Có thể thừa kế theo pháp luật phần tiền gửi ngân hàng của người chết không để lại di chúc hay không?
Di sản thừa kế là tiền gửi tiết kiệm đứng tên người chồng được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN có quy định về tiền gửi tiết kiệm như sau:
"1. Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
2. Tiền gửi tiết kiệm chung là tiền gửi tiết kiệm của từ hai người gửi tiền trở lên."
Đồng thời, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."
Có thể thấy, tuy có quy định về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi tiết kiệm riêng để phân biệt giữa tài sản riêng và tài sản chung của từ hai người trở lên, tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp chỉ có vợ/chồng đứng tên trên sổ tiết kiệm, còn phần tiền gửi là khoản thu nhập chung của hai vợ chồng.
Do đó, nếu không có thỏa thuận khác thì trong trường hợp không có căn cứ chứng minh sổ tiết kiệm là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản này được coi là tài sản chung.
Như vậy, nếu trong thời kỳ hôn nhân, một trong hai vợ, chồng gửi tiền tiết kiệm mà không chứng minh được đó là tài sản riêng thì sổ tiết kiệm sẽ là tài sản chung.
Ngoài ra, trường hợp chứng minh được phần tiền gửi ngân hàng là tài sản riêng của vợ, chồng nhưng số tiền lãi phát sinh hàng tháng từ số tiền của sổ tiết kiệm lại là tài sản chung vợ, chồng vì có thể xem đây là khoản hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ/chồng (căn cứ Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP)
Như vậy, dựa vào những phân tích trên đây là những căn cứ trên thực tế, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để xác định đây là tài sản chung hay tài sản riêng, làm cơ sở để phân chia di sản thừa kế.
Có thể thừa kế theo pháp luật phần tiền gửi ngân hàng của người chết không để lại di chúc hay không?
Có thể thừa kế theo pháp luật phần tiền gửi ngân hàng của người chết không để lại di chúc hay không? (Hình từ Internet)
Do bố bạn mất mà không để lại di chúc chia di sản thừa kế, bao gồm cả số tiền trong tài khoản ngân hàng nên toàn bộ di sản thừa kế đó sẽ được theo chia theo pháp luật.
Tại Điều 649, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định liên quan đến trường hợp thừa kế di sản theo pháp luật như sau:
"Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định."
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Theo đó, bạn và mẹ bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất
Trường hợp xác định hàng thừa kế thứ nhất không có ai khác ngoài bạn và mẹ bạn thì phần di sản hai người được nhận là ngang bằng nhau (chia đôi)
Theo phân tích ở mục 1, có thể chia làm hai trường hợp:
(1) Phần tiền gửi tiết kiệm là tài sản riêng của bố bạn
Trong trường hợp này, bạn và mẹ bạn được hưởng phần di sản thừa kế là tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng với mức ngang bằng nhau.
(2) Phần tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của bố và mẹ bạn
Lúc này, phần di sản được chia thừa kế là 1/2 số tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Do đó, bạn và mẹ bạn mỗi người được thừa kế 1/2 của 1/2 số tiền gửi tiết kiệm nói trên.
Đồng thời, 1/2 phần tiền gửi tiết kiệm còn lại là phàn tài sản của mẹ bạn.
Mẹ và con có bình đẳng trong mối quan hệ thừa kế di sản của bố để lại hay không?
Căn cứ Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
"Điều 610. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật."
Như vậy, trước mối quan hệ thừa kế di sản theo pháp luật do người bố mất đi để lại, mẹ và con đều cùng ở hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ bình đẳng về quyền hưởng di sản theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?