Bộ đội xuất ngũ nghĩa vụ quân sự 2024 được hưởng các chế độ gì? Ai được xuất ngũ trong năm 2024?
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nghĩa vụ quân sự được hiểu là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Bộ đội xuất ngũ nghĩa vụ quân sự 2024 được hưởng các chế độ gì? Ai được xuất ngũ trong năm 2024? (Hình từ internet)
Bộ đội xuất ngũ nghĩa vụ quân sự 2024 được hưởng các chế độ gì?
Chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, bộ đội khi xuất ngũ được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ như sau:
- Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ.
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ; từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở; từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, bộ đội khi xuất ngũ được hưởng chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ như sau:
- Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó.
Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.
Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ;
Trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành; cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ sở kinh tế đó.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 và Khoản 1 Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng Điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
Ai được xuất ngũ nghĩa vụ quân sự trong năm 2024?
Tại Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định về điều kiện xuất ngũ như sau:
Điều kiện xuất ngũ
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này thì được xuất ngũ.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1; các điểm a, b và c khoản 2 Điều 41 của Luật này.
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
...
Ngoài ra tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định thời điểm gọi công dân nhập ngũ cụ thể như sau:
Số lần, thời điểm gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong năm
Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Như vậy, theo các quy định như trên, thời gian gọi công dân nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự là vào tháng hai hoặc tháng ba. Thời gian tại ngũ là 24 tháng (trừ trường hợp kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ) cho nên đối với những công dân nhập ngũ vào năm 2022 thì vào tháng hai hoặc tháng ba năm 2024 sẽ được xuất ngũ.
Trường hợp đặc biệt được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời dẫn chương trình gặp mặt đầu xuân 2025? Kịch bản chương trình gặp mặt đầu xuân Ất Tỵ 2025?
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Vĩnh Long chính thức? Địa điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Vĩnh Long?
- Pháo hoa nổ chỉ được cung cấp cho các cơ quan, tổ chức trong trường hợp nào? Sử dụng pháo hoa nổ phải bảo đảm yêu cầu nào?
- Thơ chúc Tết Ất Tỵ hay ý nghĩa? Tết Ất Tỵ: Hướng dẫn treo cờ Tổ quốc tại nhà theo đúng quy định?
- Hái lộc đầu xuân là gì? Hái lộc đầu năm có ý nghĩa gì? Tổ chức các Lễ hội truyền thống dịp Tết dựa trên nguyên tắc gì?