình; mục tiêu khái quát; tên các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để thực hiện chương trình; địa bàn triển khai; kết quả dự kiến."
Dựa vào quy định trên, có thể thấy hoạt động khuyến nông là những hoạt động liên quan đến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh nông nghiệp nói riêng, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung. Các hoạt động này được xây dựng thành những dự án, nhiệm vụ cụ thể và tập hợp lại thành chương trình để thực hiện trong từng giai đoạn khác nhau.
Hoạt động khuyến nông được thực hiện nhằm mục tiêu gì?
Mục tiêu của hoạt động khuyến nông được quy định tại Điều 3 Nghị định 83/2018/NĐ-CP như sau:
(1) Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường thông qua các nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông.
(2) Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
(3) Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Hoạt động khuyến nông có bắt buộc phải chịu sự quản lý của Nhà nước không?
Nguyên tắc của hoạt động khuyến nông được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 83/2018/NĐ-CP như sau:
- Xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp của Nhà nước.
- Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến nông.
- Dân chủ, công khai, có sự giám sát của cộng đồng và sự quản lý của Nhà nước.
- Nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng người sản xuất, cộng đồng dân tộc khác nhau.
- Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao phải được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận.
- Liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp với nông dân và giữa nông dân với nông dân.
- Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động khuyến nông.
- Ưu tiên hoạt động khuyến nông ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Ưu tiên phụ nữ, người dân tộc thiểu số; tổ chức có tỷ lệ cao về nữ hoặc người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động khuyến nông.
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy hoạt động khuyến nông tuy là hoạt động dân chủ nhưng bắt buộc phải chịu sự giám sát của cộng đồng và sự quản lý của Nhà nước để việc thực hiện được diễn ra một cách hợp lý và đúng định hướng đã đề ra.
Kinh phí dùng cho hoạt động khuyến nông có phải chỉ lấy từ ngân sách nhà nước không?
Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư 75/2019/TT-BTC, gồm:
(1) Nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó:
a) Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến nông trung ương và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, tổ chức thực hiện.
b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến nông địa phương và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, tổ chức thực hiện.
(2) Nguồn kinh phí lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện mục tiêu của khuyến nông.
(3) Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động khuyến nông. Các đơn vị được vận dụng các quy định tại Thông tư này trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác khi thực hiện hoạt động khuyến nông.
Có thể thấy, ngoài nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân còn có thể sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động khuyến nông theo đúng thẩm quyền của mình.
Như vậy, khuyến nông là hoạt động chuyển giao các tiến bộ về kỹ thuật, thông tin, kiến thức thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng cao hiệu suất kinh doanh của nền nông nghiệp. Quá trình thực hiện hoạt động khuyến nông của nhân dân phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông không chỉ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà còn có thể sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động trên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?