Xe buýt kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng điều kiện nào? Có phải niêm yết giá vé xe trên xe không?
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải đáp ứng điều kiện nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải đáp ứng các điều kiện sau:
"2. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
b) Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
c) Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ."
Tại Điều 29 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định đối với xe buýt như sau:
"1. Phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
2. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
3. Có phù hiệu “XE BUÝT” theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này. Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe."
Để xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt cần phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
Kinh doanh vận tải hành khách (Hình từ Internet)
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có phải niêm yết giá vé xe trên xe không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT về niêm yết thông tin đối với xe buýt như sau:
"4. Niêm yết thông tin:
a) Niêm yết bên ngoài xe:
Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm;
Hai bên thành xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Niêm yết bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; số điện thoại di động đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách;
c) Bên trong xe có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm ở vị trí hành khách dễ quan sát, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; biển cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố."
Giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định được niêm yết hai bên thành xe và niêm yết bên trong xe theo quy định nêu trên.
Như vậy, trường hợp anh muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì phải niêm yết giá vé (giá cước) xe đã khai theo mẫu trước đó trên xe.
Điểm đầu điểm cuối của tuyến xe buýt được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 30 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT như sau:
"Điều 30. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt, Lệnh vận chuyển
1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt
a) Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông;
b) Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;
c) Có nhà chờ cho hành khách.
5. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải được xây dựng đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng."
Theo đó, điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông, có bảng thông tin các nội dung cụ thể nêu trên và có nhà chờ cho hành khách.
Đặc biệt, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải được xây dựng đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hóa đơn điện tử bị sai nội dung hàng hóa chưa gửi cho người mua thì xử lý như thế nào? Các bên sử dụng thông tin hóa đơn điện tử?
- Đi tù về có được vay vốn ngân hàng theo Quyết định 22 hay không? Thời hạn cho vay là bao nhiêu lâu?
- Cách viết đơn xin giao đất mới nhất theo Nghị định 102? Diện tích đất tính tiền sử dụng đất được quy định thế nào?
- Mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm của DN sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay?
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?