Kiến nghị chính sách ưu đãi để người dân có thể mua ô tô với mức giá rẻ hơn? Đánh giá quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thế nào?

Đánh giá quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thế nào? - Câu hỏi của anh Kiệt (Lâm Đồng)

Bất cập của việc áp dụng quy định mức độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô nhập khẩu là gì?

Nội dung này được đánh giá tại Công văn 1154/BCT-CN năm 2023 như sau:

Bất cập thứ nhất, trước đây, để khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư đối với ngành cơ khí, điện tử (trong đó có ngành công nghiệp ô tô), Chính phủ định hướng quản lý và áp dụng chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.

Thực hiện Quyết định 175/2002/QĐ-TTg ngày 03/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, ngày 01/10/2004, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Do Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN chưa quy định cụ thể về cách thức, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa nên ngày 11/05/2005, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN (được sửa đổi tại Thông tư 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/03/2012).

Trong các văn bản này, quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm rõ về cách thức tính điểm dựa trên mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, làm cơ sở xác định tỷ lệ nội địa hóa.

Trên thực tế, chính sách khuyến khích hỗ trợ theo tỷ lệ nội địa hóa đối với linh kiện ô tô nhập khẩu chưa được ban hành. Bên cạnh đó, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa tại Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN chưa được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và chưa có doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi theo chính sách này.

Bất cập thứ hai, theo quy định hiện hành về phân loại và tính thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu (Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CPNghị định 125/2017/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi bổ sung):

- Doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời hoặc bộ linh kiện ô tô đồng bộ để sản xuất lắp ráp ô tô thì được phân loại theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô theo danh mục 97 chương (có mức thuế trung bình của bộ linh kiện từ 12% đến 14%), đồng thời linh kiện, phụ tùng này phải đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu thì được phân loại xe nguyên chiếc (mức thuế suất cao hơn).

Trong khi đó, cũng các linh kiện, phụ tùng này, các doanh nghiệp nhập khẩu với mục đích kinh doanh thương mại để thay thế trong bảo dưỡng, sửa chữa thì được áp dụng mức thuế nhập khẩu tương tự như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng không cần đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu (doanh nghiệp kinh doanh thương mại này sẽ không được lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh và không được cấp phiếu xuất xưởng để đăng ký lưu hành).

Như vậy, cùng một mặt hàng, cùng đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng, cùng một mã HS và cùng một thuế suất nhập khẩu nhưng có sự phân biệt giữa hai đối tượng; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng điều kiện mức độ rời rạc còn doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh thương mại thì không có điều kiện này.

- Để được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% (được hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được) đối với linh kiện, phụ tùng theo Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7a Nghị định 57/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong các điều kiện tại Điều 7a Nghị định 57/2020/NĐ-CP, điều kiện về sản lượng là quy định then chốt nhằm mục đích gia tăng sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, qua đó góp phần hỗ trợ tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng quy định mức độ rời rạc nêu trên không làm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Cụ thể, từ khi ban hành Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN và các quy định sửa đổi bổ sung đến nay, tỷ lệ nội địa hóa hầu hết các mẫu xe du lịch đã và đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều rất thấp, không đạt được mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Bất cập thứ ba, xe ô tô hoàn chỉnh là sản phẩm được sản xuất lắp ráp với hơn 30.000 chi tiết.

Hiện nay, công nghệ sản xuất ô tô trên thế giới ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trên ô tô ngày càng mới, hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe, đặc biệt đối với các dòng xe du lịch cao cấp hay xe điện hoá.

Do đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước quy định cứng về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu là can thiệp quá sâu vào công nghệ, chuỗi cung ứng, công đoạn, phân đoạn sản xuất của Nhà sản xuất trong khi công nghệ sản xuất lắp ráp ô tô hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn so với năm 2004 (thời điểm ban hành Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN) và luôn thay đổi để đáp ứng theo nhu cầu ngày càng cao của người người tiêu dùng.

Điều này đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong việc chủ động quyết định công đoạn, phân đoạn sản xuất để tối ưu hóa sản xuất và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bất cập thứ tư, khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN có hiệu lực, các xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN và từ các nước, khu vực khác (theo cam kết của EVFTA, CPTPP) sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với giá rất cạnh tranh.

Từ năm 2018, cơ hội cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh thị trường từ xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN của các doanh nghiệp FDI dẫn đến quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Công nghiệp Cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khí đầu ra bị thu hẹp.

Các doanh nghiệp FDI ngoài việc tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.

Việc này này cũng gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu Chính phủ và các Bộ ngành không kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp (một trong số đó là cần sớm bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu) để khuyến khích, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Bất cập thứ năm, về thủ tục hải quan, với quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, cơ quan hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác đâu là linh kiện rời, đâu là linh kiện đã lắp ráp hoàn chỉnh để áp dụng mức thuế suất phù hợp.

Trên thực tế, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, từng xảy ra rất nhiều tranh cãi giữa doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ô tô với cơ quan hải quan liên quan đến quy trình xác định linh kiện rời rạc hay linh kiện hoàn chỉnh.

Trong khi đó, căn cứ duy nhất trước đây để xác định linh kiện rời rạc hay linh kiện hoàn chỉnh là Thông tư 05/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ với các tiêu chí nêu trên mang nặng tính kỹ thuật. Do đó, rất nhiều trường hợp phải trưng cầu giám định, kéo dài thời gian thông quan.

Ngoài ra, quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu còn dẫn đến trường hợp một số doanh nghiệp gian lận thương mại trong nhập khẩu linh kiện ô tô, tháo rời thành các bộ linh kiện, khai báo là linh kiện rời rạc để trốn thuế.

 Kiến nghị chính sách ưu đãi để người dân có thể mua ô tô với mức giá rẻ hơn? Đánh giá quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu?

Kiến nghị chính sách ưu đãi để người dân có thể mua ô tô với mức giá rẻ hơn? Đánh giá quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu? (Hình từ internet)

Kiến nghị chính sách ưu đãi để người dân có thể mua ô tô với mức giá rẻ hơn?

Tại Mục III Công văn 1154/BCT-CN năm 2023 thì Bộ Công thương đã đưa ra những kiến nghị ưu đãi nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể như sau:

Theo Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…” và sản xuất ô tô là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn được chú trọng phát triển.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra định hướng “…khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ”.

Với những định hướng trên, Bộ Công Thương đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô cần dựa trên các tiêu chí sau:

- Đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ và góp phần hạ giá bán xe...;

- Người tiêu dùng có thể tiếp cận ô tô với mức giá rẻ hơn;

- Dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực có chính sách thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn như Thái Lan, Indonesia, Phi-líp-pin.

Việc không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu mang đến tác động như thế nào?

Tại tiểu mục 1 Mục 2 Công văn 1154/BCT-CN năm 2023 có đề cập như sau:

- Việc không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại bộ linh kiện ô tô nhập khẩu từ ngày 01/10/2022 còn mang lại những tác động tích cực như sau:

+ Đảm bảo việc phân loại linh kiện (xác định mã HS) phù hợp với quy định pháp luật trong nước và Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (Danh mục HS) và chi tiết ở cấp độ 8 chữ số theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN; đồng thời, giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước và cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc thực hiện các chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu, thủ tục hải quan;

+ Đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập.

Linh kiện ô tô
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Đánh giá chất lượng (COP) đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước chưa có thỏa thuận với Việt Nam
Pháp luật
Giá xe ô tô tại Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực? Nguyên nhân của những hạn chế trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam là gì?
Pháp luật
Kiến nghị chính sách ưu đãi để người dân có thể mua ô tô với mức giá rẻ hơn? Đánh giá quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thế nào?
Pháp luật
Quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu có bị bãi bỏ không? Việc bãi bỏ quy định về độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu ảnh hưởng như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Linh kiện ô tô
Tác giả Nguyễn Trần Hoàng Quyên Nguyễn Trần Hoàng Quyên Lưu bài viết
1,335 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Linh kiện ô tô

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Linh kiện ô tô

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào