Việc lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương dựa trên những căn cứ nào? Yêu cầu về việc lập dự toán ngân sách địa phương là gì?
Cơ quan nào có quyền lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương?
Theo khoản 1 Điều 5 Quy chế Lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm ban hành kèm theo Nghị định 31/2017/NĐ-CP quy định về lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương như sau:
Lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương
1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (cấp huyện và cấp xã lập dự toán thu ngân sách nhà nước đối với những khoản thu được phân cấp quản lý), dự toán thu, chi ngân sách địa phương (đối với cấp tỉnh và cấp huyện gồm ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới).
...
Theo quy định trên, cơ quan có quyền lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương là Ủy ban nhân dân các cấp.
Trong đó Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã lập dự toán thu ngân sách nhà nước đối với những khoản thu được phân cấp quản lý.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì sẽ lập báo cáo dự toán ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới.
Ngân sách địa phương (Hình từ Internet)
Việc lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương dựa trên những căn cứ nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 31/2017/NĐ-CP về căn cứ lập dự toán ngân sách địa phương như sau:
Lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương
...
2. Căn cứ lập dự toán ngân sách địa phương:
a) Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bình đẳng giới;
b) Chính sách, chế độ thu ngân sách nhà nước, định mức phân bổ ngân sách và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách;
c) Kế hoạch tài chính 05 năm địa phương và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương (đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương;
d) Tình hình thực hiện ngân sách địa phương năm hiện hành;
đ) Nhiệm vụ thu, chi ngân sách cấp trên giao; nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách được phân cấp; báo cáo dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình, địa phương cấp dưới trực tiếp;
e) Các căn cứ khác theo quy định tại Điều 41 Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.
...
Theo đó, việc lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương sẽ dựa trên những căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 5 nêu trên.
Yêu cầu về việc lập dự toán ngân sách địa phương là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 31/2017/NĐ-CP quy định về yêu cầu lập dự toán ngân sách địa phương như sau:
Lập báo cáo dự toán ngân sách địa phương
...
3. Yêu cầu lập dự toán ngân sách địa phương:
a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phải căn cứ vào dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng của địa phương và các chỉ tiêu liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí, chế độ thu ngân sách và tổng hợp theo từng khoản thu.
b) Dự toán chi ngân sách địa phương tổng hợp theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực, chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong đó:
- Dự toán chi đầu tư phát triển được lập trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, khả năng cân đối các nguồn lực trong năm dự toán;
- Dự toán chi thường xuyên được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- Dự toán chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ bảo đảm không thấp hơn dự toán cấp trên giao;
- Dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được lập căn cứ vào danh mục, tổng mức kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn do Quốc hội quyết định, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và chi tiết các dự án thành phần đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia;
- Dự toán chi trả nợ lãi vay được lập trên cơ sở bảo đảm trả các khoản lãi vay đến hạn của năm dự toán ngân sách; vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương phải căn cứ vào cân đối ngân sách địa phương, khả năng từng nguồn vay, khả năng trả nợ và trong giới hạn vay nợ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
c) Dự toán ngân sách các cấp được lập theo đúng biểu mẫu, thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
...
Như vậy, yêu cầu về việc lập dự toán ngân sách địa phương là:
+ Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phải căn cứ vào dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng của địa phương và các chỉ tiêu liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí, chế độ thu ngân sách và tổng hợp theo từng khoản thu.
+ Dự toán chi ngân sách địa phương tổng hợp theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực, chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương tiện đo nhóm 2 không có quy trình kiểm định thì có chuyển sang hiệu chuẩn thay thế được không?
- Chức năng của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là gì? Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng nghệ thuật?
- Chính quyền địa phương ở thị trấn là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn?
- Khi Nhà nước thu hồi đất, chủ sở hữu cây trồng được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước không?
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?