Cổ phiếu phổ thông là gì? Người sở hữu cổ phiếu phổ thông có những quyền gì theo quy định hiện nay?
Cổ phiếu phổ thông là gì?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 giải thích thì Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Và theo Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có giải thích cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Hiện nay không có văn bản nào quy định trực tiếp thế nào là cổ phiếu phổ thông, tuy nhiên qua định nghĩa về cổ phiếu ở trên thì chúng ta có thể hiểu:
Cổ phiếu phổ thông (Common stock) hay cổ phiếu thường là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần phổ thông của công ty đó.
Cổ phiếu phổ thông cũng là một chứng khoán đại diện cho quyền sở hữu trong một công ty cổ phần. Các cổ đông sở hữu cổ phiếu này có thể tự do chuyển nhượng, có đầy đủ quyền biểu quyết đối với các quyết định của công ty tại Đại hội cổ đông và được hưởng cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh và giá trị cổ phiếu họ sở hữu.
Cổ phiếu phổ thông sẽ được báo cáo đầy đủ trong phần vốn chủ sở hữu của cổ đông trên bảng cân đối kế toán của công ty.
Cổ phiếu phổ thông (Hình từ Internet)
Người sở hữu cổ phiếu phổ thông có những quyền gì?
Theo như phân tích ở trên thì cổ phiếu phổ thông là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần phổ thông của công ty đó. Mà người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông do đó có thể hiểu người sở hữu cổ phiếu phổ thông là cổ đông phổ thông của công ty này.
Do đó, người sở hữu cổ phiếu phổ thông có những quyền được quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 cụ thể:
Quyền của cổ đông phổ thông
1. Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:
a) Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:
a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
b) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
d) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
b) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
4. Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3 Điều này phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:
a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
6. Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Mệnh giá cổ phiếu phổ thông chào bán ra công chúng là bao nhiêu?
Mệnh giá cổ phiếu phổ thông chào bán ra công chúng được quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2019 như sau:
Mệnh giá chứng khoán
...
2. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng. Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng.
3. Trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.
Theo đó, mệnh giá cổ phiếu phổ thông chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng. Trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Hưng Yên? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Hưng Yên chi tiết?
- Năm cá nhân số 5 năm 2025 có ý nghĩa gì? Hành vi xem thần số học có phải là mê tín dị đoan không?
- Điểm bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Ninh Bình? Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 Ninh Bình chi tiết?
- Bài phát biểu gặp mặt đầu xuân 2025? Mẫu bài phát biểu gặp mặt đầu xuân 2025 hay, ngắn gọn?
- Mẫu thỏa thuận liên danh thuộc E HSMST dự án PPP theo Thông tư 15 là mẫu nào? Tải về mẫu thỏa thuận liên danh?