Xe ô tô cứu thương có phải xe chuyên dùng hay không? Định mức sử dụng xe cứu thương cụ thể là bao nhiêu, do ai quy định?
Xe ô tô cứu thương có phải xe chuyên dùng hay không?
Xe cứu thương có phải xe ô tô chuyên dùng hay không?
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định:
“1. Xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, gồm: xe ô tô cứu thương, xe ô tô khác có kết cấu đặc biệt hoặc gắn thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.”
Như vậy, xe ô tô cứu thương được xem là xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.
Pháp luật quy định như thế nào về định mức sử dụng xe ô tô cứu thương?
Khoản 1 Điều 4 Thông tư 7/2020/TT-BYT quy định về định mức sử dụng xe ô tô cứu thương như sau:
(1) Đối với cơ quan, đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh.
- Dưới 50 giường bệnh được định mức 01 xe.
- Từ 50 giường bệnh đến dưới 100 giường bệnh được định mức 02 xe.
- Từ 100 giường bệnh đến dưới 200 giường bệnh được định mức 03 xe.
- Từ 200 giường bệnh đến dưới 300 giường bệnh được định mức 04 xe.
- Từ 300 giường bệnh trở lên, nếu tăng thêm 150 giường bệnh thì định mức được thêm 01 xe.
(2) Trường hợp các cơ sở khám, chữa bệnh có nhu cầu trang bị xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt thì việc xác định tiêu chuẩn, định mức xe ô tô cứu thương căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 4 Thông tư này.
(3) Đối với cơ quan, đơn vị có chức năng chuyên cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh:
Việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô cứu thương căn cứ vào nhu cầu, quy mô dân số, vị trí địa lý và thống kê số lượt cấp cứu, vận chuyển người bệnh trong 03 năm gần nhất để làm cơ sở đề xuất định mức báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định trên nguyên tắc bảo đảm số lượng phù hợp gắn với việc đầu tư, sử dụng hiệu quả xe ô tô.
Quy định về định mức xe ô tô cứu thương khác nhau đối với mỗi cơ quan, đơn vị, sao cho phù hợp với số lượng giường bệnh của mỗi cơ quan, quy mô dân số, vị trí địa lý và số lượng thống kê lượt cấp cứu, vận chuyển người bệnh ở từng khoảng thời gian gần nhất.
Ai có thẩm quyền quy định định mức sử dụng xe ô tô cứu thương?
Về thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, cụ thể đối với xe ô tô cứu thương được quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 04/2019/NĐ-CP như sau:
“1. Đối với xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này
a) Bộ Y tế quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính;
b) Căn cứ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm a khoản này, Bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức (đối tượng sử dụng, chủng loại, số lượng, mức giá) sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) ban hành tiêu chuẩn, định mức (đối tượng sử dụng, chủng loại, số lượng, mức giá) sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Riêng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, căn cứ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm a khoản này, người đứng đầu đơn vị ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng (đối tượng sử dụng, chủng loại, số lượng, mức giá) tại đơn vị.”
Quy định chi tiết của Bộ Y tế về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 7/2020/TT-BYT cụ thể như sau:
"Điều 6. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế
1. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (sau đây gọi tắt là Nghị định số 04/2019/NĐ-CP).
2. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này; phê duyệt điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức khi các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng xe ô tô chuyên dùng vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt.
b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế của đơn vị mình, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Y tế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.”
Ngoài ra, việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng cần phải tuân theo nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Thông tư 7/2020/TT-BYT như sau:
“Điều 2. Nguyên tắc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế.
1. Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế phải bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của Thông tư này.
2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác quy định tại Thông tư này được sử dụng làm căn cứ để:
a. Lập kế hoạch và dự toán ngân sách;
b. Giao, mua sắm, bố trí, khoán kinh phí sử dụng, thuê dịch vụ;
c. Quản lý, sử dụng và xử lý xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế.”
Theo đó, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế cần đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên nhằm đảm bảo nguồn tài sản công được sử dụng một cách hợp lý, tránh lãng phí.
Trên đây là một số thông tin về định mức sử dụng và thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô cứu thương. Việc sử dụng loại xe ô tô chuyên dùng này cần đảm bảo sao cho phù hợp với nguồn tài sản công hiện có, tránh gây lãng phí đối với nguồn ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở? Hội đồng an toàn vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chủ chương trình và Ban quản lý chương trình dự án đầu tư công có trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng như thế nào?
- Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước gồm những ai? Trưởng Đoàn kiểm toán được cho phép thành viên nghỉ làm việc mấy ngày?
- Quyết định thi hành án treo cần phải ghi rõ những nội dung nào? Cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm gì?
- Mẫu bảng kê sản phẩm gỗ xuất khẩu mới nhất là mẫu nào? Tải về Mẫu bảng kê sản phẩm gỗ xuất khẩu tại đâu?