Hành vi điều khiển xe máy tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn thì xử lý như thế nào?
Nồng độ cồn được phép để điều khiển xe máy tham gia giao thông là bao nhiêu?
Tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019) quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
Căn cứ Điều 21 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 quy định phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như sau:
"Điều 21. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia
1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý."
Theo đó, theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ thì người điều khiển xe không được có nồng độ cồn.
Như vậy để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì khi uống rượi bia thì tốt nhất bạn không nên điểu khiển phương tiện tham gia giao thông và tránh bị xử phạt.
Tham gia giao thông sau khi uống rượu bia
Người điều khiển xe máy tham gia giao thông sau khi uống rượu bia thì bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 6, điểm c khoản 7, điểm e khoản 8 và điểm c, điểm e và điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
"Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;
e) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;
g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng."
Như vậy, tùy vào nồng độ cồn trong cơ thể mà người điều khiển xe sẽ bị xử phạt vi phạm khác nhau, mức phạt thấp nhất là từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng với nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy tham gia giao thông có bị tạm giữ phương tiện không?
Căn cứ điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về việc tạm giữ phương tiện vi phạm như sau:
"Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
a) Điểm c khoản 6; điểm a, điểm c khoản 8; khoản 10 Điều 5;
b) Điểm b, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8; khoản 9 Điều 6;"
Với lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy trên thì chủ phương tiện vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?