Cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan Ủy ban Dân tộc phải có thái độ và tinh thần làm việc như thế nào?
Cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan Ủy ban Dân tộc phải có thái độ và tinh thần làm việc như thế nào?
Theo quy định tại Điều 4 Quy chế văn hóa công sở của cơ quan Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 370/QĐ-UBDT năm 2022 quy định về tinh thần, thái độ làm việc như sau:
Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan Ủy ban Dân tộc phải ý thức về trách nhiệm, bổn phận của người thi hành công vụ như sau:
- Sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; tránh làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
- Tôn trọng và tận tụy phục vụ, không được gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân.
- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để làm lợi cho bản thân, chủ động xin thôi chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
Cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan Ủy ban Dân tộc phải có thái độ và tinh thần làm việc như thế nào? (Hình từ Internet)
Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan Ủy ban Dân tộc được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 5 Quy chế văn hóa công sở của cơ quan Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 370/QĐ-UBDT năm 2022 quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử như sau:
- Trong giao tiếp công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan Ủy ban Dân tộc phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của công dân hoặc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dưới cơ sở; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực.
Thực hiện nghiêm túc “4 xin, 4 luôn”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.
- Đối với đồng nghiệp: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải có thái độ trung thực, cởi mở, thân thiện, tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan.
- Đối với lãnh đạo cấp trên: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự lãnh đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.
Cán bộ, công chức, viên chức là gì?
Cán bộ được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì:
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm
+ Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
+ Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
+ Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?