Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức hằng năm tại TP HCM từ 01 11 2024 theo Quyết định 89 2024 QĐ-UBND?
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức hằng năm tại TP HCM từ 01 11 2024 theo Quyết định 89 2024 QĐ-UBND?
- Nguyên tắc đánh giá xếp loại chất lượng công chức viên chức hằng năm tại TPHCM là gì?
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm gì trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ quan?
Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức hằng năm tại TP HCM từ 01 11 2024 theo Quyết định 89 2024 QĐ-UBND?
Ngày 22/10/2024 UBND TP HCM ban hành Quyết định 89 2024 QĐ-UBND Quy định đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố.
Tại Điều 4 Quyết định 89/2024/QĐ-UBND quy định về tiêu chí chung xếp loại chất lượng công chức như sau:
Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định 90/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh đó đó, tại Điều 6, Điều 7, Điều 10 Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND đã nêu rõ các tiêu chí xếp loại chất lượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể:
(1) Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
+ Đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công (nếu có) của cơ quan, đơn vị được giao phụ trách đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, cam kết giải ngân trong năm và cao hơn mức giải ngân bình quân của Thành phố (trừ trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng và được cấp có thẩm quyền đồng ý).
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Công chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị: thực hiện theo Điều 10 Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
(2) Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 90/2020/NĐ-CP
- Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí khoản 1 Điều 9 Nghị định 90/2020/NĐ-CP.
- Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí khoản 1 Điều 10 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
- Công chức có một trong các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
(3) Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Công chức là đứng đầu cơ quan, đơn vị được xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm theo các tiêu chí như sau:
(*) Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không có trường hợp nào bị kỷ luật.
(*) Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Không có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý có dưới 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức khiển trách và không có trường hợp nào bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
(*) Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Không có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý có dưới 03 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức khiển trách hoặc có dưới 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
(*) Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi có một trong các tiêu chí như sau:
- Không đạt được các tiêu chí để xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc các vi phạm khác bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Có tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Có trên 03 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị kỷ luật ở hình thức khiển trách hoặc có từ 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
(*) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm của các thời kỳ, giai đoạn trước hoặc không liên quan trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì không đưa vào xem xét, đánh giá mức xếp loại chất lượng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
(*) “Kỷ luật” trong Điều này được hiểu là kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm pháp luật, quy định liên quan đến thực thi nhiệm vụ, công vụ được cấp có thẩm quyền giao; không bao gồm việc kỷ luật do vi phạm pháp luật, các quy định khác ngoài phạm vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức hằng năm tại TP HCM từ 01 11 2024 theo Quyết định 89 2024 QĐ-UBND? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc đánh giá xếp loại chất lượng công chức viên chức hằng năm tại TPHCM là gì?
Tại Điều 3 Quy định đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định 89/2024/QĐ-UBND quy định quan điểm, nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượn hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức TPHCM như sau:
- Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, chính xác, đúng thực chất; không mang tính hình thức; đúng thẩm quyền quản lý. Phải xác định rõ sản phẩm cụ thể trên cơ sở thống kê khối lượng công việc được giao đã hoàn thành theo ngành, lĩnh vực, công việc cụ thể tham mưu, lãnh đạo, quản lý gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Khi xác định tỷ lệ % mức độ hoàn thành công việc theo các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ được giao, đúng quy định.
- Kết quả đánh giá, xếp loại của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không cao hơn kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể theo quy định của Đảng.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung, căn cứ vào kết quả thời gian làm việc thực tế tại cơ quan, đơn vị trong năm (nếu có) và kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (nếu có) để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi được cử đến biệt phái có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng sau khi kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị cử đi biệt phái. Cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức đến biệt phái có trách nhiệm gửi hồ sơ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng về cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức cử đi biệt phái để lưu hồ sơ, theo dõi, quản lý.
- Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tại Quy định này được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định của Đảng.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm gì trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ quan?
Căn cứ Điều 59 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có quy định về trách nhiệm trong việc bảo đảm để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sau đây:
+ Phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị để quy định cụ thể hơn nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình làm cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Nội dung của quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị có thể mở rộng hơn phạm vi thực hiện dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhưng không được trái hoặc hạn chế việc thực hiện các nội dung đã được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022;
+ Tạo lập cơ chế tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị; thực hiện việc đối thoại, giải trình với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; sử dụng nội dung nhận xét, góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị;
+ Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kiến nghị của Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác tại cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo, chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
+ Tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật;
+ Xử lý người có hành vi cản trở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoặc người có hành vi trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực; nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo thẩm quyền hoặc thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; chủ động, tích cực phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xác minh, kiểm tra, giám sát đối với các nội dung mà mình đã kiến nghị, đề nghị.
Quyết định 89/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?