Giấy phép lái xe quốc tế còn hiệu lực có được sử dụng khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam không?
- Giấy phép lái xe quốc tế là gì?
- Giấy phép lái xe quốc tế do Thái Lan cấp còn hiệu lực sử dụng thì có phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe của Việt Nam khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam không?
- Trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế, khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo giấy phép lái xe quốc gia bị xử phạt như thế nào?
Giấy phép lái xe quốc tế là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT quy định:
Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất.
Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, sau đây gọi tắt là IDP.
Như vậy, giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất, có tên tiếng Anh là International Driving Permit và gọi tắt là IDP.
Giấy phép lái xe quốc tế (Hình từ Internet)
Giấy phép lái xe quốc tế do Thái Lan cấp còn hiệu lực sử dụng thì có phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe của Việt Nam khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam không?
(1) Trường hợp sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp được quy định tại Điều 10 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT:
Sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp
1. Người có IDP do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại.
2. IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
(2) Trường hợp sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT:
Sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp tại Việt Nam
1. Người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.
2. Người có IDP vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam mà bị tước quyền sử dụng IDP có thời hạn thì thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, Người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam. Trường hợp Thái Lan là một trong 85 nước tham gia Công ước giao thông đường bộ năm 1968, thừa nhận Giấy phép lái xe quốc tế. Do đó, đối với trường hợp trên thì công dân Thái Lan có thể dùng bằng giấy phép lái xe quốc tế hiện tại để lái xe, tham gia giao thông ở Việt Nam, không cần phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam.
Trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế, khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo giấy phép lái xe quốc gia bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
...
5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
...
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
b) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
...
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5, điểm d khoản 7, điểm c khoản 8 bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Theo đó, trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia thì tùy vào loại xe người điều khiển tham gia giao thông sẽ có mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung tương ứng. Vì trường hợp bạn không nói rõ điều khiển loại xe nào nên có thể tham khảo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?