Vừa hết hạn nghỉ chế độ ốm đau, mà người còn yếu muốn xin nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe có được không?
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định pháp luật
Tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Chế độ ốm đau
Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định như thế nào?
Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:
- Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
+ Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
+ Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
+ Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Vừa hết hạn nghỉ chế độ ốm đau, mà người còn yếu muốn xin nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe có được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể nhưi sau:
"Điều 29. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở."
Bên cạnh đó, căn cứ tại Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) quy định:
“Điều 7. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 11: Ông Ph đang tham gia bảo hiểm xã hội theo chức danh nghề nặng nhọc, tính đến hết tháng 7/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau (bệnh không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được 35 ngày, sau khi đi làm trở lại được một tuần thấy sức khỏe còn yếu, ông Ph được công ty quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Tháng 9/2016, ông Ph bị ốm đau phải phẫu thuật, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 07 ngày thì quay trở lại làm việc nhưng sức khỏe chưa phục hồi.
Trường hợp ông Ph tính đến thời điểm tháng 9/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau (ốm đau không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được 05 ngày. Do vậy, khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau phải phẫu thuật mà sức khỏe chưa phục hồi thì ông Ph được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau với thời gian tối đa là 02 ngày (dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau do phải phẫu thuật tối đa là 07 ngày nhưng trước đó ông Ph đã nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau là 05 ngày).
1a. Thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa trong một năm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm được căn cứ theo lần nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc ốm đau do phải phẫu thuật hoặc ốm đau khác)."
Như vậy, nếu Anh nghỉ số ngày nghỉ ốm đau trong năm là 30 ngày mà sức khỏe chưa phục hồi thì trong thời hạn 30 ngày đầu quay lại làm việc có thể xin công ty cho nghỉ hưởng dưỡng sức ốm đau được từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm. Khi công ty đồng ý và quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức thì lúc đó người lao động (NLĐ) mới có thể nghỉ và được chi trả chế độ dưỡng sức sau ốm đau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thanh tra thuế là gì? Được gia hạn thời hạn thanh tra thuế trong các trường hợp nào theo quy định?
- Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
- Quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền Mẫu 9-KNĐ? Xây dựng, thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên ở chi bộ thế nào?
- Thông tin người nộp thuế là thông tin do người nộp thuế cung cấp hay do cơ quan thuế thu thập được?
- Giáo viên chủ nhiệm có được tham dự các cuộc họp của Hội đồng kỷ luật học sinh? Giáo viên có được làm chủ tịch Hội đồng kỷ luật học sinh?