Xử phạt hành chính đối với hành vi cầm cố tài sản có được do trộm cắp quy định như thế nào? Người biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác thì xử lý như thế nào?
Hành vi nhận cầm cố tài sản có được do trộm cắp bị xử phạt hành chính không?
Căn cứ theo điểm b khoản 5, điểm b, điểm đ khoản 6 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
...
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
b) Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và q khoản 3; điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
...
đ) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này."
Theo đó, nhận cầm cố tài sản do trộm cắp hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng.
Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cầm cố tài sản (Hình từ Internet)
Hành vi nhận cầm cố tài sản biết rõ do trộm cắp mà có có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
"Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Theo đó, người nào không hứa hẹn trước mà tiêu thụ tài sản, nhận cầm cố tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có những hình thức xử phạt tương ứng nêu trên.
Như vậy, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính thì người nhận cầm cố tài sản do trộm cắp mà có cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Người biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác thì xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
"Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
"Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt."
Theo đó, người nào biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt như thế nào?
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 đã quyết nghị lấy ngày 3 2 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Mừng thọ 70 tuổi gọi là gì? Cách tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi theo Thông tư 06 chi tiết, cụ thể?
- Mẫu Đơn đề nghị hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe mới nhất hiện nay? Trường hợp nào hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe?
- Mẫu Quy chế làm việc của chi ủy chi bộ cơ sở mới nhất là mẫu nào? Chi ủy, chi bộ cơ sở họp thường lệ mấy tháng một lần?