Hiệu trưởng trường mầm non có nhiệm kỳ bao lâu? Hiệu trưởng trường mầm non có được công tác tại trường công lập quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp không?
Trường mầm non được tổ chức theo cơ cấu nào?
Cơ cấu tổ chức của trường mầm non được quy định tại Điều 8 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT như sau:
Cơ cấu tổ chức của nhà trường gồm: Hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Hiệu trưởng trường mầm non phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định về chức danh hiệu trưởng trường mầm non như sau:
- Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường;
- Người được bổ nhiệm hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn theo quy định;
- Hiệu trưởng trường công lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm; hiệu trưởng trường dân lập, tư thục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 05 năm. Sau 05 năm, hiệu trưởng được đánh giá và có thể bổ nhiệm lại hoặc công nhận lại. Hiệu trưởng công tác tại một trường công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng
+ Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm giải trình khi cần thiết.
+ Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định.
+ Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ quản lý theo quy định; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên, giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
+ Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường.
+ Tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường; quyết định khen thưởng.
+ Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn hoặc tổ văn phòng; trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 02 giờ trong một tuần; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định.
+ Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hoá giáo dục; phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.
Theo quy định trên, ta thấy việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường mầm non không yêu cầu về tuổi tác, Theo đó, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường mầm non được quy định là 05 năm, sau 05 năm thì có thể bổ nhiệm lại và thời gian công tác tại một trường công lập của hiệu trưởng trường mầm non là không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.
Hiệu trưởng trường mầm non
Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non được quy định thế nào?
Trong quá trình hoạt động, trường mầm non thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 3 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT như sau:
- Xây dựng phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường.
- Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường công lập; quản lý, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Công bố công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của nhà trường trong quản lý hoạt động giáo dục.
- Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; quản lý trẻ em; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trong phạm vi được phân công; thực hiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo phân công của cấp có thẩm quyền.
- Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa.
- Tham mưu với chính quyền, phối hợp với gia đình hoặc người chăm sóc trẻ em và tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động phù hợp trong cộng đồng.
- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ta thấy trường mầm non có cơ cấu tổ chức gồm: hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trong đó, đối với chức danh hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm và phải đảm bảo thời gian đảm nhận chức vụ theo quy định. trường mầm non trong quá trình hoạt động được hưởng quyền và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nếu hợp đồng và phụ lục hợp đồng có mâu thuẫn thì điều khoản trong hợp đồng hay trong phụ lục hết hiệu lực?
- Mẫu Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho mới nhất? Mức trích lập được tính theo công thức nào?
- Lời chúc Ngày Ông Công Ông Táo? Ngày Ông Công Ông Táo là ngày gì? Ngày Ông Công Ông Táo có phải là ngày lễ lớn?
- Thư chúc Tết Âm lịch 2025 khách hàng hay và ý nghĩa? Tổng hợp mẫu thư chúc Tết khách hàng 2025?
- Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng được chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không?