Đang nợ tiền thuê đất thì có được chuyển nhượng dự án đầu tư sang cho nhà đầu tư khác không? Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định như thế nào? Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư bao gồm những gì?
Như thế nào là chuyển nhượng dự án đầu tư?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Chuyển nhượng dự án đầu tư là việc các nhà đầu tư của một dự án chuyển một phần hoặc toàn bộ dự án của mình cho một nhà đầu tư khác được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư.
Hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư mang bản chất và các đặc điểm cơ bản của một hợp đồng mua bán tài sản, trong đó, tài sản của loại hợp đồng này là dự án đầu tư hoặc một phần của nó.
Đang nợ tiền thuê đất thì có được chuyển nhượng dự án đầu tư sang cho nhà đầu tư khác không? (Hình từ Internet)
Đang nợ tiền thuê đất thì có được chuyển nhượng sang cho nhà đầu tư khác không?
Theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư 2020 thì một trong các điều kiện để được chuyển nhượng dự án đó chính là phải thỏa điều kiện theo quy định của pháp luật đất đai khi chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định:
Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Theo đó, để thực hiện chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư khác thì đơn vị phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tức phải thanh toán đủ tiền thuê đất.
Do đó, trường hợp đang nợ tiền thuê đất thì chưa đủ điều kiện để được chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.
Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư là gì?
Theo Điều 46 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư sau đây:
1. Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật đầu tư (tức không thuộc trường hợp nhà đầu tư chấm dứt dự án hay cơ quan nhà nước chấm dứt dự án);
2. Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này;
3. Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
4. Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
5. Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
6. Dự án của doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư bao gồm:
+ Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
+ Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
+ Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
+ Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
+ Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
+ Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong công tác thi đua khen thưởng theo Thông tư 93?
- Mẫu Kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư thuộc E HSMST dự án PPP theo Thông tư 15 mới nhất?
- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm kỳ bao lâu? Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo biểu quyết bằng hình thức nào?
- Xúi giục, đe dọa người khác phá thai bị xử lý như thế nào? Pháp luật có cấm phá thai hay không?
- Năm cá nhân số 3 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết?