Cha mẹ giữ tiền lì xì của con thì có thể bị xử lý như thế nào? Và có quyền sử dụng tiền lì xì của con cho mục đích riêng hay không?

Dịp tết thì trẻ em thường hay được người lớn lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ lại hay giữ tiền lì xì của của trẻ, "để mẹ giữ giùm cho" chắc không còn quá xa lạ gì. Vậy cho hỏi cha mẹ có được dùng tiền lì xì của con để sử dụng cho mục đích riêng hay không? "Để mẹ giữ giùm cho" có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Tiền lì xì của con có phải là tài sản riêng hay không?

Theo khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền có tài sản riêng của con như sau:

"1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.
3. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này."

Như vậy, tiền người khác lì xì cho trẻ là tài sản riêng của trẻ và được pháp luật bảo vệ.

Cha mẹ giữ tiền lì xì của con thì có thể bị xử lý như thế nào?

Cha mẹ giữ tiền lì xì của con thì có thể bị xử lý như thế nào?

Cha mẹ có quyền sử dụng tiền lì xì của con cho mục đích riêng hay không?

Theo Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc quản lý tài sản riêng của con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con, cụ thể như sau:

"1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự."

Và tại Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau:

"1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện."

Căn cứ các quy định nêu trên, trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng (bao gồm tiền lì xì). Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con).

Cha mẹ giữ tiền của con có thể bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi bạo lực về kinh tế được quy định như sau:

"Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống."

Cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con (không được con đồng ý) phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con) có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng về lỗi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

Tiền lì xì
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Cha mẹ giữ tiền lì xì của con thì có thể bị xử lý như thế nào? Và có quyền sử dụng tiền lì xì của con cho mục đích riêng hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tiền lì xì
12,374 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Tiền lì xì

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tiền lì xì

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào