Đột quỵ là gì? Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao là loại đột quỵ nào? Cấp cứu 115 cần làm gì khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ?
Đột quỵ là gì? Đột quỵ có phải là tai biến mạch máu não hay không?
Đột quỵ là gì và đột quỵ có phải là tai biến mạch máu não hay không thì căn cứ Phần I tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não” ban hành kèm theo Quyết định 5331/QĐ-BYT năm 2020 có sơ lược về đột quỵ não như sau:
Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hay tai biến mạch não) có hai thể lâm sàng chính: đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tỉnh được đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não, dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng. Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là nhồi máu não (NMN) phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não (XHN) mà nguyên nhân là do nứt vỡ các động mạch trong não.
...
Theo đó, đột quỵ thường được gọi là tai biến mạch máu não là một tình trạng y tế cấp tính xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn hoặc giảm sút, dẫn đến tổn thương não. Có hai loại đột quỵ chính, bao gồm:
- Đột quỵ thiếu máu não (ischemic stroke): Xảy ra khi một mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, thường do cục máu đông.
- Đột quỵ xuất huyết (hemorrhagic stroke): Xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, gây chảy máu vào mô não.
Các triệu chứng của đột quỵ có thể bao gồm:
- Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể
- Khó nói hoặc hiểu lời nói
- Rối loạn thị giác
- Chóng mặt, mất cân bằng hoặc mất phối hợp
Đột quỵ là gì? Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao là loại đột quỵ nào? Cấp cứu 115 cần làm gì khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ? (Hình từ Internet)
Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao là loại đột quỵ nào?
Theo Phần I tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não” ban hành kèm theo Quyết định 5331/QĐ-BYT năm 2020 có nêu:
...
Trong đột quỵ xuất huyết não, máu chảy trực tiếp vào nhu mô não. Cơ chế thường là rò rỉ từ các động mạch nội sọ nhỏ bị tổn thương do tăng huyết áp mãn tính. Các thuật ngữ xuất huyết nội sọ và đột quỵ xuất huyết được sử dụng thay thế cho nhau trong những phần trình bày dưới đây và tách biệt với xuất huyết chuyển dạng trong đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Đột quỵ xuất huyết não ít phổ biến hơn đột quỵ do thiếu máu não. Các thống kê dịch tễ học cho biết chỉ có 8-18% đột quỵ là xuất huyết [2]. Tuy nhiên, đột quỵ xuất huyết có tỷ lệ tử vong cao hơn đột quỵ do thiếu máu não [1].
Bệnh nhân bị XHN có thể có dấu hiệu thần kinh khu trú tương tự như NMN nhưng có xu hướng trầm trọng hơn. Bệnh nhân bị chảy máu nội sọ thường có dấu hiệu đau đầu, rối loạn tâm thần, co giật, buồn nôn và nôn, và/hoặc tăng huyết áp rõ rệt.
Nhồi máu não và xuất huyết não khó có thể phân biệt được nếu như chỉ căn cứ vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, vì vậy, cần chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) não mà hiện nay là bắt buộc.
...
Như vậy, đột quỵ xuất huyết (hemorrhagic stroke) thường có tỷ lệ tử vong cao hơn so với đột quỵ thiếu máu não (ischemic stroke). Nguyên nhân là do trong đột quỵ xuất huyết, mạch máu trong não vỡ ra, dẫn đến chảy máu vào nhu mô não, gây áp lực và tổn thương nặng nề.
Lưu ý: Bệnh nhân bị xuất huyết não có thể có dấu hiệu thần kinh khu trú tương tự như nhồi máu não nhưng có xu hướng trầm trọng hơn. Bệnh nhân bị chảy máu nội sọ thường có dấu hiệu đau đầu, rối loạn tâm thần, co giật, buồn nôn và nôn, và/hoặc tăng huyết áp rõ rệt.
Cấp cứu 115 cần làm gì khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ?
Tại Mục I Chương 3 tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não” ban hành kèm theo Quyết định 5331/QĐ-BYT năm 2020 có quy định:
Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, cấp cứu 115 nên nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân an toàn đến cơ sở y tế được trang bị máy chụp CT sọ não và có khả năng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để đem lại cho bệnh nhân đột quỵ cơ hội tốt nhất.
Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu ưu tiên, đòi hỏi nhân viên y tế phải phản ứng một cách nhanh chóng. Người trả lời cuộc gọi cấp cứu phải hỏi bệnh ngắn gọn, thu thập nhanh các thông tin quan trọng như thời gian khởi phát triệu chứng, thời gian gần nhất nhìn thấy bệnh nhân bình thường, tiền sử bệnh, mức đường huyết và thông báo cho người có trách nhiệm để kịp thời chuẩn bị các phương án phù hợp.
Mục tiêu trung tâm trong xử trí, điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là bảo tồn nhu mô não ở vùng giảm tưới máu nhưng bị hoại tử. Tế bào não trong khu vực này có thể được bảo tồn bằng cách khôi phục lưu lượng máu đến và tối ưu hóa tuần hoàn bàng hệ khu vực bị tổn thương.
Chiến lược tái tưới máu cần nhanh chóng được triển khai, bao gồm cả việc sử dụng chất kích hoạt plasminogen mô đường tĩnh mạch (rt-PA) và các phương pháp tiếp cận trong động mạch nhằm mục tiêu tái thông mạch máu để có thể cứu sống được các tế bào trong vùng tranh tối tranh sáng trước khi chúng tổn thương không hồi phục.
Bên cạnh đó cần có chiến lược hạn chế mức độ nghiêm trọng của tổn thương não, bảo vệ tế bào thần kinh. Các phương pháp bảo vệ thần kinh được sử dụng để bảo tồn nhu mô não vùng tranh tối tranh sáng và mở rộng cửa sổ thời gian cho các kỹ thuật tái thông mạch. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp bảo vệ thần kinh nào được chứng minh là thực sự có hiệu quả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong những trường hợp nào? Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký gồm những gì?
- Giáo dục phổ thông là gì? Giai đoạn giáo dục cơ bản trong giáo dục phổ thông gồm các cấp học nào?
- Xâm hại tình dục gồm những hành vi nào? Dấu hiệu nhận biết một người bị xâm hại tình dục ra sao?
- Cơ sở kinh doanh dược được đánh giá định kỳ đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự bao lâu một lần?
- Mục tiêu của giáo dục thường xuyên là gì? Chương trình này có thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học?