Thế nào là thường trú, lưu trú và tạm trú? Thường trú, tạm trú và lưu trú khác nhau như thế nào?
Thế nào là nơi cư trú?
Khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định rằng cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).
Thường trú, tạm trú và lưu trú đều là dùng để nói về việc cư trú của công dân. Đối với quy định về nơi cư trú của công dân thì tại Điều 40 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
Nơi cư trú của cá nhân
1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.
Đồng thời, tại Điều 11 Luật Cư trú 2020 có quy định về nơi cư trú của công dân cụ thể như sau:
Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.
Thế nào là thường trú, lưu trú và tạm trú? Thường trú, tạm trú và lưu trú khác nhau như thế nào? (Hình từ Internet)
Thế nào là thường trú?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định về khái niệm thường trú cụ thể như sau:
8. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú;
Theo đó, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
Thế nào là tạm trú?
Đối với quy định khái niệm về tạm trú thì tại khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định cụ thể như sau:
9. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Như vậy, tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Thế nào là lưu trú?
Tại khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định về khái niệm lưu trú cụ thể như sau:
6. Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Dựa vào quy định trên có thể xác định được khái niệm lưu trú rằng lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Phân biệt thường trú, tạm trú và lưu trú?
Tiêu chí | Thường trú | Tạm trú | Lưu trú |
Khái niệm | Là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú | Là nơi công dân sinh sống từ 30 ngày trở lên ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú | Là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày |
Bản chất | Sinh sống thường xuyên, lâu dài chủ yếu tại nơi ở thuộc sở hữu của bản thân, gia đình hoặc thuê, mượn, ở nhờ | Sinh sống thường xuyên nhưng có thời hạn nhất định chủ yếu là nhà thuê, mượn | Nghỉ lại tạm thời vì lý do công việc, du lịch, thăm hỏi... trong thời gian ngắn |
Thời hạn cư trú | Không có thời hạn | - Có thời hạn, tối đa 02 năm - Được gia hạn nhiều lần | Thời hạn ngắn, dưới 30 ngày, mang tính nhất thời |
Nơi đăng ký cư trú | - Công an xã, phường, thị trấn; - Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã | - Công an xã, phường, thị trấn; - Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã | - Công an xã, phường, thị trấn; - Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã |
Điều kiện đăng ký | Thuộc một trong các trường hợp sau: - Có chỗ ở hợp pháp; - Nhập hộ khẩu về nhà người thân - Đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ - Đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở - Đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội - Đăng ký thường trú tại phương tiện lưu động | Đáp ứng 02 điều kiện: - Sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú - Sinh sống từ 30 ngày trở lên | - Nghỉ lại tại một địa điểm nhất định điểm nhất định không phải nơi thường trú - Không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú |
Thời hạn thực hiện | Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và đủ điều kiện đăng ký thường trú | - Không quy định. - Sinh sống trên 30 ngày phải đăng ký | Trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú trước 8h ngày hôm sau |
Kết quả đăng ký | Được cập nhật thông tin về nơi thường trú mới vào Cơ sở dữ liệu về cư trú | Được cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú | Được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú |
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?
- Chức năng của công tác xã hội là gì? Công tác xã hội có góp phần thúc đẩy công bằng xã hội hay không?
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?