Phó Giám đốc Sở và tương đương là ai? Tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác của chức danh này ra sao?
Phó Giám đốc Sở và tương đương là ai?
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về Phó Giám đốc Sở và tương đương như sau:
Phó Giám đốc Sở và tương đương
1. Phó Giám đốc Sở và tương đương là cấp phó của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở quản lý, tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định:
Đối tượng áp dụng
...
3. Đối với Sở và tương đương:
a) Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Giám đốc Sở và tương đương);
b) Phó Giám đốc Sở, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc Sở và tương đương);
...
Vậy, Phó Giám đốc Sở và tương đương là cấp phó của Giám đốc Sở, có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở quản lý, tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, đồng thời chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao, người ở vị trí này đảm nhiệm các chức danh như:
- Phó Giám đốc Sở
- Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
- Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Phó Trưởng ban Ban Dân tộc
Phó Giám đốc Sở và tương đương là ai? Tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác của chức danh này ra sao? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn chung để giữ chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương là gì?
Tiêu chuẩn chung để giữ chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương được xác định căn cứ theo Mục 1 Chương II Nghị định 29/2024/NĐ-CP, bao gồm:
- Tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng;
- Tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật;
- Tiêu chuẩn về trình độ;
- Tiêu chuẩn về năng lực và uy tín;
- Tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác
Tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác của chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương ra sao?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có thể xác định quy định về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác của chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương như sau:
(1) Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
(2) Bảo đảm tuổi bổ nhiệm; được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên theo quy định.
(3) Có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì thành tích, kết quả, sản phẩm cụ thể phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.
(4) Có kinh nghiệm thực tiễn, thời gian công tác phù hợp:
- Trường hợp bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ
Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành:
+ Bảo đảm đã kinh qua chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị cấu thành;
+ Thời gian giữ chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương);
Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành:
Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định.
- Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài
Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành:
Bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định.
Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức không có đơn vị cấu thành:
Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP.
Trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành:
+ Bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 29/2024/NĐ-CP;
+ Hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định;
- Trường hợp trước khi bổ nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ, chức danh được xác định là chức vụ, chức danh bằng, tương đương hoặc cao hơn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm thì thời gian đó được tính vào thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương để cộng dồn; không áp dụng đối với trường hợp bị cách chức, giáng chức.
Trường hợp bổ nhiệm lần đầu tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành mà trước đó đã có thời gian công tác tại đơn vị cấu thành thì thời gian công tác tại đơn vị cấu thành được tính vào thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực, bảo đảm tổng thời gian công tác không thấp hơn tổng thời gian tối thiểu giữ chức các chức vụ, chức danh dưới chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.
(5) Trường hợp đặc biệt (về độ tuổi, kinh nghiệm thực tiễn, bổ nhiệm vượt cấp, quy hoạch) do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo phân cấp quản lý xem xét, quyết định.
Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ 25/12/2024, trang thông tin điện tử được phân loại như thế nào? Nguyên tắc quản lý trang thông tin điện tử ra sao?
- Quy trình kỹ thuật thu gom cơ giới chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở tiếp nhận từ 3/2/2025 ra sao?
- Tả quang cảnh sân trường em trong giờ ra chơi? Tổng hợp các đoạn văn tả quang cảnh sân trường em trong giờ ra chơi?
- Hướng dẫn xử lý tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam .vn từ 25/12/2024 theo Nghị định 147 như thế nào?
- Nghỉ thai sản trùng nghỉ Tết Dương lịch thì có được nghỉ bù không? Lời chúc Tết Dương lịch may mắn, phát tài?